Thi sĩ Vũ Nguyên với những trang thơ làm đẹp cho đời

Có một đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X làm tôi nghĩ rất nhiều về kiếp phận con người và thơ ca trên con đường đi tìm ý nghĩa sống cho mình.

Đó là nhà thơ trẻ Vũ Nguyên. Vũ Nguyên bị tàn tật từ khi sinh ra. Anh không bao giờ được đặt đôi chân mình để bước đi trên mặt đất. Anh chỉ có thể viết những câu thơ bằng một ngón tay.

Vũ Nguyên chuẩn bị in tập thơ thứ 8. Anh muốn tôi viết những gì tôi nghĩ về thơ của anh. Tôi đã nhận lời. Tôi không được quyền từ chối một người như Vũ Nguyên.

Dưới đây là những cảm nhận ban đầu của tôi về Vũ Nguyên và thơ của anh.

cc-1664980644.jpg
Nhà thơ trẻ Vũ Nguyên được Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hỗ trợ di chuyển trong sự kiện

ĐỌC THƠ VŨ NGUYÊN

Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 10 là lý do tôi được biết tác giả trẻ Vũ Nguyên. Đây là tác giả trẻ tôi nghĩ đến nhiều nhất sau khi gặp anh. Thơ ca ở mọi thời đại từ khi nó xuất hiện cũng chỉ với một mục đích khám phá ra những tầng sâu trong tâm hồn con người, tạo dựng những vẻ đẹp ngôn từ và lan tỏa chủ nghĩa nhân văn. Và Vũ Nguyên bước vào con đường sáng tác thơ ca cũng không ra ngoài mục đích muôn thuở ấy. Tôi không biết Vũ Nguyên xuất phát làm thơ với lý do gì: tình yêu thơ ca hay là tiếng kêu của một phận người nhiều buồn bã vang lên và hóa thành thơ ca? Tôi nghĩ: Vũ Nguyên đến với thơ ca bằng cả hai con đường đó.

Vũ Nguyên còn rất trẻ và lớn lên trong một thời đại mà thơ ca hiện hữu bằng rất nhiều con đường. Sự cách tân trong thế hệ trẻ nhà thơ ở Việt Nam là một xu thế tất yếu. Những người ở thế hệ Vũ Nguyên chọn lựa một hình thức khác hoàn toàn Vũ Nguyên. Nhưng Vũ Nguyên đã chọn một thể thơ truyền thống, một thể thơ mà hầu như bây giờ chỉ những người lớn tuổi mới dùng:  song thất lục bát. Điều đó có ảnh hưởng gì tới sự sáng tác và bày tỏ của Vũ Nguyên không? Không. Tôi thấy vậy. Tôi coi trọng mọi hình thức của thơ. Mỗi người viết hãy chọn một thể thơ phù hợp với mình nhất và hãy kiên nhẫn và tự tin đi trên con đường ấy. Mọi bông hoa đều mang tới cho chúng ta những vẻ đẹp của riêng nó khi nó thực sự là một bông hoa.

Vũ Nguyên sinh ra và mang một số phận thiệt thòi trên thế gian này. Càng lớn lên, cảnh phận của cá nhân mình càng làm cho Vũ Nguyên dày vò, đau đớn. Nhưng điều kỳ diệu là, nỗi đau đớn ấy không nhấn chìm anh vào than khóc, u sầu hay tuyệt vọng. Ngay cả trong những câu thơ đau thương về phận mình, Vũ Nguyên vẫn nỗ lực đập cánh bay lên bằng đôi cánh tâm hồn. Và thơ, không thể nào tách rời những thiệt thòi, đau đớn của cá nhân người viết. Vũ Nguyên không giấu diếm điều đó, anh không thi vị hóa nỗi đau đớn ấy. Nếu có những câu thơ, những bài thơ của Vũ Nguyên đứng sát bên bờ vực của sự tuyệt vọng thì cũng là lẽ thông thường.

"Cho Tôi được nhảy được leo

Cho Tôi đá bóng thả diều tắm sông

Cho Tôi trọn kiếp đàn ông

Xin Cho Tôi được làm chồng làm cha"

Những ước nguyện, cầu xin của Vũ Nguyên là ước nguyện và cầu xin của mọi con người bình thường được sinh ra trên mặt đất này. Nó giản dị như một lẽ thường nhưng đau đớn tận xương tủy. Nhưng những thiệt thòi, đau đớn ấy không dìm anh vào đầm lầy của sự ích kỷ và tuyệt vọng, thơ anh vang lên tiếng kêu về nhân gian, về những giá trị đích thực của đời sống đang bị tàn phá và đánh tráo.

Hãy nghe những câu thơ của Vũ Nguyên về một đứa trẻ cầu bơ cầu bất không mẹ không cha

"Nó lang thang giữa chợ đời

Nó không cha mẹ từ thời ấu thơ

Cuộc sống đói rách bơ vơ

Bữa cơm Nó vẫn chẳng no thất thường"

Đấy là tiếng yêu thương, là lời chia sẻ với những số phận thiệt thòi. Đấy chính là đức hạnh của thơ ca. Từ những thiệt thòi, mất mát của cá nhân mình, Vũ Nguyên nhìn thấy và cảm thông một cách sâu sắc nhất về những số phận khác.

Rất nhiều những bài thơ của Vũ Nguyên nói về sự băng hoại đức hạnh của con người. Thói ích kỷ, lòng tham vô đáy đã dẫn con người đến thế giới của ma quỷ. Đồng tiền đã và đang trở thành mục đích sống của con người. Vũ Nguyên kêu lên về điều ấy. Vũ Nguyên cảnh báo một cái chết tinh thần của con người. Vũ Nguyên đưa ra cái vô nghĩa của đời sống này khi con người rời bỏ nhân tính. Mỗi khi nghĩ đến Vũ Nguyên, tôi lại nghĩ tới hình ảnh một chàng trai tàn tật thu mình lại tựa một con mèo. Nhưng đôi mắt chàng trai ấy mở vượt qua cả giới hạn của chính nó để nhìn thẳng vào đời sống. Vũ Nguyên quan sát đời sống này bằng đôi mắt của cảm xúc, của những dày vò và của một lương tâm nổi giận. Vũ Nguyên thấu hiểu rằng: đã là con người thì luôn ẩn chứa trong thân xác một con quỉ của những dục vọng tăm tối. Nhưng cũng trong mỗi con người ấy luôn có một vị Thánh để chống lại những gào thét của quỉ dữ.

"Gái trai lớn nhỏ trẻ già

Hỏi ai thoát được chữ tà trong tâm"

Vũ Nguyên hiểu điều đó. Chính thế mà Vũ Nguyên cũng hiểu được con đường để mỗi con người có thể thoát được TÀ trong chính TÂM mình. Thơ của Vũ Nguyên trong tập thơ này vừa dựng lên sự tha hóa của con người vừa kêu gọi con người chống lại sự tha hóa. Bởi thế mà trong tiếng kêu đau thương về kiếp phận của cá nhân mình, Vũ Nguyên vẫn thấy những điều lớn lao hơn. Đó là lẽ sống và đạo sống của con người. Tinh thần ấy ngập tràn trong những câu thơ của Vũ Nguyên.

Khi tôi đọc đến hai câu thơ: ‘’Niết bàn dù có xa xôi/ Tu đi cõi ấy là nơi tìm về’’, tôi đã lặng người đi rất lâu. Đấy là hai câu thơ hay trong những câu thơ hay của thơ ca Việt Nam mà tôi từng được đọc. Hai câu thơ vang lên như trong đêm tối chợt thấy lóe sáng một ngọn lửa. Lòng Vũ Nguyên bất chợt mở ra vô tận. Cái ‘’nơi tìm về’’ ấy thẳm sâu đến nhường nào. Nơi ấy là một thế gian thanh bình, ngập tràn yêu thương và lẽ sống. Nơi ấy là chốn để con người trú ngụ an toàn nhất. Nơi ấy là nơi giấc mơ con người hóa thành những trái ngọt của hiện thực. Nơi ấy con người được sống, được bày tỏ giấc mơ và đập cánh bay lên trong giấc mơ bình dị và lớn lao.

Mấy hôm trước, Vũ Nguyên nói với tôi anh muốn tìm một tổ chức để hiến tạng sau khi anh rời bỏ thế gian. Tôi nói với anh không được nghĩ về điều đó lúc này. Nhưng anh nói với tôi anh cảm thấy anh không còn ở lại lâu trên thế gian này nữa cho dù anh mới ngoài 30 tuổi. Nghe vậy, tôi thấy mình hiểu thơ Vũ Nguyên thêm một tầng nữa. Tôi hiểu hơn kiếp phận của con người trong đời sống này và những câu thơ vang lên từ mỗi kiếp phận con người. Thơ ca là vậy. Nó là một tiếng kêu và ngân vang như chuông. Nó không phải là bất cứ món đồ trang sức nào cho dù người ta lấy bất cứ loại vật chất nào mang ra để so sánh.

Hà Đông, đêm 01 tháng 10 năm 2022