Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh
21:23 01/06/2022
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm ước đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng.
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ Công Thương, mặc dù xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong tháng 4, cùng với sự thuận lợi về tỷ giá nhưng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 có sự sụt giảm so với tháng 4. Điều này chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 9,1% so với tháng trước). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 ước tính đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước nhưng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,2%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,8%). Điều này tiếp tục cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông - lâm - thuỷ sản trong 5 tháng ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Xuất khẩu thủy sản đạt 4,75 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi các thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 131,39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Tuy nhiên, tính riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này có sự sụt giảm so với tháng trước (giảm 9,1%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2022: Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 45,6 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhập khẩu nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao
Về nhập khẩu hàng hóa: Trong tháng 5/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 152,16 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 53,2 tỷ USD, tăng 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,9 tỷ USD, tăng 14,9%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 135,3 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 48,9 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.
Với kim ngạch xuất - nhập khẩu trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước nhập siêu khoảng 1,73 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại của cả nước tiếp tục duy trì trạng thái tích cực, ước xuất siêu khoảng 0,8 tỷ USD.
Thu An
Tài trợ