Phát triển 'cây làm giàu' cho người dân biên giới Lai Châu

Mấy năm gần đây, người dân các xã vùng biên huyện Phong Thổ tích cực tham gia trồng sâm Lai Châu với khát vọng làm giàu.

Sâm Lai Châu - Dược liệu quý

Sâm Lai Châu là loại cây dược liệu quý của tỉnh đã được các chuyên gia nghiên cứu và khẳng định có hàm lượng saponin phong phú trong các mẫu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% - 27%, với 52 loại hoạt chất quý hiếm. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc như: cầm máu, chống stress; kích thích tiêu hoá, an thần, nhất là chỉ số chất MR2 chống ung thư khá cao.

Đặc biệt hơn, giá trị kinh tế của loại cây này rất cao, 1 kg sâm tươi có giá trung bình 20 triệu đồng, 1 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng. Độ tuổi càng cao, sâm Lai Châu càng được giá, được ví như cây “ngàn vàng” của tỉnh. Vì vậy, mấy năm gần đây, người dân các xã vùng biên huyện Phong Thổ tích cực tham gia trồng sâm Lai Châu với khát vọng “làm giàu”.

Theo các hộ dân, kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Lai Châu đơn giản, nhưng chi phí đầu tư cho vùng trồng rất lớn, từ việc mua cây giống, xây dựng nhà lưới, đường ống nước, hàng rào. 1 ha trồng sâm Lai Châu có chi phí đầu tư lên tới vài tỷ đồng.

Anh Tẩn Sài Phạ - bản Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ cho biết: "Thấy cây sâm có giá trị kinh tế cao, vừa làm thuốc quý, chúng tôi nhân rộng làm mô hình trồng thử, thấy tốt. Hiện tại, chúng tôi đã trồng được 3.000 m2 giống sâm Lai Châu".

Còn theo ông Tẩn Chin Lùng – Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thấy cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, chính quyền cũng muốn tập trung làm dự án hỗ trợ bà con để nhân giống phát triển kinh tế xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Trên địa bàn hiện tại đã có hơn 10 hộ trồng sâm Lai Châu, nhân giống từ cây mẹ do địa phương khai thác. Qua thống kê, xã có 0,55 ha. Trong thời gian tới, xã sẽ tuyên truyền, vận động bà con lấy cây giống, nhân rộng, phát triển ra các hộ khác. Đồng thời tập huấn cho các hộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Phát triển 'cây làm giàu' cho người dân biên giới Lai Châu ảnh 1

Hình ảnh sâm của HTX Biên Cương, xã Mồ Sì San và các hộ dân ở xã.

Tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín

Để phát triển vùng trồng sâm Lai Châu xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; góp phần thực hiện hoá ước mơ “thoát nghèo” và khát vọng “làm giàu” của người dân vùng biên, tỉnh Lai Châu đã ban hành những chính sách về hỗ trợ giống, bảo tồn các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ HTX nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết; chính sách thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Tại huyện Phong Thổ đã và đang thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh vào đầu tư liên kết với các hộ dân nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ đầu vào cho đến bao tiêu sản phẩm. Từ đó nâng cao giá trị kinh tế, lợi ích giữa các bên. Đặc biệt là thay đổi nhận thức, tư duy của người dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền các xã vùng cao huyện Phong Thổ - nơi có nhiều diện tích thích hợp cho trồng cây sâm Lai Châu quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con đầu tư vào “cây xoá đói, giảm nghèo”; chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Bảo Trung – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ thông tin: Đối với huyện Phong Thổ, diện tích hơn 100.000 ha, trong đó hơn 44.000 ha đất lâm nghiệp có rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng trên 44%. Đối với diện tích có độ cao phù hợp cho trồng sâm Lai Châu khoảng hơn 5.000 ha. Hiện nay đã có 1 số nhà đầu tư vào đầu tư trồng sâm ở xã Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Nậm Xe, Dào San. Các mô hình đã triển khai, cây sâm sinh trưởng và phát triển tốt có tiềm năng phát triển. Huyện cũng đang kêu gọi, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư vào liên kết cùng với người dân để phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Phong Thổ.

Tính đến nay, toàn huyện Phong Thổ đã phát triển vùng trồng sâm Lai Châu tại 7 xã biên giới có quy mô gần 10 ha, với sự tham gia của trên 40 hộ dân, 4 doanh nghiệp, HTX vào đầu tư liên kết trồng như: HTX Biên Cương, HTX Vàng Ma Chải, HTX Thuận Phát.