Thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi): Mở ra chương mới cho nông nghiệp, nông thôn

Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua là một bước tiến thành công để cán bộ và nhân dân Hà Nội có được khung pháp lý vững chắc trên chặng đường phát triển. Kỳ vọng việc thi hành Luật sẽ mở ra một chương mới cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với PV xung quanh Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chăm sóc hoa tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội).

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT)

Đưa nông nghiệp Hà Nội trở thành “đầu tàu”

Ông nhìn nhận thế nào về việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung quan trọng về định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn?

- Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao. Cá nhân tôi nhìn nhận đây là cách đặt vấn đề mới, thoát ra khỏi cách nhìn nhận nông nghiệp phiến diện dưới khía cạnh kinh tế và nông thôn bằng con mắt xã hội.

Tính đột phá của Luật Thủ đô (sửa đổi) về phát triển nông nghiệp, nông thôn được thể hiện ở khía cạnh nào, thưa ông?

- Với định hướng phát triển như đã đề cập ở trên, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn xưa nay của mọi địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang “phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung”; cho phép “chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm và liên kết với các địa phương”, thực sự phát huy vai trò và lợi thế của kinh tế Thủ đô một cách tổng hợp và đồng bộ.

Các chính sách được Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra để khuyến khích sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn đã thể hiện tính đột phá khi khẳng định sẽ áp dụng “mức hỗ trợ cao hơn hoặc chưa có”. Cá nhân tôi cũng đánh giá, các đối tượng được hưởng chính sách nhìn chung là thỏa đáng.

Xét trên khía cạnh tổng quát, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có ý nghĩa, tác động ra sao đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội, thưa ông?

- Những nội dung được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ góp phần định hướng lại sản xuất nông nghiệp của Thủ đô theo hướng phát triển như một ngành kinh tế hoàn chỉnh, bao gồm cả sản xuất nguyên liệu nông nghiệp, chế biến công nghiệp và các công đoạn dịch vụ trước sản xuất, sau thu hoạch. Ngoài ra còn kết hợp cả với các hoạt động khác như du lịch, giao thông vận tải, thương mại, năng lượng…

Đặc biệt, không chỉ có Điều 32, nếu thực sự phát huy tốt các nội dung quy định trong Điều 23 của Luật Thủ đô (sửa đổi) về “Phát triển khoa học và công nghệ”, tạo được sự bứt phá trong công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu… thì kinh tế nông nghiệp Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển trở thành “đầu tàu”, có sức lan tỏa mạnh cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế về khoa học - công nghệ nông nghiệp.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại.

Trông đợi những chính sách mới

Để những nội dung về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào thực tiễn, theo ông, các bộngành liên quan và nhất là UBND TP Hà Nội cần có những định hướng giải pháp gì?

- Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo ra khung pháp lý để hành động cho chuẩn. Sau khi Luật này được ban hành, không gian hành động của các cơ quan, đơn vị và nhân dân TP Hà Nội sẽ rộng rãi hơn. Nhưng điều cần có là “lòng nhiệt tình và trí sáng tạo”, “sự dũng cảm và khát vọng thay đổi” thì lại phải trông đợi vào các chính sách mới, các biện pháp tổ chức mới, các cơ chế mới mà Luật chỉ tạo điều kiện để thực hiện.

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi), tôi cũng nhận thấy nổi bật lên ba không gian cho những đổi mới tương lai đầy cơ hội và thách thức mà các bộ ngành và chính quyền TP Hà Nội cần phối hợp với nhân dân để phát huy một cách hiệu quả. Đó là khía cạnh về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch (Điều 21); phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Điều 23), và đặc biệt là Điều 25 “Thử nghiệm có kiểm soát”.

Ông có nhấn mạnh Điều 25 về “Thử nghiệm có kiểm soát”. Điều này có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với mục tiêu phát triển chung, thưa ông?

- Điều 25 cho phép tiến hành các “thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp”.

Quy định này cho phép bảo vệ các đối tượng được lựa chọn tránh khỏi những rủi ro như khi tiến hành vượt rào đổi mới trước đây, hoặc trong quá trình chấn chỉnh lại kỷ cương hiện nay. Điều này đòi hỏi các cấp lãnh đạo và cán bộ, cơ quan quản lý của TP Hà Nội có đủ công tâm và năng lực để chọn đúng người, đúng việc, tạo nên những mũi nhọn đột phá thành công như TP Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới thập kỷ 1980.

Là người gắn bó và rất am hiểu nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, ông có khuyến nghị gì dành cho chính quyền thành phố để hiện thực hóa được định hướng mục tiêu phát triển đã được Quốc hội nêu trong Luật Thủ đô (sửa đổi)?

- Trong xu hướng đô thị hóa ngày một mạnh mẽ, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt, đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các tỉnh, TP xung quanh, nhất là trên khía cạnh khoa học - công nghệ, yếu tố vốn là thế mạnh của Thủ đô. Xác định tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn là con người có kỹ năng và trí tuệ, chứ không còn là sức lao động giản đơn.

Trên cơ sở Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất được các chính sách rất rõ nét và mạnh mẽ. Trong nông nghiệp, phải phát triển khoa học - công nghệ tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ cho nhu cầu cả nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Trong phát triển nông thôn, cần đảm bảo thu hẹp khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm. Đặc biệt, cần chú trọng nhiều hơn đến phát triển con người ở nông thôn.

Sau cùng, cá nhân tôi cho rằng, trong quá trình “vừa chạy vừa xếp hàng”, cũng còn những điều mọi người mong đợi hơn, nhưng nhìn chung Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã là một bước tiến thành công để cán bộ và nhân dân Hà Nội có được khung pháp lý vững chắc hơn trên chặng đường phát triển. Hi vọng rằng việc thi hành Luật sẽ mở ra một chương mới cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!