Từ một bài viết trên Facebook và hành trình đề xuất tôn vinh 10 Liệt nữ dân quân Lam Hạ đã thành công bước đầu

I- Ngày cuối tuần đầu tháng 4/2016, tôi nhận lời mời của Thiếu tướng, AHLLVTND Đào Trọng Hùng, cùng đoàn cựu cán bộ Công an Nhân dân về thăm Lam Hạ.

Chúng tôi đã cảm nhận như "phát hiện" ra một tư liệu lịch sử độc đáo, với tính điển hình rất cao: Những năm 1965 – 1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý - tỉnh Hà Nam hiện nay) là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam, với mục tiêu chính là 2 cây cầu bắc qua sông Châu dành cho ô tô và xe lửa và cống 7 cửa đập Lạc Tràng giữ nước cho 3 tỉnh Hà Nam, Nam Đinh và Ninh Bình. Đó là giai đoạn bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nam suốt ngày đêm. Lam Hạ được coi như “Đồng Lộc” thứ 2 ở Việt Nam.

dt1-dvh1-1719461832.jpg

Đoàn cán bộ cựu Công an Nhân dân trước miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ, tháng 3/2016.

 

Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, ngoài lực lượng chính quy của bộ đội Trung đoàn 350, tỉnh đội Nam Hà xưa, còn có Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dùng hy sinh…

dt2dvh2-1719461955.jpg

UBND thành phố Phủ Lý tổ chức cuộc họp bàn đầu tiên, về việc tổ chức vinh danh 10 cô gái Lam Hạ với sự tham gia của Lãnh đạo nhiều Sở, Ban ngành của tỉnh và Quỹ Mãi mãi tuổi 20, ngày 19/7/2016 (Đặng Vương Hưng ngồi thứ 4, bên trái).

 

Năm 1994, người dân thôn Đình Tràng đã tự nguyên góp tiền xây một Đài tưởng niệm nhỏ thờ 10 cô gái Anh hùng. Năm 2009, khi chính quyền địa phương quyết định cho xây khu Đền Liệt sĩ tỉnh Hà Nam, cũng đã cho xây dựng một ngôi đền nhỏ hơn thờ 10 cô gái Lam Hạ bên cạnh, để ghi công cho các liệt nữ đã xả thân vì quê hương khi tóc còn xanh.

Ở Lam Hạ bây giờ, 10 liệt nữ anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng người dân. Chiến tranh đã qua đi, đau khổ cũng đã vơi bớt, còn lại đó là niềm tự hào về một thời bom đạn, máu lửa và hy sinh. Nhưng đáng tiếc là người cả nước còn rất ít người biết về các chị!

dt3dvh3-1719462057.jpg

Hội thảo khoa học "Huyền thoại 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ", tháng 10/2016, tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

 

Điểm khác nhau giữa 10 cô gái ở Đồng Lộc và 10 cô gái Lam Hạ là gì? 10 cô gái Đồng Lộc là Thanh niên xung phong, dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom và bảo đảm giao thông tuyến lửa... Còn 10 cô gái Lam Hạ là dân quân trực tiếp chiến đấu, họ hy sinh khi ngẩng cao đầu trên mâm pháo, bắn trả máy bay Mỹ.

dt4dvh4-1719462131.jpg

Kỷ niệm với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và bà Nguyễn Thị Thu Hà (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp PNVN) tại Hội thảo năm 2016.

 

Tuy nhiên, chỉ trừ ở thành phố Phủ Lý, còn nếu đi các tỉnh thành, địa phương trên cả nước, có hỏi ai về tấm gương của 10 cô gái nào đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì chắc chắn người ta sẽ nói ngay đến địa danh Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Bởi thế huyền thoại về “10 cô gái Lam Hạ” diễn ra từ nửa thế kỷ trước, mà sự tôn vinh của hậu thế chưa xứng tầm. Thậm chí, đã có một thời gian dài gần như bị lãng quên…

dt5dvh5-1719462213.jpg

Cùng Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Đào Trọng Hùng và một số đại biểu tham quan di tích lịch sử 10 Liệt sĩ Dân quân Lam Hạ, năm 2016.

 

Ngay sau chuyến đi, tôi đã viết một bài dài đăng trên tài khoản facebook cá nhân, với những đề xuất cụ thể: Ngày 01/10/2016 là kỷ niệm tròn 50 năm ngày 10 cô gái Lam Hạ hy sinh – Một dấu mốc thời gian quan trọng, cơ hội để chúng ta vinh danh xứng tầm với sự xả thân của các chị vì quê hương đất nước. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất với Đảng bộ và Chính quyền và bà con nhân dân tỉnh Hà Nam: Hãy nâng tầm di tích lịch sử 10 cô gái Lam Hạ bằng cách hoạt động cụ thể sau đây:

1. Tổ chức Hội thảo khoa học, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện “10 cô gái Lam Hạ”, do UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; Quỹ Mãi mãi tuổi 20; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Viện Nghiên cứu Lịch sử CAND; Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự… để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn ý nghĩa lịch sử truyền thống của sự kiện này và sự đồng thuận cao của dư luận cho các hoạt động tiếp theo;

2. Đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đội nữ dân quân Lam Hạ. (Được biết, Đại đội nữ dân quân Phòng không xã Lam Hạ đã được phong tặng năm 2010; nhưng Trung đội hoặc Tiểu đội trực tiếp của 10 cô gái đã hy sinh thì chưa);

3. Phát động cuộc Cuộc vận động sáng tác Văn – Thơ - Ca khúc và Tượng đài “10 cô gái Lam Hạ” trong 5 năm (2016 – 2021); với giải thưởng lớn, xứng tầm cho mỗi thể loại; chọn được những tác phẩm văn học xứng đáng để tuyên truyền và được chọn mẫu tượng đài tốt nhất để thi công;

4. Tổ chức giao Giao lưu văn nghệ “10 cô gái Lam Hạ” với các nhân chứng lịch sử, phát động phong trào ủng hộ xã hội hóa kinh phí để xây dựng nâng tầm di tích “10 cô gái Lam Hạ”; Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình Trung ương và địa phương;

5. Tổ chức Lễ hội Văn hóa – Tâm linh – Tiếp lửa truyền thống thường niên, với kịch bản chuyên nghiệp, nhiều hoạt động độc đáo vào dịp Ngày giỗ chung của 10 cô gái Lam Hạ; để xây dựng nơi này thành một địa chỉ thu hút khách du lịch thường xuyên của Hà Nam.

*

II- Tiếp đó, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch “Quỹ Mãi mãi tuổi 20” của Hà Nội, tôi đã báo cáo sự việc với Hội đồng Quản lý Quỹ, rồi trực tiếp dự thảo văn bản gửi UBND tỉnh Hà Nam đề xuất với nội dung trên. Nhận được văn bản, UBND tỉnh Hà Nam đã giao cho UBND TP. Phủ Lý dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Lê Văn Dũng đã tổ chức buổi họp bàn, để tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy – UBND tỉnh Hà Nam tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ… Chúng tôi được mời về Phủ Lý đê thống nhất một số vấn đề tham mưu cho lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương (xem Giấy mời và ảnh cuộc họp đính kèm).

*

III- Cùng thời gian trên, thông qua Bảo tàng Phụ nữ VN, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã kết nối được với Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tôi lại trực tiếp dự thảo thêm văn bản gửi Trung ương Hội Phụ nữ VN đề nghị phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, tổ chức Hội thảo khoa học để vinh danh 10 liệt nữ Lam Hạ. Cảm ơn các chị ở Trung ương Hội Phụ nữ VN đã ngay lập tức có công văn xác nhận việc này và gửi cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam. Vì có Hội Liên hiệp Phụ nữ VN vào cuộc, nên tỉnh Hà Nam đã rút lại việc giao cho UBND Thành phố Phủ Lý và nâng tầm sự kiện, để trực tiếp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam thực hiện.

*

IV- Ngày 2/10/2016, Hội thảo khoa học "Huyền thoại mười nữ liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ" đã diễn ra trang trọng tại Hà Nam. Đây là Hội thảo do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Hội đồng quản lý quỹ “Mãi mãi tuổi hai mươi” phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo có GS. TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; Ông Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp PNVN; GS. Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; Thiếu tướng Lê Hiền Vân - Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Nam qua các thời kỳ, đại diện các sở, ban ngành và thân nhân 10 liệt sĩ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.

Cùng ngày tối hôm đó, Báo Nhân dân và Đài truyền hình Việt Nam đã tổ chức một chương trình truyền hình trực tiếp để tôn vinh 10 liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

*

V- Tháng 3/2018: Từ 11 tác phẩm dự thi của 6 nhóm tác giả, trải qua nhiều vòng xét chọn, Hội đồng Nghệ thuật Cuộc thi Sáng tác và xét chọn mẫu phác thảo tượng đài 10 nữ liệt sỹ dân quân Lam Hạ thuộc Khu Đền thờ Liệt sỹ và di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh Hà Nam đã chọn ra được 2 mẫu phác thảo là 05 và 08 để lựa chọn ra 1 tác phẩm xuất sắc nhất báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trước khi triển khai thi công ngoài thực địa.

*

VI- Nhân dịp 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), 9 người con gái đất Lam Hạ đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Như vậy, đến nay, cả 10 cô gái Lam Hạ hi sinh anh dũng trong chiến tranh chống Mỹ đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng trong đó có 2 chị em gái trong một gia đình: Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Thu, Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương, Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh và Đặng Thị Chung.

*

VII- Hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024); “Trái tim Người lính Việt Nam” phối hợp với CLB “Mãi mãi tuổi 20”; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Hội đồng Họ Đặng Việt Nam sẽ tổ chức giới thiệu di ảnh màu “10 cô gái Lam Hạ”, tác phẩm “Nhật ký Tình yêu người lính” và trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm. Chương trình được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa...

(Mời xem chùm ảnh tư liệu đính kèm: "Hành trình đề xuất tôn vinh 10 nữ Liệt sĩ Anh hùng Lam Hạ").

Phủ Lý, 2018 - 2024

Đ.V.H

Trái tim người lính