Yên Bái phấn đấu đến tháng 6/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và hộ gia đình có công với cách mạng vào cuối tháng 6/2025 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và điều kiện kinh tế xã hội. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh về chủ đề này.

Thưa bà, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được tỉnh triển khai như thế nào. Địa phương đã có những giải pháp gì để phát huy hiệu quả của phong trào?

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, những năm qua, Yên Bái đã đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, cũng như hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo.

Chú thích ảnh Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Giai đoạn 2016–2020, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng trên 9.000 căn nhà. Giai đoạn 2021–2024, con số này là hơn 7.400 căn. Qua đó, giúp người dân có chỗ ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 32,2% năm 2016 xuống còn 7,4% năm 2020. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,68%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ.

Năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát, với mục tiêu hỗ trợ làm mới và sửa chữa 2.208 căn nhà, tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng.

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp để thống nhất chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện. Việc huy động nguồn lực triển khai được thực hiện linh hoạt, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách hỗ trợ nhà ở vùng khó khăn.

Đặc biệt, tỉnh huy động hiệu quả nguồn xã hội hóa (chiếm trên 70%) từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, đã huy động các tổ chức đoàn thể, cộng đồng, dòng họ hỗ trợ nhân công, vật liệu, đất đai. Mỗi cán bộ ở địa phương được giao phụ trách, hỗ trợ trực tiếp từng hộ gia đình.

Với hộ đặc biệt khó khăn, chính quyền và đoàn thể đứng ra làm nhà giúp dân. Sở Xây dựng tỉnh cũng thiết kế các mẫu nhà phù hợp với văn hóa, điều kiện của từng dân tộc. Nhờ đó, nhà hoàn thiện có chất lượng cao, giá trị trung bình 120 triệu đồng/căn xây mới và khoảng 40 triệu đồng/căn sửa chữa.

Trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh gặp phải những khó khăn gì và cần có thêm sự hỗ trợ nào để hoàn thành mục tiêu, thưa bà?

Trong quá trình thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh còn gặp một số khó khăn. Do đặc điểm địa bàn là tỉnh miền núi, điều kiện đi lại, địa hình phức tạp, phát sinh nhiều chi phí vận chuyển nguyên vật liệu làm nhà so với các tỉnh đồng bằng. Tỉnh cũng là địa bàn thường xuyên chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất, nên ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mặt khác, tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều thế hệ, nên khi con cái lập gia đình, phải tách ra ở riêng, điều này dẫn đến phát sinh thêm các hộ có nhà ở xuống cấp, dột nát.

Chú thích ảnh Nhà mới của ông Lại Văn Quang thôn Ngọn Ngòi, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên đang được hoàn thiện.
Chú thích ảnh Căn nhà cũ của ông Lê Quang Đại ở kế bên đã có trên 30 năm.

Tuy nhiên, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khắc phục; đồng thời, tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực để bố trí kịp thời cho các địa phương. Tỉnh cũng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư để tham gia hỗ trợ làm nhà; vận động nhân dân tích cực hưởng ứng và triển khai khởi công xây dựng.

Nhờ đó, đến nay, tiến độ thực hiện Đề án đã vượt so với kế hoạch đề ra. Trong quá trình triển khai, tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát. Trường hợp phát sinh thêm các hộ có nhà ở dột nát, tỉnh sẽ huy động nguồn lực để xóa dứt điểm.

Để nâng cao hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh mong muốn Trung ương nghiên cứu nâng mức hỗ trợ làm nhà đối với các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa có điều kiện đi lại khó khăn; mức hỗ trợ nên cao hơn so với các tỉnh vùng thấp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!