Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn nước ta. Đặc biệt, nhiều vùng nông thôn đã có cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là ở các làng nghề truyền thống trên khắp đất nước.

Khi phát triển du lịch, các khu vực nông thôn sẽ có thêm nguồn lực tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nhanh, bền vững hơn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa gốc của nông thôn.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo.

Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam.

Có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch canh nông Đà  Lạt (Lâm Đồng); tour tham quan, khám phá đời sống ngư dân, các trang trại sản xuất thanh long ở Bình Thuận.

dl-1634124743.jpg

Tỉnh Ninh Thuận có tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nhi, vườn táo, trang trại dê, cừu. Tour khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước Cửu Long như du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa kiểng miền Tây…

Theo báo cáo từ một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp nông thôn ngày một tăng. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng nhìn nhận, dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp.

Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu.

Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Hiện đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông qua đề án này, các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế của du lịch nông thôn, từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn giai đoạn tới, phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần đạt mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới bền vững.

Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững…