Vai trò chủ thể của nông dân ở nông thôn trong tình hình mới

Ngày 11.11, Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Người nông dân Việt Nam- thực trạng và xu hướng biến đổi” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

ff-1672661049.jpg

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam  và hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà hoạch định, thực thi chính sách, nhà nghiên cứu xã hội học, nhà quản lý, giảng viên các trường đại học, đại diện các địa phương...

BTC Hội thảo nhận được 15 bài tham luận và chia thành các phiên khác nhau, trong đó có 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1 có chủ đề “Vị thế, vai trò của nông dân Việt Nam trong bối cảnh mới”, phiên thảo luận 2 có chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển của nông dân Việt Nam”.

Hội thảo này nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XIII về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới và chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Từ đó, hoạch định các chính sách phù hợp để giúp nông thôn phát triển bền vững và khẳng vai trò, thị thế của người nông dân ở nông thôn trong tình hình mới.

Điều tra của Viện xã hội học cho thấy, nhóm lao động nông thôn ở lại gia đình chỉ có 45,6% (khoảng 16 triệu người) làm nông nghiệp; 54,4% (khoảng 19 triệu người) phi nông nghiệp. Trong khi đó, nhóm lao động đi làm ăn xa thì chỉ 9,4% (1,4 triệu người) làm nông nghiệp, 90,6% (13,6 triệu người) phi nông nghiệp. Điều này cũng thể hiện việc chảy máu chất xám của nông dân hiện nay. Người ở lại vùng nông thôn trình độ thấp hơn nông dân đi làm ăn xa; nhóm đi học ở thành phố ít trở về vùng nông thôn học tập, sinh sống.

Theo điều tra, khoảng 70% dân số Việt Nam hiện có vợ có chồng, 22% chưa từng kết hôn. Người ở lại nông thôn chỉ 10,4% chưa có vợ có chồng, đi làm ăn xa 23,2% chưa có vợ có chồng, tỉ lệ li hôn tăng lên.

Xu hướng lao động nông thôn rất khó dự báo và vẫn đang tiếp tục diễn biến, có thể cường độ di cư cao hơn. Vì thế, cần làm rõ điều kiện cần và đủ của người nông dân để thể hiện vai trò chủ thể hóa, vai trò trung tâm trong tình hình mới.    

Theo Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay nước ta có 10,2 triệu hội viên. Nông dân cũng chiếm đa số hội viên của LHPN Việt Nam, Đoàn TNCS HCM, Hội Cựu chiến binh. Trong khi đó, nông dân đang phải đối diện với nhiều thách thức: thích ứng với môi trường cạnh tranh quốc tế; tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; thích ứng với biến đổi xã hội...

Các đại biểu cho rằng, cần cố gắng xác định người nông dân hiện nay khác trước như thế nào, từ khái niệm, số liệu, thông tin liên quan.... Đề nghị các nhà khoa học đưa ra tiêu chí để đánh giá đầy đủ được khách thể là người nông dân. Ví dụ, nông dân phải là người cư trú ở khu vực nông thôn, làm nông nghiệp, có thu nhập từ nông nghiệp. Số liệu nghiên cứu dựa trên cấp độ cá nhân chứ không phải hộ gia đình. Có những người không sống cùng gia đình, không ở nông thôn, không có thu nhập từ nông nghiệp thì không thể gọi là nông dân...

Có đại biểu nêu ý kiến, đừng để người nông dân đóng vai gì khác ngoài bản thân họ. Bằng cách nào để định nghĩa người nông dân? Các nhà khoa học đừng nói mà hãy để người nông dân tự nói về mình. Khi điều tra xã hội học về người nông dân thì thông tin phải đủ, đúng với các chiều cạnh của nó, từ đó định hướng rủi ro, giúp họ phát triển. Nông dân có hàng trăm khuôn mặt, chúng ta chỉ chọn 1 vài khuôn mặt thì khó đầy đủ mà phải xem xét ở nhiều mặt. Khi nhận định về nông dân phải điều hòa lợi ích và chính sách.

Người nông dân Việt Nam vốn cần cù, sáng tạo, năng động, đa dạng hóa sinh kế, mở rộng nghề nghiệp, có nhiều sáng tạo, thu nhập gia tăng, mức sống tăng lên... Tuy nhiên, phải xác định rõ, ở nông thôn, nông dân phải là chủ thể chứ không phải trí thức. Họ thậm chí là chủ thể ở mọi mặt chứ không phải chỉ trong lao động, sản xuất. Trong khi đó, hiện nay người dân cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển bền vững. Mô hình 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp được đẩy mạnh nhưng toàn nông dân tự lo, không ai giúp cả. Vay vốn khó, nguồn nhân lực thiếu, tích lũy không có; nông dân càng ngày càng già hóa...

Những thách thức về ruộng đất của người nông dân cũng là vấn đề rất đang quan tâm, làm rõ. Cần phải trả lời người nông dân một cách rõ ràng về vấn đề đất đai xem người nông dân có làm chủ được ruộng đất của mình không? Có được quyết để họ thực sự thể hiện vai trò chủ thể của mình không?

Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn văn hóa, lối sống, hệ giá trị của người nông dân, tác động của mạng xã hội đối với đời sống nông dân, nông thôn... là những câu chuyện lớn chưa có lời giải. Hội thảo kết thúc với nhiều trăn trở và được các nhà khoa học hứa hẹn sẽ có những hội thảo tiếp theo để thảo luận kỹ, nghiên cứu sâu, có câu trả lời chính xác, kịp thời.

15 tham luận được trình bày và hơn 10 ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề để các nhà khoa học nghiên cứu thêm. Triển khai Nghị quyết 19 là bước khởi đầu để nhận định, đánh giá về người nông dân trong tình hình mới.

Kết luận tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Xã hội học Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Trên cơ sở phân tích thực trạng và làm rõ xu hướng biến đổi, Hội thảo gợi mở và kiến nghị các giải pháp nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể của người nông dân, nâng cao mức sống mới của các nông hộ để thực hiện thành công Nghị quyết 19-NQ/TW trong tình hình mới. Những ý kiến của các đại biểu tham dự sẽ được Ban Thư ký tổng hợp, chắt lọc để gửi các bộ, ban, ngành liên quan, góp phần hoàn thiện chính sách đối với nông dân trong tình trình hội nhập và phát triển đất nước”.