Xây dựng nhà nước được lòng dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trải qua 79 năm Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2.9.1945 – 2.9.2024), nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã xây dựng, ban hành 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử phát triển của dân tộc, kế thừa và khẳng định bản chất của một nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân, vì dân và được lòng dân.

Kỳ 1: Một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với chính thể quân chủ chuyên chế. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập chính quyền cách mạng ở các căn cứ địa, các khu giải phóng lúc bấy giờ; hình thành các tổ chức Ủy ban Việt minh, Ủy ban giải phóng và UBND cách mạng tỉnh, liên tỉnh.

Đầu tháng Tám năm 1945, Người quyết định triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam – một tổ chức “tiền Chính phủ”, khởi đầu mô hình nhà nước kiểu mới ở Việt Nam mang bản chất dân chủ cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”(1).

Lúc này, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ. Điều đặc biệt, Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Minh như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các chính đảng; mà là một Chính phủ quốc gia thống nhất, chờ đến ngày được Quốc hội cử ra một Chính phủ dân chủ, cộng hòa chính thức. Đó là sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện 2 mục tiêu chiến lược: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong điều kiện vận mệnh quốc gia đang bị đe dọa bởi “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

chinh-phu-moi-do-chu-tich-ho-chi-minh-dung-dau-duoc-quoc-hoi-khoa-i-tin-nhiem-ngay-3-11-1946-anh-tu-lieu-chinhphuvn-1725183966.jpg

Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được Quốc hội Khóa I tín nhiệm ngày 3-11-1946. Ảnh tư liệu chinhphu.vn/
Từ trái sang phải:
Hàng trước: Nguyễn Văn Tố (BT Cứu Tế), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng (BT Nội vụ)
Hàng giữa: Nguyễn Văn Huyên (BT giáo dục), Phạm Văn Đồng, Trần Đăng Khoa (BT Giao thông công chính), Hoàng Tích Trí (Thứ trưởng Bộ Y tế) Vũ Đình Hèo (BT Tư pháp), Lê Văn Hiến (BT Tài chính), Võ Nguyễn Giáp (BT Quốc phòng), Nguyễn Văn Tạo (BT Lao động).
Hàng sau: Trần Công Trường (Thứ trưởng Tư pháp), Trịnh Văn Bính (Thứ trưởng Tài chính), Đặng Phúc Không (Thứ trưởng Giao thông công chính), Cù Huy Cận (Thứ trưởng Canh nông), Bồ Xuân Luật (BT Canh nông), Hoàng Minh Giáp (Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ), hai người cuối hàng chưa rõ.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chính phủ lâm thời trịnh trọng ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiện thực hóa khát vọng dân chủ của nhân dân

Chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ phải tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ.

Để thực thi các nhiệm vụ cấp bách, thể chế hóa nền dân chủ cộng hòa, thực thi quyền làm chủ của Nhân dân, Chủ tịch Chính phủ đã ban hành 2 Sắc lệnh quan trọng: (1) Sắc lệnh số 14 ngày 8.9.1945, quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam do quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa”; (2) Sắc lệnh số 51 ngày 17.10.1945 quy định ngày 23.12.1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu, tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường.

Ðây là những Sắc lệnh quan trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực hiện lời hứa của Chính phủ với dân sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc, đều được hưởng quyền tự do chính trị thiêng liêng của con người. Bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “...  nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (2).

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương – nhân tố cấu thành của thể chế dân chủ cộng hòa – được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Sắc lệnh số 63 SL (ngày 22.11.1945) và Sắc lệnh số 77 SL (ngày 21.12.1945) quy định về tổ chức chính quyền địa phương các cấp (ở nông thôn và đô thị) được Người ký ban hành, quy định HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt cho dân, Ủy ban hành chính do các HĐND bầu ra (riêng UBHC khu phố thuộc UBHC thành phố do dân khu phố bầu trực tiếp) là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ. Ở cấp xã, thị xã, thành phố và tỉnh có HĐND và UBHC; ở các cấp khu phố, huyện và kỳ chỉ có UBHC.

Lúc bấy giờ, tiến trình chuẩn bị tiến tới Tổng tuyển cử diễn ra trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tiềm ẩn những bất ổn. “Giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành, dân trí còn thấp. Các thế lực phản động cấu kết với giặc ngoại xâm ra sức phá hoại, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử, đe dọa xóa bỏ nền dân chủ còn non trẻ và sự sống còn của nhà nước cách mạng Việt Nam mới vừa được thành lập.

Nhưng, với sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, tài tình, quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, kể cả phải dùng những phương pháp nhân nhượng để hòa giải, cứu vãn tình thế như: Đảng Cộng sản tự tuyên bố giải tán (sự thực là rút vào hoạt động bí mật); Việt Minh nhượng bộ đặc cách thêm 70 ghế (đại biểu) trong Quốc hội khóa I cho 2 tổ chức Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng) mà không thông qua bầu cử. Cuối cùng, các bên đạt thỏa thuận hoãn Tổng tuyển cử đến ngày 6.1.1946.

Ngày 6.1.1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều được hưởng quyền bầu cử Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất đã diễn ra trên đất nước Việt Nam, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên và đã thành công tốt đẹp. Hơn 89% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.

Mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên quyền con người được tôn trọng và bảo đảm, quyền chính trị thiêng liêng của công dân được thực thi; lần đầu tiên cử tri biết quyền lợi và trách nhiệm của mình, sử dụng lá phiếu của mình bầu chọn người vào cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định vận mệnh và những vấn đề quan trọng của quốc gia.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là chiến thắng của niềm tin; tin ở lòng dân - với khát khao cháy bỏng độc lập, tự do, hạnh phúc - đã đoàn kết thành một khối thống nhất, tin tưởng, đi theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. “ Nó là... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”(3) như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa I.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử và việc Quốc hội Khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà tại Kỳ họp thứ hai, phiên họp ngày 9.11.1946 đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của dân tộc, vĩnh viễn xóa bỏ chế độ phong kiến chuyên chế, thay xã hội thần dân bằng xã hội công dân và nhà nước dân chủ, cộng hòa; là tiền đề, mở lối tiên phong đi vào con đường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.25, 26.

(2). Sđd. T4, tr.64.

(3). Sđd. T4, tr.216.