Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh

Trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội dự kiến tăng diện tích hoa, cây cảnh lên từ 8.500 ha đến 9.000 ha, đồng thời quy hoạch, phát triển làng nghề và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch nông thôn…

   

dt4nnhn4-1732981644.jpg

Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài (áo dài đỏ) thăm trưng bày tác phẩm nghệ thuật đặc sắc tại Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô năm 2024.

Hòa trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (30/11/1954 - 30/11/2024) và kỷ niệm 65 ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2024) và kỷ niệm những ngày lễ lớn của Thủ đô và Đất nước trong năm 2024, được sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội, trong khuôn khổ Festival Sản phẩm Nông nghiệp và Làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô năm 2024 từ ngày 25/11 - 05/12 tại Khu đô thị Mailand Hà Nội City (An Khánh - Hoài Đức - Hà Nội).

dt1nnhn1-1732982083.jpg

Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô 2024 gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hà Nội.

 

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, mảnh đất trăm nghề, điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, không chỉ đẹp bởi 36 phố phường nhộn nhịp, các điểm vui chơi giải trí thú vị hay văn hóa ẩm thực đặc trưng mà nơi đây còn được biết đến với bề dày lịch sử gắn với truyền thông văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những làng hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh khoe sắc cùng hàng trăm làng nghề truyền thống khắp Thủ đô đã thực sự trở thành một nét đẹp độc đáo của mảnh đất Địa linh nhân kiệt. Vinh dự thay, khi Hội đồng Thủ công thế giới vừa công nhận Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và Làng dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc nằm trong mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu.

dt2hn2-1732983330.jpg

Nguyễn Xuân Đại, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

 

Từ một thú chơi có truyền thống lâu đời của ông cha, phát huy những giá trị của  phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động từ những năm 60 của thế kỷ trước, sau hơn 30 năm đổi mới của Đất nước, Sinh Vật Cảnh đã trở thành một phần trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, có mặt từ thành thị đến nông thôn, từng bước định hình là ngành kinh tế sinh thái đặc hữu, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan, thu hút du lịch, thúc đẩy công nghiệp văn hóa và hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh trên.

dt12hn2-1732977392.jpg
 

Hà Nội dẫn đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh với hơn 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Thành phố đã hình thành 47 vùng sản xuất hoa, với nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; công nhận 14 làng nghề hoa, cây cảnh và có 36 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Hà Nội cũng xuất khẩu nhiều loại hoa và xác định nghề trồng hoa là một ngành mang lại giá trị kinh tế cao.

dt8hn8-1732983673.jpg
 

Trong Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, Sinh Vật Cảnh có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “sáng, xanh, sạch, đẹp” và phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững. Thành phố Hà Nội đang giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là nhóm ngành ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội dự kiến tăng diện tích hoa, cây cảnh lên từ 8.500 ha đến 9.000 ha, đồng thời quy hoạch, phát triển làng nghề và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, kết hợp với xúc tiến thương mại và du lịch nông thôn…

dt13-1732983742.jpg
 

Hà Nội phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất Sinh Vật Cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm; Từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về khoa học cộng nghệ, thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất, nguồn vốn đầu tư… 

Tiếp nối những thành công của Lễ hội hoa đào, quất cảnh 2024, Lễ hội sen Hà Nội 2024, Festival Sinh Vật Cảnh lần thứ nhất, năm 2024, Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô năm 2024 với  sự tham gia của các tỉnh/thành phố trong cả nước sẽ thành công rực rỡ trên nhiều phương diện: Khai thác những tinh hoa văn hóa kết tinh trong các tác phẩm Sinh Vật Cảnh, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển du lịch và các mô hình nông nghiệp sinh thái đặc trưng của Thủ đô Hà Nội; Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường Sinh Vật Cảnh trong nước và ngoài nước; Tạo cơ hội để thúc đẩy kết nối giao thương, quảng bá và phát huy những giá trị Kinh tế - Văn hóa - Nghệ thuật Sinh Vật Cảnh Việt Nam; Tôn vinh những sáng tạo tài hoa của cộng đồng nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn Quốc. Đồng thời, khẳng định vị thế mới của hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh, một trong 07 nhóm ngành phát triển nông thôn theo Nghị định số 52 của Chính phủ, ngày càng có đóng góp thiết thực trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.

dt16-1732983801.jpg

Bốn ảnh trên là những tác phẩm đặc sắc trưng bày tại Liên hoan sinh vật cảnh Thủ đô 2024.

 

Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô năm 2024 có quy mô trên 10.000 m2 (trong đó khu Trưng bày 5.000 m2, khu thương mại trên 5.000 m2) và không gian diễn ra các hoạt động nghệ thuật kết nối với khu trải nghiệm các sản phẩm làng nghề Việt Nam rộng trên 10.000 m2. Sự kiện thu hút sư tham gia của hơn 300 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn của nhiều tình thành tham gia. Tại sự kiện lần này đã quy tụ nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, chủng loại tác phẩm đa dạng, chất lượng đồng đều mang phong cách cây cảnh nghệ thuật truyền thống và bonsai đương đại. Điểm nhấn của sự kiện là phong cách bài trí sang trọng, hấp dẫn mang ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật sắp đặt đương đại do chính các nhà vườn và nghệ nhân của Thủ đô sáng tạo tương tác trong quá trình thực hiện sự kiện, cùng với sự hội tụ những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật cỡ lớn đến từ Bình Định, những tác phẩm Bonsai tre độc đáo đến từ CLB Bonsai Hà Thành, những tác phẩm Bonsai Quốc tế từng đạt giải quốc tế.

Đến với Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô 2024, du khách không chỉ được hòa vào không gian sinh vật cảnh dạt dào hương sắc của cây cảnh nghệ thuật muôn hình vạn dáng, kết tinh sự sáng tạo tài hoa của những nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn từ mọi miền đất nước, mà còn được chính những bàn tay vàng giàu óc sáng tạo kể về câu chuyện tác phẩm, mà còn được hòa mình vào nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Trình diễn Sắc màu chim cảnh, Chương trình nghệ thuật “Hương Sắc Thủ đô”, Thưởng trà…Qua đó, giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về giá trị nhiều mặt của lĩnh vực Sinh Vật Cảnh giàu tiềm năng.

Liên hoan Sinh Vật Cảnh Thủ đô 2024 được diễn ra trong những tháng ngày lịch sử kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 65 năm ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2024) và dịp để chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và tự hào về bước chuyển mình lĩnh vực Sinh Vật Cảnh từ một thú chơi nhân văn thành một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng, ngày càng phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đóng góp thiết thực vào chương trình xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.