Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao hướng đến phát triển nông nghiệp xanh

TH
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó, sản xuất rau, củ, quả an toàn đặc biệt được chú trọng, là nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh hiện hữu.

 

Sản xuất dưa baby trong nhà lưới.

Bắc Ninh: Nền tảng phát triển nông nghiệp xanh

Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, hệ thống giao thông phát triển, thuận lợi trong việc thông thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước... là cơ hội để Bắc Ninh phát triển toàn diện, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), trong đó, sản xuất rau, củ, quả an toàn đặc biệt được chú trọng, là nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh hiện hữu.

Rau, củ, quả an toàn đã trở thành nguồn cung thực phẩm thiết yếu trong các bếp ăn tập thể phục vụ các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng… trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng khi nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày một cao. Đây chính là động lực, đích đến cho các cơ sở sản xuất rau, quả an toàn của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng CNC trong nhà màng, nhà lưới được nhiều tổ chức, cơ sở, đưa vào sản xuất từ những năm 2013, 2014 chủ yếu là các loại rau ăn lá. Với ưu điểm hạn chế sâu bệnh, côn trùng, địch hại gây ra, công nghệ ứng dụng chủ yếu tưới phun mưa hoặc tưới vòi bán tự động, cho năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng vượt trội, đến nay diện tích sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà lưới phát triển mạnh, đạt hơn 30 ha, gồm các loại rau thủy canh trong nhà màng: Cải các loại, rau muống, cải bắp, lơ xanh, trắng; củ quả cà chua, su hào, dưa các loại trong nhà lưới. Hệ thống rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, có kiểm soát dinh dưỡng, hệ thống châm phân tự động bằng phần mềm thông qua thiết bị cảm biến, điều tiết nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, trồng cây trên giá thể... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, tăng mùa vụ sản xuất gấp nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, quả cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản, quy mô 10 ha nhà màng, nhà lưới của Công ty TNHH May Hồ Gươm, xã Lâm Thao (Lương Tài); mô hình sản xuất rau, quả các loại gắn với thương hiệu phục vụ sơ chế bán cho các cửa hàng, siêu thị, quy mô 2 ha nhà màng, nhà lưới của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, xã Minh Tân (Lương Tài); chuyên sản xuất dưa chuột baby trong nhà màng có hệ thống điều khiển độ ẩm, nhiệt độ cung cấp cho các siêu thị, quy mô 0,5 ha của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Xuân Mai, xã Nhân Thắng (Gia Bình); sản xuất dưa lưới trong nhà màng cung cấp cho các siêu thị của hộ ông Nguyễn Xuân Thám, xã Lãng Ngâm (Gia Bình); sản xuất nho hạ đen và một số loại cây ăn quả ứng dụng CNC, quy mô 0,5ha tại HTX Nông nghiệp sạch Bình Dương (Gia Bình); sản xuất hoa lan Hồ điệp trong nhà kính của Doanh nghiệp tư nhân cây xanh Phú Lâm (Tiên Du), tỉnh Bắc Ninh) và khu thực nghiệm ứng dụng CNC xã Việt Đoàn (Tiên Du)...

Theo ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc ứng dụng CNC trong sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất rau, quả nói riêng là đòi hỏi tất yếu trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn trên thị trường lại tăng cao. Ngành Nông nghiệp phấn đấu đưa giá trị sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC chiếm khoảng 35%-40% tổng giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh đến năm 2025. Vì vậy, cùng với việc vận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi theo phê duyệt của tỉnh “Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương đẩy mạnh áp dụng các giải pháp khoa học vào sản xuất như: Tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ 4.0, cơ giới hóa, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến ICM, IPM, VietGAP… vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống quản lý thông minh; đẩy mạnh công nghệ châm phân tự động, tưới tự động kết hợp dinh dưỡng, công nghệ tự điều khiển nhiệt độ bằng hệ thống cảm biến, công nghệ canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể); quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng; đưa công nghệ số, công nghệ thông tin vào ứng dụng trong sản xuất rau, quả an toàn, góp phần tăng cường công tác quản lý, minh bạch thông tin sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Đồng thời khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đứng ra tích tụ ruộng đất, liên doanh, liên kết bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần… để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết, xuất khẩu. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX, chú trọng kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, nghiệp vụ tổ chức, quản lý, kế hoạch, tài chính, phương pháp tiếp cận thị trường, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Ngành Nông nghiệp tham mưu tỉnh tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là thành phố Hà Nội trong việc sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả sạch, an toàn; quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh qua các kênh tiêu thụ như các cơ sở chế biến, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng ăn uống, các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức như sàn giao dịch, chợ thương mại điện tử, triển lãm, hội chợ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, bắt nhịp cùng thời đại công nghệ số.

Thanh Hóa: Sản xuất rau an toàn bài trừ “rau bẩn”

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin rau không an toàn trà trộn vào siêu thị và xuất hiện trên trang thương mại điện tử, sau đó đóng gói dán mác rau sạch, rau an toàn, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Để ngăn chặn tình trạng nhập nhèm này cần sự quan tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng cũng như phụ thuộc vào sự thông thái của người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Là chủ một nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Thanh Hóa, chị Lê Thị Nga, phường Đông Hương, cho biết: “Với mong muốn tạo nên sự hài lòng cho khách hàng, nhà hàng của chúng tôi sẵn sàng chi phí cao hơn để sử dụng những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Trong đó, riêng đối với nguồn rau, mỗi ngày nhà hàng tiêu thụ từ 30 đến 40 kg, chủ yếu nhập từ những vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn được cơ quan chuyên môn chứng nhận, như vùng rau Hoằng Hợp (Hoằng Hóa), Quảng Lưu (Quảng Xương)... Tuy nhiên, về cơ bản chúng tôi cũng không thể phân biệt được rau sạch, rau “bẩn” mà chủ yếu phụ thuộc vào cái tâm của đơn vị cung cấp”.

Thực tế cho thấy, ngoài một số siêu thị lớn, nhà hàng, bếp ăn uy tín luôn hợp đồng chặt chẽ với người trồng rau sạch thông qua các HTX, tổ, đội nhóm, công ty hoặc tự xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu thì đa số nhập của nhiều đơn vị phân phối khác. Điều đáng bàn là quy trình kiểm tra, giám sát nguồn gốc, xuất xứ của nhiều vùng rau đã bị bỏ qua, hoặc là phó mặc chất lượng cho nhà phân phối. Tình trạng này vô hình chung đã tạo điều kiện cho rau “bẩn” có cơ hội đội lốt rau sạch, ngang nhiên chen chân vào hệ thống tiêu thụ thông minh, hiện đại. Người tiêu dùng vừa tin tưởng vào đơn vị cung cấp, lại không có công cụ, thời gian, trình độ nhận biết nên đã mua nhầm để sử dụng.

Ông Hoàng Hữu Hằng ở tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) - một hộ dân có thâm niên sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết: Việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khắt khe, chi phí đầu tư cũng cao hơn 2 lần so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ khó khăn, sản phẩm phải cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bởi vậy, vì lợi nhuận nên ngoài những đơn vị tiêu thụ uy tín thì không nhiều đơn vị cung ứng lựa chọn rau sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP. Được biết, gia đình ông Hoàng Hữu Hằng có hơn 3 sào ruộng thuộc vùng sản xuất rau an toàn được địa phương quy hoạch. Nằm trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên gia đình tuân thủ các quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng song việc tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn. Phần lớn sản phẩm phải tiêu thụ tự do trên thị trường với giá thành không tương xứng so với vốn đầu tư.

Từ thực tế cho thấy, trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa “rau bẩn” và rau an toàn thì phần thiệt luôn nghiêng về người sản xuất rau an toàn và người tiêu dùng. Trước tình trạng trên, các cơ quan chuyên môn và ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện rà soát, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những đơn vị sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn được cơ quan Nhà nước quy định.

Tỉnh Thanh Hóa có 55 vùng sản xuất tập trung, với 1.050 chuỗi thực phẩm an toàn và 138 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn được chứng nhận. Tuy nhiên, những con số trên cũng chưa thực sự khiến người tiêu dùng yên tâm khi mua thực phẩm, nhất là mặt hàng rau, củ, quả nên các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hình thành thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lựa chọn cho mình nhà cung cấp bảo đảm, uy tín. Đồng thời, trong khi trông đợi vào lương tâm, sự tự giác của những người sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, thì việc siết chặt hậu kiểm từ phía cơ quan chức năng vẫn là giải pháp căn cơ để có được nguồn thực phẩm bảo đảm cho người dân sử dụng.

Nam Định: Đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân. Nhiều phương pháp sản xuất mới, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; tích cực phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Mô hình trình diễn áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn trên giống lúa BT7 Thái Bình với quy mô 4ha mỗi vụ của Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương tại xã Minh Tân (Vụ Bản).

Ở 2 vụ lúa năm 2022, được sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, HTX Thanh niên Nam Đại Dương đã phối hợp với hộ nông dân Trần Văn Hòa ở thôn Thượng, xã Minh Tân (Vụ Bản) triển khai xây dựng mô hình trình diễn áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn trên giống lúa BT7 Thái Bình với quy mô 4ha/mỗi vụ và mô hình áp dụng công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn kết hợp sử dụng hữu cơ khoáng của NPK cao cấp Lâm Thao vào kỹ thuật trồng lúa không cày bừa với diện tích 0,5ha.

Qua 2 vụ áp dụng công nghệ nảy mầm sẵn đã thu được kết quả: hạt giống không cần ngâm ủ đã được nảy mầm sẵn sẽ lập tức hồi sinh và phát triển bình thường khi gặp điều kiện thuận lợi; chủ động về giống và thời gian xuống giống hoàn toàn; giúp triển khai nhanh tiến độ mùa vụ, tránh được thời điểm thời tiết không thuận lợi, giảm thiểu rủi ro; giảm thời gian chuẩn bị giống và thời điểm xuống giống cho người sản xuất từ 5 ngày xuống còn 0 ngày, tiết kiệm 10 nghìn đồng/1kg giống (chi phí công, nước, khấu hao công cụ...).

Rút ngắn thời gian mùa vụ khoảng 4-5 ngày; có thể áp dụng ở quy mô công nghiệp và hạn chế một số dịch hại phát sinh từ quá trình ngâm ủ không tập trung hay lây truyền qua hạt giống. Năng suất lúa ước đạt từ 240-250 kg/sào. Đối với mô hình hạt giống lúa nảy mầm sẵn kết hợp sử dụng hữu cơ khoáng Lâm Thao vào gieo trồng lúa không cày bừa ở vụ mùa đã giải quyết được vấn đề đất bị xói mòn, suy giảm chất hữu cơ trong quá trình canh tác. Trồng lúa không cày bừa mà chỉ sử dụng hữu cơ khoáng Lâm Thao sẽ giúp giữ lại một phần dinh dưỡng tự nhiên của ruộng. Phương pháp này sẽ giữ nguyên thảm thực vật phủ là các loại cỏ, rơm rạ, chúng tạo thành một thảm thực vật bảo vệ đất khỏi bị xói mòn đồng thời hút khí ni-tơ từ không khí, lưu khí này trong các mấu rễ cây để làm giàu cho đất; không cày bừa giúp quay vòng vụ mùa nhanh.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, qua quá trình tìm hiểu, theo dõi, mô hình áp dụng công nghệ giống nảy mầm siêu tốc, mô hình cấy lúa không cày bừa của HTX Thanh niên Nam Đại Dương ở tại 4 huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Những diện tích được gieo cấy theo các mô hình trên lúa phát triển bình thường, sản lượng tương đương, khả năng chống chịu sâu bệnh như nhau. Phương pháp này còn giúp nông dân thu nhiều lợi ích như: Không cần ngâm ủ, giống mua về có thể gieo trực tiếp; chủ động thời gian, tránh được thời tiết bất lợi; mầm cây không bị gãy như mầm thóc truyền thống; đặc biệt những sáng kiến này giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động nông nghiệp, giảm chi phí, sức lao động cho người nông dân… Việc áp dụng các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ tiếp tục khuyến khích hỗ trợ nhân rộng trong thời gian tới.

Bám sát thực tiễn và nhu cầu sản xuất của nông dân, thời gian qua, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo hệ thống khuyến nông xây dựng được 224 mô hình khảo nghiệm, trình diễn các kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng sinh thái. Tích cực phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, trồng cây lương thực, thực phẩm. Đồng thời, thực hiện nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi mới, mô hình tiên tiến… góp phần thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của nông dân.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung với các mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, phát triển các chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất từ các mô hình “cánh đồng lớn” và “cánh đồng lớn liên kết” đều tăng từ 15-20% so với trồng đại trà. Hiện, tỷ lệ lúa chất lượng cao của tỉnh đã tăng lên trên 80% tổng diện tích gieo cấy; các giống lúa nhiễm sâu bệnh nặng trong vụ mùa được thay thế một phần bằng các giống kháng sâu bệnh như: TBR225, M1-NĐ, BC15 kháng đạo ôn, NĐ5… nên hiệu quả chung của sản xuất lúa tăng 10% so với trước đây. Cơ giới hóa trong sản xuất được chú trọng phát triển nhanh, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân, tăng hiệu quả sản xuất. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 98%, khâu gieo cấy đạt khoảng 20%.

Trong chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước sạch, thức ăn tự động, trong đó 100% cơ sở nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động, hầm biogas. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cùng các địa phương đã phát huy vai trò kết nối doanh nghiệp với các HTX và nhóm hộ nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê ruộng, tập trung đất đai, trang bị máy móc để hình thành 35 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa, điển hình là: Công ty TNHH Cường Tân đã thuê gom, tích tụ được gần 500ha để xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất giống lúa; Công ty TNHH Toản Xuân phối hợp với các HTX trong tỉnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo sạch Nam Định với quy mô gần 650ha… Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp như các Công ty: TNHH Công Danh, Cổ phần Đầu tư Nam Phát, TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương… đã đầu tư công nghệ chế biến sản xuất các sản phẩm thủy sản cấp đông, sấy khô cung cấp cho thị trường.

Hiện, toàn tỉnh có 377 doanh nghiệp, gần 540 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đã có hàng chục doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm điển hình như các Công ty: Thủy sản Lenger Việt Nam, TNHH Minh Dương, TNHH Toản Xuân. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa hiện chỉ còn 7%, với ngô 10% và rau quả 10%. Trong thủy sản, tỷ lệ cơ giới trong khâu sản xuất, chế biến thức ăn đạt 70%, sục khí ao đầm nuôi công nghiệp đạt 100% và cung cấp nước đạt 85%.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường tiếp nhận khảo nghiệm, đưa các tiến bộ KHKT mới vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT có hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm hữu cơ, các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./.