Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự báo năm 2022 có thể đạt 2,5 tỉ USD, với mức tăng trưởng rất cao thế nhưng bà con nuôi cá tra đang rất khó khăn khi chi phí sản xuất tăng cao, các vấn đề về giống... Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho bà con?
+ Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT cũng nhìn ra điểm yếu của ngành hàng cá tra. Một là giống, hai là thuốc chữa bệnh, ba là môi trường nuôi. Về giống, Bộ NNPTNT đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu.
Sắp tới Bộ phối hợp Đồng Tháp tổ chức lễ hội cá tra thì tôi có chỉ đạo có thêm các diễn đàn để giải quyết các vấn đề đó, từ giống, môi trường nước… Đó cũng là sự minh bạch, vì yêu cầu sắp tới của các nhà nhập khẩu đòi hỏi về truy xuất nguồn gốc xem quy trình nuôi có gây tổn thương cho môi trường không.
+ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Hôm nay tôi đã chính thức ký Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc, phía bạn đã ký trước rồi chuyển về Việt Nam.
Chúng ta có điều kiện rất thuận lợi là gần thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu. Ngược lại, Việt Nam có tiềm năng về ngành nuôi yến, có bờ biển dài, có các vịnh, đầm, phá… với nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: AH |
Một bên là thị trường lớn, một bên có nhiều điều kiện ưu đãi để nuôi yến, nên từ ba năm nay Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển ngành yến, đưa yến sang thị trường Trung Quốc. Sau ba năm kiên trì, chúng ta đã ký được Nghị định thư giữa hai bên, khởi động việc xuất khẩu chính ngạch yến sang thị trường Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng khi kích hoạt được thị trường rộng lớn này thì chuỗi ngành hàng yến của ta sẽ được cấu trúc lại và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thu nhập của người nuôi yến, doanh nghiệp chế biến yến sẽ gia tăng cao hơn.
Vậy các doanh nghiệp, các hộ nuôi yến cần phải làm gì vào thời điểm này, thưa Bộ trưởng?
+ Sau khi hai bên ký xong, tôi đã giao cho các cơ quan liên quan để tổ chức một hội nghị của Bộ nhằm thông tin đầy đủ cho các hiệp hội ngành hàng yến, người nuôi yến ở các địa phương trọng điểm về các yêu cầu của thị trường, vấn đề về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm…
Ký công bố xuất khẩu chanh và bưởi của Việt Nam sang New Zealand. Ảnh: TRUNG QUÂN |
Chúng tôi cũng muốn truyền đi thông điệp đến người nuôi yến, doanh nghiệp xuất khẩu, cả ngành hàng yến rằng thời cơ chúng ta đã có rồi, Nghị định thư đã ký, việc còn lại là tâm thế của chúng ta khi xuất khẩu một loại hàng hoá mà thị trường có nhu cầu lớn thì ta phải cấu trúc lại ngành hàng yến.
Để đi xa thì chúng ta phải đi cùng nhau để đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc. Thời gian qua có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, nên qua đây tôi muốn nhấn mạnh lại rằng thị trường Trung Quốc là thị trường đủ lớn cho tất cả chúng ta.
Tính xa hơn chúng tôi sẽ tổ chức lại ngành hàng yến, chuyển đổi số trong ngành hàng yến để làm sao có thể kiểm soát được tất cả, từ đó tạo ra niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin của thị trường Trung Quốc.
. Chanh và bưởi Việt Nam cũng chính thức được xuất khẩu sang New Zealand, Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự kiện này?
+ Dân số New Zealand tuy không đông, khoảng 5 triệu người, nhưng mức thu nhập của người dân cao. Việc mở cửa hai loại trái cây nhiệt đới chanh và bưởi của Việt Nam, hai trái cây này phía bạn không có, là cơ hội rất lớn cho nông sản của chúng ta.
Chúng ta không chỉ đánh giá thị trường qua số lượng dân số mà còn đánh giá qua chất lượng, tức là nhu cầu về loại nông sản mà người tiêu dùng đánh giá cao. Cũng như các loại nông sản khác, chúng ta phải minh bạch, đánh giá được tất cả các quy trình. Chúng ta không chỉ bán nông sản, mà qua đó gửi gắm hình ảnh của Việt Nam. Đây là bước đệm để hướng tới các cơ hội thương mại tiếp theo giữa hai nước, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm nông sản khác.