Honda và Nissan xác nhận đang đàm phán hợp nhất kinh doanh

Sự kết hợp giữa Honda và Nissan không chỉ mang lại quy mô lớn hơn mà còn tạo điều kiện để cả hai doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực quản lý, kiến thức, nhân lực và công nghệ. 

Vào ngày 23/12/2024, hai "ông lớn" trong ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản là Honda Motor và Nissan Motor đã xác nhận tiến hành các cuộc đàm phán về việc sáp nhập. Theo tuyên bố chung, hai công ty đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán vào tháng 6/2025 và chính thức thành lập liên doanh vào tháng 8/2026.

Nếu được hiện thực hóa, việc hợp nhất sẽ tạo ra tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Toyota và Volkswagen, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trước các đối thủ từ Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện – thị trường đang phát triển nhanh chóng.

Sự kết hợp giữa Honda và Nissan không chỉ mang lại quy mô lớn hơn mà còn tạo điều kiện để cả hai doanh nghiệp tận dụng các nguồn lực quản lý, kiến thức, nhân lực và công nghệ. 

Việc này được kỳ vọng sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp, tăng khả năng thích ứng với các biến động của thị trường, đồng thời cải thiện giá trị doanh nghiệp trong trung và dài hạn.

Honda-2-1735006321-8586-17350065
 

Theo đại diện của Honda, việc tích hợp các lĩnh vực sản xuất ô tô bốn bánh của Nissan và Honda, cùng với xe máy và các sản phẩm năng lượng của Honda, sẽ tăng sức hấp dẫn của thương hiệu. Đồng thời, tập đoàn mới sẽ tập trung mang lại các sản phẩm và dịch vụ đổi mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng toàn cầu.

Ông Toshihiro Mibe - Giám đốc điều hành Honda - nhận định: "Ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Việc tạo ra giá trị di chuyển mới bằng cách kết hợp nguồn lực, kiến thức, và công nghệ từ Honda và Nissan là yếu tố then chốt để vượt qua các khó khăn này. 

Dù hiện tại mới chỉ là bước khởi đầu trong quá trình đánh giá, nhưng chúng tôi cam kết hướng tới việc đưa ra quyết định chung vào đầu năm 2025 và trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc mang đến giải pháp di chuyển hiện đại".

Theo kế hoạch, Honda và Nissan sẽ thành lập một ủy ban chuẩn bị hợp nhất nhằm đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ. Công ty cổ phần chung sẽ được thành lập thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần và sẽ đóng vai trò là công ty mẹ của cả hai doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất sáp nhập, cả Honda và Nissan sẽ trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty cổ phần này.

Honda-1734486614-4361-1734487235
 

Dự án hợp nhất này còn phụ thuộc vào sự phê duyệt của đại hội cổ đông tại hai công ty cũng như các cơ quan chức năng liên quan. Cả hai cam kết tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu một cách bình đẳng, nhằm bảo toàn giá trị đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.

Lịch trình hợp nhất kinh doanh đã được công bố với các mốc thời gian quan trọng như sau:

  • Ngày 23/12/2024: Nghị quyết của Hội đồng Quản trị và ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU)
  • Tháng 6/2025 (dự kiến): Ký kết thỏa thuận chính thức về hợp nhất kinh doanh (bao gồm kế hoạch chuyển nhượng cổ phần)
  • Tháng 4/2026 (dự kiến): Họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của các công ty (thông qua nghị quyết về chuyển nhượng cổ phần)
  • Cuối tháng 7 - tháng 8/2026 (dự kiến): Hủy niêm yết khỏi TSE
  • Tháng 8/2026 (dự kiến): Ngày có hiệu lực của việc chuyển nhượng cổ phần
honda nissan dam phan_2412
 

Theo thông tin từ Honda, việc hợp nhất kinh doanh có các lợi ích dự kiến như:

1. Gia tăng quy mô và chuẩn hóa nền tảng xe: Việc hợp nhất các nền tảng xe trên nhiều phân khúc sẽ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm chi phí và tạo ra các dòng sản phẩm ưu việt hơn. Điều này không chỉ cải thiện hiệu suất phát triển mà còn tối đa hóa giá trị đầu tư.

2. Nâng cao năng lực phát triển thông qua tích hợp R&D: Hai công ty đang hợp tác nghiên cứu các công nghệ cơ bản, bao gồm nền tảng cho xe SDV. Sau hợp nhất, việc tích hợp các hoạt động R&D sẽ giúp nâng cao chuyên môn, tối ưu hóa chi phí và phát triển nhanh chóng các công nghệ ứng dụng tiên tiến.

3. Tối ưu hóa hệ thống sản xuất: Việc sử dụng chung cơ sở sản xuất và dây chuyền sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm chi phí cố định và nâng cao năng suất.

4. Cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng: Việc hợp lý hóa quy trình mua sắm và chia sẻ nguồn cung chung sẽ tối ưu hóa chi phí, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

5. Tiết kiệm chi phí vận hành: Tích hợp hệ thống và chuẩn hóa quy trình sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí hoạt động.

6. Tăng cường quy mô trong tài chính bán hàng: Hợp nhất các dịch vụ tài chính sẽ mang lại nhiều giải pháp di chuyển mới mẻ cho khách hàng, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động.

7. Phát triển nhân tài trong lĩnh vực AI và điện khí hóa: Việc hợp nhất giúp xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kỹ năng và thu hút tài năng, hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi sang AI và xe điện.