Tương lai bền vững cho ngành nông nghiệp đối thoại cấp cao giữa Việt Nam và Đan Mạch về thực phẩm và nông nghiệp

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1971, Việt Nam và Đan Mạch đã có mối quan hệ hợp tác bền chặt. Ngày 1 tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã cột cùng tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP). Việc ký kết thỏa thuận này đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác và thiết lập khuôn khổ vững chắc để hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế ít carbon, thích ứng với khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh được xây dựng và củng cố bởi sự hợp tác trong các lĩnh vực Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, Thực phẩm và Nông nghiệp, Hợp tác Thương mại và Kinh doanh, Khoa học Y tế và Đời sống, Thống kê và những sáng kiến về một tương lai bền vững cho ngành nông nghiêp. Theo chương trình hoạt động, từ ngày 14 đến 16/5/2024 Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thuỷ sản Đan Mạch, Jacob Jensen, đã dẫn đầu một đoàn cấp cao tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Cùng đi với Bộ trưởng là một đoàn doanh nghiệp nông nghiệp và thực phẩm gồm các công ty sở hữu công nghệ và know-how tiên tiến trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Mục đích của chuyến thăm tập trung vào thúc đẩy đối thoại chính sách cấp cao với các đối tác Việt Nam về sản xuất thực phẩm bền vững và phát triển chuỗi cung ứng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

nganh-nong-nghiep-1715854501.png
Ký kết biên bản ghi nhớ gia hạn hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam và Đan Mạch  (Ảnh Sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Từ năm 2017, chương trình hợp tác giữa hai quốc gia đã tập trung vào lĩnh vực an toàn thực phẩm và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chương trình là một cấu thành quan trọng của thỏa thuận Đối tác Chiến lược Xanh được hai Thủ tướng Chính phủ khởi động vào tháng 11 năm 2023. Theo đó, Việt Nam và Đan Mạch đã cam kết thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh và hoàn thành cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chương trình Hợp tác Ngành và Chiến lược Thực phẩm (SSC Food) giữa Việt Nam và Đan Mạch do Cơ quan Thú y và Thực phẩm Đan Mạch (DVFA) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (MARD) cùng hợp tác thực hiện. Trong giai đoạn đầu, dự án đã tập trung vào cải thiện những điều kiện cơ bản để phát triển ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua nâng cao năng lực của cán bộ nhà nước và cải thiện khung khổ pháp lý về sử dụng thận trọng thuốc thú y. Ở giai đoạn 2,diễn ra từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 4 năm 2024,chương trình tập trung vào lĩnh vực chính là nâng cao năng lực cán bộ địa phương trong toàn bộ chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn; chống kháng sinh (AMR); kiểm soát thức ăn chăn nuôi; truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm không an toàn.

Trong chuyến thăm và làm việc này, Bộ Trưởng Jensen đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để gia hạn chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ. Trong những năm sắp tới, chương trình sẽ tăng cường thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, hướng tới xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững, có khả năng chống chịu tốt với những tác động từ bên ngoài .

nganh-nong-nghiep-1-1715854501.png
Bộ trưởng Jensen và đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trong hội thảo tại Hà Nội  (Ảnh Sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

Bộ trưởng Jensen cho biết: "Trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh và sản xuất thực phẩm bền vững, Đan Mạch đã phát triển các phương pháp và cách tiếp cận mới, sáng tạo cho toàn bộ chuỗi giá trị giúp tăng năng suất sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm đồng thời với giảm thiểu tiêu thụ nước và năng lượng. Ông cho biết, Đan mạch mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho sự hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác Việt Nam và cho rằng, Sự đồng thuận giữa Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thuỷ sản Đan Mạch về chương trình hợp tác tiếp tục là minh chứng rõ ràng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên, không chỉ vì nhu cầu và lợi ích mà quan trọng hơn là cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn về một hệ thống thực phẩm bền vững và có khả năng chống chịu với mọi tác động từ bên ngoài."

Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Jacob Jensen, đã có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo về Kháng thuốc kháng sinh (AMR) trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. AMR hiện nay là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đây là  nội dung quan trọng của Chương trình Hợp tác ngành Chiến lược về Thực phẩm (SSC Food).

Chuyến thăm của Bộ trưởng Jensel là chuyến thăm cấp cao thứ hai của Đan Mạch trong 2 tháng qua. Ngoài Bộ trưởng Jacob Jensen, chuyến thăm còn có sự tham gia của một đoàn các công ty và nhà sản xuất Đan Mạch. Đây là những công ty và nhà sản xuất sở hữu các giải pháp hàng đầu thế giới về sản xuất và chế biến thực phẩm, lưu trữ, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nông nghiệp và thực phẩm, kỹ thuật nước và thoát nước.

Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Đan Mạch trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, Đan Mạch là một trong những nước EU có xuất khẩu bình quân đầu người cao nhất EU. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm chiếm khoảng 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch sang Việt Nam. Trong chuyến thăm và làm việc này, Bộ Trưởng Jensen đã nhấn mạnh:“Mặc dù Việt Nam và Đan Mạch cách nhau rất xa về địa lý nhưng Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đan Mạch. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau nên cần phải tiếp tục hợp tác sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và thông minh để nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững".

Trong chuyến thăm miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Jensen sẽ đến FoodBank Việt Nam, một đối tác quan trọng trong lĩnh vực giảm thiểu thất thoát và lãng phí thực phẩm. Ông sẽ thăm trang trại nuôi cá tra ở Tiền Giang và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản ở Bến Tre, những nơi các viện nghiên cứu và các công ty Việt Nam và Đan Mạch đang hợp tác tăng cường sử dụng công nghệ và các giải pháp xanh hướng tới sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam.

Vào ngày cuối cùng, Bộ trưởng có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo "Sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững: công nghệ tiên tiến của Đan Mạch và những cơ hội tài chính". Hội thảo là diễn đàn để kết nối và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, tài chính và cơ hội kinh doanh giữa các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách địa phương, lãnh đạo và quản lý ngành, doanh nhân Đan Mạch và Việt Nam.