Trung bình mỗi ngày HTX Thương mại và Dịch vụ Định Trung (Vĩnh Yên) cung ứng ra thị trường trên 300 kg rau củ quả hữu cơ. Ảnh: Thế Hùng
Toàn tỉnh hiện có hơn 123.600 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp là 91.115 ha; dân số trên 1,1 triệu người với gần 640.000 người trong độ tuổi lao động. Đây được coi là nguồn lực lao động dồi dào và quan trọng để phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ nói riêng.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ.
Tiêu biểu như Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 2573/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2022.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, giống, trang thiết bị... cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Trong đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả; 64 cơ sở chăn nuôi và 9 cơ sở thủy sản. Đây chính là tiền đề quan trọng để mở rộng, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 4.838 ha rau quả, rau ăn lá sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ tại 71 xã, phường, thị trấn; 3 ha mô hình hữu cơ trên cây dược liệu ba kích; liên kết sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng theo hướng hữu cơ 4 ha tại huyện Tam Đảo; trồng nho Hạ đen 2 ha tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên.
Đây là mô hình trồng nho hạ đen lớn nhất Vĩnh Phúc được đầu tư bài bản, khoa học, với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ nông dân triển khai nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh như trồng cây thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch; rau su su tại huyện Tam Đảo; dưa lê tại huyện Tam Dương; sản xuất lúa tại huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch và Tam Dương; chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.500 con tại các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con tại xã Đồng Quế (Sông Lô).
Các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Mô hình không chỉ nâng cao năng suất, thu nhập cho bà còn nông dân mà giúp người dân thay đổi tập quán canh tác cũ, nắm bắt quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tích cực sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Sau 6 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX Thương mại và Dịch vụ Định Trung (Vĩnh Yên) với 35 thành viên đang cung cấp ra thị trường 300 - 350 tạ rau hữu cơ/ha/năm, giá trị ước đạt 520 triệu/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Hương Hồi, Giám đốc HTX cho biết: Với chất lượng đảm bảo, an toàn và đầy đủ chủng loại gồm: Rau muống, rau cải, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi, bí, mướp, bầu, dưa chuột, đậu đũa, đậu khế và các loại rau gia vị khác, HTX đang cung cấp rau, quả cho 10 cửa hàng của hệ thông siêu thị Winmart và một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần VietGarden tại Hà Nội.
Theo đánh giá của người sản xuất, giá bán rau theo hướng hữu cơ cao hơn rau thông thường 1.500 - 2.000 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, Vĩnh Phúc chưa có quy hoạch, quy định về các vùng sản xuất hữu cơ; phần lớn các DN và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô nhỏ; việc thiếu quỹ đất là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa.
Quy trình, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng sản xuất hữu cơ chưa được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng, chuyển giao cho sản xuất. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết.
Quy trình sản xuất khắt khe, phức tạp, cần có thời gian chuyển đổi. Đặc biệt, chi phí chứng nhận sản xuất hữu cơ cao, chưa có nhiều tổ chức tham gia chứng nhận. Người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phổ biến.
Phát huy những kết quả đạt đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, ngày 27/10/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1930 phê duyệt Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng... hướng đến phát triển nền nông nghiệp có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường.