Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhân cho biết: Xác định nhà ở thì đóng một vai trò quan trọng trong mỗi gia đình, không chỉ là nơi che chắn mưa nắng, bảo vệ các thành viên trong gia đình trước thiên tai, mà còn là một dịch vụ xã hội cơ bản có khả năng ảnh hưởng đến các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới gồm: chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sinh hoạt... giúp các hộ có điều kiện để thoát nghèo bền vững. Bởi vậy, xã Bình Nhân đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà ở theo hướng mở rộng quy mô, đối tượng và nâng mức hỗ trợ.

Năm 2025 xã Bình Nhân có 213 hộ nghèo, trong đó có 79 hộ nghèo và 3 hộ thuộc gia đình chính sách đã được làm nhà mới và sửa nhà. Trong đó những hộ sửa chữa nhà được hỗ trợ là 30 triệu đồng, làm mới là 60 triệu đồng. Tổng vốn cho việc làm nhà hỗ trợ làm nhà hộ nghèo là trên 3,45 tỷ đồng.
Ngoài tìm kiếm, kêu gọi các nguồn lực trên cả nước, xã đã giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các tổ chức đoàn thể; từ đó, huy động sự vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong xã cũng như đẩy mạnh việc kết nối, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để tổ chức làm nhà ở cho hộ nghèo.
Tuy nhiên, Bình Nhân nằm ở địa bàn vùng cao, công tác làm nhà ở vẫn còn những khó khăn như điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu kinh phí đối ứng; quá trình vận chuyển nguyên vật liệu làm tăng chi phí xây dựng hay nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa xem trọng việc xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn, có các công trình phụ trợ…
Từ đó, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương đã tích cực vào cuộc từ việc tăng cường tuyên truyền, vận động về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án cũng như: khơi dậy, nâng cao trách nhiệm của người nghèo trong việc nỗ lực tự xây dựng nhà ở; nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng về xây dựng mới hay sửa chữa; rà soát khảo sát cụ thể từng nhà về điều kiện, hoàn cảnh để có phương án huy động việc góp ngày công, vật liệu trong nhân dân. Trực tiếp lãnh đạo địa phương cũng đã xuống cơ sở đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ.

Đối với các hộ nghèo không có khả năng và kinh phí đối ứng, một số địa phương trong xã đã sáng tạo, nghiên cứu đối với công xây dựng sẽ huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng, anh em họ hàng trong dòng họ.
Từ kết quả trên đã cho thấy, trong công tác làm nhà ở cho hộ nghèo ở Bình Nhân có một cách làm toàn diện, thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo, kịp thời của chính quyền và nhân dân.
Trước hết là trong công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh khi có các cơ chế, chính sách phù hợp, quan tâm tới những khó khăn trong công tác làm nhà ở cho hộ nghèo ở vùng khó; việc huy động tổng hợp các nguồn lực hiện có, đặc biệt chú trọng tìm kiếm, kết nối, huy động nguồn lực xã hội hóa.