Chúng tôi là quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia trở về Tổ quốc đợt đầu tiên vào đầu tháng 3-1979 chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Các đơn vị ở lại còn chiến đấu, hy sinh gần 10 năm ròng rã – bằng một nửa thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ – để ngăn chặn Khmer Đỏ quay trở lại. Đến ngày 25-9-1989, những chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” cuối cùng hoàn thành nghĩa vụ quốc tế mới rời khỏi đất nước Chùa Tháp.
Ký ức ngày trở về Tổ quốc
Sau khi chặn đứng cuộc tập kích của địch đêm hôm trước, chúng tôi cảnh giác cao độ, bổ sung đạn, lựu đạn và tổ chức canh gác nghiêm ngặt. Được ngủ ít nên ai cũng có vẻ mặt hốc hác, mắt thâm quầng.
Trưa 17-2-1979, dưới cái nắng chói chang trong công sự, chúng tôi nhận được tin vào rạng sáng, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lột “mặt nạ hữu hảo”, xua quân xâm lược nước ta. Dù không nói nên lời nhưng tâm can những người lính chúng tôi cháy bỏng căm hờn, ai cũng mong sớm được trở về Tổ quốc đánh đuổi bọn giặc thù.
Tác giả thăm tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam (Nay gọi là Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia) tại Thủ đô PhnomPenh
Xế trưa 4-3-1979, chúng tôi được lệnh bàn giao chốt cho một đơn vị thuộc Quân khu 9, hành quân đến địa điểm tập kết. Tin truyền nhau sẽ được về nước bằng tàu biển khiến ai cũng khấp khởi mừng vui.
Sáng hôm sau, chúng tôi được hậu cần phát cục cơm nắm còn nóng ấm, chờ lên ô tô hành quân. Một đoàn xe đơn vị bạn thuộc Trung đoàn 24 (F304) ngang qua, tôi tìm hỏi thăm mấy anh em cùng quê, biết được 2 đồng đội cùng làng, cùng nhập ngũ đã hy sinh, đó là liệt sĩ Ngô Hảo và liệt sĩ Phan Giáp, lòng tôi lặng đi vì tiếc thương.
Không có đủ ô tô, chúng tôi được lệnh hành quân bộ theo Quốc lộ 4 đến cảng Shihanoukville, quãng đường hơn 20km, đường lộ băng qua rừng núi. Đây chính là đoạn đường mà bọn Khmer Đỏ đã phục kích bắn cháy nhiều xe tăng của hải quân đánh bộ ta trong các ngày từ 6-1 đến 8-1-1979 khi đơn vị tôi chưa đến kịp để hợp đồng tác chiến.
Chúng tôi giữ cự ly hành quân, vừa đi vừa cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch phục kích. Đường xa, ba lô, súng đạn lỉnh kỉnh, thi thoảng còn gặp xác lính Miên chết khô queo nằm rải rác ven đường, nhưng nghĩ đến sắp được lên tàu về nước, ai cũng quên đi mệt nhọc. Trời xế chiều thì chúng tôi đến bến cảng Shihanoukville, mấy chiếc tàu đang neo chờ sẵn. Ngồi nghỉ xả hơi, tôi lấy bi đông nước cho vào cơm sấy ăn, thở phào nhẹ nhõm vì mình còn sống trở về.
Trụ sở Tòa án tối cao Campuchia, nơi diễn ra các phiên tòa của Tòa quốc tế ECCC xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ
Đơn vị tôi được lệnh lên chiếc tàu mang tên Sông Bé, một con tàu đánh cá của ngư dân, trong hầm tàu còn tanh mùi cá biển. Tàu hụ một hồi còi dài và rời cảng, lênh đênh trên mặt biển hoàng hôn còn in đậm trong ký ức. Lúc bấy giờ là tối ngày 5-3-1979, khoảnh khắc mà tôi không thể nào quên dù đã 46 năm trôi qua.
Ngăn chặn đau thương này lặp lại
Trở lại thăm đất nước Chùa Tháp với tư cách khách du lịch có hộ chiếu chứ không phải như chuyến đi “không cần thị thực nhập cảnh” 46 năm trước, chúng tôi mừng vì đất nước bạn thanh bình, phát triển, thân thiện và cởi mở.
Ngẫm lại, nếu chế độ Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia lúc bấy giờ không xâm lấn nước tôi, không bắn giết dân tôi thì chắc chắn chúng sẽ không bị trừng trị và biết đâu nó vẫn đang tồn tại.
Vậy, Khmer Đỏ là ai? Nguyên nhân là gì thì mỗi người, nhất là thế hệ trẻ 2 nước cần tìm hiểu, ghi nhớ để cùng nhau ngăn chặn đau thương này lặp lại. Xin nêu vài cứ liệu lịch sử vắn tắt có thể tham khảo (*).
Campuchia và Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời, cùng nhau đứng lên làm cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, giành lại độc lập và tự do ở mỗi nước. Năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương tách ra thành ba đảng riêng biệt của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đảng Nhân dân cách mạng Khmer Campuchia được thành lập tại Việt Bắc nước ta, ông Sơn Ngọc Minh làm quyền Chủ tịch, hoạt động bí mật với hệ tư tưởng của đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đại hội II của Đảng (1960) đề cử Tou Samouth giữ chức Tổng bí thư, Ban Thường vụ gồm 5 người, ngoài Tou Samouth, có Nuon Chea, Pol Pot , Keo Meas và Ieng Sary. Ba năm sau, nội bộ phát sinh bất đồng, Tou Samouth mất tích một cách bí ẩn. Pol Pot liền triệu tập hội nghị Trung ương đảng, tiếm quyền lên làm Tổng Bí thư, đổi tên đảng thành Đảng Công nhân Khmer (1963), Đảng Cộng sản Khmer (1966), còn gọi là Khmer Đỏ.
Tháng 3/1970, Chính phủ của Hoàng thân Norodom Sihanouk bị tướng Lon Nol đảo chính lật đổ phải lưu vong ở Bắc Kinh. Được Trung Quốc ủng hộ, Hoàng thân Norodom Sihanouk giúp Khmer Đỏ lật đổ chính quyền Lon Nol ngày 17-4-1975, thành lập “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia” do Pol Pot lãnh đạo. Hoàng thân Norodom Sihanouk trở thành nguyên thủ quốc gia hình thức; ông từ chức sau đó ít lâu vì nhận ra sự tàn bạo của Khmer Đỏ. Từ đó trở đi, chính quyền Khmer Đỏ bắt đầu sự thống trị bằng chính sách đối nội, đối ngoại phản động, tàn bạo, hiếu chiến. Trong 4 năm cầm quyền (1975 – 1978), Khmer Đỏ đã giết hại gần 2 triệu người Campuchia khác chính kiến, người Khmer gốc Việt và người Việt Nam. Chúng thực hiện chính sách thù địch chống Việt Nam, mở nhiều cuộc tấn công xâm chiếm lãnh thổ nước ta có nơi hơn 40 km, bắt và giết hại hàng chục ngàn dân lành ở đảo Phú Quốc, Thổ Chu và trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Đỉnh điểm tội ác của Khmer Đỏ là vụ thảm sát 3.157 người dân ở xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trong 12 ngày chúng chiếm đóng.
Tác giả (ngồi giữa) hiện là Hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2023 - 2027
Chúng khước từ mọi đề nghị đàm phán của phía Việt Nam. Nhận thấy không có cơ hội để đàm phán hòa bình, Việt Nam đã nhiều lần chủ động thông báo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhờ can thiệp, ngăn quân Khmer Đỏ tấn công lãnh thổ Việt Nam, tàn sát dân thường, nhưng không có kết quả, buộc Việt Nam phải thực hiện quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 Hiến chương LHQ để tự cứu mình.
Cùng trong bối cảnh đó, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia chính thức kêu gọi ta giúp đỡ. Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở cuộc Tổng phản công phủ đầu, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giúp Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không chỉ của Việt Nam mà cho cả Campuchia.
Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnôm Penh được giải phóng; khép lại một trang sử đen tối của đất nước Chùa Tháp, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do và phát triển. Ta tiếp tục giúp Campuchia ổn định xã hội; khôi phục và phát triển kinh tế; không để cho Khmer Đỏ quay trở lại.
Quyết định sáng suốt và di sản vĩ đại
“Đội quân nhà Phật” là tên gọi mà người dân Campuchia giành cho quân tình nguyện Việt Nam.
Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk khẳng định: “Nếu Việt Nam không đánh đổ Pol Pot thì tất cả người Campuchia có thể đã bị chết”. Trong gia đình quốc vương cũng có tới gần 20 người gồm con, cháu của ông đã bị Khmer Đỏ đưa ra khỏi Phnom Penh, bị sát hại và mất tích.
Cựu Thủ tướng Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng viện Campuchia từng nói: "Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp mặt nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia (22.1.1975 - 22.1.2025)
Thật khâm phục tài thao lược và binh pháp của những nhà quân sự và lãnh đạo cách mạng 2 nước Việt Nam, Campuchia, họ đã quyết định tuyên chiến với chế độ Khmer Đỏ do nhiều nước lớn hậu thuẫn. Đó quả là một quyết định rất sáng suốt, bản lĩnh.
Chúng tôi đã chiến đấu, xả thân bảo vệ bờ cõi thiêng liêng. Chúng tôi không cần bất cứ thứ gì của đất nước Campuchia, chỉ muốn hòa bình sau hơn 30 năm dài chiến tranh.
Ngày 25-9-1989, những chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” – “Đội quân nhà Phật” cuối cùng hoàn thành nghĩa vụ quốc tế đã rút về nước, để lại di sản vĩ đại cho Nhân dân xứ Chùa Tháp.
Sự vĩ đại không chỉ là lời ca tụng mà được minh chứng bằng chiến tích đánh tan giặc Khmer Đỏ diệt chủng tàn bạo, bằng di sản là nền tảng hòa bình, ổn định cho đất nước và Nhân dân Campuchia. Thật hiếm trên thế giới này có một quân đội nào làm được như thế với tinh thần trượng nghĩa như “Bộ đội Cụ Hồ”.
Chân lý nào mấy ai dễ nhận ra. Mãi 40 năm sau, trong phiên tòa cuối cùng ngày 16-11-2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) tại Campuchia đã tuyên án: Chế độ Khmer Đỏ phạm tội ác "diệt chủng" trong thời gian cầm quyền; xử tù chung thân 2 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ còn sống là Nuon Chea và Khieu Samphan (Pol Pot đã chết trong rừng sâu khi chưa kịp bị công lý hỏi thăm; hai bị cáo khác là Ta Mok và Ieng Sary đã chết trước khi tòa tuyên án). Với phán quyết của ECCC, tuy muộn màng, nhưng lương tri nhân loại đã trả lại công lý và chính nghĩa cho Nhân dân Việt Nam và cho những cựu chiến binh chúng tôi.
Hơn 46 năm trôi qua, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và “Đội quân nhà Phật” luôn là động lực để những cựu chiến binh chúng tôi biết sống và sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh! Chúng tôi tự hào vì đã nối tiếp truyền thống cha anh, chiến đấu quên mình để giữ yên bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, đem lại hòa bình cho người dân nước bạn; góp phần bảo vệ, vun đắp tình hữu nghị ngày càng gắn bó, bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia./.
(*). Nguồn tham khảo: - Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo TW Kỷ niệm 40 năm và 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
- https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/: Đảng Nhân dân Campuchia.