“Tình cha” nơi biên thùy

Ở nơi biên giới xa xôi của tỉnh Kon Tum, mây mù bao phủ khắp núi rừng và những dãy núi trập trùng như nhân lên cái sương hơi, gió lạnh. Nhưng ở vùng đất tưởng chừng chỉ có sỏi đá và gian khó ấy, vẫn sáng lên những ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương và tình người. Ở đó, có một “gia đình” đặc biệt – những người lính biên phòng và những đứa trẻ không cùng huyết thống.


 

img-0542-1735046459.jpeg
Cán bộ Đồn Biên phòng Mo Rai chở A Ứng đến trường.

Anh bộ đội “nhỏ” ở biên cương

Khi bình minh vừa ló dạng, ánh mặt trời chiếu qua những rặng núi hùng vĩ, ở trong đồn biên phòng Mo Rai, A Ứng-“anh bộ đội nhỏ” đã dậy từ sớm, háo hức với những công việc quen thuộc. Một ngày mới bắt đầu bằng việc tự gấp chăn màn. Tấm chăn được xếp vuông vắn như một khối bánh chưng, gọn gàng và chỉn chu, thể hiện tinh thần kỷ luật đã thấm nhuần qua từng ngày sống bên những người cha áo lính.

Trước khi đi học, A Ứng lại theo các “bố” đi quanh khu vực doanh trại, tham gia quét dọn, chăm sóc cây xanh. Dẫu những công việc ấy đơn giản, nhưng lại giúp cho A Ứng hiểu rằng mỗi người đều phải trách nhiệm giữ gìn không gian chung của mình, như cách các chú bộ đội đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất biên cương.

A Ứng-cậu bé người dân tộc Gia Rai, ở làng Grập, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy là một trong những đứa trẻ được đồn Biên phòng Mo Rai nhận nuôi. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng xa, A Ứng ở với bà nhưng đã tuổi cao sức yếu, tưởng phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nắm bắt được việc này, năm 2019, Đồn Biên phòng Mo Rai đã làm các thủ tục với chính quyền địa phương, hỗ trợ đưa vào sống cùng cán bộ, chiến sĩ.

Những ngày đầu được đưa về đồn biên phòng, A Ứng hầu như không nói chuyện với ai, đôi mắt tràn ngập nỗi buồn. Nhưng gần 6 năm trôi qua, A Ứng đã mạnh dạn hơn, cứng cáp hơn, đã không còn là cậu bé rụt rè ngày nào.
“Ngày mới về đồn, có những ngày thằng bé khóc buồn. Chúng tôi thay nhau dỗ dành. Nhìn đôi mắt nó ngấn nước, chúng tôi thấy lòng cũng nghẹn lại”, Đại úy A Hùng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng chia sẻ.

Hằng ngày, sau giờ làm nhiệm vụ, các chiến sĩ thay phiên nhau giúp em học chữ, dạy em cách tự chăm sóc bản thân và chia sẻ những câu chuyện đời thường. Họ không chỉ là người nuôi dưỡng mà còn là người thầy, người bạn, người cha trong cuộc đời A Ứng. Khi không phải cầm súng tuần tra nơi biên giới, những người chiến sĩ lại trở thành những “bảo mẫu” kiêm gia sư. Ngoài việc chăm sóc, dạy học, các chiến sĩ còn dạy cách tự chăm sóc bản thân, rèn kỷ luật và những kỹ năng sống cần thiết. Em được hướng dẫn cách nấu ăn, trồng rau, thậm chí học cách sơ cứu những vết thương đơn giản. Những kỹ năng tưởng chừng nhỏ bé ấy lại là hành trang quý giá, giúp em tự lập và trưởng thành hơn.

Và hiện nay, một trong những phần yêu thích nhất trong ngày của A Ứng chính là khi được tham gia các hoạt động như một “chiến sĩ thực thụ”. Với sự hướng dẫn tận tình của chiến sĩ, A Ứng được trải nghiệm những bài tập đơn giản như tập đội hình, đội ngũ, đi đều bước hay học cách chào theo nghi thức quân đội.

“A Ứng rất háo hức mỗi khi được giao nhiệm vụ. Dù chỉ là những việc nhỏ như chuyển đồ, gấp chăn màn hay phụ giúp nấu ăn, nhưng em luôn làm với tinh thần rất nghiêm túc, trách nhiệm. Đặc biệt, các em còn được dạy về lòng yêu nước và trách nhiệm với quê hương. Qua những câu chuyện kể về cuộc sống gian khổ của người lính, về những hy sinh thầm lặng để bảo vệ biên giới, để A Ứng hiểu rằng màu áo xanh các chú đang khoác không chỉ là màu sắc, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, lòng trung thành với đất nước”, Đại úy Hoàng Sĩ Nam, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mo Rai chia sẻ.

Ở vùng biên giới này, không ít những đứa trẻ sinh ra đã phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình. Có em mồ côi cha mẹ, có em gia cảnh quá nghèo khó, bữa ăn hằng ngày còn là một nỗi lo lớn. Thấu hiểu những mất mát, thiếu thốn ấy, những người lính biên phòng đã mở rộng vòng tay, dang rộng tình thương để trở thành chỗ dựa cho các em. Với họ, đứa trẻ ấy không chỉ còn là trách nhiệm, mà còn là một phần không thể thiếu của cuộc sống khi đã gắn bó cùng nhau trong suốt một khoảng thời gian.

img-0541-1735046460.jpeg
Cán bộ Ðồn Biên phòng Mo Rai hướng dẫn A Ứng học bài

Khi tình thương lấp đầy khoảng trống

A Ứng năm nay đã 14 tuổi, cũng là lúc em sắp phải chia tay những người “cha” nơi đây để chuẩn bị chuyển học vào môi trường mới, không còn hằng ngày ở nơi đây. Thầy giáo Vũ Cao Núi, Tổng phụ trách trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum – ngôi trường A Ứng theo học, cho biết, những ngày đầu đến trường, em A Ứng là một học sinh khá nhút nhát, ít giao tiếp, học lực chỉ ở mức trung bình. Được sự quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo tận tình của các chú bộ đội, thầy cô, em Ứng đã tự tin hơn, đặc biệt là kết quả học tập của em tiến bộ hơn, và có cơ hội được tuyển thẳng vào trường dân tộc nội trú, ở thành phố Kon Tum.

“Mặc dù có thể phải chia tay nhưng nhìn thấy em trưởng thành và trở thành con người có ích chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của những người chiến sĩ”, Đại úy A Hùng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng chia sẻ.
Kon Tum – vùng đất biên cương đầy nắng gió, nơi cuộc sống của người dân vẫn còn chật vật giữa những cơn đói nghèo. Ở đó, những đứa trẻ sinh ra đã thiếu đi cơ hội được yêu thương trọn vẹn. Có em mất cha mẹ từ thuở lọt lòng, có em gia đình tan vỡ, phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Thế nhưng, giữa những thiếu hụt ấy, các chiến sĩ biên phòng đã xuất hiện như những "người cha" âm thầm nhưng đầy yêu thương. Họ không chỉ đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió để giữ gìn biên cương, mà còn dang rộng vòng tay làm nơi nương tựa cho những số phận mong manh, nhỏ bé.
Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” như một làn gió mang theo hy vọng và ánh sáng đến những mảnh đời bất hạnh. Nhưng hơn cả, chương trình ấy chính là câu chuyện đẹp về tình người, về trái tim rộng lớn của những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Thực hiện hướng dẫn của Cục Chính trị, Bộ đội Biên phòng về thực hiện Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cơ sở tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và quần chúng nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa bàn. Đến nay, đã có 14/16 đồn Biên phòng có địa bàn phụ trách quản lý nhận nuôi 15 cháu cụ thể gồm: Đồn Biên phòng Đăk Blô, Đăk Nhoong, Đăk Long, Dục Nông, Đăk Xú, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, Sa Loong, Rờ Kơi, Mo Rai, Hồ Le, Ia Dom, Sa Thầy, Sê San mỗi đơn vị nhận nuôi một cháu.
Riêng các đồng chí trong Bộ Chỉ huy, các phòng, văn phòng và các đơn vị không phụ trách địa bàn đóng góp số tiền 200.000đ/1 tháng/1 cháu. Từ năm 2019 đến nay số tiền đã đóng góp là 194.800.000đ. Số tiền này để hỗ trợ thêm cho các cháu vào dịp lễ khai giảng, tổng kết năm học, mua các dụng cụ học tập...

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Quốc Việt, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, là việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hướng về đồng bào các dân tộc nơi biên giới; thực sự là điểm tựa, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo vùng cao, biên giới có cơ hội được cắp sách tới trường; góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết quân dân; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Những người lính với tình yêu thương giản dị mà chân thành, đã làm nên điều kỳ diệu. Họ đã và đang viết nên câu chuyện đẹp đẽ về tình người, về tình cha con ở nơi biên giới xa xôi. Và ở trong những vùng đất Kon Tum đầy nắng gió, những đứa trẻ luôn cảm thấy yên tâm, an toàn, trong một mái ấm, một gia đình – nơi mà tình yêu thương luôn được sưởi ấm bằng trái tim của những “người cha".
Đức Hiếu thường Thắng