Kỳ 2: Thế nước và lòng dân
Trong hành trình 79 năm của dân tộc (2.9.1945 – 2.9.2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dựa vào dân để xây dựng thế nước “sao cho được lòng dân”. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định và thực hành chân lý tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân.
“Sao cho được lòng dân?”(1) là tiêu đề một bài báo Bác Hồ viết đăng trên báo Cứu quốc ngày 12-10-1945.
Với tư tưởng “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”(2), ngay từ những ngày đầu của nền dân chủ mới 1945, trước muôn vàn khó khăn khi phải chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy và cảnh báo về những căn bệnh có thể làm tha hóa bộ máy nhà nước. Người đã viết bài báo “Sao cho được lòng dân?”, ký tên Chiến Thắng, đăng trên báo Cứu Quốc ngày 12.10.1945. Trong bài báo đó, Người viết: “Ta nhận thấy xung quanh các UBND, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. ... Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét nữa là khác.
Ngày Hội thống nhất non sông tổ chức tại tỉnh Quảng Trị nhân lên khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Ảnh tư liệu
Thứ nhất dân ghét các ông Chủ tịch, các ông Ủy viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền… Người ta còn thì thào chỉ trỏ ông Tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “Tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều…”.
Sau khi chỉ ra những biểu hiện xấu của cán bộ cách mạng bị dân ghét, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”.
Bài báo kết luận: “Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Cho đến ngày nay, “Sao cho được lòng dân?” vẫn là câu hỏi lớn có giá trị vĩnh hằng mà các cấp chính quyền phải luôn nghiêm khắc tự vấn. Thời nào cũng vậy, phải đem lòng dân mà đo vận nước.
Lúa hữu cơ tạo động lực làm giàu cho người dân Quảng Trị - Theo vov.vn
Luôn dựa vào dân
Trong hành trình 79 năm của dân tộc và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã luôn dựa vào dân để xây dựng thế nước “sao cho được lòng dân”. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định và thực hành chân lý tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân. Các giá trị cốt lõi của nền dân chủ luôn được thể chế hóa trong các quyết sách của Đảng, của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, thể hiện được quan điểm quyền lực của Nhà nước là do dân ủy thác, giao cho thông qua cơ chế: “chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ’’(3). Nhà nước ta đã kế thừa và phát huy được các giá trị của nền dân chủ, văn minh nhân loại; chính quyền do cử tri bầu phù hợp với ý nguyện nhân dân và giá trị văn hóa lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Là người sáng tạo lịch sử và quyết định chế độ chính trị của đất nước, Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội; về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và những kết quả tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” hiện nay. Năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 khu vực và thứ 34 thế giới (theo Tổ chức CEBR).Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng (chỉ số SIPAS 2023 trung bình cả nước là 82,66%, tăng 2,58% so với năm 2022: 80,08%), đứng đầu là các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương. Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam xếp hạng 83/180 nước, vùng lãnh thổ (theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế - TI).
Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị với chủ đề Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình
Tuy vậy, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước các cấp vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, có nơi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, chưa làm tròn trách nhiệm chính trị với dân. Đáng báo động là sự suy thoái của một bộ phận cán bộ có chức quyền. Biểu hiện rõ nhất là hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật đều có điểm chung rất nguy hiểm, đó là coi thường nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc sống còn của tổ chức Đảng, Nhà nước ta. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do cán bộ tha hóa phẩm chất; do công tác giám sát, thanh, kiểm tra chưa hiệu quả; hoặc do những nhóm lợi ích đã vô hiệu hóa thanh tra, kiểm tra, thủ tiêu đấu tranh dưới vỏ bọc “tập thể hình thức”, nhằm hợp thức hóa sự độc đoán, lộng quyền, biến quyền lực được Nhân dân trao cho thành quyền lực cá nhân để trục lợi; và do chưa có cơ chế để người dân giám sát hiệu quả quyền lực mình đã trao.
Lòng dân là linh hồn Nhà nước pháp quyền XHCN
Trải qua 79 năm Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn khẳng định bản chất của một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia đều do Nhân dân phán quyết, Nhân dân là người thực hiện quyền lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Thành quả chính trị đó đã tô thắm và làm sâu sắc thêm bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ cộng hòa ở nước ta.
Cử tri thành phố Bảo Lộc kiến nghị những vấn đề dân bức xúc với đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 30-7-2024. Ảnh Khánh Phúc
Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bước vào giai đoạn cách mạng mới, cần quán triệt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XIII) của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, cũng là ý nguyện, khát vọng của Nhân dân về phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; các cơ quan, tổ chức và người dân đều thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bình đẳng trước pháp luật; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân. Trong đó, yêu cầu đặt ra phải tăng cường hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước, nhất là công tác cán bộ; đặc biệt coi trọng xây dựng chính quyền được lòng dân và nền công vụ liêm chính, với mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của người dân.
Trước hết, Nhân dân kỳ vọng Đảng và Nhà nước sớm hoàn thiện thể chế Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Đảng; trọng tâm là hoàn thiện cơ chế để Nhân dân tham gia quá trình lựa chọn, đề bạt và đánh giá cán bộ; đổi mới cơ chế bầu cử; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài.
Ngày 6-7-2024 UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T-CIENCO 4 chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng CHK Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Ảnh phối cảnh - tư liệu
Khi bàn về công tác cán bộ chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời". Muốn có được “con mắt tinh đời” đó, phải dựa vào Nhân dân vì “Nhân dân biết cả đấy!”.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tuân thủ cách làm việc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tập hợp, phát huy trí tuệ của tập thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh. “Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề.”(4) “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.”(4).
Thứ ba, giữ gìn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với dân thông qua việc phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong phê bình, góp ý xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần giúp cho tổ chức Đảng và hệ thống chính trị sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, tiến bộ, thực hiện được sứ mệnh cao cả mà Nhân dân giao phó, đáp ứng niềm tin và lòng mong đợi của Nhân dân.
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.51-52.
(2). Sđd., T.10. tr.453.
(3). Sđd., T.8, tr,263.
(4). Sđd. T.5, tr.619-620.