Đưa và bán 8 người sang Lào, Myanmar để thu tiền tỷ
Vũ Thị Khánh Huyền là người có đủ năng lực trách nhiệm nhiệm hình sự. Trong thời gian làm việc tại Myanmar, Huyền là người đã trực tiếp bàn bạc, thoả thuận, móc nối với các đối tượng người Trung Quốc là Kuai Shou (Quái Vật), Xiao Bei (Tiểu Bắc), Liu Ge (ông Sáu), A Gui (Bánh Quẩy) là chủ Công ty Vũ Hán tại Myanmar và Lào hình thành đường dây lừa gạt người từ Việt Nam sang Myanmar và Lào.

Khi được Kuai Shou đặt vấn đề trả lương 5.000 NDT/tháng (lương cứng), cho làm phiên dịch và quản lý 01 Đội lừa đảo (khoảng 20-25 người) và được hưởng 03% tiền hoa hồng từ doanh số của cả đội lừa đảo được/tháng và tìm kiếm người đưa sang Myanmar để chuyển giao cho Công ty nhằm mục đích chiếm giữ họ, bóc lột sức lao động, ép buộc làm việc vi phạm pháp luật, lừa đảo người khác trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính, Huyền không chút do dự nên đã lập tức đồng ý.
Cuối năm 2022, Vũ Thị Khánh Huyền về Việt Nam, đưa ra các thông tin gian dối về việc làm, nhằm dụ dỗ, lừa gạt những người quen trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đưa sang Myanmar và Lào rồi chuyển giao cho Công ty Vũ Hán do người Trung Quốc làm chủ để cưỡng bức lao động, nhân phẩm, sức khoẻ và quyền tự do bị xâm phạm và phải chuộc 210 triệu đồng/người để được trả tự do khỏi đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, tỉnh Bo Keo - Lào, nhằm mục đích thu lợi bất chính cho cá nhân.
Từ khoảng tháng 11/2022 đến tháng 6/2023, Vũ Thị Khánh Huyền dã dụ dỗ, lừa gạt 08 người, gồm: Uông Thị H., Bùi Nhất Th., Bùi Khắc H., Nguyễn Danh Th., Đặng Văn L., Võ Thị Minh Th., Nguyễn Như Ph. và Huyền Phương N.; Huyền đã 02 lần đưa các nạn nhân ra nước ngoài để cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc.
Cụ thể, lần 1 vào ngày 22/11/2022, Huyền đưa 04 người gồm: Uông Thị H., Nhất Th., Minh Th., Như Ph.; lần 02 vào ngày 19/12/2022 Huyền đưa 04 người còn lại. Sau đó, Huyền tiếp tục thu Hộ chiếu và tiếp tục đưa họ vượt biên trái phép sang Lào chuyển giao cho các Công ty tại Lào, bị ép buộc làm việc trái ý muốn, bóc lột sức lao động, đòi tiền chuộc và đã nhận được số tiền 1,1 tỷ đồng từ gia đình của 06/8 cá nhân.
Các nạn nhân, sau khi về được Việt Nam an toàn, đã làm đơn, kèm theo các tài liệu, chứng cứ liên quan gửi đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai tố cáo Vũ Thị Khánh Huyền có hành vi lừa gạt họ sang Myanmar và Lào, sau đó chuyển giao cho công ty do người Trung Quốc làm chủ, sử dụng phục vụ việc lừa đảo, bóc lột sức lao động, đòi tiền chuộc.
Truy tố 2 tội danh “mua bán người và lừa đảo”
Nhà chức trách xác định, từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2023, thực hiện hành vi mua bán người. Ngày 19/11/2023, bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai khởi tố bị can về tội “Mua bán người”. Ngày 18/01/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai ra Quyết định truy nã đối với Vũ Thị Khánh Huyền.
Xét tính chất và hành vi phạm tội của Vũ Thị Khánh Huyền, thấy rằng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do, danh dự nhân phẩm của con người, sức khoẻ tinh thần của công dân được pháp luật bảo hộ, xem các bị hại như một món hàng hóa để thực hiện việc mua bán nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương. Hành vi đó của Huyền đã phạm vào tội “Mua bán người” với tình tiết định khung tăng nặng là “đối với 06 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi của Huyền cùng các đồng phạm có hành vi sử dụng không gian mạng Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Lào (của Đội Kỳ Lân): Ngày 19/01/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên ra Quyết khởi tố vụ án hình sự số 08/QĐ-CSHS, Quyết định khởi tố bị can số 20/QĐ-CSHS đối với Vũ Thị Khánh Huyền vềtội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Ngày 31/01/2024, bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên bắt truy nã tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên. Ngày 02/02/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên ra lệnh tạm giam đối với Huyền về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện, bị can đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên.
Ngày 04/9/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên có Công văn số 486/CV-CSHS gửi Công an các địa phương đề nghị phối hợp rà soát các vụ án, vụ việc liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác định bị hại đã bị các đối tượng dùng thủ đoạn lập các tại khoản Facebook ảo, kết bạn, rủ rê, lôi kéo các bị hại làm công việc nhẹ kiếm thêm thu nhập bằng hình thức đầu tư tiền vào các trang web giả mạo sàn thương mại điện tử mua bán trực tuyến có tên “CPAYRO”, “ASIA SHOPPING”, mua bán vàng “FXCM” và đầu tư chứng khoán “ETC”, “LEMON”…do nhóm Huyền cầm đầu, thực hiện tội phạm, thông báo truy tìm bị hại để điều tra mở rộng vụ án.
Đối với các số tài khoản do người khác đứng tên người thụ hưởng để giao dịch tiền, tại CQĐT, bị can Vũ Thị Khánh Huyền khai nhận: Hầu hết các tài khoản trên là tài khoản “rửa tiền”, do chủ Công ty mua lại từ những đối tượng mua bán tài khoản ở trong nước (đối tượng làm giả căn cước công dân của người khác hoặc thu thập căn cước công dân của những người đã chết rồi đăng ký mở tài khoản ngân hàng hình thức online).
Sau đó, sử dụng các tài khoản “rửa tiền” này để sử dụng (tiền do lừa đảo chiếm đoạt được của các bị hại trên không gian mạng và tiền chuộc của gia đình các bị hại chuyển vào), nhằm che giấu các Cơ quan chức năng và sau khi nhận tiền sẽ chuyển tiếp sang các tài khoản khác nữa để rửa tiền hợp pháp. Ngoài ra, công ty còn sử dụng rất nhiều tài khoản “rửa tiền” khác để nhận và chuyển tiền, đổi tiền trong đặc khu Tam Giác Vàng.
Đối với các số tài khoản ngân hàng khác liên quan đến các giao dịch chuyển tiền để chuộc người như: tài khoản ngân hàng của Trần Thị Ph.Th, Nguyễn Phan Th.L, Nguyễn Cẩm Th... Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đang tiếp tục ủy thác điều tra, xác minh làm rõ, khi có đủ căn cứ tiếp tục xử lý theo quy định. Hiện, vụ án do đối tượng Vũ Thị Khánh Huyền " mua bán người" ở Gia Lai đang được TAND tỉnh thụ lý và giải quyết theo quy định pháp luật; Còn vụ án " lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên giải quyết.