Một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP cho HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre

TÓM TẮT

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đây là Chương trình được xây dựng trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm từ phong trào OVOP của Nhật Bản, Chương trình OTOP của Thái Lan và Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Chủ thể tham gia thực hiện Chương trình gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trong đó, hợp tác xã là chủ thể được ưu tiên, khuyến khích tham gia Chương trình. Tuy nhiên, kết quả đánh giá hiện trạng phát triển các sản phẩm OCOP và sự tham gia của các hợp tác xã tại Bến Tre năm 2022 cho thấy, do gặp nhiều nhiều khó khăn nên các hợp tác xã và sản phẩm của hợp tác xã chưa đạt kết quả cao khi tham gia Chương trình này. Để phát triển sản phẩm OCOP và tăng cường sự tham gia của hợp tác xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, hướng dẫn, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Các cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bài viết này tổng hợp một số kết quả hiện trạng, những khó khăn gặp phải và đề xuất một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sản xuất nông nghiệp là một trong những sinh kế quan trọng của tỉnh Bến Tre, chiếm 34,31% tổng giá trị GDP của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các sản phẩm tương tự của các vùng, các tỉnh khác

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng, là động lực phát triển kinh tế nông thôn, phục vụ có hiệu quả cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

HTX là đối tượng ưu tiên chính của Chương trình OCOP. Khi tham gia, HTX sẽ được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng. Qua đó, sản phẩm của HTX được hoàn thiện và nâng cấp để đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động các nguồn lực và phát triển sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm.

Bến Tre là một trong những tỉnh đi đầu của Chương trình OCOP. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của các tổ chức kinh tế tập thể rất hạn chế mà tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể

Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng hoạt động và phát triển sản phẩm OCOP của các HTX tỉnh Bến Tre là cơ sở để xác định những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất và thị trường. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất các giải pháp triển sản phẩm OCOP  cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chính là các HTX sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở tỉnh Bến Tre. Đây là các HTX có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ năm 2018-2022.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng một số phương pháp chính như sau:

- Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp: thu thập từ nguồn số liệu thống kê, báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Bến Tre, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, các báo cáo có liên quan đến thực trạng hoạt động của HTX, chương trình OCOP của các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Phương pháp thu thập thông tin sơ cấp: phỏng vấn trực tiếp các cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn thuộc Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới, Chi cục phát triển nông thôn, Liên minh HTX, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện, cán bộ phụ trách nông nghiệp các xã và các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Đánh giá nhanh các HTX dựa trên các tiêu chí: thời gian thành lập, nhân lực, cơ sở vật chất, năng lực tài chính, sản phẩm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, SHTT, môi trường và ATTP

- Phương pháp tổng hợp thông tin: sau khi thu thập, thông tin được xử lý và tổng hợp bằng nhiều công cụ như: bảng biểu, sơ đồ, đồ thị phục vụ phân tích thông tin.

- Phương pháp phân tích thông tin: trên cơ sở ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, các HTX, thông tin tổng hợp được phân tổ, phân tích thống kê mô tả và tiến hành so sánh nhằm chỉ ra được hiện trạng, nguyên nhân của các hạn chế để đề xuất giải pháp triển sản phẩm OCOP  cho các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tổng quan tình hình hoạt động các HTX tại Bến Tre

Năm 2022, Bến Tre có 162 HTX được phân theo nhóm như sau:

Bảng 1. Số lượng HTX tỉnh Bến Tre

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093040-1734057072.png

Hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có đến 122 HTX, chiếm 75,3%. Điều này chứng tỏ kinh tế tập thể trong nông nghiệp có vai trò quan trọng, là cơ sở để tiến hành đánh giá và nghiên cứu xây dựng các sản phẩm OCOP cho các HTX

3.2. Tổng quan hiện trạng sản phẩm OCOP tại Bến Tre

Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, kinh tế vùng nông thôn của tỉnh Bến Tre đã có những chuyển biến tích cực, chương trình đã giúp thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Theo Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 93 sản phẩm OCOP, trong đó 46 sản phẩm đạt 3 sao, 47 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Bảng 2. Số lượng các chủ thể và sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093205-1734057140.png

Mặc dù là đối tượng được ưu tiên nhưng tỷ lệ HTX tham gia Chương trình OCOP tính đến năm 2022 thấp hơn so với các chủ thể sản xuất khác. Trong số 42 chủ thể sản xuất có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Bến Tre, chỉ có 9 HTX, chiếm 21,4% tổng số chủ thể sản xuất tham gia.

So với sản phẩm của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tỷ lệ sản phẩm OCOP của các HTX chỉ chiếm khoảng 16% tổng số sản phẩm được công nhận và 10,7% sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao.

Từ những phân tích trên cho thấy, các HTX tham gia chương trình OCOP còn rất hạn chế, sản phẩm của các HTX còn thiếu nhiều tiêu chuẩn theo các tiêu chí chấm điểm công nhận sản phẩm OCOP.

3.3. Hiện trạng hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp

3.3.1. Thời gian thành lập của các HTX

Từ năm 1997 đến năm 2016 toàn tỉnh Bến Tre chỉ có 9 HTX và rất ít có sự biến động về số lượng. Giai đoạn này chưa có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích thành lập mới các HTX, vì vậy các HTX được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, thành lập tổ chức KTTT để tối ưu hóa lợi nhuận của cộng đồng.

Kết quả điều tra năm 2022 đã chỉ ra rẳng, phần lớn các HTX được thành lập từ năm 2017 tới năm 2020, đây là thời gian tỉnh Bến Tre đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Các HTX được thành lập ở giai đoạn này chủ yếu để đáp ứng đủ tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất của các xã đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới chứ chưa xuất phát từ nhu cầu của người dân. Vì vậy, một số HTX sau khi thành lập đã ngưng hoạt động hoặc có tên đăng ký nhưng không hoạt động.

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093142-1734057187.png

3.3.2. Nhân lực của các HTX

Tổng số người tham gia bộ máy quản lý HTX là 371 người. Trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên là 104 người (28%); trình độ trung cấp là 22 người (6%), số còn lại chưa qua đào tạo là 245 người (66%). Ngoài ra, chỉ có 65/122 HTX chiếm 49% có kế toán, 57 HTX còn lại không có kế toán hoặc nhờ cán bộ UBND xã hỗ trợ một số công tác của kế toán.

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093420-1734057280.png

Hình 2. Trình độ học vấn Bộ máy quản lý của các HTX

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

Như vậy, phần lớn cán bộ quản lý của các HTX chưa qua đào tạo, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành các hoạt động của HTX, việc tổ chức sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại gặp rất nhiều khó khăn

3.3.3. Cơ sở vật chất của các HTX

Trụ sở/văn phòng làm việc là nơi thực hiện tất cả các hoạt động giao dịch của HTX, thế nhưng trong số 100/122 HTX có trụ sở làm việc thì chỉ có 06 HTX có chứng nhận quyền sử dụng đất, 14 HTX được thuê dài hạn (50 năm), các HTX còn lại chủ yếu được thuê/mượn ngắn hạn hoặc không có trụ sở làm việc. Vì vậy, nhiều HTX chưa thể đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị để phục vụ sản xuất, kinh doanh và điều này cũng khiến cho các hoạt động giao dịch thương mại rất hạn chế.

Nhà xưởng/kho/bãi là điều kiện thiết yếu để tập kết, sơ chế, chế biến, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 43% HTX có nhà xưởng/kho/bãi, vì vậy đây là một trong những khó khắn rất lớn ảnh hưởng đến việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm của các HTX.

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093517-1734057327.png

Hình 3. Cơ sở vật chất của các HTX

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

3.3.4. Năng lực tài chính của các HTX

Nguồn lực tài chính của các HTX nông nghiệp ở Bến Tre được huy động từ vốn góp của các thành viên, không vay vốn bên ngoài. Tuy nhiên, số vốn đóng góp so với đăng ký rất thấp. Chỉ có 10 HTX thu được trên 75% so với đăng ký, đây là những HTX được thành lập theo nguyện vọng của các thành viên và hoạt động tương đối hiệu quả. Phần lớn các HTX còn lại số vốn đóng góp thấp, có đến 69 HTX số vốn góp thực tế thấp hơn 50% so với đăng ký.

Vì vậy, các HTX không đủ vốn để đầu tư thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm và phát triển thị trường.

Bảng 3. Tỷ trọng vốn thực góp so với vốn đăng ký của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093603-1734057376.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022         

3.3.5. Hiện trạng bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của các HTX

Trong quá trình sản xuất, phần lớn các HTX đều có những biện pháp bảo vệ môi trường như: thu gom rác thải, nước thải, biogas, ủ phân vi sinh... nhằm hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án và kế hoạch bảo vệ môi trường lại là vấn đề khá khó khăn, bởi vậy chưa có HTX nông nghiệp nào trên địa bàn tỉnh hoàn thiện được tiêu chí này.

Bảng 4. Hiện trạng bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093640-1734057415.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

3.3.6. Sản phẩm của các HTX

Các HTX sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dưới dạng nguyên liệu thô chiếm 75,4%, chỉ có 24,6% HTX có sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến.

Bảng 5. Hiện trạng sản phẩm của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093717-1734057451.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

Trong số các HTX có sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến, chỉ 06 HTX có hệ thống bao bì, tem nhãn hoàn chỉnh, đáp ứng đúng theo nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, 17 HTX có bao bì, tem nhãn nhưng rất sơ sài, thiếu thông tin theo Quy định hiện hành, 07 HTX sản phẩm không có bao bì, nhãn mác.

Bảng 6. Hiện trạng bao bì, tem nhãn sản phẩm của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093759-1734057496.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

Từ những phân tích trên cho thấy, sản phẩm của các HTX phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, không có bao bì, tem nhãn nên giá trị chưa cao. Vì vậy, lợi ích từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX mang lại cho thành viên rất thấp.

3.3.7. Về An toàn thực phẩm

Chỉ có 25 HTX chiếm 20,5% đáp ứng các điều kiện về ATTP theo đúng các quy định hiện hành (có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, VietGAP, GLOBALG.A.P.), đây chủ yếu là các HTX có sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến, đủ điều kiện để tham gia chương trình OCOP. Các HTX còn lại ít hoặc không quan tâm đến vấn đề này do họ chỉ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô hoặc cơ sở hạ tầng không đảm bảo hoặc do chi phí để được cấp chứng nhận quá cao, vượt quá khả năng chi trả của HTX.

Vì vậy, đây cũng là khó khăn lớn với các HTX khi muốn tham gia chương trình OCOP

Bảng 7. Về An toàn thực phẩm

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093846-1734057546.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

3.3.8. Hiện trạng tiêu thụ sản phẩm của các HTX

Liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn nhiều yếu kém, có đến 78/122 HTX không có bất kể mối liên kết nào từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các HTX này sẽ thu mua sản phẩm của người sản xuất (có thể là thành viên hoặc không) rồi bán cho bất kỳ một tư thương hoặc doanh nghiệp nào đó trên địa bàn mà không cần hợp đồng. Chỉ 12 HTX có liên kết, hợp đồng chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ, phân tán, sản phẩm không thường xuyên. Một nguyên nhân nữa là do bộ máy quản lý HTX thụ động, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ, chưa chủ động tìm kiếm các đơn vị liên kết, không có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể.

Bảng 8. Hiện trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-093929-1734057584.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

3.3.9.  Hiện trạng quảng bá sản phẩm của các HTX

Các công cụ và phương pháp truyền thông thích hợp sẽ giúp sản phẩm tạo dựng được hình ảnh với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu ở dạng nguyên liệu nên rất ít HTX có các công cụ này, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cũng rất hạn chế, chỉ khi có các chương trình hỗ trợ như hội chợ, hội nghị giới thiệu sản phẩm và được yêu cầu thì các HTX mới tham gia.

98/122 HTX không có công cụ nhận diện, quảng bá hay truy xuất nguồn gốc. Một số ít HTX có các công cụ nhận diện, quảng bá và truy xuất nguồn gốc nhưng cũng đều có nhờ các chính sách hỗ trợ của địa phương chứ các HTX chưa tự chủ động xây dựng các công cụ này.

Bảng 9. Hiện trạng quảng bá sản phẩm của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-094004-1734057618.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

3.3.10. Hiện trạng bảo hộ SHTT của các HTX

Bảo hộ SHTT là một cách để các nhà sản xuất tự bảo vệ mình trước các hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, đây lại là một yếu điểm của các HTX khi chỉ có 8/122 HTX đã đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm/dịch vụ của mình nhờ các chính sách hỗ trợ của địa phương, các HTX còn lại không mấy quan tâm hoặc còn gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký bảo hộ.

Bảng 10. Hiện trạng bảo hộ sở hữu trí tuệ của các HTX

anh-chup-man-hinh-2024-12-13-luc-094039-1734057651.png

Nguồn: Kết quả điều tra, Casrad 2022

3.4. Khó khăn của các HTX khi phát triển sản phẩm OCOP

Những khó khan chính mà các HTX gặp phải như sau:

- Phần lớn các HTX được thành lập chưa xuất phát từ nguyện vọng của các thành viên mà chủ yếu là để tận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh và những mục đích khác. Vì vậy,  không nhiều HTX có sản phẩm đủ điều kiện để tham gia Chương trình OCOP.

- HTX tham gia chương trình OCOP còn rất hạn chế, sản phẩm của các HTX còn thiếu nhiều tiêu chuẩn theo các tiêu chí chấm điểm công nhận sản phẩm OCOP.

- Cán bộ quản lý của các HTX đã qua đào tạo ít, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành các hoạt động của HTX, việc tổ chức sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại gặp rất nhiều khó khăn

- Nhiều HTX gặp khó khăn với việc hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp. Nguyên nhân là do sản phẩm của HTX còn thiếu nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Bên cạnh đó, kinh phí hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm để đáp ứng các tiêu chí (bao bì, nhãn mác, SHTT, truy xuất nguồn gốc, phân tích chất lượng để công bố, các giấy chứng nhận về ATTP và kiểm soát chất lượng,…) lớn, vượt quá nguồn lực có thể huy động và khả năng đầu tư của HTX.

- Mặc dù các HTX đều rất có ý thức bảo về môi trường trong quá trình sản xuất như thu gom rác thải, nước thải, biogas, ủ phân vi sinh... Tuy nhiên với yêu cầu, các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP cần xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường... thì các HTX chưa thể đáp ứng được

- Một trong những khó khăn lớn nhất mà tất cả các HTX đang gặp phải là hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Do thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh phí thực hiện nên hệ thống nhận diện và các công cụ để quảng bá và giới thiệu sản phẩm rất ít được các HTX chú ý đến. Mặt khác, HTX ít chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ yếu vẫn chờ các chương trình hỗ trợ của chính quyền địa phương.

3.5. Một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX

Để phát triển sản phẩm OCOP của các HTX, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng các kênh truyền thông khác nhau để tuyên truyền cho các HTX hiểu rõ Chương trình OCOP, chủ động hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để tham gia;

- Tăng cường năng lực cho ban lãnh đạo HTX các kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm, kỹ năng marketing, xúc tiến thương mại và xây dựng liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm;

- Tư vấn, hỗ trợ các HTX kiện toàn bộ máy theo đúng Luật hợp tác xã: bộ máy quản lý, kế toán tài chính, kết nạp và thu hút thêm các hộ sản xuất khác cùng tham gia sản xuất sản phẩm…;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX thuê/mượn đất dài hạn để các HTX có thể ổn định, đầu tư xây dựng cũng như mua sắm trang thiết bị vụ sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ các HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cấp chất lượng sản phẩm; Tăng cường sơ chế, chế biến, phân loại, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm;

- Hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm thị trường để xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện, các công cụ quản lý, quảng bá sản phẩm: Logo, tờ rơi, standee, biển hiệu, biển quảng cáo, thiết kế gian hàng trưng bày, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất…

- Hướng dẫn, hỗ trợ HTX thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua: Tổ chức hội nghị khách hàng; Tổ chức hoặc tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP thường niên; Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau; Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Xây dựng website quảng bá, giới thiệu HTX và sản phẩm OCOP của HTX; Xây dựng kênh quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX trên các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube…); Giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX trên các kênh bán hàng online, sàn giao dịch điện tử như: shopee.vn, sendo.vn, gcaeco.vn…

- Đa dạng các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các hoạt động liên kết tổ chức mạng lưới điểm giới thiệu, phân phối đồng bộ các sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch, trung tâm thương mại, nhà ga, bến tàu; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP giữa các chủ thể sản xuất với hệ thống siêu thị, nhà phân phối; phân phối sản phẩm OCOP chung cấp tỉnh, quốc gia, thúc đẩy hoạt động thương mại sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch điện tử...

IV. KẾT LUẬN

4.1. Kết luận

Từ những kết quả nghiên cứu hiện trạng hoạt động và phát triển sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre cho thấy, mặc dù là đối tượng ưu tiên khi tham gia Chương trình OCOP nhưng các HTX trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn còn gặp không ít khó khăn:

- Phần lớn HTX được thành lập chưa xuất phát từ nguyện vọng của người dân, việc thành lập HTX chủ yếu để được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của nhà nước nên các HTX chưa năng động, do vậy để phát triển bền vững cần phải tiếp tục định hướng, hỗ trợ.

- Tỷ lệ cán bộ quản lý của các HTX đã qua đào tạo thấp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành các hoạt động của HTX, việc tổ chức sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại gặp rất nhiều khó khăn

- Trụ sở làm việc, nhà xưởng, kho bãi của các HTX chủ yếu được thuê/mượn ngắn hạn hoặc chưa có nên việc sơ chế, chế biến, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm rất khó khăn.

- Nguồn lực tài chính của các HTX được huy động từ vốn góp của các thành viên, không vay vốn bên ngoài. Tuy nhiên, số vốn đóng góp so với đăng ký rất thấp nên các HTX không đủ vốn để đầu tư thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm và phát triển thị trường.

- Trong quá trình sản xuất, các HTX đều có những biện pháp bảo vệ môi trường như: thu gom rác thải, nước thải, biogas, ủ phân vi sinh... Tuy nhiên, với yêu cầu, các chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP cần xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường... thì các HTX chưa thể đáp ứng được

- Sản phẩm của các HTX phần lớn là nguyên liệu thô, không có bao bì, tem nhãn nên giá trị thấp. Chính vì vậy, lợi ích từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX mang lại cho thành viên rất thấp.

- Các HTX ít hoặc không quan tâm đến việc đáp ứng các điều kiện về ATTP theo quy định hiện hành. Vì vậy, đây cũng là khó khăn lớn với các HTX khi muốn tham gia chương trình OCOP

- Liên kết sản xuất -tiêu thụ sản phẩm của các HTX ở Bến Tre vẫn còn nhiều yếu kém

- Các HTX chưa chú trọng xây dựng các hệ thống nhận diện, quảng bá, các hình thức truyền thông và xúc tiến thương mại để tạo dựng được hình ảnh với người tiêu dùng về sản phẩm và HTX.

- Bảo hộ SHTT là một cách để các nhà sản xuất tự bảo vệ mình trước các hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, chưa nhiều HTX chủ động đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm/dịch vụ của mình.

- Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của các HTX còn hạn chế về số lượng, đơn điệu về chủng loại và chất lượng chưa cao

4.2. Đề nghị

Để giúp các HTX nông nghiệp của tỉnh Bến Tre giải quyết khó khăn, phát triển được các sản phẩm OCOP, một số giải pháp cần thực hiện là:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng các kênh truyền thông khác nhau để tuyên truyền cho các HTX hiểu rõ Chương trình OCOP, chủ động hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để tham gia;

- Tăng cường năng lực cho ban lãnh đạo HTX các kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm, kỹ năng marketing, xúc tiến thương mại và xây dựng liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm;

- Tư vấn, hỗ trợ các HTX kiện toàn bộ máy theo đúng Luật hợp tác xã: bộ máy quản lý, kế toán tài chính, kết nạp và thu hút thêm các hộ sản xuất khác cùng tham gia sản xuất sản phẩm…;

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX thuê/mượn đất dài hạn để các HTX có thể ổn định, đầu tư xây dựng cũng như mua sắm trang thiết bị vụ sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ các HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cấp chất lượng sản phẩm; Tăng cường sơ chế, chế biến, phân loại, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm;

- Hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm thị trường để xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện, các công cụ quản lý, quảng bá sản phẩm: Logo, tờ rơi, standee, biển hiệu, biển quảng cáo, thiết kế gian hàng trưng bày, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất…

- Hướng dẫn, hỗ trợ HTX thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua: Tổ chức hội nghị khách hàng; Tổ chức hoặc tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP thường niên; Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau; Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Xây dựng website quảng bá, giới thiệu HTX và sản phẩm OCOP của HTX; Xây dựng kênh quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX trên các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube…); Giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX trên các kênh bán hàng online, sàn giao dịch điện tử như: shopee.vn, sendo.vn, gcaeco.vn…

- Đa dạng các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh các hoạt động liên kết tổ chức mạng lưới điểm giới thiệu, phân phối đồng bộ các sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch, trung tâm thương mại, nhà ga, bến tàu; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP giữa các chủ thể sản xuất với hệ thống siêu thị, nhà phân phối; phân phối sản phẩm OCOP chung cấp tỉnh, quốc gia, thúc đẩy hoạt động thương mại sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch điện tử...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Thủ tướng Chính phủ, 2018. Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX,  liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020

UBND tỉnh Bến Tre, 2018. Quyết định số 2882/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 Về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ, 2018. Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020

Thủ tướng Chính phủ, 2019. Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre, 2017-2022. báo cáo tổng kết tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động của liên minh htx tỉnh Bến Tre, từ năm 2017-2022.

Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh Bến Tre, 2018-2022. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre.

Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, 2022. Báo cáo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre từ năm 2018-2022.

Casrad, 2022. Báo cáo thực trạng hoạt động và phát triển sản phẩm OCOP của các HTX tỉnh Bến Tre