Kỳ 1: Những người lính trẻ tiếp bước cha anh đi giữ nước.
Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước hòa bình, thống nhất, những tưởng chiến tranh đã vĩnh viễn lùi xa, chúng tôi đâu biết rằng, suốt từ 1975-1978 ở biên giới Tây Nam, chế độ Khmer Đỏ tàn bạo do Pol Pot – Ieng Sary cầm đầu ở Campuchia đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, giết hại hàng vạn đồng bào ta. Lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi chúng tôi phần lớn đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa kịp bắt đầu với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng trong thời bình đã phải từ giã mái trường thân yêu, nối tiếp truyền thống cha anh đi giữ nước.
Chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tim người chiến sĩ
Những ngày cuối tháng 11-1977, các địa phương trong tỉnh Bình – Trị - Thiên đồng loạt giao quân cho đơn vị Sư đoàn bộ binh 304 (F304) đóng quân tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là thành phố Đà Nẵng). Đây là đơn vị anh hùng, ra đời trong thời kỳ chống Pháp, lập nhiều chiến công trên khắp các chiến trường, được mệnh danh là Sư đoàn “Quả đấm thép” của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau hơn 4 tháng huấn luyện tân binh, chúng tôi được điều chuyển về các đơn vị tiếp tục huấn luyện kỹ chiến thuật quân binh chủng, sức bền hành quân cơ động. “Thao trường đổ mổ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, hơn 9 tháng huấn luyện gian khổ nữa thử thách ý chí chúng tôi. Tôi được biên chế vào khẩu đội hỏa lực súng máy hạng nặng 12ly7 thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 1, trung đoàn 9. Khẩu đội có 10 người, tôi và Dũng được giao thay nhau làm xạ thủ số 1. Đại đội trưởng bấy giờ là trung úy Phạm Hồng Xuyên (nay ở thành phố Thanh Hóa) mà tôi đã tìm và có dịp gặp lại anh vào một ngày cuối năm 2024 sau 45 năm biệt tin tức.
Các tân binh Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 ngày đầu nhập ngũ - Tác giả đứng thứ 2 từ phải sang
Nơi đóng quân và thao trường của đơn vị là vùng bán sơn địa miền tây Đà Nẵng, nắng cháy, đất cằn khô xen lẫn những tảng đá xanh to nằm lổn nhổn, chỉ có cây bụi thấp và loài cây chà là gai là có thể sống được. Các bài huấn luyện vận động tấn công, bắn máy bay bay thấp, bắn chế áp bộ binh, hành quân đêm, đánh luồn sâu v.v... của đại đội tôi đều diễn ra trên thao trường ở mấy quả đồi bát úp quanh doanh trại. Những vết cào xước rớm máu bởi cây gai và cái nắng chói chang của mảnh đất miền Trung chẳng mấy chốc đã biến những chàng tân binh dáng thư sinh thành những anh lính rắn rỏi, nước da sạm màu mưa nắng. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ, nhiều đêm đang say “như chết” trong giấc nồng thì còi báo động và mệnh lệnh hành quân vang lên, ai nấy giật bắn người, bật nhảy ra khỏi giường như chiếc lò xo bung, trong phút chốc đã quân phục chỉnh tề tập hợp đội hình. Những lần đầu chúng tôi chỉ tập hành quân vài cây số, mang vác nhẹ, sau tăng dần cả độ dài quãng đường và trọng lượng mang vác, đi xuyên đêm, có lúc phải chạy theo các tình huống giả định.
Rồi cũng quen dần với gian lao, nhưng có một thứ mà cánh lính trẻ rất khó quen đó là cái đói cứ cồn cào và nổi nhớ nhà da diết. Những năm sau 1975, kinh tế đất nước khó khăn, tuy tiêu chuẩn ăn của lính 18kg lương thực một tháng nhưng phân nửa là độn sắn, bột mì, rồi hao hụt... mỗi bữa chỉ được lát mì luộc mỏng, lưng chén cơm và rau luộc với chút nước mắm pha loãng, gọi vui là “nước chấm đại dương”. Nhiều hôm tôi đói cồn cào không sao ngủ được, nằm mong cho trời mau sáng. Giải trí thì càng nghèo nàn, ngày đó làm gì có điện thoại, truyền hình, thư nhà thì cả tháng mới nhận được, cả tiểu đội đọc chung. Có vài anh không chịu được nỗi nhớ vợ trẻ, nhớ người yêu đã trốn về thăm mấy hôm rồi quay lại đơn vị xin chịu mọi hình thức kỷ luật. Ấy thế nhưng chỉ huy không đối xử “quân phiệt” với lính vì đó là hành vi cấm kỵ trong Điều lệnh quân đội. Còn lính ta thì rất đoàn kết, chưa bao giờ thấy ẩu đả xảy ra trong đơn vị. Có lẽ “10 lời thề danh dự” và “12 Điều kỷ luật” của Quân đội đã thấm vào máu của mỗi người lính. Cái chất “Bộ đội Cụ Hồ” cũng bắt đầu hình thành và ngấm sâu trong tim người chiến sĩ từ đó.
Đường ra miền biên viễn
Bồi hồi đọc lại những trang nhật ký đã nhòe, tôi vẫn hình dung ra được ngày 17-12-1978. Đó là một chiều Chủ nhật mùa đông, trời mưa phùn và se se lạnh, thời gian có vẻ trôi chậm hơn với những người lính xa nhà, chúng tôi nhận lệnh hành quân, chập tối thì lên đường, hôm sau lại quay về doanh trại – thì ra đó chỉ là một cuộc nghi binh. Suốt cả tuần sau, toàn đơn vị “cắm trại 100%” rồi bí mật xuất phát vào đêm khuya 24-12-1978. Là người lính, có lệnh là đi. Toàn trung đoàn lặng lẽ hành quân bộ khoảng 25 km xuyên đêm, men qua chân mấy quả đồi vắng xa khu dân cư rồi ra đường lộ, hướng về nơi có vầng sáng của ánh đèn đêm thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi cắm cúi đi, giữ khoảng cách như những lần huấn luyện trước đây, đường xa nhưng những bước chân người chiến sĩ đã luyện rèn vẫn thấy nhẹ như không. Trời vừa tảng sáng thì chiến sĩ cuối cùng của đơn vị cũng đã vào trong khu vực sân bay Đà Nẵng.
Làng quê miền biên viễn thanh bình ở Đức Huệ, Long An và cột mốc chủ quyền Việt Nam trên cánh đồng (Nhìn từ đường tuần tra biên giới)
Tiếng động cơ máy bay gầm rú đinh tai nhức óc, cất hạ cánh liên tục. Bộ đội nghỉ tạm tại chỗ, gối đầu lên ba lô tranh thủ chợp mắt chờ đến lượt bay. Lần đầu được đi máy bay, ai cũng háo hức tranh nhau nhìn làng quê, biển cả quê hương hiện ra dưới khung cửa sổ. Khi chiếc TU.134 hạ cánh, lăn bánh trên đường băng vào sân đỗ, chúng tôi mới biết mình đã đến phi trường Tân Sơn Nhất. Chúng tôi ăn bữa chiều với suất bo bo dai như cao su, nhai trẹo cả răng. Một hàng dài xe quân sự đang chờ sẵn. Cả đơn vị lên ô tô hành quân suốt đêm và cả ngày hôm sau, chỉ nghỉ ngơi vài chục phút để ăn trưa. Đoàn xe 2 lần qua phà, thi thoảng tôi đọc được địa danh trên các bảng hiệu còn sáng ánh đèn, biết mình đang qua địa phận tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long ngày nay), qua thành phố Cần Thơ, thị xã Long Xuyên (An Giang) hướng ra miền biên giới.
Trên xe quân sự mui trần, tôi phóng tầm mắt ra những cánh đồng trải dài mênh mông bát ngát, bấy giờ, lúa đã độ chín vàng, có nơi đã gặt xong. Lần đầu tiên đến đồng bằng Nam bộ, lòng tôi nao nao cảm xúc khó tả như muốn reo lên: Ôi, đồng quê miền biên viễn sao mà đẹp đến thế! Chúng tôi không ngờ rằng, phía sau những cánh đồng, làng quê đẹp đến nao lòng kia, đồng bào ta phải chịu bao tang tóc, đau thương.
Nhật ký chiến trường hơn 46 năm trước còn được lưu giữ, giúp tác giả phản ánh đầy đủ, trung thực hình ảnh cao đẹp và dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ trong công tác, chiến đấu (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đường mỗi lúc một khó đi, xe lắc mạnh, đôi lúc nhảy chồm lên. Đoàn xe đưa chúng tôi đến thị trấn Tri Tôn, cuối cùng đỗ quân ở xã Ba Chúc thuộc huyện Bảy Núi (cũ) tỉnh An Giang – nơi mà bọn lính Khmer Đỏ vừa sát hại hơn 3.000 đồng bào ta. Cảnh tượng làng mạc tan hoang, nhà cửa đổ nát vì đạn pháo của giặc khứa mãi vào tâm can người lính. Khi đơn vị chúng tôi hành quân đến xã Ba Chúc, nghe người dân nơi đây kể lại và mục sở thị chứng tích tội ác của chúng ở 2 ngôi chùa Phi Lai, Tam Bửu mà lòng uất nghẹn, sôi máu căm hờn, muốn cầm súng xung trận ngay lập tức để trừng trị quân giặc dã man. Nhìn cảnh tượng những vết máu của đồng bào mình còn tươi nguyên in trên tường 2 ngôi chùa mà không cầm được nước mắt, có gì đó quặn thắt trong lồng ngực, tự trách mình sao không đến sớm hơn để đồng bào phải chết thảm thương như thế?!
Những ngày và đêm cuối năm 1978 ở miền biên giới, tiếng súng, tiếng đại bác vẫn không ngớt vọng về. Đêm 28-12-1978, bọn giặc Khmer Đỏ còn hung hăng tràn sang lấn đất, đánh chiếm các chốt của du kích ta ở dọc kênh Vĩnh Tế (xã Ba Chúc). Có lẽ, chúng chưa biết đại quân ta đã áp sát và ngày tận số của chúng đang đến gần kề.
(Còn tiếp kỳ 2: Chiến dịch tổng phản công bảo vệ biên giới Tây Nam.)