Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam”, nhà báo Trương Văn Chuyển- Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ đã có bài phát biểu sâu sắc về việc định hướng phát triển thành phố Cần Thơ nói riêng, khu vực Tây Nam Bộ nói chung.
Nhà báo Trương Văn Chuyển nhấn mạnh: “Về kinh tế, Tây Nam Bộ là 1 trong 7 vùng kinh tế của Việt Nam, với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tây Nam Bộ hay còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Tổ quốc, gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh. Vùng Tây Nam Bộ chiếm 12% diện tích và hơn 19% dân số cả nước. Sự phát triển của vùng từ lâu đã gắn với biển và nguồn nước sông Mekong. Với trên 700km bờ biển và hệ thống sông ngòi chằng chịt, Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng chảy sông Mekong và thủy triều vào sâu nội đồng. Điều này đã tạo nên sự gắn kết tự nhiên của toàn vùng về nguồn nước và trong quá trình phát triển của các địa phương trong vùng…”.
Tuy nhiên, Tây Nam Bộ đang bị tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản, cũng như sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trong vùng. Những hậu quả của thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển, sạt lở bờ sông… diễn ra thường xuyên hơn, với quy mô lớn và mức độ ngày càng khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Tây Nam Bộ.
Trước những nguy cơ, nhất là biến đổi khí hậu tác động đến sự phát triển của từng vùng, và nhận thức rõ tầm quan trọng của liên kết vùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, từ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực,... Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng...”.
Vì thế, liên kết vùng trong phát triển kinh tế- xã hội đã và đang được các tỉnh, thành phố,… trong đó có vùng Tây Nam Bộ triển khai thực hiện với mục tiêu huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và cả vùng.