Biên Hoà một thời kỷ niệm

Từ những năm 1968 đến tháng 10 năm 1971, tôi là Tỉnh đội phó Tỉnh đội Biên Hòa, anh Hai Cà (Trần Công An) Tỉnh đội trưởng, chúng tôi đã cùng với các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, bám sát chiến trường nắm vững tình hình địch để phối hợp các lực lượng đẩy mạnh tiến công cách mạng.

Khoảng cuối tháng 10 năm 1971, tôi được gọi về Miền chờ công tác ở Bộ Tham mưu. Sau đó ít lâu được bổ nhiệm làm Phó trung đoàn trưởng Đoàn Đặc công 113, tham gia kế hoạch “Chồm lên”. Thời kỳ ấy, anh Nguyễn Thanh Tùng - Trung đoàn trưởng, xuống địa bàn cùng đơn vị trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch “Chồm lên”, còn tôi trực ở Sở Chỉ huy tại cứ đóng ở Bàu Hàm. Hiệp định Pa-ri, là một thắng lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam, nhưng chưa phải là thắng lợi cuối cùng. Bởi vì kẻ thù còn mưu sâu kế hiểm tìm mọi cách để phá hoại. Nhận rõ dã tâm của chúng, các lực lượng vũ trang giải phóng phải đề cao cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu để đánh bại kẻ thù, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hoại nhiều phương tiện chiến tranh của chúng ngay từ trong căn cứ, hậu cứ mà chúng không thể chống đỡ.

 

Để làm được điều đó, Đảng ủy - Ban Chỉ huy Trung đoàn lãnh đạo học tập về chính trị quán triệt sâu sắc cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ về tình hình nhiệm vụ cách mạng miền Nam. Mặt

dt1dt1-1730386414.jpg

Đại tá Nguyễn Thanh Lộc, nguyên Trung đoàn trưởng Trung Đoàn Đặc công 113 - (3/1973-1976 )- ảnh Lịch sử Lữ đoàn Đặc Công 113.

 

khác, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ từ phân đội, đại đội đến tiểu đoàn thay phiên nhau từ một tháng rưỡi đến ba tháng tại bên kia sông Đồng Nai, gần khu vực đường Lệ Xuân. Đồng thời Đoàn cử cán bộ cùng trinh sát đi chuẩn bị chiến trường hướng đông bắc sân bay Biên Hòa, kho bom Bình Ý và tổng kho Long Bình... Sau khi chuẩn bị cơ bản xong các mục tiêu, khoảng tháng 4 năm 1973 có lệnh điều anh Nguyễn Thanh Tùng - Trung đoàn trưởng lên làm Sư đoàn phó Sư đoàn 2 đặc công Miền; anh Mai Văn Thoạn làm Chủ nhiệm chính trị sư đoàn này; anh Đỗ Văn Ninh, anh Vũ Quớ - Trung đoàn phó. Các anh Đỗ Thịnh - Chính ủy, Bí thư Đảng ủy; anh Trương Bá Triệt - Phó chính ủy. Sau khi đón nhận các cương vị công tác ổn định tổ chức, tháng 7 năm 1973 chúng tôi tổ chức một tổ đặc công đánh kho bom Bình Ý. Tổ đánh này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kết hợp với những chiến công cả trước và sau này, tổ đã xuất hiện hai người được tuyên dương danh hiệu Anh hùng đó là Hồ Văn Sinh và Ngô Văn Sơn. Sau đó chúng tôi chuyển về đóng cứ ở Hiếu Liêm, nơi ngã ba sông Bé và sông Đồng Nai. Trong thời gian này vừa tập trung xây dựng căn cứ ở đây và một bộ phận bám sát chuẩn bị chiến trường, chủ yếu vẫn là sân bay Biên Hòa, trận địa pháo, địa điểm ém quân và tập kết quân. Đoàn ém quân dựa vào trục lộ 24 nhưng chủ yếu là hai khu vực Bùng Binh (Thiện Tân - Vĩnh Cửu) và Nhà 77 Nai, Tân Uyên chờ thời cơ mới.

dt2dt2-1730386536.jpg

Anh hùng LLVTND Ngô Văn Sơn - ảnh Lịch sử Lữ đoàn Đặc Công 113.

 

Đến tháng 5 năm 1973, Đoàn cử tôi báo cáo về trận đánh phân khu 53, tổng kho Long Bình do Bộ Tư lệnh Đặc công tổ chức ở Hà Nội. Đây là một trận đánh mật tập theo chiến thuật đặc công, sử dụng lực lượng đông trên 60 người, vào một căn cứ lớn, canh phòng cẩn mật, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Được đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh và nghiên cứu, học tập. Đến tháng 2 năm 1975, tôi mới trở lại Miền rồi về công tác ở Sư 2 đặc công. Trong thời gian tôi ra Bắc, anh Ba Ninh - quyền Trung đoàn trưởng; anh Trương Bá Triệt Chính ủy thay anh Đỗ Thịnh, sức khỏe yếu ra Bắc dưỡng bệnh; anh Đinh Xuân Nghiêm - Trung đoàn phó và anh Tư Trang - Phó chính ủy. Tại hội nghị tổng kết ở miền Bắc, gặp nhiều đại biểu ưu tú từ các chiến trường ba nước Đông Dương. Sau khi trực tiếp nghe các trận đánh điển hình, đạt hiệu quả cao, những tấm gương dũng cảm trong chiến đấu càng thêm yêu mến, cảm phục và học tập ở bạn nhiều điều quý giá. Đặc biệt có dịp tiếp xúc gặp gỡ với các đồng chí thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Đặc công tôi rất phấn khởi tin tưởng.

dt3dt3-1730386627.jpg

Anh hùng LLVTND Hồ Văn Sinh- ảnh Lịch sử Lữ đoàn Đặc Công bộ 113- Hồ Văn Hoa.

 

Sau khi kết thúc hội nghị, tôi càng nôn nóng được vào nhanh tới chiến trường để sát cánh cùng anh em đơn vị. Vào thời điểm ấy, không khí trên miền Bắc cũng thật rộn ràng náo nức mỗi khi nghe tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam vọng ra. Tuy nhiên tôi tiếc mãi vì không có dịp tiếp xúc nhiều với những ngƣời mẹ, người chị có chồng, con đang ở tuyến đầu chống Mỹ đã lâu lắm bặt tin. Trong số đó chắc hẳn có ngƣời vì hoạt động, chiến đấu bận rộn, lại ở chiến trường xung yếu khó có dịp gửi thư. Nhưng chắc chắn không ít ngƣời đã ngã xuống trên các chiến trường. Nghĩ đến đó tôi như thấy mình còn mắc nợ các mẹ các chị quá lớn. Cái nợ ấy, suy cho cùng không thể nào trả đƣợc. Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi nhớ ơn nặng, nghĩa dày với những người con trung hiếu ấy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm bù đắp lại phần nào nhỏ nhoi cho người thân của họ vậy.

Tiễn tôi trở lại Trung đoàn, lúc ấy anh Chín Mây - Sư trưởng Sư đoàn 2 đặc công vừa thay anh Đặng Ngọc Sĩ lên Phó tư lệnh Quân khu; anh Tống Viết Dương sư đoàn phó, anh Bảy Dũng - Chính ủy, anh Lê Bá Ước - Phó chính ủy bắt tay tôi tỏ vẻ phấn chấn và căn dặn: - Chiến trường đang chuyển biến mau lẹ, có thể tính từng ngày, từng tuần. Về phải bắt tay ngay để hành động đấy “Bọ” nhé! “Bọ” có nghĩa là Bố - các anh đùa vui, vì tôi là dân Can Lộc, Hà Tĩnh ấy mà. Tất cả được một trận cười vang đầy chất hài hước của lính. Tuy bọn tôi đều trải hai mùa kháng chiến, nhưng cái chất trẻ trung gần như còn nguyên vẹn.

dt4dt4-1730386709.jpg

CCB Nguyễn Văn Chương & Thành Đô ( bên trái), CCB Đặc công 113 tại Đài tưởng niệm 146 Anh hùng Liệt sỹ Đoàn Đặc công 113 hy sinh tại Biên Hòa, Đồng Nai . Ảnh chụp ngày 17/6/2022 P. Tân Hòa ,TP Biên Hòa - Ảnh Thành Đô.

 

Đúng như các anh căn dặn, khi tôi bước chân về tới cứ Trung đoàn bắt gặp những ánh mắt, nụ cười của mọi người tươi trẻ lạ. Họ vui vì mấy tháng xa nhau, giờ gặp lại, hỏi thăm đủ chuyện trên miền Bắc trăm mến ngàn thương. Và một cái vui hiện hữu là khí thế chiến trường đang dồn dập nở hoa chiến thắng. Tất cả đã ở trên “Bệ phóng”, đội hình Trung đoàn đã vào tư thế, các mục tiêu, lực lượng đều

đã xong xuôi. Đầu tháng 4 năm 1975 đã khởi đánh Xuân Lộc, địch đang điên cuồng chống cự, tình hình sôi động khác thường. Lúc này căn cứ Trung đoàn vẫn ở đường Lệ Xuân, Hiếu Liêm. Một buổi chiều, như mọi buổi chiều trời vừa nhạt nắng, những vầng sáng sót lại nhuộm thẫm những cánh rừng. Chim ríu ran gọi nhau về tổ. Nếu không có những tiếng bom rền, đạn nổ từ xa vọng lại thì nơi đây quả là chốn yên bình.

- Báo cáo thủ trường, có điện! Tôi đang vui chuyện trên bàn trà ghép bằng cây rừng với anh em cơ quan, nghe báo cáo ngoái lại tiếp nhận bức điện “Thượng khẩn” từ tay anh cơ yếu. Nội dung ghi: - Trung đoàn Đặc công 113 tăng cường cho Quân đoàn 4 để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ! Tôi đọc đi đọc lại mấy lần, rồi chuyển bức điện cho các anh trong Ban Chỉ huy đọc để nhận định tình hình. Kể từ ngày thành lập, mấy năm qua Trung đoàn hoạt động theo phương thức đánh sâu, đánh hiểm kể cả xung lực, hoặc hỏa lực pháo binh, sử dụng lực lượng gọn. Đánh lớn như mở đầu bằng pháo kích vào sân bay Biên Hòa đầu tháng 8 năm 1972 của Tiểu đoàn pháo 174, tính ra lực lượng phục vụ khá đông. Nhưng lúc trực tiếp tác chiến cũng chỉ gọn nhẹ mà đạt hiệu quả rất cao. Nay huy động toàn Trung đoàn ra quân, chắc đánh lớn đây? Tôi nhận định thế nhưng còn cụ thể... thú thực chưa nắm chắc được, vì còn chờ chủ trương lớn của trên. Sáng hôm sau, tôi - Trung đoàn trưởng; anh Vũ Quớ - Trung đoàn phó cùng tiểu đội trinh sát khăn gói quả mướp lên đường. Tắt rừng, nhiều chặng theo lối mòn nhưng đều phải cảnh giác biệt kích, thám báo phục hoặc cài mìn. Chiều tối tới thượng nguồn sông La Ngà, vào trạm khách Quân đoàn 4. Cơm nước, tắm rửa thật khoan khoái, ngủ đêm sáng hôm sau vào gặp đồng chí Hoàng Cầm - Tư lệnh Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ. Qua một ngày lội bộ đường rừng khá mệt mỏi, đáng ra phải được chìm sâu vào giấc ngủ ngon lành. Song với tôi thì ngược lại, giấc ngủ chập chờn bởi theo linh cảm của một người lính trận mạc, ngƣời chỉ huy cấp chiến thuật, qua diễn biến của chiến trường có thể phán đoán ngày thắng lợi đã tới gần. Trong thời khắc lịch sử ấy, mỗi người lính ngã xuống trước giờ toàn thắng thì niềm đau thân nhân họ theo cấp số nhân, và... ai dám khẳng định điều gì xảy ra... Miên man suy nghĩ đưa tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Tôi chợt tỉnh bởi giòn giã những chú tắc kè đua nhau lên tiếng râm ran cả cánh rừng. Mãi tới khi bước vào làm việc với Tư lệnh Quân đoàn, những gì dồn nén trong tôi mới được hóa giải. Trung đoàn Đặc công 113 - có mấy nhiệm vụ: Một là, đánh chiếm, bảo vệ cầu Ghềnh và cầu Hóa An (cầu Mới) chốt giữ để Sư đoàn 7 cùng Quân đoàn 4 tiến về giải phóng Sài Gòn.

Hai là, đánh chiếm căn cứ chiến đoàn 15 thiết giáp Hốc Bà Thức để mở cửa cho Sư đoàn 7 tiến công sân bay Biên Hòa và bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy. Sau khi đánh chiếm cầu, đón đại quân tiến vào Sài Gòn, đơn vị vẫn tiếp tục chốt giữ căn cứ Hốc Bà Thức và giữ vững hai cầu. Nhiệm vụ cụ thể là vậy, nhưng giờ “G” và ngày “N” đều chưa được trên cho hay. Nên bản thân tôi vẫn băn khoăn. Đây là lần đầu tiên trong đời cầm quân của mình tôi cảm thấy vừa phấn chấn xen lẫn sự hồi hộp trước một sự kiện sắp nổ ra mang nhiều ý nghĩa đến nhƣ vậy. Sau khi nhận nhiệm vụ, cũng trên chặng đƣờng ấy, nhưng lúc trở về chúng tôi thấy quãng đường như ngắn lại, chỉ hơn nửa ngày là tới cứ. Đến nơi, chúng tôi tiến hành họp Đảng ủy trung đoàn ngay để triển khai lãnh đạo. Tiếp đó một hội nghị quân chính cũng được tiến hành. Tiểu đoàn 9, đại đội trinh sát 53 cùng một bộ phận cơ quan Trung đoàn tham gia đánh chiếm căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức, Tiểu đoàn 23 đặc công và Tiểu đoàn pháo binh 174 - bố trí trận địa gần bãi khai thác đá Hóa An để hỗ trợ đánh chiếm cầu Ghềnh và cầu Mới.

Phân công chỉ huy gồm: anh Ninh - Trung đoàn phó; anh Ba Triệt - Chính ủy đi với Tiểu đoàn 9 đánh chiếm Hốc Bà Thức; Tôi - Trung đoàn trường; anh Hai Nghiêm - Tham mưu trưởng; anh Tư Trang - Phó chính ủy đi với Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 hướng cầu Mới và cầu Ghềnh.

Ngày 22 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 9, đại đội 53 cùng bộ phận Trung đoàn bộ từ căn cứ Tân Uyên hành quân tới căn cứ Bùng Binh, xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu để ém quân. Còn Tiểu đoàn 23 và 174 vẫn ở vị trí cũ. Sau khi tập kết xong đội hình, ngày 26 tháng 4 năm 1975 mới được phổ biến thời gian cụ thể là: sáng ngày 26 rạng 27 tháng 4, các đơn vị tập kết xong lực lượng. Đúng 4 giờ sáng ngày 27 tháng 4 chờ lệnh. 4 giờ 30 phút sáng nổ súng chiến đấu. Đây không phải lần đầu tiên vào trận, sao hôm nay có cái gì đó vừa hồi hộp, bồn chồn, vừa rạo rực tin tưởng trong sự chờ đợi theo nhịp đập của thời gian. Đến giờ quy định, các mũi xung lực ở cả cầu Mới và cầu Ghềnh đột nhập, chiếm lĩnh khá dễ dàng. Bị bất ngờ, bọn lính bảo vệ chống cự yếu ớt và bị đánh bật khỏi cầu mà chưa cần tới hỏa lực pháo chi viện.

Song, như chúng ta đã biết, cả cầu Ghềnh và cầu Mới nằm ngay trung tâm thị xã Biên Hòa, có vị trí cực kỳ quan trọng với địch cả giao thông cũng như cơ động binh khí, kỹ thuật không dễ gì để rơi vào tay đối phương. Vì vậy, từ khoảng 10 giờ sáng ngày 27 tháng 4, một chiến đoàn thuộc sư đoàn 18 ngụy tổ chức phản kích chính diện để lấy lại cầu. Anh em dùng B40-B41, lựu đạn, súng trang bị tự có, lợi dụng địa hình, địa vật chống lại quyết liệt. Ta vẫn giữ vững hai cầu, địch bị chết rất nhiều. Tối hôm ấy, ta tranh thủ tăng cường đạn dược củng cố ý chí quyết tâm chiến đấu và lƣờng trƣớc những khó khăn ác liệt bội phần. Đúng vậy, tiếp ngày 28 và 29 tháng 4, một tiểu đoàn của sư 18 được tăng cường thêm một tiểu đoàn dù ở sau Cầu Hang chia làm hai hướng đánh vào Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 23 của ta, đặt tại làng gốm Bửu Hòa. Với cuộc đọ sức khá chênh lệch về người và phương tiện,

địch tưởng sẽ đè bẹp đối phương và làm chủ tình thế. Nhưng, một mặt anh em lợi dụng địa hình, tiêu diệt những tốp lính gần nhất. Mặt khác, pháo binh ta đặt cách đó vài ba cây số bắn trực tiếp xuống đội hình và kiềm chế trận địa pháo địch đặt ở núi Châu Thới. Đội hình địch rối loạn, nhiều tên bỏ mạng. Tuy vậy, sáng ngày 29, lực lượng Tiểu đoàn 23 tổn thất nặng nề, có đại đội cả Ban Chỉ huy ba đồng chí đều hy sinh. Tới trưa, trận địa ta bị địch chọc thủng và cầu Mới bị chúng phá sập hai nhịp này trước đây đã bị tổ đặc công ta đánh sập, địch bắc lại nhưng chưa chắc chắn. Riêng cầu Ghềnh ta vẫn bám trụ và giữ vững cho đến ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975. Tối 27 và 28, số anh em thương binh được đưa về trạm phẫu Trung đoàn đặt tại lô cao su giáp giữa Dĩ An và Tân Uyên cấp cứu, để sáng ngày 29, anh Ba Triệt dùng xe ô tô của dân đưa về bệnh viện Biên Hòa. Do cầu Hóa An bị sập hai nhịp, cầu Ghềnh yếu xe tăng loại T54 không đi được, nên Sư đoàn 7 chỉ tổ chức một số bộ phận cùng với xe tải nhẹ hành quân qua hướng Thủ Đức và cầu Bình Phước. Hai sư đoàn còn lại của Quân đoàn 4 cùng xe tăng theo xa lộ qua cầu Sài Gòn và tiếp tục đánh chiếm các mục tiêu được phân công như bộ quốc phòng ngụy cùng một số địa điểm khác dọc đường tiến quân cho tới dinh Độc Lập, tòa Bố Chánh Sài Gòn. Trong những ngày chiến đấu ở đây, mặc dù bom đạn, hy sinh, nhưng đêm đêm cán bộ, chiến sĩ vẫn nhận được tiếp tế cơm, nước của nhân dân địa phương. Tôi còn nhớ có một thanh niên còn khá trẻ trực tiếp tới cung cấp những thông tin về địch để đơn vị nắm và có phương án đối phó. Đặc biệt, số liệt sĩ cũng nhờ cô bác chôn cất để sau này có điều kiện quy tập về nghĩa trang cùng đồng đội yên nghỉ đời đời. Sau khi Biên Hòa được hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn triển khai làm nhiệm vụ quân quản tại đây, ít lâu sau được lệnh hành quân về thành Quan Năm ở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh truy quét bọn tàn quân, và lần lượt làm nhiệm vụ khác. Trước không khí chiến thắng với niềm vui tràn ngập, ngày 8 tháng 9 năm 1975, Trung đoàn tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ nhất. Và tháng 10 năm ấy, theo lệnh của Bộ, Tiểu đoàn 9, đại đội trinh sát 53, đại đội thông tin lại bổ sung về các đơn vị, và tôi xa Trung đoàn từ đó. Trải qua những năm chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ trên mảnh đất Biên Hòa, Đảng Bộ, nhân dân tỉnh nhà che chở, đùm bọc Trung đoàn như con em ruột thịt. Tình cảm sâu nặng ấy không thể gì sánh được.

Năm tháng sẽ qua đi, song trang sử vàng truyền thống của Trung đoàn 113 đặc công - đơn vị ba lần Anh hùng, sẽ mãi mãi gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của Biên Hoà - Đồng Nai như một nét son thắm đỏ. Được biết, qua phát hiện và đề nghị của anh Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy U1 và Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai khóa 5 cùng Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn, đề nghị với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo thành phố Biên Hòa, sẽ khảo sát, xây dựng một bia tưởng niệm tại đầu cầu Ghềnh để khắc ghi tên, tuổi 52 liệt sĩ của Tiểu đoàn 23 đặc công của Trung đoàn đã anh dũng ngã xuống trước giờ toàn thắng.

Làm được điều đó, hồn thiêng các anh hẳn ngậm cười, và chúng tôi - những đồng đội thân yêu cũng lấy làm mãn nguyện. Để một ngày nào đó dòng sông Đồng Nai trong xanh nước biếc soi bóng những Anh hùng.