TỪ THÁNG 3 NĂM 1973
Tiếp tục những ngày chờ đợi, nhưng chưa thấy triển vọng gì về hoạt động của đoàn Liên hiệp quân sự. Đối phuơng vẫn cố tình phá hoại việc thi hành Hiệp định. Tôi vẫn làm việc theo dõi tin tức qua đài và qua các báo cáo để tổng hợp tình hình thời sự giúp đoàn. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 2, ở các tỉnh đồng bằng Trung Trung bộ đã có 648 vụ địch vi phạm Hiệp định, trong đó có 323 vụ bắn pháo vào vùng giải phóng (có những trận dùng 8 đến 20 khẩu pháo bắn từ 1.000 đến 3.000 quả đạn vào một thôn), 224 vụ dùng bộ binh từ 1 đại đội đến 4 tiểu đoàn có xe tăng, bọc thép đánh phá vùng giải phóng. Chiều mùng một tết âm lịch vừa qua, tại Quảng Ngãi, một đoàn thiếu nhi xã Nghĩa Thuận xuống Mỹ Lợi, Nghĩa Kỳ huyện Tư Nghĩa tổ chức đón binh sĩ ngụy về mừng xuân hòa bình, bọn pháo binh ở Gò Huỳnh dùng cối 82 và súng DKZ bắn vào xã Mỹ Lợi, làm chết 2 em, bị thương một số em. Bọn bộ binh còn tới bắt một số em. Tại Quảng Đà, bọn ngụy huy động pháo binh, bộ binh, xe tăng, xe bọc thép lấn chiếm các xã Xuyên Hòa, Xuyên Thanh, Xuyên Khương (Tây Duy Xuyên) dài ngày, có ngày máy bay thả bom phá, hàng trăm bom bi vào xã Xuyên Thanh làm chết và bị thương hàng trăm thường dân, phá hoại hoàn toàn nhà cửa, hoa mầu. Tại Tây nguyên, có 178 vụ địch vi phạm Hiệp định, với 57 vụ bắn pháo, 59 vụ máy bay, 62 vụ bộ binh; riêng trục đường 14, 19 có ngày chúng bắn tới 1.202 quả đạn pháo.
Tôi mở một lớp đào tạo cấp tốc về nhiếp ảnh cho anh em trong đoàn. Mọi người rất hăng hái theo học và nhanh chóng nắm bắt những kiến thức cơ bản, biết chụp ảnh, tráng phim.
Ngoài Hà Nội vẫn tiếp tục sử dụng tin, bài do Khu Năm gửi ra, trong đó có bài của tôi gửi ra cách đây ít lâu:
Bài đăng trên Bản tin đấu tranh thống nhất
MỘT CUỘC DÀN XẾP
Hà Nội ( VNTTX 1-3-1973) - Hòng thực hiện âm mưu lấn đất, bọn chỉ huy quân đội Sài Gòn ở Quảng Nam đã thúc ép đơn vị X hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta sau ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Kiên quyết bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, các chiến sĩ Giải phóng đã chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải cụm lại trên các điểm cao. Đơn vị X quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng nguy kịch, thương binh không được chuyển đi cứu chữa, lương thực không được tiếp tế, trong khi đó, tiếng loa của các chiến sĩ Giải phóng vẫn vang lên.
- Hỡi anh em binh sĩ Sài Gòn! Hiệp định Pa ri đã ký, hoà bình đã được lập lại. Anh em hãy trở về vị trí của mình, đừng cầm súng đánh nhau nữa!
Toàn bộ binh sĩ đều im lặng lắng nghe. Anh em binh lính yêu cầu chỉ huy phải ra dàn xếp với quân Giải phóng. Trước tình hình ấy, ban chỉ huy đơn vị quân Sài Gòn đã liên lạc với quân Giải phóng.
Tới chỗ hẹn, viên sĩ quan được một cán bộ quân Giải phóng dẫn vào nhà. Đồng chí cán bộ mời viên sĩ quan ngồi và hỏi:
- Chắc anh mệt và đói lắm?
Viên sĩ quan khẽ thở ra, đáp:
- Cảm ơn ông. Suốt mấy ngày nay chúng tôi không được tiếp tế...
Đồng chí cán bộ rót nước đưa anh ta uống rồi lấy gói cơm nắm đưa anh ta:
- Mời anh ăn bữa cơm của quân Giải phóng.
Trước thái độ chân tình của đồng chí cán bộ, anh ta cám ơn rồi cầm lấy nắm cơm ăn ngon lành.
Sau đó, viên sĩ quan nói:
- Thưa ông, tôi được cử đến đây để dàn xếp với các ông về việc đổi khu vực trú quân.
Với giọng vừa ôn tồn vừa kiên quyết, đồng chí cán bộ nói:
- Có lẽ anh lầm. Anh phải nói là đến để bàn giao đất cho chúng tôi mới đúng vì đây là vùng giải phóng. Các anh lấn chiếm sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Viên sĩ quan lúng túng:
- Dạ, tôi cũng không nắm vững việc này.
Đồng chí cán bộ hỏi:
- Có lẽ anh chưa được nghiên cứu Hiệp định và các Nghị định thư?
Viên sĩ quan vội đáp:
- Vâng, cấp trên chúng tôi chỉ phổ biến sơ qua.
Đồng chí cán bộ rút trong cặp ra mấy xếp giấy đánh máy, đưa anh ta và căn dặn:
- Đây là các văn bản của Hiệp định, anh đem về cùng anh em đọc cho kỹ. Thật tai hại, cấp trên các anh cố tình bưng bít sự thật, cố tình đẩy các anh vào chỗ chết.
Ngừng lại một chút, đồng chí cán bộ hỏi:
- Chắc các anh gặp nhiều khó khăn trong việc cứu chữa thương binh?
Viên sĩ quan gật đầu:
- Bị các ông vây chặt, chúng tôi không chuyển thương binh về hậu cứ được, thuốc men cũng thiếu.
Đồng chí cán bộ lấy ra một số thuốc, bông bằng rồi nói:
- Chúng tôi biết rất rõ tình trạng nguy khốn của các anh. Bây giờ, chúng tôi có đủ điều kiện để tiêu diệt các anh. Nhưng thi hành đúng đắn chính sách hòa giải và hoà hợp dân tộc, chúng tôi muốn cứu các anh. Anh cầm số thuốc này về tạm băng bó cho anh em và báo cáo với chỉ huy các anh là chúng tôi đồng ý cho các anh chuyển số thương binh về nơi an toàn theo hành lang chúng tôi qui định. Mặt khác, trong khi chờ bàn giao đất, các anh phải nằm tại chỗ, không được bắn phá bừa bãi.
Trước lý lẽ đúng đắn và thái độ thiện chí của quân Giải phóng, binh lính và sỹ quan đơn vị X. quân đội Sài Gòn nhận ra lẽ phải, hết sức cảm động. Họ nói với nhau:
- Hoà bình rồi, tội gì mà đi đánh nhau cho chết uổng mạng? Nếu mấy ông Giải phóng mà làm hung, chắc bữa nay mình không còn mà đón xuân!
- Phải đó. Rút đi. Thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định là tốt nhất!
Qua một ngày bàn bạc với các chiến sĩ Giải phóng, ngày hôm sau, cả đơn vị quân Sài Gòn đồng loạt rút theo con đường mà quân Giải phóng đã vạch sẵn.
Việt Long (TTXGP)
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 8/3/1973
Bố mẹ kính mến !
Đáng lẽ ra con phải viết thư cho bố mẹ vào đúng ngày hoà bình đầu tiên cho bố mẹ mừng mới phải, nhưng vì bận nhiều việc quá, vả lại không có người ra nên bây giờ con mới viết. Hồi tết, trong bức điện chung gửi ra VNTTX có tên con, anh Phượng có báo cho gia đình biết không?
Bố mẹ yêu quý ạ, điều đáng mừng là cho tới ngày toàn dân tộc giành được đại thắng lợi, con vẫn tiếp tục đóng góp được sức mình, vẫn tiếp tục tiến bộ và rất khỏe. Bây giờ, con được cử đi công tác ở một nơi khá đặc biệt, với trách nhiệm nặng nề hơn. Con rất phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ, đã hứa sẽ công tác thật tốt, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng.
Hôm Hiệp định được ký chính thức, anh Đỗ Phượng có điện vào báo tin gia đình ta vẫn bình yên, mạnh khoẻ. Điều đó làm con vui mừng hết sức. Hồi bọn Mỹ tập trung B52 ào ạt dội bom Hà Nội, con lo cho gia đình quá! Bây giờ, chắc cả nhà đã về Hà Nội rồi? Căn nhà mới nhà ta được cấp ở Kim Liên có bị máy bay Mỹ phá mất không? Các em Thuỷ, Lan, Diệp, Ngọc đã về Hà Nội học chưa? Anh Đức đã cưới vợ chưa? Còn Phúc, sao bố mẹ đã lo chuyện vợ con cho nó sớm thế? Em Việt hiện ở đâu?
Con đang viết thì có người đến lấy thư đi vội, con gửi cho gia đình đỡ mong.
Con.
NGÀY 1/4/1973
Thời hạn hoạt động của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên đã hết. Vậy mà chúng tôi vẫn ở căn cứ. Nay sẽ chuyển qua hai bên, nhưng khi nào triển khai công tác thì chưa rõ, còn phải đấu tranh nhiều ở Trung ương.
Có việc về Xưởng phim, đinh ninh sẽ gặp Thuý Ngân, sẽ có dịp gần em một chút.
Thấy tôi đến, Đệ gọi ầm lên: “Ngân ơi, mày có khách nhé!” Song, không thấy Ngân đáp lại. Thật thất vọng: Ngân đi lấy lá, có lẽ chiều mới về.
Thế là những giây phút rỗi rãi của buổi sáng chủ nhật này trở thành những giây phút trông đợi - ngong ngóng mãi không biết bao giờ Ngân về. Em ạ, giá như biết em làm ở chỗ nào, anh sẽ đến tận nơi đón em!
Mãi chiều Ngân mới về. Trong khung cảnh nhà cửa đang làm ngổn ngang, đông đúc người đang làm việc, chúng tôi không thể vồ vập nhau được. Cũng không có thì giờ để mà ngồi nói chuyện với nhau nữa: tôi sắp phải đi cho kịp giờ tới đơn vị, Ngân phải tiếp tục với công việc. Ngân nói với tôi rằng em không có gì buồn cả, và em cười thật tươi. Nhìn Ngân cười, thấy thương vô hạn. Anh biết, em cũng có những day dứt trong lòng, nhưng cố tươi cười cho anh vui lòng. Bắt tay tạm biệt nhau, muốn nắm mãi tay em.
Ngân đưa tôi một chiếc khăn trắng, thêu rất đẹp. Thật không ngờ em lại thêu giỏi đến thế. Biết rằng em rất bận, muốn thêu được như vậy chắc em phải dành mọi giờ rỗi mà ngồi cắm cúi thêu. Chiếc khăn chứa đựng biết bao tình cảm tha thiết của em!
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 1 tháng 4 năm 1973
Ngân ơi!
Gặp em, anh vui, song cũng buồn. Thương em nhiều!
Anh cứ nghĩ mãi, tại sao chúng ta lại chỉ có thể gặp nhau, nói chuyện với nhau như hồi chiều? Lẽ nào chúng ta không có quyền sống với nhau đàng hoàng? Không, trăm lần không phải như thế! Anh không muốn như thế! Chúng ta yêu nhau, tình yêu ấy là chính đáng. Cho nên, em của anh ạ, không có gì đe doạ được tình yêu ấy. Tất nhiên, bây giờ còn là vào thời gian tế nhị, chưa có thể để tất cả mọi người biết được. Cho nên, còn phải có những sự kín đáo cần thiết. Nhưng không nên vì thế mà phải đặt quan hệ của chúng ta vào tình trạng lén lút, vụng trộm. Khi có những điều kiện thuận lợi, anh muốn sẽ đưa tình yêu của chúng ta ra công khai để mọi người chứng nhận và vun đắp cho. Em có muốn như vậy không? Hãy suy nghĩ cho chín chắn, em nhé!
Em yêu thương! Chỉ khi nào trực tiếp nói chuyện với em, anh mới có thể bộc lộ được hết những suy nghĩ của anh về em, về mối quan hệ giữa hai đứa, giải thích vì sao anh yêu em và những ước muốn vun đắp hạnh phúc với em! Nhưng em hãy tạm hiểu rằng: trong cuộc đời, anh chỉ muốn yêu một người, khi đã yêu thì gửi trọn tình cảm vào người ấy, và bây giờ thì người ấy là em!
Em ạ, với anh Đảo, anh Phấn, anh không dấu diếm điều gì cả - trong tất cả mọi chuyện của cuộc đời, ngay cả chuyện này cũng vậy. Đó là hai người bạn, người anh, người đồng chí hết sức yêu quý, thân thiết của anh, chẳng khác nào ruột thịt. Các anh ấy đều tán thành việc của chúng ta, đều nhiệt tình muốn vun đắp cho chúng ta. Em nên có quan hệ mật thiết với các anh ấy. Chắc các anh ấy sẽ có những lời khuyên bảo, tâm tình cần thiết cho em. Nếu không có điều kiện gặp, em nên viết thư cho các anh ấy! Có gì vướng mắc, khó khăn cũng nên nói với các anh ấy, các anh ấy sẽ giúp cách giải quyết.
Em thân yêu! Em nói đã thêu cho anh một cái khăn thật vừa ý. Song, anh chưa vừa ý đâu. Không phải vì xấu - em của anh thêu đẹp quá, không thể chê được. Nhưng vì em thêu tên anh đứng trơ trọi một mình, thế thì buồn chết. Tìm mãi không thấy tên em đâu? Bắt đền em đấy!
Em đừng buồn mà hãy vui, sôi nổi lên nhé. Yêu em nhiều. Anh của em.
TB: Viết thư cho anh, gửi qua anh Đảo hoặc anh Phấn .
Chủ nhật sau nữa (15/4) có thể anh sẽ về. Nếu em sang bên Ban thì tốt.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH.
Ngày 10/4/1973
Bố mẹ Yêu quý của con!
Thật vui mừng hết sức, con đã nhận được thư của bố đề tháng 1/1973. Biết được tình hình gia đình bình an, mạnh khoẻ, con rất phấn khởi. Chắc chắn sẽ có ngày gia đình ta được đoàn tụ, liên hoan mừng đại thắng của dân tộc, của gia đình.
Bố mẹ kính yêu! Xa gia đình, con luôn nhớ gia đình và muốn biết tường tận tình hình gia đình. Con tiếc là anh Đức cũng như các em ít chịu viết thư cho con quá, và có viết thì cũng viết sơ sài, ít có tính chất tâm tình về cuộc sống riêng tư. Con cũng không rõ hiện nay việc xây dựng gia đình của anh Đức tới đâu rồi, có trở ngại gì? Phúc cũng vậy, từ khi về nước đến nay, nó không viết cho con lá thư nào. Ngay cả việc tìm hiểu rồi xây dựng gia đình của nó, con cũng không được nghe nó nói lấy một câu. Tuy nhiên, qua thư mẹ viết, con cũng biết sơ qua và mừng cho nó là đã chọn được cô vợ tốt, đem về cho gia đình một đứa con ngoan. Bây giờ 2 em ở chung với gia đình, tuổi lại còn non, chắc không khỏi có những bỡ ngỡ, lúng túng. Con cũng rất mừng khi được biết các cô em gái của con lớn, học giỏi, chăm ngoan. Con thương nhất Việt, cậu em sớm bước vào đời, chịu vất vả, rất giầu tình cảm. Tuy nó cũng ít viết thư cho con, nhưng con hiểu rằng vì nó khó kiếm chỗ gửi được, và thư nó viết rất tỷ mỉ, rất tâm tình. Qua thư nó, con hiểu được tình hình gia đình, nhất là tình hình riêng tư của mấy anh em một cách cụ thể hơn. Qua thư nó, con cũng thấy rõ bước tiến bộ dài của nó: cả trong suy nghĩ và hành động - nó suy nghĩ khá sâu sắc, có nhiều triển vọng. Không biết bây giờ nó đóng quân ở đâu, công tác và phấn đấu ra sao?
Bây giờ, con xin nói về con cho gia đình rõ. Sức khoẻ của con tiếp tục tốt, lâu lắm rồi con không sốt. Nếu như bố mẹ thấy ảnh con gầy, thì đó không phải điều đáng lo, vì tạng người con từ nhỏ vậy mà, không phải yếu đâu. Về công tác, phấn đấu, con tiếp tục đi lên. Vừa qua, con được cử đi trong đoàn đại biểu quân sự của ta tham gia Ban Liên Hợp quân sự 4 bên khu vực 2 (Đà nẵng) với cấp bậc thiếu uý. Kể ra cũng ngược, người ta vào quân đội thời chiến, thì nay hoà bình, mình lại vào quân đội. Nhưng con vẫn làm chuyên môn cũ chứ không phải chuyển hẳn ngành. Nếu như mọi công việc triển khai tốt, thì con đã được vào Đà Nẵng mà viết rồi. Do bọn địch không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, đoàn của ta chưa triển khai được. Nay thì thời hạn của 4 bên đã hết, đoàn chuyển qua 2 bên. Tuy nhiên, vẫn là thời kỳ chờ đợi chứ chưa triển khai công tác. Có thể con sẽ đi với đoàn một thời gian, sau đó lại về cơ quan cũ, cũng có thể con đi khá lâu. Như vậy là nhiệm vụ của con đối với cách mạng miền Nam càng nặng nề và còn lâu dài, con chưa dám nghĩ tới ngày về thăm gia đình, tuy con tin rằng ngày ấy sẽ đến.
Vừa qua, nghe các anh ở ngoài vào nói, con biết là Đảng có đề ra chính sách mới đối với gia đình đi B: Số anh em chưa có vợ con cũng được để lương ngoài đó (lương chính + 25% khu vực - 18đ với cán bộ cơ sở hoặc 24 đ với cán bộ sơ cấp. Bắt đầu thực hiện từ tháng 7/72).
Hồi bắt đầu đi, lương con 52đ, vào trong này được xếp là cơ sở. Nay thì con đã được đề bạt lên thẳng sơ cấp (không qua hưởng sơ cấp) nên nếu so sánh ra thì mức lương ngoài đó sẽ phải tăng theo. Bố mẹ chú ý hỏi phòng tổ chức cơ quan con xem sao nhé.
Bố, mẹ ạ, tuy không có điều kiện gửi thư cho gia đình trên nhà, con vẫn luôn nhớ da diết cụ, bà, ông bà trẻ, cậu mợ Hiếu và các em. Con biết, bên cạnh công ơn của bố mẹ, chúng con mang rất nặng công ơn của các bà. Từ khi bắt đầu đi làm, con đã có ước vọng được đền đáp công ơn ấy, đặc biệt là đối với ông, bà trẻ - những người đã dành cho chúng con tình cảm đằm thắm và đã hy sinh rất nhiều cho chúng con. Tiếc rằng vì việc nước, con không được ở gần các bà mà làm tròn chữ hiếu. Nghe bà, cậu mợ Hiếu sinh sống khá khó khăn, vất vả, con hết sức băn khoăn. Còn ông, bà trẻ nữa, nay đã già yếu rồi, lại không có con cái gì, lấy ai nuôi dưỡng, chăm sóc? Con biết bố, mẹ cũng rất chu đáo trong việc này, nhưng con vẫn cứ nói với bố mẹ như vậy, vì đây là điều thôi thúc trong tình cảm của con từ lâu, không nói ra không được...
Bố mẹ ạ, hồi này đời sống chúng con khá hơn trước nhiều. Đường ô tô đã làm tới nơi chúng con ở, vui tấp nập. Nếu đi xe con ra đó chỉ mất khoảng 8-9 ngày. Như vậy, thư từ sẽ dễ hơn. Con chỉ mong thư gia đình thôi. Bố mẹ không cần gửi cho con tiền, quà gì hết. Nếu bố, mẹ được lĩnh tiền con để lại thì bố mẹ dùng để chi tiêu trong gia đình và nuôi dưỡng bà, ông, bà trẻ chứ đừng lo gì cho con cả.
Nhìn ảnh gia đình, con vui lắm. Anh em ở chỗ con đều chung vui với con, khen bố, mẹ vẫn trẻ, khoẻ, các em lớn, dễ thương. Ngọc lớn quá rồi, ra dáng một thiếu nữ rồi còn gì. Diệp thì vẫn gầy song đã lớn nhiều. Lan còn hay hát không? Thuỷ hết sún răng chưa? Mẹ bỏ thuốc lá chưa? Sao mẹ không trả lời con về việc ấy? Con không muốn mẹ hút thuốc một chút nào hết, vì rất hao sức khoẻ.
Cô chú Phương đã đưa các em về Hà Nội chưa? Con rất nhớ cô, chú và các em.
Cuối thư, con chúc gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và gửi lời thăm các cô, chú trong cơ quan.
Con của gia đình.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 15/4/1973
Long yêu dấu của bố mẹ!
Trong một trường hợp đặc biệt, bố mẹ gặp đ/c Thắng, thủ trưởng của con, người đã cùng con sống và chiến đấu trong những năm gian khổ của cách mạng miền Nam. Đồng chí Thắng kể cho bố nghe nhiều chuyện về con kể từ năm gian khổ 1968 đến khi đồng chí Thắng ra ngoài này. Qua nhiều lần nghe kể chuyện về con, bố cũng hình dung được cuộc sống của con trong ấy, nhất là tinh thần phấn đấu của con, sự đoàn kết của con với đồng bào, đồng chí. Con thật đã cố gắng nhiều lắm, nên trong thời gian không lâu đã trở thành Đảng viên của Đảng Lao động quang vinh, lại mới được vào cấp uỷ với sự tín nhiệm của đa số. Bố mẹ và các em rất mừng rỡ trước sự trưởng thành nhanh chóng của con trong thực tế cách mạng.
Hiện nay, bố mẹ và các em có một mong muốn là được gặp con một số ngày cho bõ nỗi nhớ nhung. Mong con được ra ngoài này điều dưỡng sau mấy năm công tác gian khổ.
Gia đình ta đã về ở khu tập thể Kim Liên. Buồng ở tuy không rộng, song ấm cúng, tiện nghi đầy đủ. Con biên thư cho gia đình, thường quan tâm đến sức khoẻ của mẹ, mong mẹ đừng hút thuốc lá nữa. Con ạ, mẹ con vẫn khoẻ mạnh, vẫn "chưa chừa" được thuốc lá, song ngày càng béo khoẻ, hết lòng hết sức chăm sóc gia đình và là người nhớ đến con nhiều nhất, thường nói chuyện đến thằng Hai, lo cho nó lúc bé ăn như người "ăn chay", bây giờ sống trong hoàn cảnh mới thì làm sao mà kiêng được. (Đ/c Thắng nói cho bố biết con biết ăn đủ mọi các thứ mắm, các thứ rau, kể cả mướp đắng).
Bố mẹ rất phấn khởi vì nhìn thấy đàn chim 8 con đã trưởng thành. Những ngày chủ nhật và ngày lễ là những ngày gia đình sum họp đông đủ.
Anh Đức vẫn làm công tác ở Uỷ ban khoa học kỹ thuật, gắn bó với Phòng tính toán, cả mấy đợt giặc Mỹ oanh tạc Hà Nội đều có mặt ở Thủ đô, lại mới đi cùng đoàn cán bộ sang công tác tại Cộng hoà dân chủ Đức hơn hai tháng, mới trở về nước ngày 3/4/1973, mẹ thường nói anh Đức nghiêm nghị, đứng đắn, "ra vẻ anh cả", chỉ có cái là chậm đường vợ con.
Em Phúc từ khi thành lập gia đình trở nên chín chắn, tay nghề của em rất vững, nhất là sau khi đi thực tập 3 năm ở Liên Xô trở về. Thành, vợ Phúc, công nhân kỹ thuật cơ khí, cùng công tác với Phúc ở Đại học Bách Khoa. Hai vợ chồng sống vui vẻ, đầm ấm, trong một gia đình công nhân kỹ thuật. Đến độ tháng 9/1973 hai vợ chồng em Phúc sẽ có đứa con đầu lòng, bố sẽ được sống thêm trong tình cảm của người ông đối với cháu nội. Con sẽ thêm trách nhiệm của một người bác ruột. Còn Việt, đứa em gầy còm của con trước kia, đã trở thành chiến sĩ công an vũ trang ở biên giới Lào Việt. Em cũng phấn đấu rất tốt, đã trở thành đối tượng của Đảng, và đang tiếp tục phấn đấu để được trực tiếp chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, và theo lời em viết "tiếp tục truyền thống của cha, anh, của gia đình".Một số bạn của em ở đơn vị mới qua Hà Nội, đến thăm gia đình cho biết tin em rất khoẻ, vượt được nhiều thử thách và hiện nay là một trong những chiến sĩ cốt cán của đơn vị.
Còn em Ngọc càng lớn càng khoẻ, càng to, đã trở thành sinh viên khoa tiếng Anh trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em học tiếng Anh vào loại giỏi và đang học thêm nhạc (ghi ta). Bố mẹ không phải lo về mặt học tập và đạo đức của em Ngọc. Ngọc lì sì bao nhiêu thì bé Diệp hoạt bát bấy nhiêu. Lúc nào Diệp cũng hoạt động, học xong là làm, học rất chăm chỉ, phải cái hay trêu trọc các em nên mọi người gọi cô ta là "cái dầm". Tuy vậy rất dễ thương và hồn nhiên, vui tính.
Em Lan học lớp 6, hiện nay trở thành cô quản lý gia đình về các mặt tem phiếu, đi chợ, nấu ăn. Học ít nhưng chóng nhớ, kiến thức tương đối vững, khoẻ và vững, rất thương bố, thường giặt quần áo cho bố.
Bé Thuỷ cứ vẫn chậm lớn, đêm thường quên, sờ tí mẹ tuy đã làm "sinh viên lớp 5" rồi. Em học tiến bộ hơn trước, cả nhà đều yên tâm và chiều con gái út.
Cụ nội, trẻ Nghiêm, ông Thành, cô cậu Hiếu và 4 cháu vẫn được khoẻ mạnh. Còn cô Chung đã 2 lần chuyển công tác, Chồng cô Chung đã về hưu non, 3 đứa con đều nghịch ngợm, học kém.
Bố đã cảm thấy cái già đã tới, 57 tuổi rồi. Tuy nhiên bố vẫn đi làm đều đặn, chưa có tư tưởng về hưu, phấn khởi với đàn con đang trưởng thành. Trước còn lo chưa có nhà, các em con còn bé... nay tình hình gia đình đã tương đối ổn định, kinh tế gia đình ngày một tốt, nhất là khi được nhận phụ cấp của con để lại (chính sách mới, mỗi tháng 47đ). Tuy nhiên theo sự suy nghĩ của bố, bố chưa muốn nghỉ ngơi, mà nếu 2,3 năm nữa có về hưu thì cũng tìm việc làm thêm hoặc viết, hoặc dịch, hoặc dạy ngoại ngữ ở đại học...
À bố thường tự hỏi: "Con đã lớn, tại sao không thấy con nói chuyện về việc vợ con". Hình như con có người yêu ở ngoài này phải không? Nếu có, con cứ giới thiệu với gia đình để giữ mối liên hệ cho bền vững.
Nhớ con nhiều lắm.
Bố.
CHỦ NHẬT 22/4/1973
Không biết nên nói rằng hôm nay là một ngày vui hay một ngày buồn? Hôm nay gặp Ngân - vừa thấy thật thân thương, gần gũi, vừa thấy thật xa lạ, lạnh lùng.
Gặp Ngân lần này tại Điện ảnh trong khung cảnh đỡ bề bộn hơn trước vì nhà cửa đã tạm xong. Chúng tôi có nhiều thời giờ riêng để nói chuyện với nhau. Từ lúc đi đường, tôi cứ đinh ninh rằng lần này chúng tôi sẽ được sống với nhau những giây phút thật đầm ấm. Không ngờ Ngân lại đưa tôi một lá thư Ngân đang viết dở dang. Trong thư, Ngân nói với tôi rằng Ngân rất quý, rất thương, rất kính trọng tôi, nhưng “không dám” nhận là người yêu của tôi, mà chỉ mong là một người em, người bạn, người đồng chí mà thôi. Ngân lý giải rằng hoàn cảnh sống của hai đứa có những sự cách biệt nhau, trình độ lại chênh lệch nhau quá, Ngân không xứng đáng là người yêu của tôi. Ngân lo rằng rồi đây gia đình tôi sẽ chê bai Ngân, bè bạn tôi sẽ dèm pha Ngân, do vậy tôi sẽ chán nản và hạnh phúc giữa hai đứa sẽ không được bảo đảm.
Đọc thư, bối rối trăm chiều, lòng bề bộn những câu hỏi, những sự day dứt, những cách lý giải. Ôi, biết nói thế nào với Ngân để Ngân hiểu và tin tôi bây giờ? Em ơi, tuy sống với em không được bao lâu, nhưng anh đã tìm hiểu em khá kỹ, đã tham khảo những ý kiến của những đồng chí thân cận anh về em rất nhiều và từ đó đặt ra cơ sở vững chắc để xây dựng tình yêu với em. Rồi anh yêu em với tất cả tình cảm mãnh liệt, thiết tha của mối tình đầu. Tình yêu ấy thật là sôi nổi nhưng lại chín chắn chứ không bồng bột đâu em ạ! Khi nhận được thư em đáp lại tình yêu của anh, anh sung sướng, hạnh phúc biết bao nhiêu và đã thầm nhủ mãi rằng: anh sẽ yêu em trọn đời, chúng ta sẽ chung sống với nhau thật đầm ấm như bố mẹ anh đã chung sống với nhau. Ước mơ cháy bỏng như vậy đấy, có thể nào anh lại từ bỏ tình yêu của anh, từ bỏ em được? Trong cuộc đời anh, anh đã gặp nhiều người con gái, đã có những lần cảm thấy yêu, nhưng chưa bao giờ anh thổ lộ tình yêu, rồi do nhiều điều kiện, anh lại gạt bỏ nó đi, do vậy chưa một lần nào anh nói trực tiếp với một người con gái hai chữ “yêu em”. Nhưng lần này anh đã nói với em, đã được nghe em nói lại hai chữ “thương yêu”. Anh đã nói ra như vậy và anh sẽ giữ mãi nó, sẽ thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó trong quan hệ với em - và chỉ với em mà thôi, không thể với bất kỳ một người con gái nào khác! Lẽ nào anh không thể thực hiện được ước mơ chính đáng của mình chỉ vì những lý do rất xa xôi như em đã nêu ra?
Nghĩ như thế nhưng không thể diễn đạt thành lời được. Ngân thì vẫn vui vẻ nói chuyện với tôi. Không biết nói với Ngân như thế nào bây giờ. Tôi bảo Ngân:
- Anh mong rằng những điều em viết cho anh là những lời nói đùa!
Ngân đáp:
- Không phải đùa, em nói thật đấy.
- Anh không muốn em so sánh như thế.
- Không, trong quan hệ nếu không có so sánh thì không thực với lương tâm!
- Em so sánh cũng được, nhưng cần so sánh cho đúng và giải quyết cho đúng. Em hãy rút lui ý kiến của em đi. Anh chỉ có thể chấp nhận những điều em nói trong lá thư trước tết.
- Bây giờ anh nghĩ như thế, nhưng sau này anh có thể nghĩ khác.
- Hay là do em không yêu anh nên em nói tránh ra như thế?
- Không, không phải như vậy.
- Em thật khó hiểu, em làm khổ anh!
- Không đâu, anh làm khổ anh đấy!
- Em ạ, em đừng lo về gia đình anh, gia đình anh sẽ hoàn toàn đồng ý với anh. Anh chỉ lo ba không đồng ý thôi, ba nghiêm khắc lắm mà.
- Không, ba tình cảm lắm anh ạ, khi mới gặp thì ba ít nói, nhưng khi đã quen, đã thân thì ba nói chuyện tình cảm lắm.
Buổi chiều qua đi. Ngân hẹn tôi tối sang gặp em. Lúc này, tôi không còn đủ sáng suốt để nhận định vấn đề gì hết.
Tối, Ngân sang C8 tiêm thuốc cho Đệ. Thấy tôi ở dưới bếp, Đệ gọi: “Lên đây em bảo cái này!” Khi tôi đến, Đệ bảo Ngân ngồi lên võng, bảo tôi ngồi vào chiếc ghế cạnh đó, còn Đệ ngồi xuống đất, với lý do “cho đỡ mỏi”. Chắc Đệ đã rõ phần nào quan hệ giữa tôi và Ngân. Cô gái Hà Tây này rất hồn nhiên song cũng khá tế nhị, tâm lý. Ngoài 3 chúng tôi, còn một anh chàng nào đó nằm võng tận ngoài đầu hè.
Tất nhiên lúc này câu chuyện không có gì đặc biệt cả. Ngân nằm trên võng, để một cánh tay qua phía tôi, đu đưa võng. Tôi cầm lấy bàn tay Ngân. Ngân rụt lại và nói: “Tay em nông dân đầy chai chứ không như tay anh trí thức!” Ôi, sao em cứ cố tìm ra những sự ngăn cách giữa 2 đứa? Tôi nắm lấy tay Ngân, khẽ vuốt ve và bảo: “Không, em xem đây, tay anh cũng đầy chai. Anh phát rẫy giỏi lắm chứ!”.
Sau khi nói chuyện một lúc, Đệ cầm đèn pin đi ra ngoài: “Tao có việc ra ngoài một tý, khi nào tao về mày mới được về đấy Ngân nhé!”. Ngân xuống võng. Tôi bảo nhỏ: “Khoan hãy về em!”. Ngân lại nằm lên võng. Tôi lại cầm lấy tay Ngân vuốt nhẹ và đưa lên môi hôn. Ngân không nói gì hết. Không kìm nổi tình cảm tha thiết của mình, tôi choàng tới, hôn lên má Ngân, hôn lên môi Ngân - làn môi mọng và ấm. Tôi thì thầm: “Yêu em, yêu em, yêu em biết mấy”. Tôi không nhớ rõ thái độ của Ngân lúc ấy như thế nào? Lẽ ra, chúng tôi phải ôm hôn nhau thật thắm thiết, chúng tôi yêu nhau cơ mà? Nhưng còn chuyện lá thư Ngân viết cho tôi hồi chiều? Tôi bối rối, băn khoăn, lo lắng. Em, em có giận anh không? Lát sau thì Đệ về. Ngân cũng về và dặn tôi: “Lát nữa anh qua nhé”.
Khoảng gần 9 giờ tôi sang. Gặp Ngân ở nhà ăn, Ngân bảo: “Anh đến nhà anh Thanh chơi!”. Tôi đi đến nhà Thanh. Ồ, lúc này tôi không còn tỉnh táo gì cả, tôi chỉ làm theo Ngân như một cái máy. Trong nhà, anh em đang nói chuyện vui vẻ. Anh Tầm bảo Ngân: “Em đi lấy nước mời khách chứ!”.Ngân cầm ấm chạy đi. Khi Ngân về, anh Tầm nói: “Nào, pha đường sữa mời khách chứ”. Ngân cười: “Nghèo quá, không có nhà, không có đường, có bạn đến chẳng biết làm sao cả!”.
Tôi cầm đàn ghita, dạo nhạc. Tôi và Thanh hát mấy bài hát Nga. Âm điệu của những bài hát gợi lại trong tôi những ngày còn đi học cấp 3 thường cùng bè bạn đàn hát. Ôi, tuổi trẻ, tuổi trẻ hồn nhiên thích quá. Bây giờ làm sao tôi có thể trở lại hoàn toàn với sự hồn nhiên, vô tư ấy? Tránh làm sao khỏi những sự phức tạp, va vấp? Tôi đã bước vào đời từ lâu rồi mà. Và bây giờ thì tôi đang yêu. Tình yêu đem đến cho tôi hạnh phúc, song cũng đem đến cho tôi nỗi đau buồn và nhiều loại cảm xúc gì đó rất phức tạp, rất khó tả nữa. Mới hay rằng yêu không phải là dễ và xây dựng một tình yêu thật chân chính, thật đẹp đẽ lại càng khó.
Nghe âm điệu buồn buồn của bài “Sulicô” tôi thốt lên: “Bài hát đầy mầu tang, lúc này mình không thích nghe!”. Ngân vẫn ngồi đu đưa võng. Tôi ngắm nhìn Ngân mãi qua ánh đèn dầu mờ nhạt. Tôi có cảm tưởng Ngân như con chim vàng anh xinh đẹp và đáng yêu đang vỗ cánh chuẩn bị bay vút lên vượt khỏi tầm tay tôi, bay lên cao mãi.
9 rưỡi, tôi bắt tay mọi người, ra về. Thấy tôi không bắt tay Ngân, anh Tầm nói đùa một câu gì đó làm mọi người cười ầm lên. Đã ra đến sân, tôi nói lại: “Còn đồng chí Ngân muốn gửi gì cho anh Đảo thì gửi nhé”.
Tôi bước đi trong màn đêm. Đi thật ư? Lại xa Ngân ư? Bao giờ gặp lại? Không có thể nói với Ngân những suy nghĩ của mình ư? Tôi đứng lại nhìn qua phía nhà anh Thanh. Có ánh đèn pin rọi ra phía cửa. Chắc Ngân về. Tôi đứng chờ.
Trong nhà bếp, chỉ cột có 2 võng: võng Ngân và võng Hải. Hải đi chơi bên C8 chưa về. Ngoài nhà ăn, mọi người đều nghỉ ngơi trên võng của mình. Ngân đốt đèn, lục tìm trong ba lô, lấy cuốn an bom, lấy mấy cái phim đưa tôi. Tôi hỏi: “Đưa anh xem cuốn anbom được không?”. Hồi trước tết, tôi có gửi cho Ngân một cái ảnh 2 đứa - nguyên là ảnh tôi phóng tách từ ảnh chụp chung với đông đảo anh em khác ra. Không hiểu Ngân còn giữ không? Ngân cất cuốn ambom đi và bảo: “Không, em không đưa anh xem đâu”.
Mỗi đứa ngồi một võng nói chuyện với nhau. Nối liền 2 đứa là một vùng ánh sáng khá lớn của ngọn đèn dầu. Tuy vậy, tôi cũng không nhìn Ngân thật rõ được.
Tôi nói:
- Ngân ạ, anh không ngờ em lại viết cho anh lá thư như thế. Khi đi đường chuẩn bị vào gặp em, anh nghĩ đến bao nhiêu chuyện vui...
Ngân ngắt lời tôi:
- Đúng, vui là đúng chứ anh, gia đình anh ấm cúng thế mà!
- Gia đình anh ấm cúng, nhưng anh không thể vui nếu như trong đó không có em!
- Thì trước đây vẫn không có em!
- Đó là trước đây! Chẳng thà đừng gặp em, đừng yêu em, đừng được em yêu. Đằng này mới yêu như thế mà bỗng chốc thay đổi hết cả, anh vui sao được? Tại sao hồi trước tết em lại viết cho anh lá thư như thế?
- Hồi ấy khác, bây giờ khác.
- Mới có mấy tháng mà tình cảm em đã thay đổi vậy sao?
- Không phải thay đổi, nhưng phải lường cho sâu anh ạ. Không biết anh có nghe người ta nói những chuyện về em trước đây không?
- Ồ, anh biết chứ, anh nghe rất nhiều, trong đó có những điều nói về em thật tệ hại. Nhưng, nghe thì phải điều tra, chứ tin ngay sao được? Em không biết đấy thôi, anh Phấn, anh Đảo đã giúp anh điều tra những chuyện ấy. Anh biết có những người ác ý, ghen ghét, cố tình nói xấu, dèm pha em. Thấy thực tế không có gì nên anh không nói gì với em đó thôi.
- Anh ạ, không phải là em thanh minh, nhưng anh xem đấy, từ nhỏ em sống với ba, sống trong quân đội, mãi tới tháng 6 năm 72 em mới qua Văn công rồi về Ban, làm gì tệ đến như thế được? Thực ra em sống có rất nhiều người mến, có những anh đặt vấn đề với em. Không phải là em kén chọn, nhưng em thấy không phù hợp cho nên em không đồng ý do vậy có những anh đã nói xấu em.
- Anh biết chứ. Anh nghĩ bên quân đội kỷ luật rất nghiêm minh, làm sao lại có thể xảy ra những điều xấu xa như vậy được?
Ngân tỏ ra yên tâm khi tôi nói những điều như vậy. Rồi Ngân lại nói:
- Bây giờ ở rừng núi chỉ có anh và em thì được. Nhưng sau này xuống đồng bằng, em già đi, xấu đi, lại dốt, rồi gia đình anh mỗi người nói một câu, anh sẽ khổ.
Tôi đáp:
- Em ạ, thực ra khi quyết định yêu một người không thể không đắn đo, suy nghĩ, so sánh. Nhưng anh nghĩ không thể lấy tuổi tác và sắc đẹp làm cơ sở cho tình yêu - tuy nó cũng quan trọng. Bởi vì nếu đặt cơ sở như vậy thì không vững chắc - thời gian sẽ làm cho tuổi trẻ và sắc đẹp phôi phai đi. Anh muốn đặt tình yêu trên cơ sở hiểu biết, thông cảm, thương nhau và chung thuỷ với nhau. Và anh đã đến với em với tình cảm như thế.
- Nhưng nếu người ngoài dư luận dèm pha thì anh nghĩ thế nào?
- Khi đã xác định rõ mọi chuyện, anh sẽ đạp trên dư luận xấu mà đi đến mục đích của mình. Cũng có thể có một số người tung ra dư luận xấu đấy, nhưng anh không ngại. Ngược lại, có rất nhiều người ủng hộ chúng ta. Em biết không, hôm nọ anh Nguyễn Khắc Phục đưa thư của anh cho em, anh ấy đứng chờ em suốt từ 10 giờ đến 11 rưỡi khuya đấy. Bạn bè thân thiết của anh đều tôn trọng tình yêu này và vun đắp cho nó.
- Bây giờ thì tôn trọng, nhưng sau này...
Câu chuyện còn tiếp diễn, nhưng chung quy lại Ngân vẫn không rút lui ý kiến của mình.
10 giờ Ngân bảo tôi về nghỉ và đưa tôi một hộp đường bảo đem về ăn. Tôi cất nó lại chỗ ba lô Ngân.
Đêm, nằm trăn trở mãi trên võng, không thể nào ngủ được. Suy nghĩ mãi về Ngân. Xuất phát từ đâu Ngân nêu ra những ý kiến trên? Ngân lo lắng thực sự đến quan hệ với tôi sau này hay do Ngân đã có sự thay đổi về tình cảm?
Nếu Ngân đã thay đổi tình cảm với tôi, đã có một người nào đó vừa ý hơn, thì có lẽ tôi sẽ rút đi một cách nhẹ nhàng thôi, tuy không tránh khỏi đau buồn. Cái đó hoàn toàn do Ngân quyết định. Tôi không có quyền ép buộc Ngân. Tình yêu là một thứ tình cảm hoàn toàn tự giác, không thể dùng sự thúc ép bên ngoài mà kéo nó đến mình được. Tôi cũng không ghen tuông. Ghen tuông là biểu hiện cho sự bất lực của tình yêu. Mối tình mới bắt đầu và đang phát triển. Nếu Ngân thủy chung với mối tình ấy, tôi sẽ nâng niu và dồn cả tình cảm của mình vào vun đắp cho nó phát triển lên mãi. Còn nếu như Ngân đã vội thay lòng đổi dạ, tôi sẽ hoàn toàn không tìm cách ngăn cản Ngân.
Nếu như Ngân thực sự lo lắng là trong tương lai, do những hoàn cảnh khách quan, tôi sẽ thay đổi tình cảm, thì tôi sẽ phải tìm mọi cách làm cho Ngân yên tâm về điều đó. Trong cuộc đời, đây là lần thứ 3 tôi tự quyết định những bước ngoặt lớn cho mình.
Lần thứ nhất: tôi quyết định không học đại học. Khi ấy, tôi tốt nghiệp lớp 10, được chọn vào học khoa Xây dựng, trường đại học Bách khoa. Nơi ấy là mơ ước của nhiều thanh niên. Nhưng riêng tôi, tôi không phấn khởi chút nào khi đến nơi ấy, vì không hợp nguyện vọng của tôi, tôi chỉ yêu ngành văn thôi. Nghe VNTTX mở lớp phóng viên, tôi liền đến xin vào học. Bố tôi nói với tôi: “Tùy con đấy. Nhưng con hãy suy nghĩ cho kỹ”. Tôi nói: “Con suy nghĩ kỹ rồi. Đi vào ngành ấy phù hợp với con hơn, con sẽ phát huy được năng khiếu của mình”. Bố tôi lại hỏi: “Nếu như trên gọi con đi học nước ngoài, con có bỏ lớp phóng viên không?” - “Không, con đã theo thì con không bỏ”. Bố tôi dặn: “Được, con hãy làm theo quyết định của con và làm tới cùng, đừng bỏ giữa đường”. Thế là tôi rời trường đại học, đi học lớp báo chí. Cho tới nay đã 7 năm trôi qua, tôi vẫn thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn và ngày càng thấy yêu nghề của mình hơn.
Lần thứ 2, tôi quyết định vào Nam công tác. Khi ấy, khí thế tấn công và nổi dậy trào dâng khắp miền Nam. Tiền tuyến cần người. Đồng chí Tố Hữu đến VNTTX nói chuyện với chúng tôi: “Bây giờ phóng viên phải đứng trên 4 phương thành Huế mà viết tin, chụp ảnh”. Tôi viết giấy tình nguyện vào Nam. Bố tôi lại nói với tôi: “Tuỳ con, con suy nghĩ kỹ đi”. Bao giờ cũng vậy, bố tôi chỉ gợi ý cho tôi suy nghĩ sâu hơn và tự quyết định chứ không bao giờ quyết định thay tôi những việc tôi sẽ làm. Bố tôi nói tiếp: “Thanh niên ngày nay sống phải có lý tưởng, phải sôi nổi. Con xung phong vào tiền tuyến là đúng. Nhưng con phải thấy trước những khó khăn, ác liệt sẽ đến với con để chuẩn bị tinh thần mà vượt qua. Khi đã quyết định đi, thì đừng vì gặp khó khăn, ác liệt mà chùn bước, thối lui”. Thế rồi bố tôi tiễn tôi đi. 5 năm đã qua, tôi đã chịu đựng bao nhiêu khó khăn, gian khổ, ác liệt, có lúc tưởng đuối sức không vượt qua nổi và tôi vẫn lớn lên về nhiều mặt. Chính ở nơi đây tôi đã được kết nạp Đảng. Chính ở nơi đây tôi đã có những tiến bộ đáng kể về nghiệp vụ, về chính trị và đã thu lượm được kha khá tài liệu thực tế để nâng cao nhận thức và để phục vụ cho ý đồ viết sau này. Tới nay hòa bình rồi, tôi vẫn thấy rất cần thiết phải có mặt tại đây, thấy rất gắn bó với mảnh đất này. Tuy nhớ da diết gia đình, tôi vẫn xác định rằng còn phải chiến đấu trong này rất lâu dài và rất thanh thản chấp nhận thực tế ấy. Vậy là trong lần thứ 2 này, tôi cũng hoàn toàn đúng đắn, không có gì phải ân hận cả.
Còn trong bước thứ 3 này? Thúy Ngân đã gợi ý cho tôi suy nghĩ lại cho chín chắn. Đó là điều cần thiết. Song cũng như 2 lần trước, tôi đã quyết định rồi sau khi suy nghĩ, đắn đo, tôi theo đuổi nó đến cùng.
Suy nghĩ lại, tôi thấy chắc rằng Ngân không có sự thay lòng đổi dạ nào đâu. Ngân đối xử với tôi vẫn thân thiết như buổi đầu. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh Ngân, sẽ thấy những điều Ngân nói là có cơ sở thực tế. Thường phụ nữ hay tính toán, lo xa hơn đàn ông. Có lẽ Ngân sợ tôi xốc nổi, say đắm quá mà không nhìn vào thực tế? Người ta thường nói khi người phụ nữ đã yêu, thì họ muốn cho người yêu của mình có đầy đủ hạnh phúc. Ngân sợ rằng Ngân không có khả năng đem lại hạnh phúc đầy đủ cho tôi sao? Không, Ngân ơi, em hãy nhìn lại em đi, em không thấp như em tưởng đâu. Tuy học hành không được mấy, nhưng em rất thông minh và tỏ ra biết nhận thức đúng đắn cuộc sống, có hiểu biết về xã hội, về quan hệ giữa con người với con người, về cái đúng, cái sai. Nhiều người đã nhận xét về em như thế và anh cũng thấy đúng như thế. Riêng việc em sợ sau này anh sẽ khổ nếu như lấy em thôi cũng đủ cho anh thấy hạnh phúc rồi. Điều đó nói lên em quan tâm đến anh biết mấy.
Kỳ lạ thật, chuyện này xảy ra, về hình thức thì hầu như đã đẩy tôi ra xa Ngân, nhưng thực ra về nội dung lại kéo tôi lại gần Ngân rất nhiều. Thật sung sướng khi phát hiện thêm những điều tốt đẹp của người yêu của mình. Thấy yêu Ngân hơn nữa, yêu một cách sâu sắc và đậm đà. Càng thấy gắn bó với Ngân hơn, càng thấy rằng từ đây trong cuộc đời không thể nào thiếu Ngân được.
Một đêm sắp qua rồi.
Ngân hẹn chủ nhật này sẽ về Ban.
CHỦ NHẬT, 29/4/1973
Về thăm cơ quan. Phân xã TTX chúng tôi có thêm hơn 30 người - phần lớn là sinh viên đại học Tổng hợp ra, học lớp phóng viên rồi vào đây. Với lứa tuổi 22 - 25, những anh chị em này rất sôi nổi. Trong số này lại có 4 cô gái nữa - 1 phóng viên ảnh, 3 phóng viên tin. Nhà đông vui, nhộn nhạo hẳn lên. Mọi người bắt tay ngay vào việc gùi cõng gạo và làm nhà ở, tạo cơ sở vật chất đầy đủ để rồi bước vào công tác chuyên môn.
Khoảng 8 rưỡi sáng, Thúy Ngân và Đệ đến. Anh em trong phân xã đều vui vẻ đón tiếp 2 người.
Đặc biệt anh Đảo, Phấn, Quảng đã chiều tôi rất nhiều, đã đón Ngân như đón một đứa em trong gia đình, tạo cho Ngân không khí vui vẻ, thân mật. Tôi rất hài lòng và rất hàm ơn trước cách đối xử ấy.
Tôi cũng rất hài lòng ở thái độ của Ngân. Ngân đến thăm hỏi anh Đảo, thăm hỏi mấy cô bạn gái trong nhà, gây được cảm tình với những người bạn mới một cách nhanh chóng.
Khoảng 10 rưỡi, nhớ đến ảnh Ngân còn phơi ở sân gần buồng tối, tôi đi lấy. Ngân chạy theo. Tôi hỏi:
- Sao, đồng chí em, đã suy nghĩ lại những điều trao đổi với nhau hôm nọ chưa?
Ngân trả lời lấp lửng:
- Em thì trước sau như một.
- Anh cũng trước sau như một.
Thuỳ - cô phóng viên ảnh mới - đang chọn ảnh. Thấy chúng tôi xuống, cô vội cầm mấy cái ảnh, đi lên. Tôi ngồi xuống cầm ảnh Ngân lên cắt cạnh. Ngân nói dịu dàng:
- Anh, vào trong mát ngồi cắt không có đau đấy.
Chúng tôi đem ảnh vào trong nhà phóng ảnh, ngồi bên nhau vừa xem ảnh, vừa nói chuyện. Tôi bảo:
- Em sợ anh đau, anh gầy mà lại viết cho anh lá thư như hôm nọ à? Hôm ấy anh thức suốt đêm. Riêng chuyện đó cũng đủ làm anh gầy đi bao nhiêu.
- Ai bảo anh nghĩ, anh thức cho khổ?
- Không nghĩ sao được?
Chúng tôi ngồi sát lại nhau.
Tôi hỏi:
- Ngân, em sinh năm 1952 phải không?
- Dạ!
- Thế ai bảo là em ít hơn anh 4 tuổi?
- Em không hỏi nhưng nghe mấy anh nói anh 25 tuổi.
- Không phải đâu nhé, anh 27 rồi, hơn em 6 tuổi cơ đấy. Em có biết Các Mác và vợ như thế nào không?
- Có, vợ Các Mác hơn Các Mác 4 tuổi.
- Vậy mà hai người sống rất hạnh phúc.
- Dạ.
- Em thấy đấy, tuổi tác có quyết định được hạnh phúc vợ chồng đâu? Còn ở đây, chúng ta lại không nằm trong tình trạng ấy, em nhỏ hơn anh nhiều, em rất trẻ. Điều quyết định cho hạnh phúc vẫn là sự hiểu biết, thông cảm nhau sâu sắc, hợp nhau, chung thuỷ với nhau.
Ngân ngồi im lặng bên tôi. Cầm tấm ảnh Ngân lên, tôi nói:
- Ai cũng khen ảnh em đẹp!
- Đẹp gì, già gần chết rồi mà đẹp gì?
Tôi quay sang ngắm nhìn Ngân. Khuôn mặt em thân yêu biết bao. Đây này, đôi mắt em to vừa phải, trong sáng lạ lùng, rất đẹp. Anh có thể ngồi ngắm đôi mắt em suốt ngày không chán. Sống mũi em hơi cao, thẳng, thật thanh tú. Làn da em mịn màng, hồng hào. Đôi môi em mọng đỏ. Em nhìn lại em đi. Với anh, em là người đẹp nhất trên đời.
Tôi choàng qua Ngân. Ngân hơi cười... Cơ thể Thúy Ngân săn chắc truyền sang tôi một sức sống mãnh liệt...
Gần 3 giờ chiều, Ngân chuẩn bị về. Tôi sửa soạn gùi cho Ngân. Ngân quấn quýt bên tôi. Tôi lấy khăn gói số thuốc Ngân lĩnh, lấy dây dù buộc gùi cho Ngân. Tôi băn khoăn:
- Dây dù nhỏ thế này đau vai đấy em ạ.
- Không, mang thế này là sướng lắm rồi.
Được chăm sóc người yêu thật là một điều hạnh phúc. Chúng tôi ít được ở gần nhau để chăm sóc lẫn nhau, cho nên những giây phút này thật quý giá. Ngân đứng bên tôi. Tôi nhìn Ngân. Ngân nhìn tôi. Ngân bảo:
- Hôm nào anh qua lấy cái quạt nhé.
Bữa trước, Ngân khâu cho tôi một cái quạt mà chưa xong.
Tôi hỏi:
- Sao em không đem qua cho anh?
- Đem ngại quá. Anh sang nhé.
Trời xầm xì muốn mưa. Mấy hôm nay chiều nào cũng mưa giông. Tôi tiễn Ngân đi một quãng đường...
Trời chỉ dậm dọa mà không mưa.
(Còn nữa)