Trà Cú - Trà Vinh: Chương trình hành động Quốc gia 'Không còn nạn đói' là cứu cánh cho người nghèo

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2020 đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho huyện Trà Cú 500 triệu đồng để thực hiện mô hình nông nghiệp dinh dưỡng và UBND huyện đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình, có 17 thành viên, Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.

Đồng thời, huyện cũng đã Quyết định thành lập Tổ khảo sát xây dựng mô hình gồm 12 thành viên, do Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện làm Tổ trưởng và đến nay, huyện đang chọn địa bàn, khảo sát hộ để lựa chọn xây dựng thực hiện mô hình nuôi gà và trồng rau ăn lá. Trước đó, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

doi1-1670944320.jpg
Đời sống của người dân nghèo có thêm niềm tin sau khi được thụ hưởng từ Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói"

Đối với tổng kinh phí được phân bổ cho tỉnh là 400 triệu đồng (theo Quyết định số 589/QĐ-BNN-KTHT ngày 27/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt kế hoạch triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo năm 2020) thì tỉnh đã chọn xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú xây dựng mô hình nuôi gà đẻ trứng và trồng rau ăn lá, cho 50 hộ cận nghèo hưởng lợi. Hiện giao đơn vị chuyên môn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm Y tế huyện và UBND xã Tân Hiệp tổ chức hợp dân, thu thập thông tin, xây dựng hoàn chỉnh dự án và trình Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thẩm định phê duyệt dự án; khi dự án được duyệt sẽ tiến hành thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định để hỗ trợ cho người dân.

Căn cứ mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, Chương trình hành động “Không còn nạn đói” tại tỉnh Trà Vinh được phê duyệt với 5 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, đảm bảo các hộ có đủ lương thực, thực phẩm dinh dưỡng quanh năm. Giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%. Tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400g/ngày.

Thứ hai, giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh, với các chỉ tiêu như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 05 tuổi xuống dưới 20%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em dưới 05 tuổi xuống dưới 09%, giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500g) xuống dưới 5%.

Thứ ba, phát triển hệ thống lương thực phẩm bền vững. 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất. Thứ tư, phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập. Theo đó, các hộ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%. Và cuối cùng là phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Kể từ năm 2019, các sở, ban, ngành có liên quan, nhất là Sở NN-PTNT Trà Vinh, cơ quan chủ trì chính của chương trình sẽ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo chỉ đạo của Trung ương từ năm 2019 - 2025. Công tác đánh giá, sơ kết việc triển khai thực hiện Chương trình vào năm 2021. Tổng kết Chương trình trong năm 2025.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các Sở, ngành và địa phương (huyện nghèo huyện Trà Cú) trong triển khai thực hiện chương trình và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân tham gia chương trình nhất là các hộ được hưởng lợi từ chương trình. Từ đó, đã cải thiện tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cho những hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, như: các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc Khmer, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em... Góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi tại huyện nghèo Trà Cú; tuy nhiên, trình độ dân trí của người dân còn thấp nên quá trình triển khai còn gặp khó khăn; các hộ gia đình tham gia dự án thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất và thiếu lao động; nguồn vốn hỗ trợ hàng năm cho chương tình triển khai dự án tại tỉnh tương đối thấp, trong khi nhu cầu hưởng lợi của người dân rất lớn… Vì vậy, tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng định mức hỗ trợ đối với mô hình nông nghiệp đảm bản dinh dưỡng giai đoạn 2 (2021 - 2025) cụ thể: đối với hộ nghèo là 20.000.000 đồng/hộ; đối với hộ cận nghèo là 18.000.000 đồng/hộ; đối với hộ mới thoát nghèo là 16.000.000 đồng/hộ.

Thực tế cho thấy, chương trình được thực hiện chủ yếu trên cơ sở lồng ghép với các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) đang thực hiện như Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chiến lược dinh dưỡng quốc gia. Bước đầu chương trình đã đạt được những kết quả nhất định trong nâng cao nhận thức, xây dựng mô hình nông nghiệp dinh dưỡng.Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao trình độ nhận thức cho lực lượng tham gia và người dân, việc huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ. Trong giai đoạn tới, các chương trình được lồng ghép bước sang giai đoạn mới đồng thời Việt Nam cũng cam kết với quốc tế nhiều định hướng quan trọng như Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững, hay gần đây nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).