Vĩnh Phúc: Hội làng Yên Thượng nét đẹp văn hoá truyền thống

Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những lễ hội truyền thống của làng Yên Thượng, An Hoà, Tam Dương ( Vĩnh Phúc) vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu thêm nét đẹp văn hoá truyền thống ở địa phương này. Lễ hội chính diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm.
img-2607-1739325171.jpeg
 Các cụ trong làng sau khi làm lễ tế xong đã tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình và bạn bè

Hội làng Yên Thượng gắn với di tích miếu ( nằm trong cụm di tích) thờ vị thần A Lợi Càn Ngật, người đã có công giúp Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống lại giặc Đông Hán, bảo vệ nền độc lập của dân tộc vào đầu thế kỷ 1, cụ thể là những năm 40-43 sau Công nguyên.

img-2619-1739328992.jpeg
Di tích lịch sử, văn hoá được xếp hạng cấp tỉnh miếu Yên Thượng

Hiện miếu còn giữ được nhiều tư liệu, di vật, cổ vật, Ngọc phả và các đạo sắc phong qua các triều đại lịch sử của Việt Nam. Ngọc Phả nêu rõ hành trạng của vị thần, thông qua các tư liệu khi ấy ở Yên Thượng có người con gái tên là À Lợi Cần Ngật, trí tuệ thông minh, văn võ toàn tài. Bà đã thấy hịch của Trưng Nữ đánh giặc Tô Định và quyết định chiêu mộ dân binh, hội quân cùng Trưng Nữ đánh đuổi Tô Định, thu lại 65 thành trì trong cõi Nam bang.

img-2610-1739325171.jpeg
Ngày thường, các bà, mẹ chăm lo ruộng đồng, nhưng khi biểu diễn, họ hóa thành những nghệ sĩ tài năng

Ngoài ra, miếu Yên Thượng còn là sở cách mạng quan trọng. Năm 1945, miếu đã tập trung đội tự vệ của làng Yên Thượng, là nơi đội tự vệ cùng lực lượng dân quân du kích trong thôn làm lễ tế cờ tuyên thệ, gia nhập lực lượng Việt Minh, chuẩn bị giành chính quyền. Đồng thời, miếu cũng là cơ sở bí mật để các đồng chí đảng viên, du kích hội họp bí mật phục vụ cho kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

img-2608-1739325171.jpeg
Nhân dịp hội làng, các trai làng Yên Thượng tổ chức giao lưu thể thao, tạo không khí vui tươi

Ông Lê Văn Phương - Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết: Đây là lễ hội thường niên, được diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm (Tiệc Khai Xuân), ngày 10 tháng 5 (Tiệc Hóa Thần) và ngày 10/10 (Tiệc chính của làng) kết hợp 2 Di tích miếu Yên Thượng và Miếu nghè (Thờ Đức Thánh Đồng Quân), địa điểm diễn ra tại cụm di tích làng. Ngoài phần lễ như dâng hương, tế…. thì Ban tổ chức còn tổ chức chương trình văn nghệ, thể thao và trò chơi như: Đánh cờ Người, chọi gà, bịt mắt bắt dê, đập nồi đất, đi cầu tre… Thông qua các hoạt động văn hoá và giáo dục, hội làng đã giúp người dân nơi đây hiểu hơn về giá trị của văn hoá truyền thống.

Lễ hội làng Yên Thượng có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, với ý nghĩa rất lớn là gắn kết cộng đồng cư dân trong một làng. Vì lễ hội này gắn với tục thờ cúng vị thần A Lợi Càn Ngật, nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, người dân sẽ gắn bó với nhau hơn.

Đến với hội làng, mỗi người sẽ cảm nhận được rất rõ nét đẹp của hồn cốt văn hóa truyền thống vẫn được nuôi dưỡng, gìn giữ qua nhiều năm. Đây là không gian để người dân cùng nhau ôn lại truyền thống, củng cố mối quan hệ cộng đồng và cùng nhau vui chơi, tạo ra những kỷ niệm đẹp.