Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần XVI)

18/08/2022 12:02

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

NGÀY 28/5/1972

Lại xuống trạm giao liên ở Cát Sơn, nơi mà cách đây một năm tôi đã đi qua. Hồi ấy, tôi đến trạm lúc tối đen, và phải hưởng một trận pháo cấp tập. Hồi này, xuống khi còn ráng chiều, vừa lúc một chiếc trực thăng bay tới, rất thấp, chỉ cao hơn mái nhà một chút, nhưng không bắn phá gì. Hồi ấy, đi qua những xóm nhà đìu hiu không một bóng người. Bây giờ, nhà vẫn như xưa và người đông đúc: đồng bào đã phá khu dồn trở về, làm ăn, buôn bán; bộ đội, cán bộ mua hàng, đi công tác.

Tới gần đường số một, ngồi chờ giao liên đón ở một đám ruộng - không vào xóm vì địch có thể phục kích. Trăng sáng vằng vặc. Mong có mây đến che cho trăng bớt sáng để vượt đường cho kín đáo. Tôi ngồi ở một bờ ruộng, ướt nước sương. Ruộng lởm chởm những gốc rạ khô gần mục. Nhìn ra đường số một, thấy phía trái có một cụm cứ điểm địch sáng lên với những pha đèn điện. Cụm này rất lớn, bao cả một khu vực từ dưới thấp lên lưng chừng núi. Từ phía đó, phát ra tiếng máy điện chạy mạnh, nghe như tiếng Honda rồ ga lên dốc. Thỉnh thoảng, cây pháo đặt trong đó lại bắn một phát, tiếng nổ mạnh làm tôi giật mình. Hình như đó là Sư bộ Sư 22 nguỵ hoặc căn cứ của bọn Pắc Chung Hy.

Gió vi vu, lành lạnh. Vẳng từ phía Nam lên tiếng kêu gì đó nghe trầm trầm, âm ấm, âm âm như tiếng kêu của một cây đàn dương cầm lớn mà hòm dây bị mở tung ra, đặt trước một trận gió lớn. Lắng nghe lắm mới nhận ra đó là tiếng động cơ Đa cô ta - nơi ấy là sân bay Gò Quánh.

Gần 9 giờ, giao liên lên, phổ biến:

- Mấy hôm nay, địch kích liên tục ở đường cũ, do vậy, bữa nay phải đi đường khác. Đường này chỉ cách căn cứ địch 50 mét và cách cầu 20 mét. Khi vượt đường sắt, vượt đường số một, phải chui qua cống. Không được chạy qua mặt đường, mà phải chui qua cống. Bám sát đội hình, vượt nhanh, im lặng.

Sau khi nhấn mạnh mấy câu cuối, anh dừng lại một chút rồi dặn rất kỹ:

- Bọn lính gác cầu và trong cứ điểm hay hô tầm bậy, bắn tầm bậy. Đừng tưởng nó phát hiện ra mình mà chạy.

Bắt đầu đi hàng một, thưa.

Chạy theo một lòng suối khô thấp hơn đường tới hơn một thước, chui vào một cái cống ngầm xây bằng gạch. Cống thấp, phải lết. Chui khỏi cống, lại theo lòng suối cạn chui vào một cống khác luồn qua đường số một. Cả hai cống đều dài tới hơn chục thước, lòng thấp, phải lết đi. May không có nước, nếu không chắc ướt hết. Tất cả đều yên tĩnh.

Vượt qua một cánh đồng. Vào rìa núi. Bầy te te đánh hơi người bay túa lên, kêu ầm ĩ. Một cứ điểm địch bắn loạn xạ. Từng dây đạn đỏ lừ vạch sáng bầu trời.

plv-1660485689.jpg

NGÀY 29/5/1972

Đặt chân lên núi Bà. Cụm núi to nổi tiếng vì hồi trước (1969) cả sư đoàn Pắc Chung Hy càn quét và đã đụng độ dữ dội với quân cách mạng. Núi độc một loại cây thấp, cỏ tranh.

Nắng, nóng, mệt.

Đêm, trời tập kích một cơn mưa dữ dội làm nhiều người ướt sũng, phải trùm ni lông ngồi.

NGÀY 31/5/1972

Vẫn đi trên đỉnh núi Bà. Có nơi đi cách một căn cứ Pắc Chung Hy chỉ một cánh đồng, thấy rõ tháp canh, lô cốt. Nhìn xuống thấy rõ vùng đồng An Nhơn, Phù Cát.

Đường vắt qua những tảng đá cheo leo, gập ghềnh thật khó đi.

NGÀY 1/6/1972

Tới một trạm nằm tại xã Cát Chánh (Phù Cát). Sát biển rồi. Đi trên đồi trọc nhìn xuống thấy biển xanh rờn đằm thắm.

Chiều, theo trực (giao liên) về Quỳnh Tiến 2. Đi qua những cánh đồng mênh mông, hoang vu. Ruộng ở đây tốt nổi tiếng nhưng bây giờ không ai cấy trồng, cỏ mọc um tùm. Đi thẳng ra biển. Gặp lại những dấu tích cũ của một làng: nền nhà gạch, giếng nước, chum ghè bị tàn phá vì bom đạn, chìm dưới cỏ. Qua một rừng dương dày, có nhiều cây bị pháo bắn đổ ngổn ngang, cháy đen hoặc vàng úa.

Theo dọc bờ biển. Ngoài khơi có hai chiếc tàu thuỷ lớn đậu nép vào 2 hòn đảo lớn. Sóng ì ầm. Tầm mắt được mở rộng, ngực được hít thở không khí khoáng đãng.

Cơ quan dựa vào các hang đá mà ở.

NGÀY 2/6/1972

Anh Toàn, Phó bí thư Tỉnh uỷ phụ trách khu Đông, đón chúng tôi bằng sự nhiệt tình, niềm nở. Với vóc người hơi cao, nước da hồng hào, khuôn mặt vuông, trán cao, mái tóc hơi quăn tạo thành nếp gọn gàng, anh có dáng vẻ của một trí thức. Anh rất hiểu rõ tầm quan trọng của công tác báo chí. Anh rất mê chụp ảnh. Anh nói:

- Ước mơ của tôi là ra được một tờ báo cho thị xã Quy Nhơn. Tờ báo là tiếng nói, là bộ mặt của chúng ta mà. Tôi muốn các anh giúp cho thị xã ra được tờ báo.

Anh bàn thẳng vào những việc cụ thể để ra báo. Nhiệt tình của anh lôi cuốn tôi và Cao Duy Thảo vào không khí chiến đấu ở chiến trường mới một cách mau chóng.

Khu Đông nổi tiếng về muỗi. Bọc võng trở nên bất lực: mặc dù nó được phủ nắp kỹ, muỗi vẫn bò theo thành nó mà luồn vào được, mỗi đêm ít nhất có mấy chục con muỗi nhờ thủ đoạn đột kích ấy mà hút được máu người. Ngủ thiếp đi một lúc, muỗi cắn đau lại choàng dậy, nắm 2 thành bọc võng mở ra, khép lại tạo thành những luồng gió quạt chúng ra.

NGÀY 4/6/1972

Ở với Tuyên Huấn thị xã, ngày ngày qua dự trực báo bên Thường vụ Thị ủy. Chúng tôi đều ngóng một tin từ Quy Nhơn ra: từ hôm qua, đã nghe đài địch nói đến một vụ nổ giữa thị xã, có đúng là vụ nổ do ta bố trí không?

7 giờ 5 phút, một phụ nữ người nhỏ nhắn bước vào phòng họp và mọi người đều ồ lên mừng rỡ. Anh Toàn nói:

- Cô đem tin phấn khởi đến cho anh em chứ, cô Kiên?

Kiên cười, bước lại ngồi ở ghế và nói luôn:

- Chà mừng quá, nổ đúng như kế hoạch. Khi tôi tới gặp anh L, anh ấy nói: “Phải đánh ngay trong sáng hôm nay vì tất cả bọn chỉ huy cao cấp của Bình Định đều tập trung họp ở Trung tâm hành quân Bình Định”. Nhưng không có kíp 4 giờ. Tôi đưa kíp 2 giờ. Anh ấy nhận, rất phấn khởi, nói: “Thôi, may rủi. Kíp 2 giờ, cấn quá nhưng ráng đánh. Có đổi bằng gì cũng phải đánh trong ngày hôm nay”. 5 rưỡi sáng 2/6, anh ấy đem vào đặt giữa phòng họp dưới hầm ngầm, 7 giờ 15 nổ. Sập hết hầm, chết hết bọn nó. Cuộc họp này do tên đại tá Chức, tỉnh trưởng, chủ trì. Không biết có nó dưới ấy không nhưng từ hôm đó đến nay không thấy nó, bọn chúng đang đi kiếm. Chúng rào chặn đường không cho ai tới coi và cho 3 máy bay cần cẩu tới trục hầm, lấy xác. Đợt đầu mới khiêng được 15 xác phía ngoài. Sau đó tôi đã gặp lại anh L, anh rất phấn khởi và cho biết không bị tụi nó nghi gì. Tụi nó bắt một nửa số lính bảo vệ trong khu này.

Mọi người sôi nổi bàn về ý nghĩa thắng lợi của vụ này. Tôi nhìn chị Kiên, hết sức thán phục. Chiến công này thuộc người lính nguỵ nội ứng kia một phần, nhưng phần lớn, phải dành cho người phụ nữ nhỏ nhắn, bình dị ấy. Chính chị xây dựng anh thành cơ sở, cùng anh xây dựng phương án và đưa thuốc nổ vào giữa thị xã đầy quân địch.

Chị Kiên kể tiếp:

- Sợ rủi ro, tôi đưa cả 6 kíp cho anh L. đánh một lượt.

Một anh nói xen vào:

- Tôi dành cả phần của chiếc tầu cho vụ ấy đấy. Tàu chở vũ khí đến, đánh ngon mà phải dừng, chưa đánh.

Chị Kiên lại nói:

- Anh L. nói, lúc 10 giờ anh tới coi, thấy hầm tung ra hết. Trụ sắt, máy móc biến thành những mảnh vụn. Lúc tôi vô, nghe 2 thằng lính nói chuyện với nhau: "Mày có vô Trung tâm hành quân chưa?" - "Có, dễ sợ quá!". Biết là vụ của mình, tôi cố lắng nghe nhưng chúng không dám nói nữa. Tới Đập Đá, ngứa cổ, chúng lại nói: “Hầm ngầm của bộ chỉ huy ở Trung tâm mà còn sập, nói chi đến lũ mình”. Chúng rùng mình, nói mãi: “Dễ sợ quá, dễ nể quá!”. Còn thằng Lân, thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/10, mới thoát chết ở Hoài Nhơn về, cứ ngồi gục mặt than: “Không còn biết tin ai nữa”.

Nghe chị Kiên kể chuyện, tôi lại tức cười cho sự tuyên truyền lừa phỉnh của địch. Đài BBC, đài Manila đưa tin về vụ này: “Đặc công Cộng sản đặt chất nổ làm sập một hầm ngầm ở Quy Nhơn, chết 3, bị thương 15 người. Tên đặc công mặc giả sĩ quan không quân đã bị chết tại trận vì quả mìn nổ quá sớm. Chính phủ còn bắt được 9 đặc công khác!”. Thật là dựng đứng chuyện mà không biết ngượng mồm.

Khi mọi người vừa thảo luận xong thì anh Châu - cán bộ binh vận tỉnh - tới. Anh Châu được cử đi công tác ở vùng ven, không biết tại sao lại về. Anh Toàn hỏi:

- Sao, ông Châu nghe gì chưa?

- Có chứ, nghe một vụ nổ ở thị xã.

- Thấy thế nào?

Anh Châu lúng túng, cười trừ.

- Thấy thế nào, có bàn bạc gì không?

- Dạ có, anh Vương có báo tin cho anh em bộ đội và phát động hoạt động mạnh để phối hợp, tôi có họp một số cơ sở động viên họ hành động.

- Hoạt động ra sao?

Anh Châu trả lời ngắc ngứ, rề rà, vòng vèo, đại ý: đơn vị bộ đội đi đánh mục tiêu đã định nhưng địch cho quân kích đường nên phải dừng lại, địch tập kích 2 lần vào xóm Đăng, có cả tàu rọ phối hợp. Anh em tản khai hết, chỉ để một số ở lại bố phòng, nhưng chúng tới nhanh quá, không kịp...

Anh Toàn ngắt lời:

- Thế có loan tin chiến thắng cho đồng bào nghe không? Có đưa đồng bào vào thị đấu tranh không?

- Dạ không!

- Đó, thế mới chết. Các ông chỉ thấy tầu rọ quần, lính kích mà lo cuống lên, không dám hoạt động. Anh biết không, cú đánh vừa rồi là cú đánh lớn lắm, làm bủn rủn hết bọn địch, nhất là bọn chỉ huy. Nó phối hợp với Phù Mỹ rất tốt. Nó giáng vào bọn đầu xỏ, làm cho số còn lại rụng rời tay chân. Cũng còn phải rất lâu chúng mới sắp xếp lại được tổ chức, ổn định lại được tinh thần. Anh biết không, chúng cho rằng đó là cú đánh mở màn để ta chiếm Quy Nhơn mà, chúng đánh giá ta cao lắm mà, chúng hoang mang dữ vậy mà. Nhưng, Quy Nhơn là chỗ cuối cùng của chúng, chúng phải cố giữ chứ, do vậy chúng mới đẩy quân ra giữ rìa. Làm vậy, mà trong bụng run lắm. Lẽ ra, ta phải hoạt động mạnh lên chứ. Đánh điểm không được thì phải chia ra đánh nhỏ chứ. Phải đưa đồng bào vào thị làm xôn xao dư luận, tấn công tư tưởng binh lính địch chứ. Chỉ cần kéo vào, hỏi thăm thôi: “Sao, mìn nổ thế nào mà dữ vậy? Ông tỉnh trưởng đâu không thấy lên ti vi nói, hay là bị lấp dưới hầm rồi?” v.v.. thì cũng đủ làm cho địch hoang mang rệu rã thêm rồi. Vậy, mà làm không được. Bỏ qua mất 2 ngày rồi.

Anh Châu cứ ngồi im mà nghe.

Những ngày tiếp theo, tôi tranh thủ gặp một số cơ sở từ trong thị xã ra khai thác tài liệu để viết tin, bài. Đồng thời cùng Cao Duy Thảo, Mai Ái Trực biên tập số báo đầu tiên cho Thị uỷ Qui Nhơn. Bài vở cũng khá phong phú. Chúng tôi cố gắng viết ngắn cho phù hợp với tờ báo khổ nhỏ và với điều kiện lưu hành bí mật trong vùng địch kiểm soát. Việc in ấn được tổ chức ngay tại chỗ, vì nhà in tỉnh đã chi viện cho vùng Đông cả máy móc, chữ, khuôn, cả công nhân in.

Tại đây, tôi được nghe nhiều chuyện cảm động của vùng Núi Bà này những năm gian khổ, ác liệt. Có thời gian, địch bao vây dữ quá, hết cả thức ăn, phải xoay đủ thứ mà nuôi thân. Hồi ấy có anh Sang nổi tiếng về bắt chuột: đêm, anh nằm trong hang đá, để bàn chân nhử chuột - lũ chuột ở đây rất dữ, dám gặm cả chân người - khi chuột tới gặm bàn chân, anh nhanh chóng co gối, làm sập chiếc bẫy làm bằng chiếc thau nhôm lớn. Có đêm, bắt được 5 - 7 con chuột to sù. Có trận, bom làm sập một lèn đá, nhốt chặt một cô gái trong đó. Lèn đá không sập hẳn, không đè chết cô, nhưng bịt chặt mọi ngõ ra. Anh em phải đưa thức ăn, nước uống qua khe đá vào cho cô. Nuôi cô trong sự bất lực, chỉ là sự an ủi khắc khoải của một sự sống không lối thoát. Được gần một tuần lễ, địch càn lên, đành đặt vào miệng hang những khẩu phần cuối cùng, nắm bàn tay gầy guộc của cô lần cuối cùng, rồi gạt nước mắt chuyển sang ngọn núi khác. Khi địch rút, quay lại, chỉ còn nhận được mùi tử thi...

(Còn nữa)

Phạm Việt Long