Bộ sách giáo khoa 'Kết nối tri thức với cuộc sống' có nhiều sai sót

TH
Cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 đã bị thu hồi 110.000 bản để sửa chữa, 38.000 bản để hủy bỏ, liên quan đến những lỗi sai thuộc lĩnh vực Vật lý.

Dẫu vậy, nó vẫn còn có nhiều bất cập thuộc về lĩnh vực Sinh học.

Lĩnh vực Sinh học trong Khoa học tự nhiên 6 có hệ thống các khái niệm và thuật ngữ cơ bản: vật sống, vật không sống, cơ thể, cơ thể sống, tế bào, đơn vị, đơn vị cơ sở, đặc điểm, khả năng, quá trình, cá thể sinh vật, sinh vật, phân loại sinh vật...

 

 

Các khái niệm, thuật ngữ này được định nghĩa một cách mơ hồ, hoặc không chính xác, hoặc được dùng lẫn lộn với nhau xuyên suốt cuốn sách. Cụ thể như sau:

I. Bất cập về nội dung

1. Hệ thống khái niệm, thuật ngữ: mơ hồ, thiếu chính xác

1.1. Khái niệm vật sống và vật không sống

SGK, bài 1, mục II, trang 7, dòng 3 từ dưới lên, viết: "Vật sống có khả năng trao đổi chất với môi trường, lớn lên và sinh sản... Vật không sống không có khả năng trên". Từ nội dung này, sử dụng tư duy logic, ta có thể suy ra các điều sau:

Trang 7.

Trang 7.

a) Thứ nhất, vật sống là vật có khả năng trao đổi chất với môi trường, lớn lên, sinh sản... Đến đây, có một câu hỏi xuất hiện: Vật sống là vật cùng một lúc có đầy đủ 3 khả năng "trao đổi chất, lớn lên và sinh sản" hay chỉ cần có một trong 3 khả năng này? 

Ta tiếp tục xem xét một nội dung nữa của cuốn sách này. Đó là câu hỏi trang 76, dòng 7 từ trên xuống: "Tại sao ô tô và xe máy không phải là vật sống?". 

Trả lời cho câu hỏi này, sách giáo viên, trang 120, dòng 19 từ trên xuống viết: "Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể". (Lẽ ra sách giáo viên phải trả lời là: "Ô tô và xe máy không phải là vật sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một vật sống". Ta lưu ý điều này để tiếp tục phân tích sự bất cập về khái niệm vật sống và vật không sống ở phần sau).

Như vậy, theo sách giáo viên của bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống: "Một vật phải có đủ các đặc điểm của vật sống thì mới được coi là vật sống". Đây là một sai lầm. Sự sai lầm này đến từ nguyên nhân cuốn sách này đã không hiểu đúng về đặc trưng cơ bản nhất để phân biệt vật sống và vật không sống.

Nếu một vật phải có đầy đủ các đặc điểm cơ bản của một vật sống mới là vật sống thì ta sẽ xếp "con gà trống thiến" vào nhóm vật không sống. Bởi lẽ, con gà này đã mất khả năng sinh sản, nó không có đầy đủ các đặc điểm của vật sống. Rõ ràng, điều này là phi lý. Con gà, thực tế, đương nhiên là một vật sống. Nhưng khi ta sử dụng khái niệm vật sống và vật không sống trong cuốn sách này để xem xét, thì con gà trống thiến không được coi là vật sống. Cũng tương tự như thế, một người già không thể lớn lên nữa sẽ không được coi là vật sống. Một người sống thực vật gần như mất hết mọi khả năng cũng sẽ không được coi là vật sống...

Sách Khoa học tự nhiên 6, bộ SGK Cánh diều có một câu rất hay, giúp kết nối giữa thế giới vật sống và thế giới vật không sống như sau: "Vật sống khi chết đi sẽ chuyển thành vật không sống". Theo phân tích như trên, với khái niệm vật sống và vật không sống của Khoa học 6, bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống, chúng ta có quyền coi một người già không còn khả năng sinh sản là một vật không sống. Người già này đã từng là một vật sống. Bây giờ người đó đã là một vật không sống. Thế có nghĩa là, cứ người già không còn khả năng sinh sản thì được coi là đã chết.

b) Thứ hai, vật không sống là vật không có khả năng trao đổi chất với môi trường. Đây là điều mâu thuẫn với nội dung được ghi ở bài 22 (Cơ thể sinh vật), trang 76, dòng 6 từ trên xuống: "Để chuyển động trên đường, một chiếc ô tô hoặc xe máy cần lấy khí oxygen để đốt cháy xăng và thải ra khí cacbon dioxide". Điều này cho thấy khái niệm vật không sống ở cuốn sách này là không chính xác.

1.2. Khái niệm tế bào

SGK, bài 18, mục I, trang 64, ghi khái niệm tế bào: Tất cả các cơ thể sinh vật (thực vật, động vật, con người...) đều được cấu tạo từ những đơn vị rất nhỏ bé, gọi là tế bào. Đây là khái niệm không chính xác.

Mọi cơ thể sinh vật được cấu tạo bởi các tế bào. Các tế bào lại được cấu tạo bởi các bào quan. Các bào quan lại được cấu tạo bởi các phân tử, nguyên tử... 

Như thế, nếu ta nói "Mọi cơ thể sinh vật đều được cấu tạo từ những đơn vị rất nhỏ bé" thì những đơn vị đó có thể là bào quan, phân tử, nguyên tử... 

Trong đó, bào quan, phân tử, nguyên tử... là những đơn vị cấu tạo còn nhỏ hơn cả tế bào. 

Tóm lại, không phải cứ đơn vị rất nhỏ bé cấu tạo nên cơ thể là tế bào.

Trang 64.

Trang 64.

1.3. Khái niệm cơ thể sống

Khái niệm cơ thể sống được trình bày ở mục I, bài 22, trang 75 như sau: Cơ thể chỉ một cá thể sinh vật có khả năng thực hiện các quá trình sống cơ bản: cảm ứng, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản... Đây là một định nghĩa sai. Cơ thể không phải là cá thể sinh vật. Ta để ý đến tên của bài 22: Cơ thể sinh vật. Đọc cụm từ này ta hiểu, sinh vật có cái gọi là "cơ thể". Đó chính là phần vật chất của một sinh vật. Cá thể sinh vật là một sinh vật cụ thể, cũng có cơ thể. Nói thế có nghĩa là cơ thể và cá thể sinh vật không phải là một. Nếu định nghĩa cơ thể như thế này thì ta sẽ gặp rắc rối khi muốn diễn đạt về cấu tạo cơ thể của sinh vật thời tiền sử.

2. Sử dụng lẫn lộn các khái niệm khác nhau

2.1. Dùng lẫn lộn khái niệm vật sống với khái niệm cơ thể sống

SGK, trang 76, dòng 8 từ trên xuống có câu hỏi: "Tại sao ô tô và xe máy không phải là vật sống?". Nhưng khi trả lời cho câu hỏi này, sách giáo viên, trang 120, dòng 15 từ dưới lên, viết: "Ô tô và xe máy không phải cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể".

Câu hỏi có ý so sánh ô tô và xe máy với vật sống, câu trả lời lại so sánh ô tô và xe máy với cơ thể sống. Hỏi một đằng trả lời một nẻo, chứng tỏ cuốn sách này đã lẫn lộn khái niệm vật sống với khái niệm cơ thể sống.

2.2. Dùng lẫn lộn khái niệm sự sống với khái niệm cơ thể sống

SGK, bài 18, trang 64, dòng thứ hai từ trên xuống ghi: Tế bào - (là) đơn vị cơ bản của sự sống.

Cũng trong trang này, dòng 8 từ dưới lên, có câu hỏi: "Tại sao tế bào được coi là đơn vị cơ bản của các cơ thể sống?".

Sách giáo viên trang 107, dòng 11 từ trên xuống ghi câu trả lời của câu hỏi trên như sau: Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ đơn vị nhỏ nhất, cơ bản nhất là tế bào nên tế bào được coi là đơn vị cơ bản của sự sống.

Xem xét những thông tin này ta thấy rằng, bộ sách này đã nhầm lẫn khái niệm sự sống và khái niệm cơ thể sống. Ở đây, hai khái niệm này được coi là có cùng nội hàm.

2.3. Dùng lẫn lộn khái niệm cơ thể, cơ thể sống với cá thể sinh vật

Như trên đã phân tích, cuốn SGK này đã định nghĩa cơ thể: "Cơ thể chỉ một cá thể sinh vật có khả năng thực hiện các quá trình sống cơ bản: cảm ứng, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản...". Nghĩa là cuốn sách đã đồng nghĩa "cơ thể" với "cá thể sinh vật"

Xét câu sau đây ở trang 120 sách giáo viên "Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể", ta còn thấy, bộ sách giáo khoa này coi cơ thể sống chính là cơ thể.

Nói tóm lại, cuốn sách đã không minh định được 3 khái niệm "cơ thể", "cơ thể sống" và "cá thể sinh vật". Cuốn sách này coi 3 khái niệm này có cùng một nghĩa. Đây là một sự sai lầm nguy hiểm.

Trang 120, sách giáo viên.

Trang 120, sách giáo viên.

2.4. Dùng lẫn lộn khái niệm phân loại sinh vật và phân loại sinh học

SGK, trang 76, dòng 7 từ dưới lên viết: "Tùy thuộc vào số lượng tế bào cấu tạo nên cơ thể, tất cả sinh vật trên trái đất được chia làm hai nhóm lớn là cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào". Đoạn này phải được sửa thành: "Tùy thuộc vào số lượng tế bào cấu tạo nên cơ thể, tất cả sinh vật trên trái đất được chia làm hai nhóm lớn là sinh vật đơn bào và sinh vật đa bào".

Trang 77, dòng 1 từ trên xuống viết: "Cơ thể đa bào có cấu tạo gồm nhiều tế bào. Mỗi loại tế bào thường thực hiện một chức năng sống riêng biệt nhưng phối hợp với nhau thực hiện các quá trình sống của cơ thể. Ví dụ: thực vật (như cây quất), động vật (như con thỏ), người... là các cơ thể đa bào". Đoạn này sai ở nhiều chi tiết. 

Nên sửa lại là: "Cơ thể đa bào có cấu tạo gồm nhiều loại tế bào. Mỗi loại tế bào thường thực hiện một chức năng sống riêng biệt nhưng phối hợp với nhau thực hiện các quá trình sống của cơ thể. Ví dụ: thực vật (như cây quất), động vật (như con thỏ), người... là các sinh vật đa bào". 

SGK, trang 86, dòng 2 từ trên xuống viết: Hệ thống phân loại sinh vật. Viết như vậy là đúng. Nhưng ở dòng 4, 6 từ dưới lên thì sách lại viết là: phân loại sinh học. Đối tượng phân loại là các sinh vật thì phải gọi là phân loại sinh vật. Trong phân loại sinh vật, còn có lĩnh vực nhỏ hơn là phân loại động vật, phân loại thực vật, phân loại nấm, phân loại vi khuẩn...

Trang 86.

Trang 86.

II. Bất cập về mục tiêu

1. Mục tiêu của sách không đúng với yêu cầu của chương trình

Bài 22 - Cơ thể sinh vật, chương VI - Từ tế bào đến cơ thể (trang 75) nêu một mục tiêu : Nhận biết được cơ thể sống. Ngoài ra, không còn mục tiêu "nhận biết" nào nữa.

Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên (trang 25, 26), với nội dung "Từ tế bào đến cơ thể", ghi yêu cầu cần đạt là "Nhận biết được cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào", không ghi "Nhận biết được cơ thể sống".

Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên (trang 25).

Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên (trang 25).

Vì "cơ thể đơn bào", "cơ thể đa bào" và "cơ thể sống" là 3 khái niệm khác nhau nên "Nhận biết được cơ thể sống" không phải là "Nhận biết được cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào". Nghĩa là mục tiêu trong SGK không khớp với yêu cầu của chương trình môn học.

Vì thế, nếu xét theo Mục 1, Điều 5, Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn SGK... (Nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học...) thì cuốn SGK này chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là một cuốn SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Không giải quyết được mục tiêu do cuốn sách đặt ra

Như đã nói ở trên, ta thấy bài 22 có một mục tiêu là: Nhận biết được cơ thể sống. Để giải quyết mục tiêu này, SGK, trang 76, bài 22, dòng 6, đặt câu hỏi: "Tại sao ô tô và xe máy không phải là vật sống?". Đây là một sự bất cập. Câu hỏi không phù hợp với mục tiêu bài học. Lẽ ra phải hỏi "Tại sao ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống?".

Sách giáo viên, trang 120, bài 22, dòng 29, trả lời là: "Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể".

Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên (trang 26).

Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên (trang 26).

Đây lại là một bất cập nữa vì câu trả lời không ăn nhập với câu hỏi. Với câu hỏi "Tại sao ô tô và xe máy không phải là vật sống?" thì câu trả lời không thể là "Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống". Hỏi một đằng trả lời một nẻo.

Sự nhập nhằng trong việc sử dụng thay thế nhau giữa 2 khái niệm "vật sống" và "cơ thể sống" ở đây thể hiện rằng bộ SGK này coi "vật sống" chính là "cơ thể sống". Lạ lùng hơn nữa là trong chính câu "Ô tô và xe máy không phải là cơ thể sống vì không có đủ các quá trình sống cơ bản của một cơ thể", trước thì dùng cụm từ "cơ thể sống", cuối cùng lại dùng từ "cơ thể" với cùng một nghĩa. Tóm lại, ta có thể khẳng định rằng, bộ SGK này đã coi cả 3 khái niệm "vật sống, cơ thể và cơ thể sống" có cùng một nghĩa.

Như trên đã nói, chương trình môn học không yêu cầu nhận biết cơ thể sống nhưng cuốn sách này lại tự đặt ra cho mình riêng một mục tiêu là nhận biết cơ thể sống. Đây là một sự tùy tiện.

Dù tự đặt ra mục tiêu riêng nhưng, khi giải quyết mục tiêu này, cuốn sách lại đi chệch hướng. Lẽ ra phải nhận biết cơ thể sống thì nó lại đi nhận biết vật không sống. 

Nguyên nhân của hiện tượng, cuốn SGK này không theo đúng chương trình môn học, không giải quyết đúng mục tiêu bài học mà nó tự đặt ra là gì? Người viết bài này cho rằng, nó đã hiểu không đúng các khái niệm cơ bản là "vật sống, vật không sống, cơ thể và cơ thể sống".