Triển khai Dự án "Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh" tại Hậu Giang: Kết quả và định hướng

Năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã đạt được những bước tiến quan trọng trong thúc đẩy dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh gắn với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, bảo đảm phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Quyết định số 1844/QĐ-TTg ngày 19/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương tham gia thực hiện Dự án khu vực “Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh” sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, cùng Quyết định số 2804/QĐ-BNN-HTQT ngày 25/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý Dự án (QLDA) GIC tỉnh. Ban QLDA GIC bao gồm 09 thành viên, với đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia từ các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT.

Một số kết quả nổi bật

Ban QLDA GIC tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2021-2025 với tổng ngân sách đối ứng hơn 1,9 tỷ đồng. Kinh phí này được sử dụng cho các hoạt động như chi trả lương, mua sắm trang thiết bị, tổ chức giám sát và đánh giá, hội họp và các hoạt động văn phòng. Kế hoạch hằng năm cũng được xây dựng và ban hành để đảm bảo tiến độ triển khai.

Trong lĩnh vực lúa gạo, Ban QLDA đã phối hợp với các đơn vị tư vấn và địa phương để khảo sát 18 HTX, từ đó lựa chọn 12 HTX tham gia Dự án. Đối với lĩnh vực xoài, dù không có HTX nào đạt tiêu chí để tham gia, các HTX vẫn nhận được hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất.

img-7687-1733963360.png

Ngày 17-18/10/2024, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ phối hợp Phòng Hành chính - Tổng hợp trực thuộc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức lớp tập huấn lớp học kinh doanh cho nông dân (Dự án GIC), tại phường Thuận An thị xã Long Mỹ.

Ban QLDA đã tổ chức đào tạo và cấp chứng nhận cho 74 giảng viên nguồn thuộc các lĩnh vực: Nâng cao năng lực HTX (10 giảng viên); Lớp học kinh doanh cho nông dân - FBS (08 giảng viên); Sản xuất lúa gạo bền vững (SRP) với 56 giảng viên, trong đó 06 giảng viên đạt chuẩn quốc gia.

Các giảng viên này tiếp tục tổ chức lại 142 lớp tập huấn, đào tạo cho hơn 3.035 nông dân, giúp họ chuyển đổi từ tư duy “sản xuất theo truyền thống” sang “sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường”.

Kết quả tập huấn: Nâng cao năng lực HTX thông qua đào tạo 265 nông dân qua 11 lớp, đồng thời tổ chức 120 buổi tư vấn và kèm cặp sau đào tạo; Tổ chức 36 lớp cho 400 nông dân, giúp họ nâng cao kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính và sản xuất bền vững thông qua Lớp học kinh doanh cho nông dân (FBS); Tổ chức 95 lớp cho 2.375 nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa gạo bền vững trên diện tích 1 ha mỗi mô hình thông qua Tập huấn SRP.

Ngoài ra, Dự án đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua sắm các thiết bị hiện đại như laptop, phần mềm, thiết bị ghi hình và phụ kiện hỗ trợ khác nhằm tăng cường năng lực quản lý và triển khai.

img-7686-1733963131.jpeg

Các HTX nhận máy nông nghiệp trong dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh.

 

Năm 2024, Ban QLDA GIC tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tổ chức 55 lớp tập huấn cho 1.650 nông dân, tập trung vào các nội dung nâng cao năng lực HTX, lớp học kinh doanh, và quản lý rơm rạ. Các hoạt động này dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2024, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu.

Dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương. Điều này là động lực để Ban QLDA tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Những định hướng thúc đẩy

Năm 2024, Hậu Giang vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) chọn tổ chức lễ phát động "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Đến nay, mặc dù chỉ mới được triển khai thí điểm mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28.000 ha, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000 ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện. Tuy nhiên, tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Đề án. Đó là, ảnh hưởng nặng nề từ các tác động của biến đổi khí hậu, diện tích trồng lúa đa phần là vùng trũng, phèn nên khó áp dụng triệt để quy trình ngập khô xen kẽ.

Mặc khác, việc kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết chặt chẽ, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ qua các vụ vẫn còn hạn chế. Do chưa có quy định cụ thể về việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ carbon, một bộ phận nông dân chưa mặn mà tham gia Đề án.

lua1-1733962148.jpg

Thúc đẩy mục tiêu dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh gắn với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã thu được những kết quả tích cực tại Hậu Giang. 

Để thúc đẩy dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh gắn với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại tỉnh Hậu Giang nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, bảo đảm phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Kết quả 7 mô hình thí điểm Đề án, cho biết sản lượng của vụ thu đông 2024 tại địa phương thí điểm cho năng suất ổn định. Cụ thể, với 140 ha trong Đề án cho năng suất 63,59 tạ/ha, trong khi đó với 156 ha diện tích ngoài Đề án cho năng suất 63,09 tạ/ha. Đặc biệt, đối với các cánh đồng nằm trong Đề án lại giảm được 30% - 50% lượng giống, tương đương giảm từ 30 - 80 kg/ha, giúp bà con nông dân giảm được từ 0,6 - 1,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, lượng phân bón của các cánh đồng nằm trong mô hình cũng giảm đáng kể. Trung bình giảm từ 30 - 70 kg đạm/ha, qua đó giúp bà con nông dân tiết kiệm được từ 0,7 - 1,6 triệu đồng/ha.

 

Tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, thông qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể, từ tư duy đến tập quán canh tác: Tỷ lệ gieo sạ giống xác nhận và lúa chất lượng cao đạt trên 90%; ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch bệnh tổng hợp, IPM, MRL, canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP,…; đặc biệt nhiều nông dân, hợp tác xã đã biết ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ thông minh trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang thuộc nhóm các tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất vùng ĐBSCL.

Theo kế hoạch từ đây tới năm sau tỉnh tập trung thực hiện đề án tại 06 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm trồng lúa gồm: Thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp. Mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% lượng rơm trong vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và chế biến, tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%./.

Từ những thành nêu trên, có thể rút ra những bài học và định hướng triển khai Dự án "Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh" tại tỉnh Hậu Giang gắn với việc thực hiện có hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong thời gian tới như việc xác định khu vực thực hiện dự án, đồng thời tập trung vào các vùng đất trồng lúa có tiềm năng cao. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Dư án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh. Tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn và tiếp cận các nghiên cứu, phát triển và triển khai các công nghệ mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lúa và bảo vệ môi trường. Hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để phát triển công nghệ xanh và bền vững.  Sử dụng hệ thống quản lý thông tin nông nghiệp để theo dõi và phân tích dữ liệu liên quan đến sản xuất lúa. Nghiên cứu và phát triển các giống lúa kháng sâu bệnh và chịu hạn, mặn phù hợp với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư vào các kỹ thuật canh tác hiện đại. Tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân trong việc áp dụng công nghệ mới. Kêu gọi các tổ chức quốc tế và tổ chức trong nước tham gia vào các dự án nghiên cứu và triển khai mô hình sản xuất lúa bền vững. Học hỏi từ các mô hình thành công tại các địa phương khác và quốc tế để áp dụng vào Hậu Giang. Thiết lập một hệ thống theo dõi và đánh giá định kỳ các hoạt động của dự án để kịp thời điều chỉnh chiến lược. Công bố các báo cáo thường niên về tiến độ, kết quả đạt được cũng như những thách thức gặp phải trong quá trình triển  - Tăng cường việc truyền thông về ý nghĩa của dự án và các lợi ích mà nó mang lại cho cộng đồng và môi trường. Phát triển thương hiệu cho sản phẩm lúa chất lượng cao của Hậu Giang và quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Việc thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh gắn với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho tỉnh Hậu Giang. Cần có sự đồng lòng của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

TRANG THÔNG TIN VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PTNT.