Ngày 19/9, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị tuyên truyền về Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 10 chủ thể với 28 sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2023.
Theo đó, để tiếp tục khẳng định vị thế sản phẩm địa phương qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, ông Nguyễn Thiên Văn đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho các sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP của các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2024 theo quy định.
Với 145 chủ thể sản phẩm OCOP, trong đó, doanh nghiệp chiếm 35,86%, hợp tác xã chiếm 23,45% và cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh chiếm 40,69%. Các sản phẩm đạt 4 sao đều có tiềm năng để hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp chất lượng đạt chuẩn 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường quốc tế như cà phê, ca cao, mắc ca...
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, đây là dịp để cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, đại diện doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh cập nhật những nội dung mới, thực hiện chương trình OCOP hiệu quả và bền vững.
“Hy vọng với những thông tin quan trọng, hữu ích tại hội nghị này, sẽ thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh phát triển đúng hướng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần thiết thực vào thành công của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk”, ông Dương nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới… Qua Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Dương cho biết, qua thời gian triển khai cho thấy, các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Ngoài ra, quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, hiện nay rất cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho chương trình.
Theo ông Văn, sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tạo làn gió mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.
Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử. Thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới là các sản phẩm chủ lực, đặc sản truyền thống của các địa phương...