Toạ đàm trao đổi, giải đáp “Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sen”

Sáng ngày 25/6/2024, Kênh VTC16 - Đài TH kỹ thuật số VTC, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh, Viện nghiên cứu Rau quả, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quốc Oai, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quốc Oai và HTX Nông nghiệp xứ Đoài tổ chức Toạ đàm trao đổi, giải đáp “Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sen” tại xã Cộng Hoà, Quốc Oai, Hà Nội. 

Tham dự chương trình có: Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội; PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả; Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Tổng thư ký Toà soạn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện: Quốc Oai, Thanh Oai và Gia Lâm; Đại diện lãnh đạo TT Đảng ủy, TT HĐND xã, Lãnh đạo UBND xã Cộng Hòa; Chủ tịch UB MTTQ xã; Trưởng các đoàn thể CTXH; Các ông, bà Trưởng thôn; các tập thể, cá nhân đang sản xuất, nghiên cứu về Sen tại xã Cộng Hòa; xã Lệ Chi, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm.

img-8127-1719305812.jpeg

Ông Nguyễn Văn Chí và PGS.TS Đặng Văn Đông chủ toạ buổi Toạ đàm 

Tại buổi Tạo đàm, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả khẳng định: Hoa sen, không chỉ là biểu tượng văn hoá, cốt cách của con người Việt Nam, loài hoa ấy hiện còn mang tới những giá trị về kinh tế, là ngành hàng mũi nhọn ở một số địa phương.

“Trước đây, bà con chỉ bán thô các sản phẩm như gương sen, ngó sen, củ sen thô, hiệu quả kinh tế không cao thì nay, theo thời gian, cây hoa sen đã trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến như sản xuất ra tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, sữa sen, son sen, thảo dược từ sen, quà tặng… với hàng trăm sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị của cây sen, giúp tăng thu nhập cho nhiều người. Mặc dù là điểm sáng thời gian gần đây, nhưng việc phát triển cây hoa sen của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng cả về diện tích, sản lượng cũng như giá trị mang lại…”, PGS.TS Đặng Văn Đông nhấn mạnh.

img-8125-1719305738.jpeg

Các đại biểu trao đổi kỹ thuật nuôi trồng cây sen trước khi vào buổi Toạ đàm

Để giúp bà con nông dân, các HTX và các địa phương có đầy đủ thông tin, kiến thức để trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sen hiệu quả, tại buổi Toạ đàm, PGS.TS đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cùng các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi về giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, khai thác các giá trị văn hóa vào nâng cao hệ sinh thái kinh tế cây sen, phát triển du lịch trải nghiệm từ nuôi trồng sen, chế biến, xây dựng thương hiệu và các hoạt động xúc tiến thương mại có liên quan đến cây sen…

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức Lễ hội sen được diễn ra trong 5 ngày (từ 12-16/7) tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội.

Theo đó, Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 được tổ chức với mục đích quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của ‏s‏en – loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Lễ hội sẽ giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề ướp trà sen cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống người Việt. 

"Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước; đồng thời là dịp quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương…”, ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.

img-8172-1719305707.jpeg

Các đại biểu lưu niệm sau buổi Toạ đàm

Chia sẻ về mô hình trồng sen gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, Nhà báo Vương Xuân Nguyên - Tổng thư ký Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đưa ra gợi ý gồm 08 bước: Phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm; Cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ; Đào tạo và phát triển nhân lực; Quảng bá và tiếp thị; Tạo các gói dịch vụ hấp dẫn; Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Khảo sát và cải tiến dịch vụ…

"Trong đó phải đặt ra vấn đề tăng cường liên kết “5 Nhà” (Vài trò quản lý của cơ quan nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà đầu tư, Nhà truyền thông) để khai thác tốt nhất những tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo ra những sản phẩm dịch vụ khác biệt hấp dẫn, độc đáo, mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách và tạo nguồn thu nhập ổn định…”, Nhà báo Vương Xuân Nguyên nhấn mạnh.