Từng rong ruổi khắp Đông Nam Á, châu Á và châu Âu với những mẫu xe sang như Mercedes-Benz ML350, AMG G63 hay Land Rover Defender nhưng năm 2025, phượt thủ 9X Ngô Kỳ Phong đã khiến cộng đồng đam mê xe cộ bất ngờ khi lựa chọn một phương tiện “cổ” cho hành trình đầy thử thách: chiếc Toyota Land Cruiser 70 đời 1991.

Thay vì tiếp tục sử dụng các mẫu SUV cao cấp, lần này anh quyết định “lùi về quá khứ”, lựa chọn một mẫu xe đã hơn 34 năm tuổi để chinh phục cung đường dài hơn 15.000 km xuyên Trung Quốc – một trong những thử thách khắc nghiệt bậc nhất đối với bất kỳ chiếc xe nào mang biển số Việt Nam.
Theo chia sẻ từ Ngô Kỳ Phong, quyết định sử dụng chiếc Land Cruiser cũ kỹ đến từ mong muốn có một chuyến đi chậm rãi, sâu sắc hơn thay vì chỉ tập trung vào tốc độ hay công nghệ.

Anh muốn cảm nhận từng cung đường, từng vùng đất và đặc biệt là kết nối trọn vẹn hơn với đời sống, văn hóa bản địa mà những chiếc xe hiện đại đôi khi khiến ta “lướt qua” quá nhanh.
Trước khi xuất phát, chiếc Land Cruiser đã được Phong nâng cấp và kiểm tra toàn diện: hệ thống treo mới, lốp chuyên dụng, tời kéo, đèn chiếu sáng phụ trợ, cùng loạt phụ tùng thay thế sẵn sàng đối phó mọi tình huống bất ngờ.

Với khoảng 90% cung đường là quốc lộ và địa hình phức tạp, việc chọn một mẫu xe cơ khí, bền bỉ và dễ sửa chữa như Land Cruiser 70 là một bước tính toán kỹ càng.
Không có hệ thống hỗ trợ lái điện tử, không ESP, không ABS, cũng không màn hình giải trí, chiếc SUV này đòi hỏi người cầm vô-lăng phải thật sự “cảm” được xe bằng cơ bắp và kinh nghiệm. Anh Phong ví von trải nghiệm này “xóc như xe ngựa”, khi mỗi ngày phải lái từ 600 – 800 km.

Ở những vùng đồi núi hiểm trở như Tân Cương hay Tây Tạng, việc vượt xe đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa phán đoán khoảng cách, sức mạnh động cơ và khả năng xử lý tình huống – điều mà xe hiện đại thường làm thay người lái.
Dù không tiện nghi, chính sự đơn giản của Land Cruiser đã tạo nên trải nghiệm độc nhất vô nhị. Theo lời anh Phong, cảm giác lái xe địa hình “rất nhàn” với chiếc SUV cũ này nhưng đi đường dài thì lại “cực kỳ mệt”.

Tuy nhiên, cũng chính nhờ vậy mà người lái cảm nhận rõ ràng từng cú va đập của bánh xe với mặt đường, từng rung động cơ học qua vô-lăng, tạo nên một kết nối đặc biệt giữa con người và chiếc xe – điều khó tìm thấy ở những mẫu xe hiện đại.

Với Ngô Kỳ Phong, hành trình này không đơn thuần là chinh phục quãng đường hay thể hiện kỹ năng, mà là một cách để sống chậm lại, kết nối sâu hơn với thế giới xung quanh. Mỗi bản làng, mỗi người dân anh gặp đều mang đến một mảnh ghép văn hóa mới – điều mà chỉ những hành trình dài và mộc mạc như thế này mới có thể mang lại.