Hơn một nửa sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2100
Nhân loại đang sống trên một hành tinh xanh. Các đại dương bao phủ khoảng 70% bề mặt trái đất, chứa 97% lượng nước và chiếm 90% tổng không gian có thể ở được trên hành tinh. Các hệ sinh thái ven biển như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển thuộc hệ thống đa dạng sinh học nhất của đại dương và là vườn ươm của hàng triệu loài sinh vật biển.
Một số rạn san hô nhiệt đới có thể chứa 1.000 loài khác nhau trên mỗi m2. Với 15% khẩu phần protein động vật được cung cấp bởi nghề cá và hàng triệu người phụ thuộc vào nghề cá để kiếm sống, những vườn ươm này rất cần thiết để bổ sung nguồn lợi thủy sản. Do đó, các khu vực ven biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các hệ sinh thái ven biển của chúng ta, cùng với nhiều loài thủy sản, đang có dấu hiệu suy giảm và biến mất với tốc độ đáng báo động. Ngày nay, hơn 60% dân số sống trên hoặc gần bờ biển và 80% hoạt động du lịch tập trung gần các khu vực ven biển.
Đánh bắt quá mức, ô nhiễm, axit hóa đại dương và khai thác tài nguyên không bền vững có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của các hệ sinh thái ven biển. 60% hệ sinh thái biển chính hỗ trợ sinh kế trên thế giới đã bị suy thoái hoặc biến mất và hơn một nửa số loài sinh vật biển trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2100 nếu chúng ta không có những hành động quyết liệt.
Theo đó, một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ đa dạng sinh học ven biển là thông qua việc thiết lập và quản lý một khu vực biển gọi chung là “Khu bảo tồn biển”. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) định nghĩa khu bảo tồn biển là “Bất kỳ một khu vực nào nằm ở vùng triều hoặc dưới triều cùng với toàn bộ phần mặt nước phía trên cùng các hệ động thực vật và các di sản văn hóa, lịch sử liên đới, được gìn giữ bởi luật pháp và các phương thức hữu hiệu khác nhằm bảo vệ một phần hoặc toàn bộ môi trường liên quan”.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) định nghĩa khu bảo tồn biển là “Khu vực được xác định và quản lý hiệu quả để bảo vệ các hệ sinh thái biển, các quá trình, môi trường sống và các loài, có thể góp phần khôi phục và bổ sung các nguồn tài nguyên cho sự phong phú về xã hội, kinh tế và văn hóa”.
Luật Thủy sản năm 2017 quy định “Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển”.
Đa lợi ích đến từ khu bảo tồn biển
Một số khu bảo tồn biển ngăn chặn hoàn toàn các hoạt động của con người, trong khi một số khác cố gắng điều chỉnh sự hiện diện và hoạt động của con người để làm cho việc sử dụng tài nguyên biển trở nên bền vững và đa dạng hơn. Lợi ích của các khu bảo tồn biển được thiết kế và quản lý rất phong phú và đa dạng.
Cụ thể, các khu bảo tồn biển đóng vai trò chính trong việc bảo vệ các sinh cảnh và loài quan trọng, bảo vệ nghiệm ngặt các nguồn tài nguyên ở các khu vực cụ thể. Thông qua việc bảo vệ các vườn ương uôi và cá trưởng thành, các khu bảo tồn biển giúp cho các quần thể cá có thể phục hồi lại. Các quần thể cá này lại tạo ra “hiệu ứng tràn” cho các khu vực xung quanh mang lại giá trị cho công tác bảo tồn và lợi ích cho nghề cá.
Bên cạnh đó, thông qua việc thiết lập khu bảo tồn biển với các quy định quản lý nghiêm ngặt sẽ giúp ích cho việc bảo tồn như: tránh được khai thác thủy sản quá mức, tránh được các tác động gây hại đến sinh cảnh, bảo vệ được toàn bộ hệ sinh thái khỏi bị khai thác quá mức…, từ đó có được một hệ sinh thái “khỏe mạnh”, nguồn lợi thủy sản phong phú.
Đồng thời, việc thiết lập các khu bảo tồn biển sẽ giúp tạo nên các hệ sinh thái ven biển khỏe mạnh, cung cấp khả năng bảo vệ bờ biển chống lại triều cường ngày càng trở nên mạnh mẽ và phổ biến cùng với biến đổi khí hậu.
Hơn thế nữa, các khu bảo tồn biển sẽ mang lại cơ hội giải trí và du lịch sinh thái bền vững, từ đó tạo ra việc làm mới cho cộng đồng địa phương, tạo doanh thu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hoạt động bảo tồn biển cũng khuyến khích được cộng đồng địa phương tích cực tham gia công tác bảo tồn, quản lý nguồn lợi thủy sản và chính họ được hưởng lợi từ các hoạt động đó. Đồng thời, các khu bảo tồn biển cũng mang đến cơ hội tuyệt vời cho nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, chưa đến 10% các khu vực ven biển được bảo vệ hiệu quả. Điều này không chỉ đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với đa dạng sinh học ven biển mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế xã hội.
Chính vì vậy, một mạng lưới khu bảo tồn biển được quản lý tốt và bao phủ ít nhất 30% bề mặt đại dương là điều cần thiết để đảm bảo phục hồi và bảo vệ các nguồn tài nguyên, hệ sinh thái biển và ven biển của thế giới.