Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XX)

23/08/2022 13:31

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NGÀY 15/2/1973

Anh Thanh điện về: hôm đến sân bay bị đối phương bắt làm thủ tục, anh không làm. Tới đó, các anh ở chỗ đoàn quân sự Mỹ. Sáng hôm sau, Đanien và Lộc đến báo giấy tờ đã làm xong, mời về chỗ Ban Liên hiệp quân sự 4 bên ở. Anh Thanh đến kiểm tra, thấy chỗ ở chưa ổn: nhà trưởng, phó đoàn chưa có, cán bộ thì xếp ở tập thể. Đang tiếp tục bàn, đòi tạo điều kiện ở tốt hơn. Sáng mai, máy bay sẽ đưa anh Thanh về.

btt-1661139319.jpg

23/2/1973 - LẦN THỨ 3 GIÁP MẶT

Theo hợp đồng, hôm nay đối phương đưa đồng chí Thanh về báo cáo với đoàn. Đồng chí Thanh sẽ làm việc khoảng 3 - 4 tiếng, sau đó lại vào Đà Nẵng. Trong khi đó, sĩ quan liên lạc và phi công đối phương sẽ chờ tại sân bay.

9 giờ 45, có tiếng máy bay phành phạch. Lát sau, từ phía Bắc xuất hiện một chiếc trực thăng. Nó bay thẳng tới hướng sân bay với cái vẻ hăm hở và thành thạo. 4 khoanh mầu đỏ da cam sơn quanh đuôi, quanh bụng nó nổi lên khá rõ. Nó sà tới, vòng một vòng rồi hạ xuống sân bay. Khác hẳn mấy lần trước, lần này không có một chiếc khác quần trên bầu trời yểm trợ cho nó và nó không nổ máy rền rĩ trong khi chờ đợi  nữa. Nó đứng im lìm giữa sân bay, cánh quạt giang rộng, hơi trùng xuống, như con chuồn chuồn khổng lồ đang ngủ.

Anh Thanh về thẳng nơi làm việc.

Sĩ quan và phi công đối phương được mời vào nghỉ ở phòng khách. Những chiến sĩ bảo vệ được phân công gác máy bay, bồng súng đứng nghiêm túc. Thái độ thiện chí của ta làm những phi công Mỹ yên tâm và họ mau lẹ rời khỏi máy bay, vào nhà khách. Trời nắng và nóng điên người. Trong nhà có bia, nước trà “Thanh Tâm”, rất cần thiết cho họ.

Đầu tiên vẫn là những câu chuyện xã giao. Thiếu tá Giôn Pi Kennơđi - trưởng phi hành đoàn - nói anh ta 32 tuổi, có vợ, con bên Mỹ, nhà có cả ô tô. Anh ta tóc đen, mày rậm, mắt xanh đậm đà, môi đỏ chót - nói chung, trông mặt anh ta màu sắc loè loẹt như một con vẹt. Đại uý Lộc - sĩ quan liên lạc nguỵ - hỏi đến lương, anh ta khoe được 2.000 đôla một tháng. Nhân đó, Thành - phiên dịch viên nguỵ - hỏi:

- Còn lương các ông bao nhiêu?

Một sĩ quan ta trả lời:

- Quân đội Giải phóng không ăn lương. Đồng bào cung cấp bao nhiêu thì chúng tôi có bấy nhiêu.

Lộc nói rằng anh ta đã đóng quân nhiều ở miền núi: Tu Lang, Bến Giằng, Tiên Phước, Trà Mi. Một sĩ quan ta hỏi:

- Về đời sống, anh thích gì?

- Tôi thích hội hoạ.

Anh ta cười, trả lời bằng giọng Huế khá lịch thiệp. Anh ta nói tới những bức tranh đẹp. Với con mắt nhìn ra xa, hơi mơ mộng, có vẻ đang quay về với dĩ vãng, anh ta nói:

- Trước tôi làm đại đội trưởng, đóng đồn ở Trà My, trên gò cao kia. Tôi muốn trở lại thăm nơi ở cũ, xem còn kỷ niệm gì, các anh cho phép chứ?

Anh Tiết, phụ trách sân bay, vội đáp:

- Cũng được thôi!

Thiếu tá Nhung - phụ trách vấn đề bảo vệ của đoàn - cười cười:

- Đại uý đi cũng được, nhưng bây giờ lau lách mọc đầy, sợ phải chui rúc, mệt.

Lộc hỏi lại:

- Vậy ra không có đường lớn?

- Đại uý coi đấy, trước đây có ai ở vùng này, lau lách, cỏ dại mọc đầy cả. Bây giờ có chuyện đón đoàn, chúng tôi mới về đây phát sân bay, dựng tạm mấy ngôi nhà.

Lúc này, Thành chăm chú lắng nghe. Anh ta khá cao, mặt đầy những mụn trứng cá, trông sù sì và đỏ như da gà trọi. Anh ta chợt đề xuất:

- Nóng quá, chúng ta ra sông tắm được chứ?

- Vâng, mời các anh đi!

Sĩ quan ta đáp ứng ngay lời yêu cầu ấy. Mọi người đi dọc sân bay, rẽ qua phải, xuống bờ sông. Qua mấy hố bom mà bọn B.57 thả cách đây ít ngày, khi lệnh ngừng bắn sắp có hiệu lực, không ai nói một lời nào. Những phi công liếc nhìn những hố bom với đám cây cỏ nát nhừ còn xám ngoét màu thuốc nổ, rồi vội nhìn ra sông. Còn sĩ quan của ta thì nhìn thẳng vào mặt họ. Lúc này, tốt nhất là để sự thật nói lên lời.

Bãi sông trắng loá, trống trải, chẳng có gì hấp dẫn cả. Nhìn xuôi, nhìn ngược cũng chỉ thấy cát và đá trắng cùng với làn không khí bị nung nóng khẽ xao động. Mọi người đi dạo trên bờ sông chứ không tắm. Rồi lại quay về.

Càng về trưa, câu chuyện càng sôi nổi. Lộc có vẻ cởi mở:

- Tôi nhập ngũ năm 1952, nhanh thật, 21 năm rồi!

Có lẽ vì cái không khí cởi mở ấy mà một sĩ quan ta buột miệng:

- Anh cũng giống tôi, cùng năm nhập ngũ, cùng cấp bậc!

Lộc cười rộng miệng, nheo cả mắt lại.

Tới giờ ăn cơm, đoàn để 2 sĩ quan tiếp “khách”. Bữa ăn khá đàng hoàng: gà quay, khoai rán, miến xào, canh cải.

Khi chúng tôi trở lại, hai phi công đã ra máy bay và mọi người vẫn đang nói chuyện rôm rả. Thấy tôi, Thành khoe:

- A, anh có cái ảnh chụp với tôi rất đẹp.

Tôi nhớ  hôm nọ lúc tôi đứng gần Thành, Lộc có đưa máy lên chụp. Tôi cười:

- Vâng, cảm ơn anh!

Lộc ngồi tận phía trong, nói to:

- Chà, ảnh đẹp lắm, ai coi cũng nói anh Thành chụp chung với con gái. Bây giờ thì thấy đó, con trai chứ không phải con gái đâu nghe!

Hai sĩ quan Mỹ ngơ ngác nhìn và khi được nghe dịch lại, họ cũng cười thích thú.

Câu chuyện lại tiếp diễn và Lộc cứ khen mãi bữa cơm thịnh soạn. Anh ta xuýt xoa:

- Rô ty gà thật giỏi, vừa ngon. Rô ty gà là khó lắm nghe, quá là cháy, còn không lại sống!

Thành vừa san sẻ 2 cốc nước qua nhau cho mau nguội, vừa gật gù:

- Khó thật đó! Không biết là có bàn tay phái đẹp trong ấy không? Chà, cũng muốn thấy mặt các cô quá!

- Tới hôm đoàn đi, ở đây tiễn đưa, sẽ thấy!

Một sĩ quan ta trả lời và biết mình lỡ lời, anh vội im.

Rót một cốc nước khác, lại san sẻ qua cốc khác cho mau nguội, Thành tấm tắc:

- Nấu nướng khéo thiệt đó. Ngay cả mấy lát khoai cũng cắt thành hình ngôi sao, rán vàng thật đẹp.

Thiếu tá Nhung cười:

- Anh em chúng tôi cũng yêu mỹ thuật lắm. Tuy ở rừng núi, chúng tôi làm việc cũng có giờ giấc, vẫn vui hát, chơi thể thao.

Lộc tán dương:

- Tôi cứ nghĩ các ông ở rừng chắc xanh xao lắm, không ngờ lại đỏ đắn, mạnh khoẻ vậy. Các ông cũng có chơi ban à?

- Có chứ, bữa tết, anh em chúng tôi tổ chức đấu bóng chuyền, vui lắm.

Thành mừng rỡ:

- Vậy à? Vậy thì chúng ta tới sân bóng, đánh chơi!

Lộc tán thành:

- Phải đó, nếu cần thì phía Việt Nam mình ở một đội, cho phía Hoa Kỳ một đội, đấu thử!

Đanien khoái chí:

- Được, chúng ta đánh bóng với nhau!

Anh Nhung cười:

- Vâng vâng, chúng tôi sẵn sàng đánh ban với các anh, nhưng để khi xuống đó đã. Chứ sân ban ở xa lắm, lại sắp tới giờ các anh phải đi rồi, làm sao kịp?

Thành xoa xuýt vẻ tiếc rẻ:

- Vậy à, ra các anh ở xa lắm à!

Chúng tôi tiếp tục mời “khách” ăn kẹo, bánh. Thành và Lộc ngắm nghía mãi những chiếc kẹo “Hải Châu” sản xuất ở Hà Nội. Cả hai đều chọn trong đĩa kẹo lộn xộn các loại, cả miền Bắc, miền Nam, lấy mấy cái. Lộc nói:

- Xin các anh mấy cái về làm quà cho các cháu!

bttt-1661139313.jpg

Thành tiếp:

- Xin cho mỗi đứa nhỏ một chiếc thôi, tôi 5 đứa, 5 chiếc.

Lộc nhón lên một cái kẹo chuối của miền Nam sản xuất, hỏi:

- Cái này có phải không hè? Tôi muốn mỗi thứ một loại.

Thành có vẻ thành thạo:

- Không phải, ông cứ xem cái nào có chữ “Quốc doanh” là đúng!

Lộc cười:

- Đem về cho lũ nhỏ coi, rồi cất kỹ làm kỷ niệm thôi, đâu dám ăn?

Tôi nói:

- Cứ cho các cháu ăn cho chúng biết vị ngọt của kẹo chúng tôi, rồi giữ giấy làm kỷ niệm cũng được chứ sao.

Thành nói:

- Sau này quan hệ bình thường, chắc những thứ này sẽ nhiều!

- Vâng, chúng tôi đều mong muốn quan hệ Bắc Nam chóng trở lại bình thường.

Chúng tôi trả lời vậy và đưa Thành một gói trà miền Bắc. Anh ta cầm gói trà, ngắm nghía, đọc nhãn hiệu “Thanh Tâm” và gật gù:

- Uống trà này thì tâm hồn lúc nào cũng thanh bạch.

Anh ta đưa cao gói trà về phía Lộc, nháy mắt rồi với cái áo khoác vắt ở thành ghế, đút vào túi. Trong câu chuyện, Thành luôn ca thán nhà đông con, nghèo, làm ăn vất vả. Anh ta nói:

- Trước tôi ở bên dân sự, có Hiệp định mới qua bên quân sự làm thông dịch.

Với giọng phân bua, anh ta tiếp:

- Cũng không muốn qua bên này, nhưng vẫn phải qua, vì làm nghề này có tiền nuôi các cháu - nhà tôi đông con, nghèo lắm.

Để phụ hoạ thêm cho giọng nói, anh ta ngửa hai bàn tay, đưa ra phía trước. Ánh nắng bên ngoài rọi vào chiếc đồng hồ loại hảo hạng đeo trên cổ tay trái anh ta, loé lên như một tia chớp.

12 giờ 30 phút, Đanien sốt ruột hỏi:

- Thiếu tá Thanh đã làm việc xong chưa?

- Có lẽ còn phải làm việc một thời gian nữa.

- Vậy đến giờ, chúng tôi về, ngày mai sẽ tới đón thiếu tá được không?

- Chắc thiếu tá làm việc khoảng một tiếng nữa thôi, đại uý có thể chờ được chứ?

- Vậy để tôi cho  máy bay cất cánh lên cao, báo về Đà Nẵng cho thượng cấp chúng tôi biết?

- Vâng, nhưng đại uý chờ chúng tôi gọi điện thoại hỏi ý kiến cấp trên chúng tôi!

Ngoài sân bay, hai phi công Mỹ đang lúi húi, chỉ trỏ vào bộ phận nào đó ở đầu máy bay. Họ có vẻ tận tâm với nghề nghiệp. Để giảm bớt sự sốt ruột của Đanien, anh Nhung hỏi:

- Chiếc máy bay kia trị giá bao nhiêu đô la?

Thành trả lời:

- Đắt lắm, tới mấy vạn đô la.

Anh ta nói thêm:

- Đây là loại mới, đã cải tiến, cái ống xả hơi của nó làm vểnh lên chứ không cụp xuống như loại cũ.

Lộc giải thích:

- Như vậy, hơi nóng toả lên trên sẽ được cánh quạt quạt phân tán hết, giảm nhiệt, chống được tên lửa tìm nhiệt.

Và Lộc lại khoe:

- Cái ghế bên cạnh dùng cho xạ thủ đại liên.

- Ồ, hẹp vậy thì để đại liên chỗ nào?

- Không, đại liên gắn phía ngoài, xạ thủ ngồi ghế, chúc súng xuống đất mà bắn.

Liên lạc về báo cấp trên đồng ý để máy bay lên cao liên lạc với Đà Nẵng.

Đanien đề nghị:

- Mời các anh cùng lên máy bay với chúng tôi.

Đanien đứng dậy kéo anh Tiết cùng đi. Mọi người cùng đứng dậy. Cả Lộc và Thành đều sốt sắng:

- Đi, mời các anh cùng đi chơi!

Tôi lưỡng lự:

- Thôi, để một số đi, kẻo chật.

Thành dắt tay tôi:

- Không, không chật đâu, đi cho vui.

Tôi liếc nhìn anh Nhung. Thấy anh cười và bước ra cửa, tôi cũng bước theo. Thành tỏ vẻ rất cởi mở, thân mật với tôi. Làm như vô tình, anh ta hỏi độp một câu:

- Anh vào đây năm nào?

Tôi trả lời:

- Tôi sinh sống ở đây lâu rồi anh ạ!

Khi lên máy bay, Thành cẩn thận buộc người tôi vào ghế bằng dây bạt có móc sắt.

Máy bay rồ máy. Bao quanh mang tai tôi là một mớ âm thanh ồn ào, náo động. Không còn nói chuyện được nữa. Cánh quạt quay tít, làm bụi cuộn thốc lên. Máy bay bốc lên cao khá nhẹ nhàng. Lên được một đoạn, nó đứng sững lại rồi quay từ từ 180o. Sau đó, nó vừa lên cao vừa tiến tới phía trước. Tôi có cảm giác như đang ngồi xe ô tô leo ngược lên dốc, có điều êm hơn chứ không xóc lộn ruột như khi đi ô tô.

Tôi chú ý quan sát dưới đất xem lũ giặc lái phát hiện quân ta như thế nào. Bây giờ mới hiểu rằng trước mình “điếc không sợ súng”, quá chủ quan. Tôi nhìn rõ sân bay với chữ thập trắng, với những đường đi ngang dọc, với mấy ngôi nhà tranh, với lá cờ bay phấp phới và thấy rõ cả mấy đồng chí vệ binh đứng nghiêm bồng súng. Máy bay lên cao, lượn vòng theo hướng tay trái. Thân máy bay nghiêng đi, muốn đổ mọi thứ ra ngoài. Nhìn về bên phải thấy điệp trùng những núi - những dẫy núi cũng chênh đi như sắp đổ. Nhìn xuống dưới thấy rất rõ mặt đất. Mặt đất đẹp, hiền và đáng yêu quá. Những thửa ruộng lúa xanh rì, những vạt rừng non thưa thớt, và dòng sông nước trong vắt chảy gợn sóng lăn tăn xen vào nhau, nổi bật lên như một bức tranh màu đẹp đẽ. Ồ, ở độ cao 7 - 800 thước mà nhìn rõ cả gợn nước, những phiến đá và mấy người đi trên bãi sông. Kia nữa, thấy rõ hai chiếc áo trắng ai phơi trên bãi cỏ, thấy một anh bộ đội đang đi ngoái lại ngước nhìn lên. Thấy căn nhà tôn, mấy ngôi nhà tranh nấp dưới mấy bụi chuối, lùm cây. Máy bay vòng lại sân bay. Thấy bóng máy bay in trên sân bay với cái cánh quạt quay tít mù ngồ ngộ. Thấy gần bờ sông một ngôi nhà và rất nhiều người đứng ở sân. Được 20 phút, máy bay hạ cánh. Người cảm thấy bị hẫng, nhưng không nôn nao. Mát quá, vì suốt quá trình bay, gió lùa vào lồng lộng.

Ra khỏi máy bay, Đanien kéo Lộc và Thành lại bàn bạc gì đó.

Vào nhà, Thành báo:

- Đại uý Đanien nói rằng đã liên lạc về Đà Nẵng, thượng cấp đồng ý để chúng tôi 2 giờ rưỡi về.

- Vâng, vâng, đúng một giờ rưỡi chúng tôi, thiếu tá Thành sẽ ra.

Thành giải thích:

- Hồi này Hoa Kỳ thực hiện chương trình rút quân, việc nhiều mà máy bay ít nên bố trí giờ giấc xít xao lắm.

Lộc nói thêm:

- Sợ rằng sau phi vụ này phải thực hiện phi vụ khác nên phải báo về trên.

Thành hỏi:

- Các anh bay thấy ngợp không?

- Gió quá, lúc bay thường chắc phải đóng cửa lại chứ?

- Đóng bí hơi lắm.

Thành giảng giải:

- Hồi nãy phải quần và phải bay cao để liên lạc nên bay mệt, chứ khi thường chỉ bay 5 - 600 mét, bay thấp là là, êm lắm.

Lộc hỏi:

- Hồi nãy thấy cái nhà nào phía sau cột cờ đó hè?

- Nhà anh em ở đó anh ạ.

- Phía ấy là gì mà thấy đông người quá?

- Đường anh em đi lại đó mà.

- À, thấy cả phụ nữ nữa, tôi muốn qua chụp ảnh với các cô ấy được không? - Lộc hỏi.

Thành phụ hoạ:

- Ồ, có cả phụ nữ. Bữa trước bay lên thấy mấy cô tắm ở suối nữa (vừa nói anh ta vừa cười thích thú), giá được sang chụp ảnh thì hay đó!

Thiếu tá Nhung trả lời:

- Chắc các anh cũng biết tính nết phụ nữ Việt Nam hay e thẹn, sợ các anh lạ, mấy cố ấy không chịu chụp, đi mất công chớ.

Thành tán:

- Hay đại uý muốn thì xin ở lại luôn!

Lộc cười:

- Sợ nhà đương cục địa phương không cho phép.

Anh Nhung nói:

- Sợ các anh không có thời gian thôi. Khi nào có điều kiện thì mời các anh ở chơi.

Thành nháy mắt, vỗ vai Lộc:

- Mà ở đây thôi, chứ không được qua với mấy cô đâu nghe!

Anh ta hất hàm về phía bờ sông và nói thêm:

- Ở thì vui, chỉ tội mấy con gà chết oan!

Anh Nhung đáp:

- Gà anh em chúng tôi tự nuôi đấy. Chắc chúng nó cũng vui lòng khi được chết vì mối tình thân thiện của chúng ta.

Sắp tới giờ cất cánh, mấy sĩ quan Mỹ và anh em ta trao đổi với nhau những vật kỷ niệm nhỏ. Anh Nhung tặng Đanien một quyển lịch “Quân giải phóng”, anh ta cảm ơn và cười:

- Nhưng ông nhớ là tôi vẫn có những cú đập rất mạnh khi gặp ông trên sân bóng đấy!

Anh ta có vẻ quan tâm thực sự tới chuyện thể thao.

Tôi và Bé - phiên dịch - ra máy bay nói chuyện với phi công Mỹ.

Hỏi chuyện viên phi công có bộ ria mép dài hung hung mà bữa trước tôi cho là già mới biết anh ta có 25 tuổi thôi. Với giọng ồm ồm, anh ta kể:

- Tôi có 1 vợ, 1 con lên 4 tuổi. Tôi qua Việt Nam năm 69, 70 rồi về nước, sau đó lại qua, được 3 tháng rồi.

Anh ta cười, nụ cười có vẻ bình dị. Nhìn nụ cười, nghe giọng nói thấy anh ta có vẻ nông dân. Anh ta là chuẩn uý. Bé đưa tặng anh ta quyển lịch, anh ta cảm ơn, mở ra coi và hỏi:

- Hồ Chí Minh?

Anh ta chỉ vào tấm ảnh Bác và chữ Hồ Chí Minh dưới một câu ghi lời Bác. Anh ta ngắm nghía, gật gật đầu và cười. Anh ta tên là Hogan.

Tôi qua hỏi chuyện Henson - 19 tuổi. Anh ta cao nhưng không to, có nét mặt thư sinh và tính tình có vẻ e dè, hay thẹn. Hồi sáng, khi mọi người xúm đến hỏi, anh ta lúng túng ngó quanh và ấp úng không biết nói gì. Lúc này anh ta đang ngồi trên ghế, cầm cái mũ bộ đội Giải phóng ngắm nghía rồi đội lên, gật đầu vui thú. Anh ta ra hiệu cho Kennơđi chụp ảnh anh ta với chiếc mũ đó. Tôi lại ngồi bên cạnh và nhờ Bé hỏi chuyện. Henson cho biết anh ta sang Việt Nam 2 năm rồi. Tôi hỏi:

- Anh có thể cho biết cảm tưởng của anh khi tới gặp chúng tôi tại đây?

Anh ta cười và nói nhỏ một câu gì đó. Lúc ấy, Hogan chuyển xuống một can nước bằng nhựa. Henson đỡ lấy, dùng nắp hứng và ấn nút cho nước chảy ra mời tôi uống. Đó là thứ nước máy nồng nặc mùi Clo, tanh vô kể. Bé dịch lại lời anh ta:

- Thật khó nói quá!

Kennơđi đang ở buồng lái cũng chồm người qua ghế góp chuyện với chúng tôi. Có lẽ anh ta sợ anh chàng Henson ngây thơ nói những điều hớ hênh với chúng tôi chăng?

Đúng 1 giờ 30’ anh Thanh ra. Chúng tôi nắm tay anh, chúc anh hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người tiễn biệt nhau. Lộc, Thành bắt tay tôi. Lộc chỉ vào tôi và Thành, nói:

- Đôi này có vẻ ăn ý với nhau lắm!

Tôi cười và thầm nghĩ: "Cuộc chiến đấu trên mặt trận ngoại giao thật phức tạp, tế nhị, phải hết sức cảnh giác”.

Bắt tay và chào nhau lần cuối, Lộc nhắc lại lời cảm ơn: “Quý vị đã cho chúng tôi một bữa ăn thật thịnh soạn”. Có lẽ, đó là câu nói chân thành nhất của anh ta trong ngày hôm nay.

Về nhà tổng kết về buổi tiếp xúc này, rút ra nhiều điều hay. Anh em dự đoán Thành là tình báo CIA, cấp bậc có thể ngang hoặc cao hơn Lộc, Lộc là tình báo quân đội. Cả hai đều tìm cách dò hỏi và muốn đi quan sát nơi ăn, chốn ở của ta. Riêng tôi, tôi thấy Thành có vẻ muốn dùng đòn ngọt với tôi để lợi dụng khai thác những gì có lợi cho hắn. Có thể hắn đánh giá tôi “ngon ăn” bởi thái độ ôn hoà, “cởi mở” của tôi.

Trong buổi tiếp xúc, anh em ta cũng có nhiều chỗ hớ: nói lộ lý lịch mình, lộ việc, chưa thực hiện nghe nhiều để tìm hiểu địch, phiên dịch chưa lắng nghe xem bọn Mỹ - Nguỵ bàn riêng gì với nhau, cảnh vệ chưa chú ý quan sát bọn địch khi chúng đi vệ sinh xem chúng có làm gì khác không...

Trong khi tiếp xúc với địch, cần phải biết hỏi để moi tin, biết trả lời có vẻ cởi mở mà chung chung. Hanh - phiên dịch, mới đi Đà Nẵng về - cho biết câu chuyện giữa Hanh và tên lính nấu ăn của bọn sĩ quan nguỵ như sau:

- Các anh ăn bao nhiêu tiền một ngày?

- Cấp trên chúng tôi cấp bao nhiêu thì chúng tôi nấu ăn bấy nhiêu.

- Thường thường nhà ăn này có bao nhiêu người ăn?

- Dạ, lúc thì nhiều, lúc thì ít người ăn.

Một tên lính còn biết trả lời như vậy, nói chi đến những tên sĩ quan, nhất là những sĩ quan được phân công tiếp xúc với ta.

Chân tình là bản tính của anh em ta - quen sống với nhau cởi mở, thương yêu nhau mà! Nhưng với kẻ địch thì phải biết sống cho có thủ đoạn, biết nói dối như thật.

(Còn nữa)

 

Phạm Việt Long