Với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Khách sạn; Sở Du lịch Hà Nội, Hải Dương, Kiên Giang, Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và nghỉ dưỡng trong cả nước. Tại diễn đàn, những người tham dự đã tập trung trao đổi về chủ đề Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Bài viết phản ánh một số nội dung nổi bật của những sự kiện diễn ra.
Thực trạng du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19 bùng phát-vấn đề đặt ra
Cho đến nay, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã xuất hiện trên 2 năm, đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều hoạt động kinh tế-xã hội; trong đó, hàng không và du lịch là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhờ sự chỉ đạo hiệu quả của Chính phủ, sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, ngành du lịch đã có tín hiệu phục hồi, từng bước triển khai vững chắc. Hết năm 2021, ngành đã đón 40 triệu lượt khách nội địa và trên 3.800 lượt khách quốc tế. Chương trình thí điểm đón khách du lịch triển khai từ tháng 11 năm 2021 đến nay đã đón được gần 9.000 lượt du khách quốc tế. Riêng Tết Nguyên đán năm 2022, ngành phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022.
Là một trong 10 quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao trên thế giới, Việt Nam đã tạo thuận lợi cho ngành du lịch phát triển không chỉ thân thiện, mà còn là an toàn cho du khách và mọi người dân. Trong bối cảnh đại dịch dần được kiểm soát, du lịch cả nước đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường phục hồi, thích ứng và an toàn vẫn còn khó khăn, thách thức; nhất là khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc trong năm nay.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận xét, trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế trong 60 năm qua, chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này. Số doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm tới 30% số doanh nghiệp được cấp phép. Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc ngừng, cả nước chỉ còn chừng 2.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoạt động. Đáng quan ngại là trong cơ cấu kinh doanh, lĩnh vực lưu trú chiếm 46% doanh thu toàn ngành, nhưng khoảng 90% phải đóng cửa và hầu như không có khách. Đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành với 80 vạn người làm trực tiếp. Trong những đối tượng bị mất việc làm, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú, các tụ điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển,,,đã chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tại Thông báo kết luận số 43/TB-VPCP ngày 16 tháng 2 năm 2022 của Chính phủ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận về mở cửa trở lại hoạt động du lịch theo tinh thần chỉ đạo “thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid-19”. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành hữu quan hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15 tháng 3 năm 2022, thông qua việc khai thông các tuyến giao thông đường không, đường bộ, đường thủy và đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, mở lại các hoạt động du lịch cần bám sát yêu cầu tại Thông báo số 28/TB-VPCP ngày 28/01/2022, đó là “Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất nhưng không ồ ạt, cần có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán’’.
Trong bối cảnh dịch bệnh trong tầm kiểm soát, đây là điều kiện tiên quyết để mở ra cơ hội cho ngành tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn, tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch cần được các địa phương và doanh nghiệp du lịch coi là nội dung ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó,cần tăng cường hơn nữa việc khai thác những đường bay thương mại quốc tế và tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Mở cửa linh hoạt - an toàn -hiệu quả thông qua diễn đàn luồng du lịch xanh cất cánh
Trong phiên trao đổi về chính sách mở đường, phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh vai trò đòn bẩy quan trọng của du lịch trong phục hồi và phát triển kinh tế. Trước làn sóng hội nhập quốc tế, là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch toàn cầu. Bà chia sẻ “Hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách. Đối với doanh nghiệp, việc cần quan tâm là mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần vì thêm các thủ tục lại vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người dân”.
Phân tích về mở cửa du lịch từ 15 tháng 3 năm 2022 và các biện pháp hỗ trợ phát triển, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ,trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam cần khôi phục những chính sách đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh cho du khách để thu hút khách du lịch quốc tế; thực thi các chính sách đơn phương, song phương như miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường là nguồn tiềm năng của du lịch Việt. Về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine, hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, dẫn đến nhiều khó khăn cho việc đưa người Việt Nam đến với du lịch nước ngoài. Ông Khánh đề nghị ngành Ngoại giao cần phối hợp với ngành Y tế tăng cường đàm phán với các nước và vùng lãnh thổ về Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.
Liên quan đến Chính sách thị thực và hộ chiếu vaccine, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Phan Thị Minh Giang cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 15 tháng 2 năm 2022, Bộ đang tập trung vào 3 việc chính đó là áp dụng chính sách thị thực đúng quy định và xem xét bãi bỏ, không khống chế theo mục đích nhập cảnh, miễn thị thực như trước Covid-19. Dự thảo nghị quyết của Chính phủ về miễn thị thực song phương cho một số thị trường và đơn phương cho 13 nước như trước đây đã hoàn tất,. Tuy nhiên, bà khuyến nghị, mặc dù công tác phòng chống dịch đã trong tầm kiểm soát, nhưng tất cả các lĩnh vực vẫn cần phối hợp chặt chẽ, hài hòa để đảm bảo mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả.
Từ góc nhìn y học trước tình hình dịch bệnh và những giải pháp thích ứng trong dịch vụ du lịch; nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đác Phu cho biết, tính đến ngày 04 tháng 3 năm 2022 đã có 63/63 số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có dịch với khoảng 4.060 nghìn ca mắc bệnh. Trong số nàycó 40.609 ca tử vong với 99,7% là những người ở trong nước và khoảng 0.3% từ nhập cảnh. Ông cho rằng, việc mở cửa thích ứng cần an toàn và kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo sức khoẻ và an sinh cho mọi người dân. Theo ông, quan điểm về chống dịch n gày nay đã khác. Việt Nam nới lỏng nhưng không buông lỏng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, chấp nhận có ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không làm nặng nề, không làm quá tải hệ thống y tế, nhất là giảm thiểu tử vong. Việt Nam đã có kinh nghiệm, năng lực phòng chống dịch Covid và độ phủ vắc xin cao. Từ đó, có nhiều khả năng thực hiện được mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế hiệu quả”.
Từ Diễn đàn trao đổi, PGS.TS.Trần Đắc Phu nhấn mạnh, cần nới lỏng đồng bộ. Nhà nước cho nhập cảnh thông thoáng mới thu hút được du khách, có du lịch mới có khách sạn, khu vui chơi giải trí; từ đó mới nâng cao thu nhập và giải quyết được việc làm cho nhiều ngành khác nhau. Ông cho rằng“Nới lỏng nhưng không buông lỏng, có mở cửa khách du lịch mới tìm đến Tuy nhiên việc. nới lỏng toàn bộ phải gắn liền với hoạt động dự phòng đồng bộ”.
Ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị ở nhiều nơi. Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. Cần mở cửa đồng bộ nhưng phải đồng hành với phòng chống dich bệnh, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu. Bên cạnh đó,cần khuyến khích du lịch khép kín,đi theo những nhóm không quá đông người. Từ những phân tích gợi ra, PGS Phu cho rằng, không phải là sử dụng tất cả 5 K ở mọi lúc, mọi nơi mà cần linh hoạt đẻ xác định khi nào, K nào cần được áp dụng là chủ đạo và hỗ trợ. Khẩu trang cần áp dụng tối đa, khử khuẩn là quan trọng, khoảng cách tùy theo nhóm, theo đoàn; hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm đồng thời khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm, giúp cho xử lý gọn hơn.
Liên quan đến chủ trương chính sách xây dựng “luồng xanh” cho du lịch, ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng (AHT) bày tỏ mong muốn Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành liên quan ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp du lịch để triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm thực sự tạo cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn mới trên thị trường. Nhờ những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, Việt Nam đã tạo nên hình ảnh của điểm đến mới, sẵn sàng chào đón du khách. Qua đó, có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh của ngành du lịch trên thị trường quốc tế.
Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, lượng khách du lịch quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đã tăng nhanh. Dữ liệu phân tích cho thấy, lượng người tìm kiếm bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 12 năm.2021 và tăng vọt từ cuối tháng 2 năm. 2022. Theo hướng chỉ đạo của các Tổng Công ty và Cục Hàng không Việt Nam, trong chương trình hành lang xanh, bao gồm quy trình xanh, con người xanh và trang thiết bị xanh., nhà ga ĐàNẵng đã cải tạo không gian xanh nhằm phục vụ du khách qua lại; để họ cảm nhận được sự an toàn khi trở lại Việt Nam; đồng thời đảm bảo an toàn khai thác và an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Trong phiên tọa đàm tận dụng thời cơ và kiến nghị từ doanh nghiệp. Khi thảo luận về chuyển biến du lịch sau Covid-19 với những nội dung cần thay đổi để thích ứng trạng thái bình thường mới, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Vũ Thế Bình cho rằng, trước đại dịch, Việt Nam đã có những chính sách xuất nhập cảnh tốt cho khách du lịch như miễn thị thực đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiệp hội Du lịch không đòi hỏi gì thêm mà chỉ mong sớm khôi phục lại những chính sách đã có từ trước năm 2020. Về đề xuất mới thông thoáng hơn, gần đây chủ trương của Bộ Y tế đối với khách nhập cảnh dường như không cần chứng nhận tiêm vắc xin, ông cho là chưa cần thiết. Theo ông, đây có thể lại là sự thông thoáng quá mức khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.
Đối với việc tăng cường tiếp thị trên thị trường du lịch quốc tế, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Nguyễn Quý Phương cho rằng; Với tỷ lệ tiêm vắc xin như hiện nay và những điều kiện như PGS.TS Trần Đắc Phu đề cập, ông hy vọng Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn để ngành du lịch áp dụng để mở cửa đông thời, Bộ Công an cũng cần gỡ bỏ những hạn chế về rào cản thị thực để tạo thuận lợi đi lại cho khách lữ hành.
Với kỳ vọng khách quốc tế và khách nội địa được đối xử như nhau, ngày 15 tháng 3 năm nay có thể trở thành cột mốc quan trọng để mở cửa du lịch. Những người tham dự hội nghị lần này rất mong có sự chung tay, thực sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan từ TW đến địa phương, và cộng đồng người làm du lịch để nâng tầm, đưa sáng kiến luồng xanh cất cánh du lịch ngày một vươn cao./.