Thông tin từ Viện hoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, lan đai châu phân bố trên vùng núi cao từ 600m trở lên so với mặt nước biển, hiện là dòng lan quý hiếm so với nhiều loại lan khác đang phổ biến trên thị trường hiện nay.
Trước đây, lan đai châu trong rừng còn nhiều, cứ đến tháng 10 âm lịch hàng năm, vào mùa mưa là trái lan tách hạt bay đầy rừng. Hạt lan đai châu phát tán trong không khí, nhưng do không có nội nhủ nên trong điều kiện bình thường hạt không thể nẩy mầm. Khi phát tán, nếu gặp đúng nấm cộng sinh thì mới có thể nẩy mầm. Do đó, tỷ lệ nẩy mầm của lan đai châu trong tự nhiên rất thấp. Nếu người dân mang hạt về ươm trong điều kiện bình thường, hạt cũng không nẩy mầm.
“Do đó, nhóm nghiên cứu thuộc Bộ môn Rau hoa cây cảnh của Viện thu lượm trái mang về tách lấy hạt, rồi áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để bảo tồn, phát triển dòng lan quý đai châu”, TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng Viện hoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ nói.
Theo Th.S Lê Đức Dũng, Phó trưởng Bộ môn Rau hoa cây cảnh (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ): Bộ môn đã áp dụng công nghệ nuôi cấy mô bảo tồn nguồn gen và phát triển dòng lan đai châu được 4 năm nay. Sau này, khi hạt lan đai châu trong tự nhiên cạn kiệt, Bộ môn sẽ lấy ngọn, lá, chồi hay thân của những cây lan khỏe mạnh, đã cho hoa tự thụ lại để nhân giống. Hoặc chọn những cây lan khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, có hoa đẹp làm cây bố mẹ, sau đó lấy hạt từ quả của những cây này và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để tiếp tục nhân ra.
Lan đai châu hiện nay trong tự nhiên gần như đã “vắng bóng” do bị khai thác đến cạn kiệt. Bởi thế, hiện 1 cây lan khai thác từ rừng về có giá đến 2 triệu đồng. Trong khi đó, lan đai châu do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cấy trồng bán chỉ 300.000 đ/cây. Hiện nay, người chơi lan ở Bình Định và người Bình Định đang định cư ở TP. HCM và nhiểu tỉnh, thành khác rất thích chơi loại lan này nên mua rất mạnh.
Lan đai châu được người chơi hoa lựa chọn bởi nếu năm nào không phải năm nhuận, hoa là sẽ ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, bởi thế nó còn có tên gọi là lan nghinh xuân. Thêm vào đó, lan đai châu cho hoa rất thơm và kéo dài đến 25 - 30 ngày.
Cũng theo TS Vũ Văn Khuê, mục tiêu chính của việc áp dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân lan đai châu của Bộ môn Rau hoa cây cảnh là để bảo tồn nguồn gen, phát triển một dòng lan quý hiếm. Từ nguồn lan Viện đang có, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn ra những cây phát triển tốt nhất, cho hoa đẹp nhất để nuôi lấy hạt, sau đó áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tiếp tục nhân ra để cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người mê chơi lan.