Tác phẩm Bê Trọc của nhà báo Phạm Việt Long: Nhật ký chiến trường về một thời máu và hoa (Phần X)

Bê trọc, còn gọi là Chuyện đời thường trong chiến tranh, là tác phẩm của Phạm Việt Long, do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản vào đầu năm 1999.

Hà Nội, ngày 4/1/1972

Long yêu dấu của bố mẹ.

Gần đến Tết rồi, mẹ con lại càng nhớ con. Hôm 25/12 vừa qua mẹ con nhắc tới con nhiều lắm, nhất là đêm hôm đó cả nhà sum họp vui vẻ quanh bàn bánh kẹo. Vui vì gia đình sum họp, song thiếu con và em Phúc nên cũng đượm vẻ buồn.

Hôm nay, sau 25/12, 1/1, gần đến Tết, nhớ đến con yêu dấu đang phấn đấu vượt mọi gian khổ nơi tiền tuyến, bố mẹ lại biên thơ thăm con, dù bố cũng không tin tưởng rồi thơ này có đến tay con không. Trung bình, mỗi tháng bố biên một thơ theo lời con dặn, có lần gửi cả 5 giấy 10 đồng có in chân dung Bác Hồ và thuốc men, chả biết con có nhận được không. Bốn mùa đã qua, mà không nhận được thơ nào của con cả. Bố thường được gặp chị Sáu và bác Đào Tùng để hỏi tin con. Các đồng chí cho biết con vẫn khoẻ, quen với gian khổ, đang đi công tác đặc biệt, nên bố cũng yên tâm.

be1-1659844122.jpg

Em trai tôi, người viết lá thư đăng trong số này. Bây giờ, Phạm Hùng Việt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Hội đồng biên soạn Từ điển bách khoa thư, phần về Ngôn ngữ., Viện trưởng Viện Nghiên cữu Văn hóa và Phát triển.

Gia đình ta được bình yên, khoẻ mạnh. Từ khi bố lên Bộ Đại học công tác, sức khoẻ tốt hơn trước, đỡ lo nghĩ, đỡ vất vả. Mẹ con cũng vẫn khoẻ. Anh Đức vẫn công tác ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. Em Phúc vẫn thực tập ở Liên Xô, đến 11/1972 sẽ trở về nước, sau khi hoàn thành 3 năm rưỡi thực tập. Em Việt đang luyện tập ở gần Hà Nội và sẽ công tác ở ngoài này, trong Công an vũ trang nhân dân. Mẹ và vài em mới đi thăm Việt về. Gia đình ta toàn nhà đều khoẻ mạnh, bình yên. Cụ đã 93 tuổi rồi, mắt đã hơi mờ, đi lại ít, chỉ mong được gặp con trước khi nhắm mắt. Cậu Hiếu đã có 3 con gái, 1 trai. Ông bà trẻ vẫn ở Bắc Quang. Bà và cụ ở với cậu Hiếu, trong nông trường Việt Lâm.

Các em con đều khoẻ và rất ngoan. Ngọc năm nay học lớp 10, lớp năng khiếu ngoại ngữ của Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em ở ký túc xá, chủ nhật mới về nhà. Em béo, khoẻ, học giỏi. Tháng 5 em thi lớp 10 rồi vào thẳng Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em học tiếng Anh rất tốt. Diệp học lớp 8, Lan học lớp 5, Thuỷ học lớp 4, đang trên đà tiến bộ. Thường ngày bố và anh Đức ở Hà Nội, ở nhà còn có mẹ và 3 em Diệp, Lan, Thuỷ. 3 em học tốt lại giúp mẹ nuôi được 2 lợn + 1 vườn rau. Tết này, nhà ta mổ lợn ăn tết đấy, mẹ càng thương con và nhớ con.

Chắc con đã biết tin Níc Xơn lại xua giặc lái Mỹ oanh tạc một số tỉnh miền Bắc và đã bị thiệt hại nặng.

Miền Bắc có nhiều đổi mới tốt về kinh tế và cả về quốc phòng, càng ngày càng mạnh lên con ạ.

Thơ này đến tay con chắc vào dịp đầu xuân Nhâm Tuất.

Bố mẹ chúc con luôn được mạnh khoẻ, luôn luôn xứng đáng là đảng viên tốt của Đảng ta.

Rất mong thư của con.

Thân mến! Bố.

Phạm Đức Hóa

Thư em trai Phạm Hùng Việt

Anh Long thân mến!

Em đã nhận được thư anh gửi ra do mẹ đem lên. Đọc thư, em rất phấn khởi về tình hình công tác của anh, mong rằng trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào anh cũng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nhân dân giao phó.

Chắc đến nay, qua thư của bố, mẹ gửi vào anh đã biết em đi bộ đội rồi, kể ra đây chỉ là việc bình thường đối với thanh niên hiện nay nhưng đối với bản thân em, đây là bước ngoặt lớn của cuộc đời. Em được điều động vào bộ đội từ tháng 9 năm 1971 nhưng không ở lực lượng quốc phòng mà lại vào lực lượng công an vũ trang. Khi nhận được giấy báo, một mặt em rất phấn khởi vì kể từ nay em đã được trực tiếp đứng trong lực lượng vũ trang của Đảng, góp phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, nhưng mặt khác cũng không khỏi tiếc vì phải tạm rời trường lớp, gác lại những ước mơ mà mấy năm sống trong trường đại học em hằng ấp ủ. Tuy vậy, xác định nghĩa vụ của thanh niên hiện nay cộng với sự động viên của gia đình, nhà trường nên em rất phấn khởi, an tâm lên đường nhập ngũ.

Kể từ ngày vào lực lượng công an vũ trang, cuộc sống của em thay đổi rất nhiều, mọi sinh hoạt hàng ngày đều khác trước, đi vào quy củ hơn. Hơn 6 tháng rèn luyện, em thấy mình lớn lên rất nhiều về tác phong, nhận thức về quân sự, về nhiệm vụ... Vì công việc của công an vũ trang có những mặt khác với quốc phòng nên chương trình huấn luyện của chúng em cũng khác, thời gian dài hơn (riêng huấn luyện tân binh đã 7 tháng rồi). Kể từ khi đi đến nay em vẫn ở thị xã Sơn Tây - Trường Công an nhân dân vũ trang. Qua những ngày tháng bỡ ngỡ ban đầu cho đến nay em đã trở thành một chiến sĩ công an vũ trang của Đảng. Thời gian này chúng em đang ở cuối đợt huấn luyện, đến cuối tháng 4 này chúng em sẽ nhận nhiệm vụ cụ thể, khoá huấn luyện của chúng em là khoá thí điểm của Bộ Công an, lấy học sinh của các trường Tổng hợp, Ngoại ngữ, Bách khoa, vì vậy cho đến nay em cũng chưa biết mình sẽ đi đâu nữa nhưng có lẽ muốn hay không chúng em sẽ được làm những nhiệm vụ bình thường của một người chiến sĩ công an vũ trang, sẽ được lăn lộn với thực tế, được về vùng biển hoặc khu vực biên phòng làm nhiệm vụ hợp với phần nghiệp vụ của mình đã học.

Thời gian huấn luyện ở trường, điều phấn khởi đầu tiên của em là nhờ sinh hoạt đi vào quy củ, việc rèn luyện tăng cường, ăn uống tốt nên sức khoẻ em tăng nhiều, từ hôm vào đến nay em tăng được 4 cân, đấy là về cân nặng thôi còn sức khoẻ thì tốt hơn nhiều. Khi mới vào, chạy buổi sáng có 2-3 cây không mang gì cả mà đã thấy mệt lắm rồi, đến nay sáng chạy 4-5 km đối với em đã rất bình thường, kể cả chạy vũ trang mang ba lô, súng đạn cũng không đến nỗi vất vả với em nữa. Nhờ sức khoẻ được tăng cường nên em rất phấn khởi trong việc hoàn thành các khoa mục quân sự như bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, tập kích, phục kích. Trong thời gian huấn luyện em đều hoàn thành tốt các khoa mục quân sự và phần nghiệp vụ, 2 đợt bắn đạn thật đợt đầu em chưa đạt, nhưng đợt thứ 2 em bắn đã vào loại giỏi, lựu đạn, bộc phá cũng đều tốt cả, em đang cố gắng để hoàn thành tốt nhất những ngày cuối cùng của khoá huấn luyện này, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó.

Thư anh viết cho em đã giúp em rất nhiều trong suy nghĩ, trong nhận thức về ước mơ, nghĩa vụ, tuy những vấn đề anh nói chưa đi sâu vào công việc của em hiện nay (vì anh chưa biết em đi bộ đội), nhưng nó là những cơ sở rất tốt để em suy nghĩ. Có phải vào bộ đội là mọi ước mơ trước kia của người ta bị phá vỡ hết đâu phải không anh. Nếu như trước đây, em phấn khởi vì được nhận nhiệm vụ nhưng vẫn còn băn khoăn vì ước mơ không trọn vẹn, thì nay ngay cả về ước mơ, em thấy cũng có những điều kiện rất tốt. Vào bộ đội, cuộc sống của em sẽ phong phú lên rất nhiều, những thực tế mà bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ phải cơm đùm, gạo nắm hàng tháng trời vất vả lắm mới có được thì đối với em lại rất thuận tiện. Em hiểu công việc viết văn hoặc làm ngôn ngữ cũng vậy thôi, rất khó, nó đòi hỏi người ta phải có cơ sở lý luận, chuyên môn vững, để quan sát, nhận xét, suy nghĩ nhanh, có thực tế và biết sử dụng thực tế vào công việc cụ thể. Do vậy muốn viết được em phải cố gắng rất nhiều, học hỏi rất nhiều. Tin tưởng ở cuộc sống sắp tới, em sẽ cố gắng không để phí những ngày học tập vừa qua (mà không phải người thanh niên, người chiến sĩ nào cũng có được) để áp dụng vào thực tế, đi đôi với nhiệm vụ của người chiến sĩ tiếp tục con đường học tập của mình. Những cái đó rất khó khăn nhưng không phải là không thực hiện được anh nhỉ, em sẽ cố gắng để học tập anh, theo con đường anh đã đi, làm theo những điều anh khuyên bảo. Sống trong môi trường mới tuy vất vả nhưng em thấy đây là điều kiện rất tốt để mình rèn luyện về mọi mặt, cả về sức khoẻ, tác phong nhưng cái quan trọng nhất là rèn luyện về mặt chính trị tư tưởng. Em sẽ cố gắng rèn luyện, tu dưỡng để được gần Đảng và đến một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đấy mới là những điều trong suy nghĩ, trong tương lai thôi, em hiểu để đạt được những cái đó còn nhiều khó khăn gian khổ lắm phải không anh. Khi nào viết thư cho em anh góp ý thêm về mặt này với nhé.

Từ ngày ra đi em chưa có dịp nào về thăm gia đình cả, tuy ở xa nhà có 40km, có những lần được nghỉ 2 ngày liền nhưng là đơn vị bộ đội, luôn trực chiến nên chúng em không được đi đâu xa cả. Tuy vậy em luôn nhận được thư của bố mẹ gửi lên.

Em được cả bố và mẹ quan tâm động viên. Tình thương của gia đình động viên em rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, em hiểu những gian khổ mấy tháng qua của em chưa ăn thua gì so với cuộc sống của anh hiện nay cả. Anh ở xa xôi quá, chẳng khi nào về thăm gia đình được cả. Bố mẹ dạo này tuổi cũng nhiều nên có già và yếu hơn trước, nhất là bố, tuy dạo này công tác trên Bộ có nhàn hơn nhưng vì xa gia đình, ăn uống kém lại hay đi về bằng xe đạp nên trông bố yếu hơn trước và già đi nhiều, hiện bố mẹ đang muốn tìm nhà riêng để chuẩn bị cho thời gian về hưu nhưng xem ra còn rất gay.

Về tình hình kinh tế gia đình ta dạo này có khá hơn trước, anh Đức về mang theo một số dụng cụ gia đình như máy khâu, đài, xe đạp... nên những cái đó bố mẹ không phải lo nữa; hơn nữa dạo này giá cả thị trường giảm nhiều, hàng hoá mậu dịch cung cấp đầy đủ nên cuộc sống có được tăng lên hơn.

Khi nào có điều kiện gửi thư ra anh nhớ viết thư cho em nhé, để tránh thất lạc, anh cứ gửi về nhà rồi mẹ sẽ gửi lên nơi em công tác, em rất mong và thích đọc thư của anh từ miền Nam gửi ra. Những điều anh tâm sự và khuyên bảo là những cái rất thiết thực cho sự suy nghĩ của em. Chúc anh luôn khoẻ mạnh, công tác tích cực, viết báo và truyện thật nhiều để sau này có kinh nghiệm về vốn sống trong sáng tác. Mong một ngày không xa anh em ta, gia đình ta sẽ đoàn tụ sum họp trong sự đoàn tụ sum họp chung của cả dân tộc.

Nhớ anh nhiều

Em.

NGÀY 24/1/1972

Mùa xuân mới vẫn hăm hở đi tới bằng cái lạnh thấu xương và cái nắng rực rỡ. Bầu trời cao xanh có điểm đốm trắng của những đàn cừu mây đang lang thang theo gió. Cả sư đoàn mùa xuân đang rầm rập hành quân qua mảnh đất đầy bom đạn này, để vương lại những nhành lá nguỵ trang xanh thắm. Con người cũng đang sôi nổi ra quân chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị giáng cho kẻ địch đòn quyết định. Tỉnh đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng tỉnh Bình Định tổ chức “Họp bạn” cho thanh niên cơ quan tỉnh giữa những ngày xuân lịch sử này nhằm động viên khí thế ra quân thật sôi nổi.

Khu rừng tương đối bằng với những hàng cây cao, thưa, bừng sáng lên dưới ánh nắng xuân, xôn xao lên bởi tiếng cười nói của cả trăm thanh niên. Anh em hăm hở san nền, chặt cây, dựng trại. Toàn trại lấy tên “Quang Trung”. Mỗi đoàn uỷ dựng một trại, với các tên anh hùng như Lý Tự Trọng, Lê Thị Hồng Gấm... Trại dựng cọc, dây, vải, ni lông... bên trong trang hoàng đơn giản.

NGÀY 25/1/1972

Sáng sớm, toàn khu trại đã rộn ràng tiếng reo của thanh niên. Họ tập thể dục, hát ca, đánh bóng chuyền dưới ánh điện. Họ tập tập hợp theo còi lệnh...

Hôm nay Ban tổ chức làm lễ khai mạc trại. Sáng, nghe Tỉnh đoàn đọc lời tuyên bố, nói về mục đích ý nghĩa cuộc họp bạn, đọc thư của Tỉnh uỷ gửi thanh niên. Chiều, diễn đàn thanh niên, các đoàn uỷ cử người lên nói về thành tích của đoàn uỷ mình, hướng phấn đấu sắp tới. Đây cũng là cuộc thi: trong 10 phút phải báo cáo xong, rõ ràng, cụ thể mới được điểm cao. Đại biểu của An ninh tỉnh nói khá, kể được những gương người tốt việc tốt của đơn vị mình, được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Tối, bắt đầu buổi hội diễn văn nghệ. Tôi không ngờ buổi hội diễn lại thành công đến thế. Những thanh niên từng chiến đấu rất dũng cảm, lao động rất cần cù này đã đem lại sinh khí mới cho sân khấu. Nó vừa chân chất, mộc mạc, vừa sôi nổi, hào hùng. Được ca ngợi nhất là cô gái giới thiệu chương trình, cán bộ Tỉnh đoàn, và tốp ca nam Binh vận với bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác.

NGÀY 26/1/1972

Qua phần thể thao và vui chơi. Giữa rừng này mà có một sân bóng chuyền, thật thú vị. Có sân, có lưới hẳn hoi. Tuy kỹ thuật đánh còn thấp nhưng các cầu thủ rất nhiệt tình. Các trò chơi có sức hút lớn. Anh em quây quần quanh sân, ai cũng muốn xin vào dự trò - cả nữ cũng vậy. Họ cười vui thật hồn nhiên, quên đi hết mọi mệt nhọc, gian khổ.

Chiều, tổng kết trại, phát phần thưởng cho các trại khá, hứa hẹn thi đua. Tối, chiếu phim “LêNin, năm 1918” và xem đoàn văn công tỉnh biểu diễn.

Hồi trưa, lúc sắp ăn cơm, địch bắn nhiều trái pháo nổ gần. Phải phân tán ra trú ẩn ở các hốc đá.

NGÀY 27/1/1972

“Nhổ trại” ra về, mỗi thanh niên đều lưu luyến. Trong suốt cuộc chiến tranh này, đây là lần đầu tiên thanh niên toàn tỉnh mới có được cuộc họp mặt vui, tươi như thế.

NGÀY 1/2/1972

Lên đường đi công tác Hoài Nhơn. Lại ngược về phía Tây để sau đó vòng qua phía Bắc. Trời nắng và nóng. Hồi này, với tinh thần mới, các trạm đều có thêm việc: đi trực xuống thì cõng đạn, đi trực lên thì cõng muối.

NGÀY 3/2/1972

Đang đi thì gặp Chi. Chi đi Hoài Nhơn đã một tháng. Chi cho biết tình hình Hoài Nhơn quá căng: 2 tiểu đoàn Cộng hoà giữ miết rìa, không xuống được huyện. Chúng tôi bàn nhau đi Hoài Ân.

Huyện uỷ Hoài Ân nằm ở một quả đồi nhỏ, cây cối nhỏ, có nhà đàng hoàng.

Chúng tôi tới đại đội bộ đội tập trung huyện vào buổi sáng. Cảnh đập vào mắt chúng tôi là không khí diễn tập rất khẩn trương, nghiêm túc. Những chiến sĩ ở đây rất trẻ - từ 16 đến ngoài 20 - và khoẻ. Họ chỉ mặc quần lót, phơi mình dưới nắng mà tập “mật tập”. Họ luồn dưới những lớp rào thép gai dày đặc, dùng cây chống, dùng dây buộc tạo thành đường luồn. Trực ban luôn báo giờ: còn 10 phút, còn 5 phút nữa... Phải khẩn trương và khéo léo để tới đúng giờ và không gây ra tiếng động.

Còn ở mũi 3 - mũi đánh vận động tập kích - thì rộn ràng hơn. Mũi này có 10 cô gái, tuổi mới 17 - 20, khoẻ, chắc. Các cô xắn quần quá gối, bới tóc ngược, vận động trên bãi, ném lựu đạn, bắn súng, miệng kêu “tróc tróc” hoặc “ầm”.

Đơn vị làm lễ ra quân. Từng mũi lên hạ quyết tâm, nêu chỉ tiêu cụ thể - trong đó có chỉ tiêu diệt gọn từng trung đội địch.

Sau buổi lễ, các mũi hành quân tới mục tiêu của mình. Súng đạn, ruột nghé gạo trên vai, họ hăm hở lên đường. Nhìn vào đôi mắt sáng ngời và nụ cười tươi tắn của họ, tôi tin rằng họ sẽ chiến thắng.

Chiều, trở về Huyện uỷ.

Tối, sang Huyện đội chơi. Gần 8 giờ, địch bắn pháo lên. Hầm ở xa quá, mò trong tối mà đi. Hầm khoét sâu trong lòng núi, rộng, dài, vững chắc. Địch bắn 2 hồi, mỗi hồi chừng hai chục quả. Cô Nga than rằng nồi kẹo dừa bắc trên bếp chắc bị cháy mất. Nhưng không đến nỗi, nó vẫn chưa khô đường.

Đêm, dưới đồng có những tiếng cối nổ uỳnh oàng. Địch bắn pháo sáng lên làm màn trời thỉnh thoảng lại trắng lên.

NGÀY 8/2/1972

150 quả pháo bắn cấp tập giữa đồng trống. Tiếng nổ chát chúa làm một số người phải bịt tai. Mảnh pháo văng tới rơi sàn sạt. Mùi thuốc pháo khét nghẹt phả vào giao thông hào. Một người bị thương nhẹ vào đùi. Chúng tôi trở về. Tiếng cười của cô Thắm vang lên rộn rã khắp đồng nội...

Đó là trận tập kích pháo của địch vào đội hình chúng tôi lúc 5 giờ 10 phút chiều nay!

Được sự giới thiệu của Huyện uỷ, chúng tôi đi Mỹ Thành chuẩn bị làm một số đề tài về nổi dậy trở về làng cũ. Gặp Quế Anh ở Cầu Sắt đôi. Chị nắm tay tôi và bảo: “Các anh cẩn thận đấy, kẻo về Hoài Ân lại bị Cộng hoà lượm!”. Chúng tôi cười.

Ra giữa cánh đồng rộng, người khoan khoái lạ. Tuy cánh đồng này bị bỏ hoá, chỉ có cỏ mọc um tùm, nó vẫn gợi nên cái mênh mông, hào phóng của đồng bằng. Tới cây me lớn, thấy nhiều người tụ tập. Trai, gái, Nam, Bắc, áo xanh, áo hồng, áo trắng... đủ loại. Một cô gái đang hỏi mua trầu của một cậu bé dân tộc. Cậu bé nói rằng muốn có quần đùi và muối. Một thanh niên nói rằng địch đang ở Đồi Thánh Giá - đứng ở ngoài cây me một chút có thể thấy chúng. Chúng tôi đặt ba lô, nghe ngóng tình hình.

Một quả pháo bay tới, nổ ầm phía cánh đồng. Tôi xách ba lô, lao vào một giao thông hào cạn gần gốc me. Người tiếp người lao tới tấp theo, thình thịch. Họ giục nhau: “Vào, vào nữa đi”. Hà Huệ kêu: “Chà, mình bỏ ba lô ngoài ấy rồi!”. Một tràng pháo khoảng 20 quả dội tới, nổ ầm ĩ phía trước mặt. Dứt loạt pháo, chúng tôi bật dậy, chạy lùi trở lại. Huệ xách cả thắt lưng, ba lô chạy theo. Giỏ trầu không của cậu bé dân tộc lăn lóc ở gốc me. Nối theo nhau chạy như bay. Qua một giao thông hào cắt ngang đường. Dưới đó đã lố nhố mấy đầu người. Chạy nữa. Tạt vào một giao thông hào bên trái đường. Một tràng pháo nữa dội tới. Nghe tiếng đề pa và tiếng hú rối mới nghe tiếng nổ. Thế là yên trí. Tuy nhiên, một số người vẫn phải bịt chặt 2 tai, sợ long óc. Pháo bắn nhích dần vào trong. Chúng tôi luồn dưới giao thông hào, lui nữa. Ba lô quá to, vướng hoài vào vách. Khẩu súng ngắn và cái bi đông đeo ở thắt lưng cũng va, ngoắc liên tục. Cô Nội người to béo, lấm bê bết. Cậu bé dân tộc nằm gọn lỏn giữa giao thông hào. Mấy tràng pháo nữa dội tới. Có mảnh văng tới, va vào cành cây nghe sàn sạt. Mùi thuốc pháo phả vào chỗ chúng tôi, khét lẹt. Cô Nội cứ nép người qua vách trái hào. Tôi bảo: “Pháo nổ bên phải, nép người về bên phải hào mới tránh được mảnh”. Cô làm theo.

Rồi im lặng. Chúng tôi ra khỏi giao thông hào, bật lên con đường làng, chạy về. Tới suối, đoạn có một cống lớn, đã thấy Huỳnh và Thắm (ở Huyện đội, cùng đi với chúng tôi) chờ ở đó. Phía sau xa, Chi chạy lại, quần áo bết bùn, tay xách dép. Một anh bộ đội đi tập tễnh phía sau, ống quần chân trái loang máu đỏ. Anh em dừng lại băng cho anh. Vết thương không đến nỗi nặng lắm. Chúng tôi ra về. Cô Thắm thỉnh thoảng lại cười ròn rã vì lời đùa của anh em: “Vì cô đi nhanh quá nên địch bắn đấy”.

Về nhà, anh em vui mừng, hỏi han. Có anh nói đùa: “Thế là các anh phá được một kho đạn 150 quả rồi”. Tôi vui vui khi nghĩ: “Địch tiêu mất 150 quả pháo, đêm nay sẽ bớt gửi chi viện cho các đồn. Đêm nay, đơn vị bộ đội huyện sẽ đánh một chốt điểm”.

Nửa đêm về sáng nghe súng nổ ròn rã ở phía Hoài Nhơn và Ân Đức. Xen vào tiếng súng máy là tiếng cối, pháo. Pháo rất ít. Phía Hoài Nhơn nổ ròn rã hơn và dứt mau hơn. Phía Ân Đức nghe có lúc rời rạc và kéo dài hơn.

NGÀY 9/2/1972

Sáng sớm, Hoà (cán sự Huyện đội) đã đi ra chỗ đón thương. Chúng tôi đều mong tin của trận đánh.

Được biết đơn vị đánh vào trụ sở xã Ân Đức - nằm sâu trong vùng địch, cách quận lỵ 500 mét. Đơn vị phải hành quân hàng tiếng đồng hồ, len lỏi qua nhiều ấp chiến lược mới tiếp cận được mục tiêu. Theo tin nắm được, ta giết chết 1, bắn bị thương 5 tên, đánh sập nhà trụ sở xã và chỉ bị thương 1 đồng chí - đã đưa về bệnh xá.

NGÀY 10/2/1972

Trở lại đơn vị bộ đội tập trung. Đi qua một cánh đồng rồi leo lên một quả đồi. Quả đồi này bị địch ủi trọc, phơi mầu đỏ, lổn nhổn những sỏi. Nhìn thấy quận lỵ Hoài Ân nằm giữa một thung lũng hẹp, nổi bật lên là những mái nhà tôn trắng toát. Khắp nơi đều có bóng dừa xanh đầm ấm. Chân quả đồi có một cánh đồng lúa mới cấy đang xanh lại. Nhân dân vùng địch kiểm soát lên đây làm đồng, tối lại về.

NGÀY 11/2/1972

Đơn vị vẫn rộn ràng với không khí chiến đấu. Một tổ đi chuẩn bị chiến trường từ tối hôm qua. Sáng, các mũi đi cảnh giới. Các mũi khác đang tập luyện. Khẩu đội cối gồm 4 cô Bình, Phúc, Sương, Ánh đang tập cách lấy tầm, hướng và thực hành thao tác. Các cô gái này người mập chắc, đang còn lúng túng với các động tác, nhưng rất mạnh dạn học tập. Phía dưới kia vang lên tiếng hô của mũi một đang tập xạ kích: “Chú ý... mục tiêu...”. Tiếng một quả pháo nổ ầm, vọng về lạc lõng. Tiếng con cu cườm gáy đều đều “Cúc cù cu”. Con bìm bịp thỉnh thoảng lại rúc lên một hồi: “Bíp bíp bíp bíp bíp bíp”. Khu rừng non này đang chứa đựng một sức sống mãnh liệt.

NGÀY 12/2/1972

Đi Mỹ Thành. Qua chỗ địch bắn pháo bữa nọ thấy mấy quả nổ gần đường phạt gẫy một bụi tre, phát quang mấy khóm tranh.

Lội qua sông An Lão. Dòng sông rộng mênh mông, nước trong vắt, nông cạn, chảy êm đềm. Vào một vườn dừa rậm rạp rồi đi ra một con đường lớn - đường 5. Dưới chân đồi Thánh Giá là một dãy chuồng bò với một đàn bò đông hàng 8, 900 con. Mấy cô gái dẫn tôi đi đùa rằng đó là thành phố bò.

Chị Hương - Huyện uỷ viên - trạc 28, 29 tuổi, có dáng người cao, to, đôi mắt to, sáng, gặp chúng tôi ở đường. Chị hỏi: “Các anh tìm Hương tỉnh hay huyện? Hương huyện thì có chứ tỉnh thì ở chỗ khác”. Chị xem giấy giới thiệu rất kỹ, thỉnh thoảng lại nhíu mày vẻ quan trọng và sau khi hỏi đi hỏi lại cặn kẽ nhiều chuyện mới nói: “Vậy bây giờ các anh đi xuống xóm gặp tôi!”.

- Ủa, gặp chị đây rồi chứ sao? À, hay là chị đi nơi khác rồi sau đó chúng tôi xuống xóm gặp chị?

Chúng tôi ngạc nhiên hỏi. Chị trả lời:

- Không, tôi cùng đi với các anh. Nhưng xuống xóm mới bàn việc.

Đi một hồi, bước vào một vườn dừa, chị chợt dừng lại:

- Này, hay là bố trí cho các anh nghỉ rồi chờ chị Tám xuống bàn với các anh.

Chị nhìn những cái ba lô cồng kềnh sau lưng chúng tôi, tiếp:

- Định đưa các anh xuống Mỹ Thành, nhưng nghe căng quá, thôi, các anh nghỉ ở đây.

Quay qua một phụ nữ đứng bên, chị nói:

- Phải không chị?

- Ừ, đi không đạt mục đích ý nghĩa gì thì không nên đi.

Chị Hương lại tiếp:

- Bây giờ tôi bố trí chỗ nghỉ cho các anh nhen.

Một anh bạn của Chi đi Hoài Nhơn còn đứng sớ rớ ở đó, hỏi chị:

- Thế các chị ở lại đây à?

Chị vội vàng:

- Vâng, anh cứ đi đi, anh cứ đi đi!

Cách nói của chị làm tôi hình dung chỗ chị bố trí cho chúng tôi nghỉ là một chỗ ở, làm việc của cán bộ xã, huyện, cần phải bí mật.

Chị bước đi trước, chúng tôi bước theo sau. Vào một sân nhỏ có ngôi nhà lụp xụp. Một cậu bé nói:

- Cửa đóng rồi!

Chị gọi:

- Mở cửa ra em, mở cửa ra chứ, sao lại đóng?

Chị nói nhỏ với chúng tôi:

- Mời các anh đem đồ vào nghỉ trong này.

Khi chúng tôi xốc ba lô chuẩn bị bước vào nhà, chị nói lại:

- Các anh cứ ở đây chờ, tôi đi xuống xóm mời chị Tám về gặp các anh nhen. À, mà các anh ăn cơm chiều chưa?

- Chúng tôi ăn rồi chị ạ.

Chị tất tưởi bước đi.

Căn nhà nhỏ, thấp, có bầy bàn thờ, thắp một ngọn đèn dầu. Nhà chỉ có một bà già và một chú bé. Hai mẹ con mới đi làm về, đang tíu tít dọn dẹp đồ đạc, tuôn lúa, nấu cơm. Bà già luôn luôn hò hét chú bé vì chú ta mải chơi quá, cứ bỏ việc. Chú đem lạc ra bóc vỏ. Chúng tôi cùng ngồi bóc với chú. Chú tên là Của, 15 tuổi, người cọc còi như trẻ 12. Tôi hỏi chú đi học chưa, chú trả lời:

- Học rồi, lớp ba.

- Trường của địch hay của ta?

- Của địch, bây giờ nghỉ rồi.

Chú tâm tình:

- Khi giải phóng, lấy trường của nó cho mình học thì ngon đấy.

Sau khi bóc lạc xong, chú bé leo lên giường. Bà già la:

- Của, đi lấy lá dừa chớ?

Chú phủ kín tấm dù, vờ ngủ. Chúng tôi động người mãi chú mới dậy. Lát sau, nghe chú chặt lá sàn sạt trên cây dừa ngoài sân. Lát sau nữa lại nghe chú doạ:

- Bà mà la hoài, tui đi bộ đội cho coi.

Chú vào nhà, leo lên giường ngủ tiếp. Bà già hì hụi bó lá, cắt hành. Giáp Tết rồi.

Nửa đêm, đi cùng mấy cán bộ xã về nơi làm việc. Lại theo con đường 5, đi ngược mãi lên. Bên trái, con sông An Lão hơi sáng lên bàng bạc. Rẽ qua phải, bước lên núi. Vẫn là loại núi nhỏ, rừng non, cây thấp, rậm rì gai góc. Bấm đèn pin dò tìm đường đi. Đường bị rấp nhiều. Sợ có gài bom mìn nên quay lại đi đường khác. Đi qua một bãi lầy rậm rạp cỏ. Lại bước lên núi. Đường cũng bị rấp ngang bởi những cầnh cây nhỏ. Người đi trước nói:

- Mấy ông đi chầm chậm, rủi lựu đạn nổ cái “ì” thì còn có người khiêng tôi chớ.

Tới một chỗ rẽ, có một thùng thiếc đặt giữa đường. Phải níu cây bước lên đá, không dám chạm đến nó vì sợ có bố phòng. Đi một hồi tới đỉnh núi, có 2 ngôi nhà nhỏ.