Ngày 23-1-1979 (25 Tết Kỷ Mùi), đơn vị rời chốt hành quân truy quét địch, băng qua cánh đồng hoang ngập nước, tiến vào ngôi làng nằm rìa khu rừng rậm. Kênh rạch to nhỏ, ngang dọc tuy cạn nước nhưng cũng làm cho chúng tôi di chuyển khó khăn vì trơn trượt. Mới nửa buổi sáng mà trời nắng chói chang, chúng tôi cảm nhận nước dưới chân mình bắt đầu nóng lên.
Lòng bao dung, nhân đạo bị phản bội
Làng nhỏ có hơn chục nóc nhà, vườn không, nhà trống, duy chỉ có một người đàn ông Khmer trung niên bị thương đang ở trong một căn chòi. Tôi nhìn thấy hắn có dáng người khắc khổ, đang rên rỉ vì bị thương ở vùng bộ hạ. Không rõ các đồng chí chỉ huy xử lý ra sao, nhưng anh em thấy hắn bị thương thì tỏ ra tội nghiệp, băng bó vết thương, đối xử tử tế, đến bữa thì cho ăn. Tôi cũng trực tiếp đem cơm cho hắn ăn một lần, dù biết nó có thể là lính Khmer Đỏ, dù biết sự tàn ác của lũ Khmer Đỏ khi bắt được bộ đội ta là chúng hành hạ và giết chết, không trao trả tù binh bao giờ.
Tác giả thăm lại cầu Toeksab và Phum Smach Daeng, Preak Sihanouk, nơi khẩu đội 12ly7 của tác giả đóng quân, bảo vệ cầu, từng bị địch tập kích đầu tháng 3-1979
Khẩu đội tôi đóng chốt trên đồi cây lúp xúp nhìn ra bờ sông, kế bên là đơn vị bạn. Thi thoảng, bọn địch ra bìa rừng bên kia sông bắn tỉa mấy phát đì đọp rồi bỏ chạy, có hôm trực chiến, phục khi nó vừa bắn, chúng tôi bắn trả xối xả hết gần 1 thùng 70 viên 12ly7, thế nào cũng có đứa ăn đạn. Thật vậy, nhiều hôm sau không thấy tăm hơi chúng nữa.
Đêm đêm chúng tôi nằm giữa trời, bẻ ít lá cây mềm làm chiếu, đã bao đêm như thế, lá cây dày lên êm như nệm. Mà có ngủ được đâu, phiên gác đêm kéo dài, đề phòng địch tập kích.
Đêm khuya càng về sáng sương rơi nhiều càng lạnh. Muỗi thì hàng đàn cứ vo ve suốt bên tai. Hết phiên gác, tôi nằm co ro bên cạnh súng, lưng dựa vào khúc gỗ khô mục để giữ chút hơi ấm, chợp mắt lấy lại sức cho ngày mai. Rừng đêm âm u, tĩnh mịch, tiếng côn trùng thi nhau ngân nga nỉ non, có hôm, nó còn chui vào ngay khúc gỗ nơi tôi nằm kêu réo rắt nghe cũng vui tai. Tôi nằm im thưởng thức khúc nhạc thiên nhiên hoang dã, ít ra, nó cũng báo hiệu sự yên tĩnh và không có kẻ lạ đang đột nhập.
Đến đêm thứ tư thì bọn địch tập kích đơn vị bạn. Tiếng súng tiểu liên và từng tràng đại liên của ta bắn dòn dã, bỗng tiếng đại liên tắt đột ngột. Tôi đoán có sự chẳng lành, xin lệnh trung đội trưởng cho bắn 12ly7 về hướng súng nổ nhằm uy hiếp địch, hỗ trợ tinh thần cho đồng đội. Sáng hôm sau chúng tôi đau buồn biết tin xạ thủ đại liên của ta đã hy sinh, còn kẻ bị thương ở căn chòi kia - đích thị là tên Khmer Đỏ cũng biến mất. Kẻ thù đã phản bội lòng bao dung, nhân đạo của chúng tôi.
Lạc giữa rừng đêm 30 Tết
Sau trận địch tập kích, chiều 29 tháng Chạp Tết Kỷ Mùi - 1979 (tháng thiếu, tính 30 Tết), đơn vị tôi mở cuộc truy quét sang khu rừng bên kia sông. Khẩu đội tôi nhận lệnh cơ động bắn dọn đường để quân ta vượt sông. Theo chân trinh sát dẫn đường, chúng tôi tiến sâu vào rừng, chọn vị trí có độ cao rồi đặt súng bắn quét gần 2 thùng đạn 12ly7 sang mé sông nơi địch có thể phục kích. Các loại tiểu liên, trung liên, M79, cối 82 ly cũng đồng loạt nổ súng, các chiến sĩ ta bơi sang sông.
Tết Việt ở chiến trường K năm 1979 và tấm Thiệp Chúc mừng Năm mới hiếm hoi đến với các chiến sĩ, được tác giả ép vào Nhật ký chiến sĩ
Sẩm tối, khẩu đội được lệnh rút quân. Trời tối nhanh, tối đen như mực, giữa rừng cảm giác còn tối hơn, đúng là "tối như đêm ba mươi". Từng chiến sĩ thì thầm truyền đạt ám hiệu hành quân, bám sát nhau cách hơn một mét mà chỉ thấy lờ mờ. Tôi đi gần cuối đội hình, đường không lối mòn nên đến giữa rừng thì một nửa khẩu đội bị lạc. Nếu mất phương hướng mà đi tiếp hoặc lên tiếng gọi nhau, nguy cơ sẽ rơi vào ổ phục kích của địch hoặc bị chúng ném lựu đạn. Đêm tối thui, thanh vắng đáng sợ. Đứng chờ chừng 5 phút, tôi quyết định bắn chỉ thiên một phát AK để báo hiệu vị trí. Đồng đội biết chúng tôi bị lạc nên cũng dừng lại chờ cách chừng hơn chục mét, nhận ra đốm lửa phát súng, quay lại đón.
Ba ngày Tết truy quét tàn quân địch, đến chiều mồng 4 Tết (31-1-1979) đơn vị mới ra khỏi rừng. Chiều hôm đó, khẩu đội tôi được chia mấy gói thuốc lá, trà và kẹo gọi là quà Tết muộn.
Nỗi nhớ Tổ quốc ngự trị trong trái tim
Sau những ngày hành quân truy quét địch, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đóng chốt bảo vệ cây cầu Toek Sab trên Quốc lộ 4 nối thủ đô PhnomPenh với cảng Sihanoukville, cạnh đó là phum Smach Daeng. Đây là nơi đóng quân khá lâu, vì thế, chúng tôi có dịp tiếp xúc với vài người dân. Lúc đầu họ e dè, nhưng dần dà họ rất quý bộ đội Việt Nam. Chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc vì ngôn ngữ bất đồng, phải cảnh giác vì bọn Khmer Đỏ trà trộn.
Từng ngày chậm chạp trôi qua nơi chiến trường xa Tổ quốc, khi mặt trời đỏ lòm sắp lặn sau dãy núi, bóng chiều tà man mác và hoàng hôn dần buông, chúng tôi ai cũng bồn chồn trong lòng nhớ về đất mẹ, nỗi nhớ cứ cồn cào. Ai cũng nhận ra rằng, nỗi nhớ Tổ quốc ngự trị trên hết trong trái tim mỗi người chứ không phải là chỉ nhớ người thân, gia đình. Ai cũng muốn được trở về nơi nào đó, miễn rằng ở đó là đất nước mình, có đồng bào mình, nghe tiếng nói của nước mình, thế là mãn nguyện rồi.
Phum Smach Daeng (tỉnh Sihanukville) ngày nay - Nơi khẩu đội 12ly7 của tác giả lập chốt đóng quân, từng bị địch tập kích tháng 3.1979
Là một chốt độc lập tiền tiêu, chúng tôi tự nấu ăn hàng ngày với những bữa cơm chỉ có muối và bột canh hậu cần cấp phát. Rau tàu bay, rau má gần chốt rồi cũng cạn kiệt, phải đi xa, tiềm ẩn nguy hiểm vì mìn, địch phục kích hoặc bắn tỉa, không thể đánh đổi mạng sống được.
Có hôm chúng tôi đi truy quét địch ngang qua các phum, sóc không một bóng người; chỉ có hàng đàn heo, gà, vịt cứ quấn lấy chân lính vì chúng đói ăn lâu ngày. Tuy vậy, chúng tôi được quán triệt trước khi sang Campuchia rằng: không ai được đụng đến bất cứ thứ tài sản gì của dân, cho dù chỉ là “cái kim, sợi chỉ”, chiến lợi phẩm thu được phải báo cáo và nộp lên trên. Lính ta tuy thèm được một bữa ăn có thịt nhưng không dám vì vi phạm kỷ luật chiến trường sẽ bị xử lý rất nặng. Nghe đâu có lần một sĩ quan hậu cần trung đoàn quyết định bắn một con heo để cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Khi “anh nuôi” vừa đem con heo bị giết vào bếp chuẩn bị làm thịt thì tình cờ Thủ trưởng Sư đoàn đi kiểm tra chiến trường phát hiện được. Lập tức đồng chí sĩ quan hậu cần bị vệ binh bắt giải về giao cho Quân pháp xử lý, bị giáng cấp; còn con heo kia bị buộc phải đem chôn, tiêu hủy.
Quá thèm thực phẩm tươi sống, chúng tôi bàn nhau cử 2 người ra cánh đồng hoang gần đó bắt cá, vừa an toàn, không sợ vấp phải mìn, vừa không vi phạm kỷ luật chiến trường; nhưng đi cả buổi, người lấm lem, cá thì nhiều mà chẳng bắt được con nào. Hôm sau, anh em đánh quả liều đem theo lựu đạn cho nổ ở một đoạn kênh, cá chết nổi trắng mặt nước, vớt được gần một bao tải mấy chục kg vác về chốt. Cá lóc thì chặt khúc và luộc, đầu cá thì nấu cháo, số còn lại đem phơi khô để giành.
Chặn đứng một cuộc tập kích
Những đêm hạ tuần tháng 2-1979, trời không một gợn mây, vầng trăng khuyết đã lặn từ bao giờ, chỉ còn ánh sao trời tỏa sáng mờ mờ khung cảnh hoang vu của vạt rừng khộp ven đường lộ nơi khẩu đội tôi đóng chốt.
Chúng tôi phân công nhau trực gác. Thời đó, đồng hồ là thứ xa xỉ, cả khẩu đội không ai có. Anh em áng chừng khi ánh sao hôm chênh chếch đỉnh đầu là người gác phiên đầu tiên đổi phiên cho người kế tiếp; cho đến khi ánh sao mai xuất hiện một lúc thì đổi phiên gác cuối. Đêm khuya thanh vắng, thời gian trôi chậm chạp, không thể căn thời khắc chính xác, có hôm bị “dồn toa”, người gác phiên cuối lãnh đủ, phàn nàn inh ỏi buộc cả khẩu đội phải thức cùng.
Chiến trường xưa nay là những cánh đồng làng quê thanh bình, trù phú tỉnh Sihanukville
Có lẽ bọn Pol Pôt đã điều nghiên, thấy chốt chúng tôi là cái gai trong mắt chúng. Vào một đêm, chúng định đột nhập, tập kích thì vấp phải quả mìn sáng phát nổ cháy sáng cả một góc rừng. Ánh (quê Gia Lâm, Hà Nội) trực gác hô to:
- Miên, Miên anh em ơi! Rồi anh ấy xả súng về phía địch. Cả khẩu đội nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, nổ súng ra các hướng. Từng tràng tiểu liên AR-15 (súng chiến lợi phẩm) và AK47, nổ đanh giòn, phá tan sự tĩnh lặng của màn đêm. Tôi bấm kích nổ một quả mìn claymore. Đồng đội thì ném tiếp lựu đạn, những tiếng nổ đanh, chát chúa.
Không có tiếng súng bắn trả nên anh em chỉ dùng hỏa lực hạn chế, chưa cho nổ thêm mìn định hướng và ném thêm lựu đạn. Cả khẩu đội chong mắt cả đêm đến sáng để đề phòng.
Trời sáng hẳn, khi những tia nắng xuyên qua tán lá rừng tái sinh lưa thưa, nhìn rõ từng gốc cây, ụ đất, tôi và Ánh thận trọng bò ra xem xét hiện trường. Quả mìn sáng nổ đích thị là do địch đột nhập, bị phát hiện nên chúng buộc phải rút lui. Nhiều đám cỏ rạp xuống, dính máu chứng tỏ có tên bị thương hoặc chết đã được chúng kéo đi. Tôi bảo Ánh:
- Thôi, rút lui, không ra xa nữa, lỡ Miên bị thương nó liều chết thì sao. Chúng tôi quay trở lại chốt báo cáo lên cấp trên. Hôm sau, đơn vị mở cuộc truy quét vào hướng địch đã tập kích nhưng không phát hiện gì thêm, có lẽ chúng đã cao chạy xa bay vào rừng sâu.
(Còn tiếp kỳ cuối: Di sản “Bộ đội Cụ Hồ” ở xứ Chùa Tháp)