Ngày 16/3/1884, sau trận phục kích chặn đánh đạo quân của Thiếu tướng Brie đờ Linlơ tại Đức Lân (Thái Nguyên), Thủ lĩnh Lương Văn Nắm – tức Đề Hả cùng Phó thủ lĩnh Đỗ Văn Hùng – tức Đề Sặt, đôi bạn gắn kết và được tôi luyện qua cuộc chiến chống Thanh phỉ đã làm lễ tế cờ tại sân đình làng Thế Lộc (tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế – nay là Đình Hả, thuộc xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) chính thức phát động nhân dân địa phương đứng dậy chống giặc Pháp.
Sử sách gọi đây là Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bởi trong khoảng hai năm 1884 – 1885, Đề Hả – Đề Sặt chỉ tập hợp được dưới ngọn cờ của mình những nhóm vũ trang tự phát trong vùng với khoảng 60 tay súng thường trực, chừng hơn 400 người khác khi có lệnh mới rời bỏ cày cuốc đến tập hợp.
Thế nhưng sách Lịch sử quân sự xứ Đông Pháp (Histoire militaire de l’Indochine française) phải thốt lên rằng: Đề Hả – Đề Sặt đã tổ chức vùng Yên Thế và lập ra ở đây những pháo đài thật sự.
Kể từ cuối năm 1885, khởi nghĩa Yên Thế trở thành phong trào Yên Thế khi nó là trung tâm chỉ đạo với sức hút mạnh mẽ đối với các cuộc khởi nghĩa Tam Đảo của Đề Công – Đề Nguyên, Bảo Lộc của Cai Biều – Tổng Bưởi và nhất là với toán vũ trang của Thống Phức. Đề Thám vừa rời căn cứ Cai Kinh về quê nhà lập ra Quân thứ Song Yên trên đất Yên Thế – Yên Dũng.
Mặc dù sau hội nghị Dĩnh Thép (ngày Rằm tháng Bảy năm Mậu Tý – tức 22/8/1888), Đề Hả lui xuống hàng Phó tướng và đứng sau Chánh tướng Thống Phức nhưng tính đến đầu năm 1892, mọi chiến công vẫn được thừa nhận là thời kỳ Đề Hả – Đề Sặt.
Nghĩa quân tiếp tục đối đầu với các đạo quân Pháp dưới sự chỉ huy của các Thiếu tướng Godin (10/1890 và 12/1890), Thiếu tướng Voyron (3/1892), Đại tá Frey cùng nhiều trung tá, thiếu tá có tên tuổi trong trận mạc cũng như viên đại thần chuyên dẹp loạn Hoàng Cao Khải.
Hiệu quả kỳ diệu của hệ thống làng chiến đấu khiến giới quân sự Pháp phải bàng hoàng thốt lên: “Đã từ lâu vùng thượng Yên Thế nằm trong tay một số thủ lĩnh phiến loạn. Đóng trong một vùng vô cùng thích hợp chiến tranh du kích nhưng toán quân của họ không ngừng phát triển. Toán chính theo lệnh của Đề Hả, chiếm đóng tất cả các vùng phía Bắc Tỉnh Đạo. Những sào huyệt chính đóng ở làng Dương Sặt (làng quê của Đề Sặt) và Thế Lộc (làng quê của Đề Hả)”.
Từ ngày 21/8/1889 đến ngày 17/9/1889, quân Pháp đã 5 lần dồn dập đem cả pháo binh, kỵ binh tấn công và triệt hạ hai làng kể trên. Đề Hả – Đề Sặt đưa lực lượng của mình rút về hệ thống phòng ngự đã chuẩn bị sẵn dọc bờ sông Sỏi.
Đầu tháng 3/1892, Thiếu tướng Voyron lại được lệnh mang 2.800 quân cùng nhiều vũ khí tối tân tiến vào hệ thống phòng ngự sông Sỏi, đánh bật lực lượng của Đề Hả – Đề Sặt. Hoang mang trước sức mạnh quân sự của kẻ thù, Đề Sặt đã ngầm đầu độc thủ lĩnh Lương Văn Nắm trong đêm Tết Hàn thực (ngày 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn, tức 11/4/1892) rồi mang 50 thủ hạ, 48 khẩu súng đến đồn binh Cao Thượng quy hàng, kết thúc thời kỳ đầy gian khó nhưng cũng nhiều vinh quang của hai thủ lĩnh khởi đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được dân yêu quý gắn liền tên tuổi với làng quê sinh ra.
*
Cách đây vừa tròn một năm, tháng 7/2023, Trường THCS Tân Trung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) được vinh dự đổi tên là Trường THCS Lương Văn Nắm - Đó là tên vị lãnh tụ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Yên Thế cuối thế kỷ 19.
Như đã kể trên: ngày 16/3/1884, Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) cùng nghĩa binh Yên Thế đã làm Lễ Tế cờ tại đìn làng Thế Lộc, tức Đình Hả, xã Tân Trung ngày nay. Sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược. Sau này, ngày 16/3 đã được tỉnh Bắc Giang chọn làm Ngày hội Yên Thế được tổ chức thường niên. Từ khi Đề Nắm khởi binh và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân vùng Yên Thế, chỉ trong 8 năm (từ 1884 - 1892), đã đánh bại gần 1 vạn quân Pháp do các tướng Gôđanh, Voarông, Priedeline chỉ huy... Sau khi Lương Văn Nắm hy sinh, bài vị của ông được mang về Đình Hả và nhân dân thờ phụng như Thành hoàng làng. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) đã thay thế lãnh đạo nghĩa quân Yên Thế, tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp, kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913).
Là tủ sách thứ 3 được trao tại tỉnh Bắc Giang, nhưng cũng là Tủ sách thứ 14 được trao trên toàn quốc (kể từ tháng 11/2023), “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” tại Trường THCS Lương Văn Nắm do Nhà văn Đặng Vương Hưng khởi xướng, phối hợp với Trung tâm xuất bản Tác phẩm mới và Cựu chiến binh Hà Minh Sơn thực hiện và đồng hành. Tủ sách có trị giá 100 triệu đồng, đã hoàn thành bước đầu và bàn giao đúng dịp tháng 7 tri ân Thương binh – Liệt sĩ nhiều ý nghĩa, trong khuôn khổ sự kiện 23/7/2024, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Hà Nội, 15/7/2024
Trái Tim Người Lính