Sóc Trăng là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp với đa dạng các mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Dù vậy, đi kèm với những lợi ích về kinh tế, tiến trình phát triển nông nghiệp tại Sóc Trăng vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường khi các phế phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt chưa được xử lý tốt. Từ thực trạng này, trong những năm gần đây, trong khuôn khổ dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng còn hướng bà con nông dân tổ chức sản xuất có trách nhiệm với môi trường thông qua việc tái sử dụng nguồn phụ phẩm, chất thải như một nguồn nguyên liệu cho một chu kỳ sản xuất khác tiếp theo, hay còn gọi là “Nông nghiệp tuần hoàn”.
Dự án GIC tạo động lực cho đổi mới sáng tạo
Thực hiện Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 07/6/2022 của về việc ban hành Kế hoạch Tổng thể kinh phí đối ứng của tỉnh tham gia thực hiện Dự án “Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh” tại tỉnh Sóc Trăng. Tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết nguồn kinh phí năm 2024, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 về việc phê duyệt dự toán kinh phí sự nghiệp nông nghiệp khác, đợt 4 năm 2024 đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (Ban Quản lý dự án "Các Trung tâm đổi mới Sáng tạo Xanh" tỉnh Sóc Trăng).
Tham dự các Hội thảo tại Cần Thơ về công tác thanh quyết toán năm 2024 DA GIZ-GIC tổ chức. Cử 13 công chức, viên chức tham gia đào tạo giảng viên nguồn (TOT): 03 giảng viên nguồn về FBS nâng cao cho nông dân và 10 giảng viên nguồn về xử lý rơm rạ do GIZ tổ chức. Phối hợp với Viện Nghiên cứ Thị trường và Thể chế nông nghiệp khảo sát 03 HTX để thu thập thông tin thực hiện xây dựng ấn phẩm các mô hình đổi mới sáng tạo chung cho dự án (6 tỉnh), theo yêu cầu của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (GIZ trung ương). Phối hợp với Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ khảo sát hợp tác xã tham gia dự án GIC năm 2024, theo yêu cầu của GIZ. Ngoài ra, GIZ hỗ trợ cho Ban GIC tỉnh, hỗ trợ cho HTXN Vinh Lợi, xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị 01 thiết bị đảo trộn rơm để làm giá thể phân hữu cơ.
Năm 2024, Ban Quản lý Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng đã triển khai các hoạt động của dự án như: Tổ chức 40 lớp tập huấn cho các thành viên, hội đồng quản trị, ban giám đốc hợp tác xã sản xuất lúa về phương thức kinh doanh; tổ chức 25 lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn cho hợp tác xã, người dân về xử lý rơm rạ và tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ (biện pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học; quy trình kỹ thuật trồng nấm rơm; quy trình ủ phân hữu cơ; ủ chua nuôi bò; thu gom rơm, kinh doanh rơm rạ...), nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng kế hoạch và các phương án sản xuất, kinh doanh cũng như cách thức tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã sản xuất lúa gạo. Tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh và kinh doanh nâng cao cho nông dân.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sư quan tâm phối kết hợp của các Sở Ngành, các huyện, thị xã (Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế các huyện/thị xã, Ủy ban nhân dân các xã và các hợp tác xã) trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho BQLDA tổ chức thực hiện đạt một số kết quả nêu trên. Đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của đơn vị Tư vấn GFA, GIZ và Ban Quản lý Dự án GIC Trung ương. Các Giảng viên bám sát các nội dung bài giảng đã được dự án đào tạo. Đồng thời, các giảng viên lấy học viên làm trọng tâm cho lớp tập huấn, linh hoạt áp dụng phương pháp theo từng lớp, từng nơi phù hợp với nhu cầu của học viên.
Thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo cho nông dân, HTX, doanh nghiệp và các chủ thể từ dự án GIC đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo xanh tại tỉnh Sóc Trăng, một trong 06 tỉnh các khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ Đức tài trợ thực hiện Dự án.
Sức bật cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Với diện tích canh tác lúa hàng năm trên 320.000 ha, trung bình mỗi năm, sản lượng rơm tại tỉnh Sóc Trăng đạt trên 02 triệu tấn. Rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch được đốt ngay tại ruộng đã trở thành nguồn thải lớn gây ô nhiễm không khí. Nếu được tận dụng hợp lý, lượng rơm sau mỗi đợt thu hoạch lúa sẽ là nguồn nguyên vật liệu đa dụng cho một số mô hình sản xuất khác. Như tại huyện Thạnh Trị, với diện tích canh tác lúa khá lớn, nghề trồng nấm rơm đã và đang phát triển mạnh tại huyện Thạnh Trị nhờ việc tận dụng lượng rơm có được sau mỗi đợt thu hoạch lúa.
Từ mô hình trồng nấm theo phương thức truyền thống, nhằm hạn chế tác động từ thời tiết, những năm gần đây, nông dân Thạnh Trị còn có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng để phát triển mô hình trồng nấm trong nhà kín. Nhờ năng suất không bị ảnh hưởng nên trung bình 100m2 có thể thu được gần 600kg nấm. Giá nấm ít biến động hơn so với các loại rau màu khác, thường duy trì ở mức từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về lợi nhuận gần 20 triệu đồng. So với cách trồng truyền thống, ưu điểm nổi bật nhất của mô hình trồng nấm trong nhà kính là người trồng có thể chủ động điều chỉnh được nhiệt độ và độ ẩm theo từng thời gian.
Nhờ môi trường khô ráo mà chất lượng nấm tốt hơn, thân nấm to, tròn, trắng, sạch và có thể bảo quản được lâu. Anh Nguyễn Văn Diễn, hộ trồng nấm rơm ở ấp Bàu Cát, xã Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị cho biết: “Lúc trước, mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa thì rơm rạ đem đốt. Giờ mình tận dụng lại để trồng nấm nên môi trường sống được đảm bảo hơn. Vừa trồng lúa, vừa tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch lúa để làm thêm mô hình khác nên kinh tế gia đình được cải thiện hơn trước rất nhiều”.
Việc áp dụng mô hình cách tác nông nghiệp tuần hoàn cũng được triển khai trên diện tích thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Sóc Trăng. Giống lúa được chọn canh tác là ST25. Đến nay, mô hình đã thu hoạch dứt điểm cho hiệu quả rất tích cực.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năng suất lúa sản xuất trong Đề án vụ Hè Thu 2024 vừa qua đạt 6,5 tấn/ha, với giá lúa ST25 được bán 10.800/kg, nông dân tham gia đề án kiếm lợi nhuận gần 49 triệu đồng/ha, cao hơn 12% so với diện tích sản xuất ngoài mô hình. Trong đó, thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất; gieo sạ bằng máy sạ hàng có kết hợp vùi phân và không vùi phân. Với lượng giống sử dụng là 60kg/ha, giảm từ 20-40 kg/ha so nông dân ngoài mô hình. Ngoài ra, nông dân giảm 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình. Riêng kết quả về đo đạc phát thải khí nhà kính trong vụ Hè Thu 2024 tại HTX Hưng lợi cho thấy, lượng phát thải trong mô hình là 9.505 kg CO2/ha, giảm 3.996 kg CO2 tương đương/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Đây là bằng chứng thực nghiệm quan trọng cho thấy hiệu quả của việc giảm phát thải khi điều chỉnh kỹ thuật canh tác phù hợp hơn.
Như vậy, qua một vụ sản xuất, từ kết quả hiệu quả kinh tế ban đầu đã cho thấy việc giảm vật tư đầu vào không làm ảnh hưởng đến năng suất và giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân. Đây là động lực để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trong tương lai. Trong đó, người nông dân với những kiến thức học được quan các chương trình đào tạo, tập huấn của dự án GIC chú trọng canh tác lúa đảm bảo sản xuất bền vững, ứng dụng quy trình xử lý rơm rạ và quản lý nước, phân.
Ông Trần Hoàng Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh Sóc Trăng cho biết, thông qua các lớp tập huấn của Dự án Các trung tâm đổi mới Sáng tạo xanh tỉnh trong năm 2024, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh, kinh doanh nâng cao cho nông dân ở các hợp tác xã sản xuất lúa gạo, góp phần tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống của các nông hộ tham gia dự án. Nâng cao năng lực kinh doanh, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của hợp tác xã cho thành viên, hội đồng quản trị, ban giám đốc các hợp tác xã lúa gạo. Nâng cao năng lực người dân về xử lý rơm rạ và tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA CỤC KINH TẾ HỢP TÁC VÀ PTNT.