Tài liệu lưu trữ Giáo sư Đào Duy Anh bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Trong hơn 13 km giá tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, bên cạnh khối tài liệu hành chính, tài liệu khoa học kỹ thuật và tài liệu nghe nhìn chiếm một tỷ lệ lớn, còn có khối tài liệu có nguồn gốc, xuất xứ từ các cá nhân, gia đình, dòng họ. Đây là những tài liệu được hình thành trong quá trình sống, hoạt động, lao động của gần 200 cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, có nhiều đóng góp đối trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam, phải kể đến là những khối tài liệu của các cá nhân, nhà hoạt động có tên tuổi trong các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, lịch sử, chính trị, nhà nước và khoa học xã hội... như tài liệu Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Hoài Thanh, Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Giáo sư xã hội học Phạm Huy Thông, Nhà hoạt động nhà nước Tôn Quang Phiệt, Nhà viết kịch Hàn Thế Du, Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương, Nhà giáo - Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Thước, Giáo sư sử học Văn Tân, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản… Khối tài liệu Giáo sư, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III có giá trị trên nhiều phương diện góp phần làm phong phú thêm thành phần phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.

I. Giáo sư Đào Duy Anh: Đôi nét về tiểu sử và sự nghiệp

giao-su-dao-duy-anh-1719112146.png

Giáo sư Đào Duy Anh.

Ảnh: Võ An Ninh.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III,

Phông GS, Nhà sử học Đào Duy Anh, Mục lục 01, hồ sơ 2.

Giáo sư Đào Duy Anh (Bí danh: Vệ Thạch) sinh ngày 25/5/1904 tại Nông Cống, Thanh Hoá, nguyên quán làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), tốt nghiệp tiểu học năm 1915. Ông tốt nghiệp thành chung (cấp 3) năm 1923 tại Huế. Năm 1924 -1925, Ông dạy học ở Đồng Hới, Quảng Bình. Năm 1926, Ông tham gia sáng lập báo Tiếng Dân và làm thư ký toà soạn. Ông là đảng viên Tân Việt Cách mạng, được giao nhiệm vụ tìm kiếm tài liệu về chủ nghĩa cộng sản, sau đó là phụ trách Tổng Bí thư Đảng năm 1928.  Ông đã đọc nhiều sách báo tiếng Pháp, Hán, nghiên cứu văn hoá Đông - Tây và chủ nghĩa Mác, mang đến xã hội Việt Nam những tư tưởng mới. Trong những năm từ 1928 đến 1945, ông viết nhiều sách, bài báo giá trị, tiêu biểu như cuốn Từ điển Hán – Việt (xuất bản 1932), Từ điển Pháp – Việt (xuất bản 1936), Việt Nam Văn hoá sử cương (xuất bản 1938)…

Sau Cách mạng Tháng Tám, Ông hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, tham gia giới văn hoá, văn nghệ toàn quốc và Liên khu IV, là Uỷ viên Ban Vận động Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Văn hoá Cứu quốc Trung Bộ.

giao-su-dao-duy-anh1-1719112146.png

Nghị định số 564/NĐ ngày 07/12/1950 của Bộ Quốc gia Giáo dục

về việc cử các ông đảm nhiệm giữ chức vụ trong Ban Văn học Nghệ thuật,

trong đó, Đào Duy Anh giữ chức Trưởng ban Sử Địa trong Ban

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục, 

Mục lục số 1 (1945-1980), hồ sơ 48, tờ 79

Ngày 07/12/1950, theo Nghị định số 564/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục, ông đảm nhiệm giữ chức Trưởng ban Sử Địa thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật, Bộ Giáo dục, từ đây ông tiếp tục tham gia công tác giáo dục, đảm nhận nhiều nhiệm vụ ở các cơ quan công tác khác nhau thuộc Bộ Giáo dục và các cơ quan thuộc ngành giáo dục. Ở mỗi cương vị, mỗi nhiệm vụ, ông đều đạt những thành tựu công tác và ghi những dấu ấn quan trọng. Năm 1952, Ông về Thanh Hóa giảng dạy tại trường Dự bị Đại học.

giao-su-dao-duy-anh2-1719112147.png

Nghị định số 608/NĐ ngày 28/12/1950 của Bộ Quốc gia Giáo dục về việc thiết lập một Hội đồng duyệt sách chung cho Nha Trung học và Nha Tiểu học, để duyệt các sách giáo khoa dùng cho các cấp học trường phổ thông.

Đào Duy Anh là hội viên của Hội đồng.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục,  Mục lục số 1 (1945-1980), hồ sơ 48, tờ 3,4 

Năm 1954, hoà bình lập lại, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa. Năm 1956, khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam, tổ chức học tập, giảng dạy, đào tạo những thế hệ học trò, thế hệ nhà nghiên cứu sử học cho nền sử học nước nhà.“Ông là người sáng lập ra bộ môn Lịch sử cổ Trung đại của Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông không chỉ là người có công tham gia mở đầu cho nền sử học mới mà còn là người vun đắp, xây dựng không biết mệt mỏi cho nó”. Ông đã quan tâm, nghiên cứu và viết nhiều sách về lịch sử dân tộc Việt Nam mà các cuốn sách đó trở thành tài liệu, giáo trình học tập bộ môn lịch sử ở các Trường Đại học, là tài liệu nghiên cứu, tham khảo phục vụ việc học tập, nghiên cứu có giá trị mà hầu như chưa có tác giả nào dầy công nghiên cứu và cho ra đời những công trình lớn như vậy. Đến ngày nay, các cuốn sách, các giáo trình vẫn là nguồn tài liệu mà lớp lớp cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học viên, sinh viên vẫn luôn tìm đọc, nghiên cứu… Nhiều công trình của ông được xuất bản lần đầu trong giai đoạn này như: Lịch sử Việt Nam (giáo trình đại học, 1956) Cổ sử Việt Nam (giáo trình đại học, 1956) Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957) Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958)…

Theo yêu cầu của công tác, ngày 14/5/1958, Ông lại được cử về công tác ở Văn phòng Bộ Giáo dục, không lâu sau, ngày 23/01/1960, theo Nghị định số 21/NĐ của Bộ Giáo dục, Ông được điều động về nhận công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Từ đây, ông giành nhiều thời gian, tâm huyết và tập trung vào nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hoá. Ông nghỉ hưu năm 1965 nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu, viết sách, phiên dịch. Ông đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học, giáo dục, sử học, nhiều đầu sách của ông đã được xuất bản trong giai đoạn này như: Đại Việt sử ký toàn thư (1967 - 1968), Đại Nam nhất thống chí (1969 - 1971), Binh thư yếu lược (1970), Nguyễn Trãi toàn tập (1969), Khóa hư lục (1974), Sở từ (1974), Truyện Hoa Tiên (1978), Thơ chữ Hán Nguyễn Du (1988)… có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Ngoài ra, ông còn biên dịch và chú giải các tác phẩm  “Kinh Thi”, “Đạo Đức Kinh” và Học thuyết của Lão Tử nhưng chưa xuất bản. Ngày 01/4/1988, ông qua đời tại Hà Nội, thọ 84 tuổi.

Đào Duy Anh là người thầy, Nhà Sử học, Địa lý, Từ điển học, Ngôn ngữ học, Nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam, được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau và là người đặt cơ sở cho nền từ điển học hiện đại Việt Nam. Những công trình nghiên cứu khoa học của ông là một đóng góp quý báu và là một nguồn tư liệu có giá trị cho giới nghiên cứu khoa học ngày nay.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX; Lịch sử cổ đại Việt Nam; Việt Nam văn hóa sử cương; Đất nước Việt Nam qua các đời. Tên của ông được đặt cho các con đường tại quận Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh), quận Đống Đa (thành phố Hà Nội), thành phố Thanh Hóa... Trên hết, tên tuổi của ông ghi dấu ấn đậm nét trong các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ngưỡng mộ.

II. Những di cảo của Giáo sư Đào Duy Anh bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Về số lượng: Tài liệu của Giáo sư Đào Duy Anh hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là một khối tài liệu quý, đã được chỉnh lý, sắp xếp theo những nguyên tắc nghiệp vụ cơ bản áp dụng cho phông xuất xứ cá nhân, gồm 12 hồ sơ/đơn vị bảo quản, được đánh số từ 01 – 12, với gần 2000 tờ tài liệu, có những kích cỡ khác nhau, phần lớn là tài liệu gốc, bản chính, bản thảo viết tay, bản đánh máy có bút tích sửa chữa của Giáo sư. Có nhiều tài liệu bằng chữ Hán, Nôm các tác phẩm.

Về nội dung: Khối tài liệu của Giáo sư được phân loại và hệ thống hóa theo các nhóm và lập mục lục công cụ tra cứu phục vụ việc khai thác, sử dụng của độc giả một cách dễ dàng, gồm tài liệu về giáo trình, các công trình nghiên cứu và tài liệu biên dịch, chú giải.

Tài liệu về giáo trình, công trình nghiên cứu gồm: Bản thảo viết tay cuốn khảo luận về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (nhằm so sánh đối chiếu Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc); Cuốn sách Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957) gồm 4 tập: Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Vấn đề An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc, Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt, Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến, Tập san Đại học (Văn khoa), Hà Nội năm 1957 và bản được dịch sang tiếng Trung và xuất bản tại Trung Quốc năm 1959…

giao-su-dao-duy-anh3-1719112146.png

Các trang bìa các tập của cuốn sách Lịch sử cổ đại Việt Nam

của Giáo sư Đào Duy Anh, Tập san Đại học (Văn khoa), Hà Nội năm 1957

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III,

Phông GS, Nhà sử học Đào Duy Anh, Mục lục 01, hồ sơ 2.

Tài liệu về biên dịch, chú giải gồm: Bản chép tay phần nguyên văn chữ Hán và bản viết tay, đánh máy tác phẩm “Kinh Thi" do Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh chép, chọn lọc, phiên dịch và chú giải; Bản chép tay phần nguyên văn chữ Hán tác phẩm “Đạo Đức Kinh" và Bản viết tay, đánh máy tác phẩm “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, do Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải;  Bản viết tay phần nguyên văn chữ Hán 100 bài thơ Đường; Bản thảo và bản đánh máy cuốn “Nguyễn Trãi Thân thế - Sự nghiệp - Văn chương” của Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh năm 1973-1981; bản đánh máy cuốn “Trăm bài thơ Đường” do Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh chọn lọc phiên dịch và chú giải năm 1972(có bút tích của Giáo sư); Bản nháp phần phiên dịch sang tiếng Việt cuốn “Sở từ” của Khuất Nguyên; bản đánh máy cuốn “Nguyễn Trãi tuyển tập” do Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh lựa chọn và chỉnh lý (có bút tích của Giáo sư); Bản dịch viết tay, đánh máy và ý kiến về một số văn kiện chính yếu của Nguyễn Trãi: Đại cáo Bình Ngô, Văn bia Vĩnh Lăng, Phú núi Chí Linh, Biểu tạ, do Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh viết nhân dịp kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi…

giao-su-dao-duy-anh4-1719112146.png

Một số trang chép tay phần nguyên văn chữ Hán

tác phẩm “Kinh Thi" do Giáo sư, Nhà Sử học Đào Duy Anh chép.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III,

Phông GS, Nhà sử học Đào Duy Anh, Mục lục 01, hồ sơ 3.

giao-su-dao-duy-anh5-1719112146.png

Phiên âm và chú giải của Đào Duy Anh về

“Trăm bài thơ Đường” (có bút tích của tác tác giả)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III,

Phông GS, Nhà sử học Đào Duy Anh, Mục lục 01, hồ sơ 8. 

giao-su-dao-duy-anh6-1719112146.png

Chọn lọc phiên dịch và chú giải của Đào Duy Anh về

“Kinh Thi” (có bút tích của tác tác giả)

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III,

Phông GS, Nhà sử học Đào Duy Anh, Mục lục 01, hồ sơ 8.

Ngoài ra, còn những bài viết nghiên cứu, bài tham luận, báo cáo của Giáo sư tại các cuộc họp, hội thảo khác nhau được một số cá nhân sưu tầm, như: Bài nghiên cứu “Về sự hình thành các dân tộc Việt Nam”; “Núi Chí Linh và huyện Đỗ Gia trong cuộc chiến đấu của Lê Lợi” và “Chế độ Lang Đạo của người Mường ở Thanh Hóa” của Giáo sư Đào Duy Anh năm 1956, Báo cáo về vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ của Đào Duy Anh, Bài viết của Giáo sư Đào Duy Anh về tập ảnh điêu khắc của tác giả Phùng Thị Cúc (tức Điềm Phùng Thị) năm 1974; Bài tham luận "Vị trí, vai trò và ảnh hưởng của Nho giáo trong lịch sử và Việt Nam" của GS. Đào Duy Anh, năm 1978…

Những công trình, bài viết của Giáo sư, bên cạnh phần nội dung chính của tác phẩm, phần lớn đều có phần lý giải, đặt vấn đề, nêu rõ lý do vì sao phải viết, phải nghiên cứu và quá trình thực hiện những công việc đó như thế nào: Với việc dịch tác phẩm “Đạo đức kinh”, trước khi vào nội dung tác phẩm dịch, Giáo sư đã dành 18 trang để lý giải “chúng tôi hiểu và dịch Đạo đức kinh như thế nào?” và 01 trang để lý giải “vì sao tôi dịch Đạo đức kinh?” hay khi phiên dịch và chú giải “Trăm bài thơ Đường”, Giáo sư đã lý giải “Tại sao tôi dịch Đường thi?”... cho thấy rõ sự trăn trở, cân nhắc và cẩn trọng của Giáo sư trước một hoạt động hay trước một vấn đề nghiên cứu. Trên hết, qua những sự luận giải và mô tả đó, giúp người nghiên cứu, yêu thích, ngưỡng mộ Giáo sư có cơ hội hiểu thêm quá trình, kỹ thuật, phương pháp làm việc của Giáo sư, về cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề, qua đó cũng giúp gười nghiên cứu có thể hiểu “câu chuyện phía sau” của công trình mà giáo sư đã thực hiện một cách đầy tâm huyết…

So với thành tựu đóng góp, số lượng những công trình nghiên cứu của Giáo sư đã được xuất bản, in ấn, công bố, số công trình, tài liệu của Giáo sư gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III còn khá khiêm tốn, song đó lại là những tài liệu có giá trị hết sức đặc biệt. Với những nội dung được viết tay, những nội dung được sửa chữa, bổ sung thêm là bút tích của giáo sư góp phần minh chứng về quá trình lao động miệt mài, tình yêu say sưa và đầy tâm huyết, sự trăn trở nặng lòng với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về lịch sử và văn hoá dân tộc Việt, cũng là sự thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần trách nhiệm của ông với lịch sử, văn hoá dân tộc. Nghiên cứu những bản thảo này ta như được tái hiện lại quá trình lao động của giáo sư trước khi cho ra đời một tác phẩm, hiểu hơn về con người ông, về giá trị tác phẩm của ông.

III. Một số nhận xét, đề xuất

84 mùa xuân cuộc đời của Giáo sư Đào Duy Anh và hoạt động nghiên cứu của ông ôm trọn gần một thế kỷ 20, trải dài qua nhiều biến thiên của thời đại, của lịch sử dân tộc và của văn hoá nước nhà. Cuộc đời và hoạt động nghiên cứu của ông đã chiếm một vị trí nổi bật đối với nên sử học và văn hoá Việt Nam.

Tài liệu của Giáo sư Đào Duy Anh là một phông trong hơn 400 phông lưu trữ thuộc Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, là tài liệu gốc, chân thực, có giá trị lịch sử, văn hoá cao, phản ánh phần nào hoạt động và thành tựu nghiên cứu của Giáo sư.

Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông là lĩnh vực chuyên sâu của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, song không thể không nói đến những tài liệu lưu trữ như những di cảo của ông gửi bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, mãi được lưu giữ trong Lưu trữ Nhà nước như một bộ phận của văn hóa dân tộc, mong muốn được gìn giữ, lưu trữ cho hôm nay và cho muôn đời sau. Hy vọng, sẽ có nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học quan tâm, tìm hiểu đặc biệt với những bản thảo tác phẩm, những công trình nghiên cứu của tác giả mà chưa được công bố một cách rộng rãi. Đây là một nguồn thông tin, tư liệu mới về Giáo sư, có ý nghĩa quan trọng góp phần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III mong muốn tiếp tục được bổ sung những tài liệu, tư liệu của Giáo sư bảo quản tại Trung tâm để làm phong phú thêm, đầy đủ hơn về thành phần và nội dung tài liệu Phông Giáo sư Đào Duy Anh. Cũng như đối với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có đóng góp tiêu biểu, tâm huyết khác, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ gửi tặng, bảo quản và gìn giữ những tài liệu quý giá của mình vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, để tiếp tục gìn giữ, lưu truyền văn hoá về sau.

Với bài viết này, chúng tôi hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé nhưng thiết thực nhất của những người làm Lưu trữ vào lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông.