Cây đổ hàng loạt sau cơn dông: Quy trách nghiệm do ông...trời

PV
Chỉ sau một cơn dông bất ngờ kéo dài trong khoảng 30 phút, hơn 1300 cây xanh Hà Nội đã bị đổ gục khiến dư luận không thể không đặt ra những câu hỏi: Liệu có dấu hiệu bất thường nào trong quy trình trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh ở Hà Nội?. ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ với KH&ĐS.

LÀM RÕ BẤT THƯỜNG

PV: Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội vừa gãy đổ sau một cơn dông chỉ kéo dài 30 phút, theo ông điều này có bất thường không?

Việc cây xanh đổ gãy vừa dấy lên mối lo ngại an toàn của người dân khi ra đường trong mùa mưa bão. Nên việc này dẫu không có bất thường cũng thu hút sự quan tâm không chỉ của người làm công tác chuyên môn mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội.

vxn11-1658973038.jpg
Nhà báo Vương Xuân Nguyên

PV: Dưới góc nhìn chuyên môn, ông lý giải thế nào? Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan góp phần tác động khiến cây đổ khi gặp một cơn dông hoặc bão mạnh. Những nguyên nhân chủ quan như việc cắt sửa tạo tán, không chế chiều cao của cây được thực hiện chưa đúng kỹ thuật; chăm sóc và quản lý cây xanh chưa theo đúng quy trình kỹ thuật; lựa chọn các loại cây có đặc điểm sinh thái chưa phù hợp với yêu cầu ngoại cảnh đô thị...

Sau cơn dông đi qua, chính tôi cũng đi một quan sát và thấy khá ngỡ ngàng bởi có những gốc phượng to đùng, tán rộng tràn hết cả một đoạn phố mà khi bật gốc lên mới thấy, phần rẽ cây gần như không có gì, gốc quá nông? Cây trồng quá nông, cây trồng nhiều năm mà vẫn còn giá thể phụ chống vỡ bầu trong quá trình vận chuyển hay việc lựa chọn một số chủng loại cây xanh chưa phù hợp khiến cây không phát triển bình thường, cây “chột” ở nhiều tuyến phố nên dễ bị đổ khi có gió bão. Điều dễ thấy nhất trong cơn dông vừa qua là cây đổ nhiều chủ yếu là cây mới trồng, không phải cây lâu năm.

PV: Cây mới trồng thì nguy cơ gãy đổ nhiều hơn?

Cái này thì phải có thống kê, kết luận chính xác vì nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì không phải thế. Tôi được biết hàng năm, ngân sách dành cho công tác duy trì chăm sóc cây xanh thường xuyên khá lớn, với các hạng mục chi tiết như quét vôi gốc cây, gỡ phụ sinh cây bóng mát, cắt sửa cây chống bão, tạo tán cho cây phát triển và đảm bảo an toàn cho con người và phương tiện...Nên những việc có liên quan nếu chưa có giải thích thỏa đáng sẽ khiến người dân không khỏi băn khoăn về hiệu quả đầu tư cho công tác này.

MẤT HÀNG CHỤC TRIỆU ĐỒNG ĐỂ DỌN BỎ 1 CÂY XANH CHẾT

PV: Như ông vừa nói, chi phí duy trì một cây xanh không phải là nhỏ, cụ thể là thế nào?

Theo định mức duy trì cây xanh dùng chung cho cả TP Hà Nội trong đó có chi phí dành cho các công đoạn chăm sóc rất cụ thể, phụ thuộc vào đường kính của từng loại cây.

Theo đó khung bảng giá ở vùng 1 Hà Nội (vùng Hà Nội khi chưa sát nhập với Hà Tây) có thể đưa ra một số ví dụ như chi phí dành cho cắt sửa cây xà cừ, đường kính 15 – 40cm là 1.770.800đồng/cây/năm. Cắt sửa cây xà cừ có đường kính trên 120cm là 12.662.159 đồng/cây/năm. Giải tỏa cành cây gãy có đường kính 15 – 40cm có giá 232.104đồng/cây, cây có đường kính trên 120cm có giá là 1.308.290 đồng. Chặt hạ cây xà cừ có mức giá dao động từ 2.849.179 đồng đến 23.686.011 đồng/cây. Rồi chi phí đào gốc, bốc xếp vận chuyển... Nghĩa là một cây xanh bị gãy đổ hoặc phải chặt hạ do một nguyên nhân nào đó, có thể phải đầu tư hàng chục triệu đồng để dọn dẹp.

PV: Những con số không hề "rẻ" nếu làm phép tính hơn 1.300 cây xanh với hàng chục triệu đồng/cây?

Nhiều người rất tâm tư về việc đầu tư tiền ngân sách để những người thực thi cắt sửa, bảo vệ cây, phòng tránh bão, thế khi người ta không bảo vệ được, không phòng tránh được thì sao?

Cây đổ gây ra hư hại tài sản thì có được xem xét bồi thường nếu phát hiện có nguyên nhân chủ quan hay quy toàn bộ cho thiên tai?

PV: Tôi thấy ở các nước phát triển, cầy cây gãy đổ vào nhà là Nhà nước phải bồi thường cho người dân?

Ở nhiều nước, cơ chế này rất rõ ràng. Người dân với tư cách là người nộp thuế sẽ được hưởng các dịch vụ công ích một cách trọn vẹn và được bảo hiểm trước mọi rủi ro. Còn ở ta, ai là người phải có trách nhiệm cuối cùng về những việc này?

PV: Vậy thì trong những câu chuyện "thiên tai" kiểu như thế này, chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng "quy trách nhiệm cho ông trời"?

Cần có cơ quan phản biện độc lập, có chức năng giám sát và phản biện xã hội hiệu quả hơn, nhất là việc chuyên môn cụ thể như việc thực hiện trồng cây gì, trồng thế nào, chọn cây ra sao... thì mới khắc phục kịp thời được. Nên xã hội hóa các dịch vụ công ích, thu hút sự quan tâm của cộng đồng cùng tham gia công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh và giám sát các dịch vụ công ích.

MINH BẠCH VÀ GIÁM SÁT DỊCH VỤ CÂY XANH

PV: Cũng nhiều người đặt câu hỏi về việc các loại cây trồng đô thị hiện nay dường như chưa được tính toán xem có phù hợp với điều kiện đặc thù ở đô thị không?

Khi xem xét trồng cây gì cũng phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể và có tính toán dài hạn, không nên để xảy ra tình trạng làm tuyến đường này, ngân sách cho cây xanh có thế này, tuyến đường kia lại chỉ có thế kia, rất rời rạc, cây cối không theo quy hoạch. Các cơ quan chuyên môn cũng cần nghiên cứu phân tích hiệu quả xã hội khi lựa chọn các loại cây trồng có rễ phát triển nhanh, ít bị sâu mọt, gãy cành trong mùa mưa bão nhưng có nhược điểm là ảnh hưởng xấu đến hạ tầng kỹ thuật do rễ cây mang lại như cây xà cừ hay lựa chọn cây bóng mát có hoa thường có bộ rễ yếu và rất dễ bị sâu đục thân, dễ bị gãy cành trong mùa bão như cây phượng, cây muồng, băng lăng...

PV: Để có một quy hoạch tổng thể, toàn diện về cây xanh ở Hà Nội, theo ông cần phải làm gì?

Tôi cũng đồng tình với quan điểm của nhiều người khi cho rằng: cần phải xem xét quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý cây xanh, ý thức chấp hành quy trình trong từng vụ việc cụ thể . Cần phải nghiên cứu tuyển chọn chủng loại cây xanh cho phù hợp, đánh giá hiệu quả công tác này. Làm rõ các câu hỏi liệu công tác này có liên quan đến lợi ích của ai đó hay sao mà những lỗ hổng trong quy trình chỉ khi đã hiển hiện, dư luận bức xúc thì mới vào cuộc xem xét giải quyết?

PV: Đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc về vấn đề cây xanh, theo ông vì đâu mà nên nỗi ấy?

Có lẽ chúng ta chưa phản ứng đủ nhanh, khắc phục chưa kịp thời những lỗi xuất hiện trong quy trình hay vai trò của người dân trong giám sát và kiểm tra còn hạn chế quá? Thực tế cho thấy ít có một quy trình nào hoàn thiện đến mức không có lỗi xảy ra trong quá trình thực hiện. Hiện tượng cây bị chặt và cơn dông tàn phá cây có thể nằm ở mối quan hệ con người với các “lỗi quy trình” nào đó? Sửa nó, chỉ bằng cách thẳng thắn, mạnh dạn lấp đầy các lỗ hổng ấy.

PV: Xin cảm ơn ông!