1. Nền kinh tế nông nghiệp là một hệ thống làm ra nông phẩm bằng cách coi sinh vật (cây trồng, vật nuôi) là đối tượng sản xuất và đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu, chưa thể thay thế được, liên kết hữu cơ với ngành công nghiệp chế biến và bảo quản, phân phối trên thị trường trong và ngoài nước.
2. Trang trại là “tế bào” của nền kinh tế nông nghiệp. Trang trại là một tổ chức (một đơn vị, một chủ thể) sản xuất – kinh doanh nông nghiệp chủ yếu thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học (trồng trọt, chăn nuôi súc vật và nuôi trồng thủy sản) theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm lời – lỗ. Là “tế bào”, trang trại hoạt động chỉ tuân theo pháp luật và chủ sở hữu hay đại diện được ủy quyền chủ sở hữu, không có trang trại theo cấp trên và cấp dưới, là đơn vị duy nhất có quyền tự chủ kinh doanh để tối đa hóa lợi nhuận. Là một tổ chức kinh doanh nông nghiệp, trang trại cũng tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau được phân loại theo tiêu chí bản chất kinh tế - xã hội, chế độ sở hữu, địa vị pháp lý, như các tổ chức kinh doanh trong công nghiệp và dịch vụ.
2.1. Trang trại gia đình (Farmhousehold)
Đó là hộ cá thể kinh doanh nông nghiệp, thường gọi là kinh tế nông hộ, trang trại gia đình chủ yếu sử dụng tiền vốn, ruộng đất, mặt nước (thuộc quyền sở hữu hay quyền sử dụng, nếu phải đi thuê hay lĩnh canh), chuồng trại và sức lao động của gia đình để sản xuất nông sản hàng hóa và thu lợi nhuận.
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, người lao động phải thực hiện “nhất thì, nhì thục”, đối với từng cá thể cây trồng, vật nuôi trong mỗi khâu của quá trình sản xuất nông phẩm. Chỉ có trang trại gia đình mới có thể thực hiện được điều này do tinh thần trách nhiệm cao và qui mô sản xuất phù hợp với khả năng quản lý (tầm hạn quản trị) của những người lao động trong gia đình.
2.2. Trang trại cá nhân (Solefarm)
Chính là doanh nghiệp cá nhân kinh doanh nông nghiệp (luật Việt Nam gọi nhầm là doanh nghiệp tư nhân). Trang trại cá nhân do một cá nhân làm chủ sở hữu, trực tiếp quản lý tất cả các khâu của quá trình kinh doanh, chủ yếu sử dụng sức lao động làm thuê.
2.3. Trang trại hợp danh (farming partnership)
Chính là công ty hợp danh kinh doanh nông nghiệp, trong đó, thành viên hợp danh là đồng sở hữu, chịu trách nhiệm vô hạn và có quyền quản lý trang trại. Còn các đồng sở hữu chỉ khác chịu trách nhiệm hữu hạn, không có quyền quản lý kinh doanh. Trang trại hợp danh chủ yếu sử dụng sức lao động làm thuê. Cả hai loại trang trại cá nhân và hợp danh đều có thể thực hiện “nhất thì, nhì thục” như trang trại gia đình, nếu qui mô trang trại phù hợp với tầm hạn quản lý của người chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, nhờ tinh thần trách nhiệm cao của họ. Ở Việt Nam hiện nay ,có một vài trang trại hợp danh mang tên hợp tác xã để được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ
2.4. Trang trại trách nhiệm hữu hạn, trang trại cổ phần (farming company limited và farming corporation)
Chính là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần kinh doanh nông nghiệp, đều do các cá nhân góp vốn và là đồng sở hữu chủ công ty. Cả 2 loại trang trại này đều sử dụng sức lao động làm thuê, kể cả người quản lí
2.5. Trang trại nhà nước (statefarm)
Thường được gọi là nông, lâm trường quốc doanh hay công ty nhà nước kinh doanh nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nhà nước là chủ sở hữu ít nhật 51% vốn sở hữu của doanh nghiệp. Phần vốn còn lại có thể do các cá nhân và tổ chức ngoài nhà nước làm chủ sở hữu.
Cả 03 loại trang trại trách nhiệm hữu hạn, trang trại cổ phần và trang trại nhà nước đều có lợi thế về qui mô vốn. Do qui mô kinh doanh lớn, phải sử dụng quá nhiều sức lao động làm thuê, nên các loại trang trại này phải thiết lập một vài cấp quản lý trung gian và thuê người quản lý. Vì vậy, các trang trại này thường không thực hiện được “nhất thì, nhì thục”, nên năng suất, chất lượng nông phẩm và hiệu quả kinh tế thấp xa so với trang trại gia đình. Để khắc phục khiếm khuyết này, người ta phải thực hiện “khoán hộ” cho các gia đình người lao động làm thuê để họ tự chủ và tự chịu trách nhiệm thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học trên đồng ruộng, ao nuôi, chuồng trại, như nông trường Sông Hậu thời Giám đốc Trần Ngọc Hoằng đã thực hiện. Thu nhập của hộ nhận khoán hoàn toàn phụ thuộc vào năng suất, chất lượng, giá thành của sản phẩm cuối cùng được tạo ra từ các khâu nhận khoán. Người nhận khoán từ địa vị người làm thuê trở thành người làm chủ sản xuất ở các khâu nhận khoán. Còn doanh nghiệp chỉ thực hiện các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các hộ gia đình nhận khoán.
Hình thức khoán hộ thực chất là tái lập trang trại gia đình trong lòng doanh nghiệp, được gọi là trang trại gia đình dự phần (affiliated farmhousehold). Mô hình doanh nghiệp nông nghiệp này vừa phát huy được ưu thế của trang trại gia đình trong các khâu sản xuất mang tính sinh học và ưu thế của doanh nghiệp trong khâu dịch vụ đầu vào – đầu ra của kinh doanh nông nghiệp, vừa khắc phục được nhược điểm của trang trại gia đình có qui mô nhỏ và của doanh nghiệp có qui mô kinh doanh lớn, xóa bỏ được cấp quản lý trung gian.
Hơn nữa, mô hình này còn tạo ra ưu thế trong việc thiết lập hệ thống quản lý theo chuỗi giá trị nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn. Khoán hộ cũng chính là một hình thức sản xuất theo hợp đồng (contract farming). Trên thực tế, trang trại gia đình vẫn là loại hình trang trại phổ biến trong nền kinh tế thị trường do những ưu thế của nó. Nhờ tiến bộ kĩ thuật, áp dụng công nghệ mới, qui mô kinh doanh của trang trại gia đình ngày càng lớn, tạo ra lợi thế kinh tế theo qui mô (economies of scale).
Đó chính là sự khác biệt cơ bản giữa tổ chức kinh doanh nông nghiệp và tổ chức kinh doanh công nghiệp, dịch vụ.
2.6. Trang trại gia đình dự phần (affiliated farmhousehold)
Chỉ là một bộ phận của doanh nghiệp, không phải là một tổ chức kinh doanh độc lập, nhưng có quyền tự chủ trong việc thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học, theo kế hoạch kinh doanh và qui trình kĩ thuật sản xuất của doanh nghiệp, được qui định trong cơ chế khoán.
3. Tích tụ, tập trung ruộng đất
Để có lợi thế kinh tế theo qui mô (economies of scale) và áp dụng công nghệ mới có hiệu quả, các trang trại trồng cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản không ngừng tăng qui mô ruộng đất phù hợp với tầm hạn quản lý của chủ trang trại. Đó là xu thế tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường.
Thực chất của tích tụ và tập trung ruộng đất là tích tụ và tập trung tư bản trong nông nghiệp (accumulation of capital; concentration of capital). Nói cách khác, tích tụ và tập trung ruộng đất là hình thái hiện vật của tích tụ và tập trung tư bản.
3.1. Tích tụ tư bản ( accumulation of capital) là sự gia tăng vốn kinh doanh của một số tổ chức kinh doanh tự chủ, bằng cách chuyển một phần lợi nhuận sau thuế vào vốn. Số vốn kinh doanh tăng lên này sẽ được dùng để mua, thuê thêm tư liệu sản xuất, ruộng đất và sức lao động. Nhờ đó, qui mô kinh doanh của tổ chức kinh doanh tăng lên.
3.2. Tập trung tư bản (concentration of capital) là sự sáp nhập hai hay nhiều tổ chức kinh doanh tự chủ thành một tổ chức kinh doanh có vốn chủ sở hữu lớn hơn, để tạo ra lợi thế kinh tế theo qui mô, tăng khả năng cạnh tranh.
Trong nông nghiệp, tập trung tư bản đã làm gia tăng qui mô ruộng đất của một tổ chức kinh doanh.
Việc sáp nhập nhiều tổ chức kinh doanh thành một tổ chức kinh doanh duy nhất diễn ra theo 02 cách: (i) hai hay nhiều tổ chức kinh doanh thỏa thuận hợp nhất thành một tổ chức kinh doanh lớn hơn (merger). (ii) một doanh nghiệp lớn thôn tính bằng cách mua lại một hay vài tổ chức kinh doanh khác để tạo ra một tổ chức kinh doanh lớn hơn (acquisition).
Việc tập trung tư bản theo hai cách này được gọi là sáp nhập doanh nghiệp bằng cách hợp nhất và thôn tính (merger and acquisition M&A).
Tích tụ tư bản làm gia tăng vốn sở hữu của tổ chức kinh doanh đồng thời gia tăng vốn của nền kinh tế. Tập trung tư bản chỉ gia tăng vốn sở hữu của tổ chức kinh doanh mà không gia tăng vốn của nền kinh tế.
Như vậy, tích tụ và tập trung ruộng đất ( Accumulation of land; Concentration of land) là một trong những kết quả biểu hiện bằng hiện vật của tích tụ và tập trung tư bản, tạo ra các trang trại có qui mô kinh doanh lớn hơn. Vì thế, việc “dồn điền, đổi thửa” không phải là một hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất, vì nó không làm tăng qui mô ruộng đất của một nông hộ - trang trại gia đình, mà chỉ làm giảm số lượng thửa đất (số mảnh ruộng) của họ.
4. Tập trung sản xuất và chuyên môn hóa sản xuất ( Concentration of production and specializing of production)
Để tận dụng lợi thế so sánh và khai thác địa tô chênh lệch 1 của mỗi vùng nông nghiệp – sinh thái, người ta thực hiện việc tập trung và chuyên môn hóa sản xuất.
Tập trung sản xuất là trên một vùng nông nghiệp – sinh thái, nhiều tổ chức kinh doanh nông nghiệp (trang trại) cùng sản xuất một hay vài loại nông sản hàng hóa chủ lực. Khi qui mô của vùng sản xuất tập trung đủ lớn sẽ tạo ra vùng chuyên môn hóa sản xuất hay vùng chuyên canh. Nói cách khác,tập trung sản xuất là thể hiện mặt lượng của chuyên môn hóa sàn xuất. Vùng sản xuât chuyên canh không phụ thuộc vào địa giới hành chính ( tỉnh ,huyện),mà phụ thuộc vào vùng lảnh thổ sinh thái tự nhiên và nhân văn. .Do vậy , chỉ có Chính phủ mới có đủ trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo phát triển vùng sản xuất chuyên môn hóa với những sản phẩm chiến lược của mổi vùng .Các tỉnh không thể tự nguyện liên kêt với nhau để xây dựng vùng sản xuất chuyên môn hóa do sự khác biệt về lợi ích.
Các mô hình cánh đồng lớn được tổ chức theo kiểu “liền đồng, khác chủ, cùng giống” là một hình thức tập trung sản xuất, không phải là một hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất. Vì tập trung sản xuất tạo ra vùng chuyên môn hóa sản xuất mà không làm gia tăng qui mô ruộng đất của một đơn vị kinh doanh nông nghiệp – trang trại. Mặt khác, tích tụ và tập trung ruộng đất làm tăng qui mô kinh doanh của mỗi trang trại là điều kiện cần để thực hiện tập trung, chuyên môn hóa sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
5. Chủ trang trại và nông dân, người lao động làm thuê trong nông nghiệp
5.1. Chủ trang trại là người làm chủ và trực tiếp quản lý trang trại của mình (farmers)
Những người đồng sở hữu, không trực tiếp quản lý kinh doanh trong trang trại hợp danh, trang trại trách nhiệm hữu hạn, trang trại cổ phần là nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp (Investor in agriculture – agricultural investor)
5.2. Nông dân
Chủ hộ và các thành viên khác của gia đình cùng quản lý và lao động trong trang trại gia đình (farm household) được gọi là nông dân (peasants). Người chủ nông hộ là người trực tiếp quản lý trang trại và đại diện theo pháp luật của trang trại (farm householder).
5.3. Người lao động làm thuê cho các trang trại (employee)
Là công nhân nông nghiệp, không phải nông dân, không có khái niệm “nông dân không có đất và không có trang trại”.
6. Địa chủ (landowner)
Người sở hữu ruộng đất (hay quyền sử dụng ruộng đất theo pháp luật Việt Nam hiện hành) gọi là chủ đất hay địa chủ.
Cần phân biệt địa chủ trong kinh tế thị trường và trong kinh tế dưới chế độ phong kiến, quân chủ.
Trong chế độ phong kiến hay quân chủ, người được nhà nước phong cấp ruộng đất hay sử dụng cường quyền để chiếm đoạt và sở hữu nhiều ruộng đất, rồi phát canh thu tô, được gọi là địa chủ phong kiến. Loại địa chủ này đã bị cuộc cách mạng dân chủ tiêu diệt.
Trong kinh tế thị trường, người sở hữu nhiều ruộng đất bằng tích tụ và tập trung ruộng đất theo cơ chế “thuận mua, vừa bán” là một loại trong các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản.
Họ có thể lập trang trại trên đất của mình, nhưng phần đông cho người khác thuê (lĩnh canh) để lập trang trại và thu địa tô (cả địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch 1).
Bản chất kinh tế của việc “phát canh, thu tô” trong kinh tế thị trường cũng giống như hoạt động đầu tư xây dựng khu công nghiệp, xây nhà để cho người khác thuê làm công xưởng, văn phòng, hoặc để ở. Điều này cũng tương tự như hoạt động của công ty tài chính. Công ty này mua trang thiết bị sản xuất để cho người khác thuê lại.
Thật là vô lý, nếu chính sách hạn chế tích tụ và tập trung ruộng đất để phát canh thu tô trong nông nghiệp nhưng lại không hạn chế đối với hoạt động tích tụ và tập trung ruộng đất xây dựng khu công nghiệp, nhà cho thuê… Việc tích tụ và tập trung ruộng đất chỉ bị hạn chế bởi tiến trình biến nông dân, người lao động nông nghiệp, thành thị dân và người lao động phi nông nghiệp một cách bền vững. Điều này, phụ thuộc vào chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ và khu đô thị, tức là phụ thuộc vào tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông nghiệp và nông thôn.
7. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nông nghiệp
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng đầu tư vốn vào nông nghiệp bằng cách chuyển một phần vốn từ kinh doanh công nghiệp, bất động sản, dịch vụ sang nông nghiệp. Các doanh nghiệp này phải mua hoặc cho thuê lại quyền sử dụng đất của các nông hộ nhỏ lẻ.
Các nông hộ chỉ sẵn sàng bán hay cho thuê ruộng đất lâu dài khi họ đã có sinh kế phi nông nghiệp ổn định và tốt hơn làm nông nghiệp, ở khu công nghiệp và đô thị. Nếu kinh tế phi nông nghiệp bấp bênh, nhiều rủi ro, họ chỉ cho mượn ruộng đất, cho thuê ngắn hạn hay thậm chí bỏ hoang. Khi đó, ruộng đất không còn là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông nghiệp, mà trở thành “vật bảo hiểm”, “của tiết kiệm” của các nông hộ nhỏ lẻ; Người lao động nông nghiệp không trở thành người lao động phi nông nghiệp một cách bền vững.
Trong trường hợp doanh nghiệp thuê được ruộng đất của các trang trại nhà nước, có quỹ đất lớn, họ cũng phải thực hiện khoán hộ cho người lao động, lập ra các trang trại gia đình dự phần (affiliated farmhousehold), đồng thời thiết lập hệ thống quản lý theo chuỗi giá trị nông sản, từ trang trại đến bàn ăn.
Nếu doanh nghiệp không thuê được ruộng đất lâu dài thì phải đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản và phân phối nông sản và liên kết với các loại trang trại để thực hiện tổ chức sản xuất theo hợp đồng (contract farming) và quản lý theo chuỗi giá trị nông sản trên vùng sản xuất chuyên canh (tập trung và chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp).
8. Sản xuất theo hợp đồng và chuỗi giá trị nông sản (contract farming and value chain of agricultral products)
8.1. Sản xuất theo hợp đồng là một cơ chế quản lý được thiết lập một cách tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa trang trại và doanh nghiệp mua, chế biến nông sản. Theo đó, trang trại sản xuất và cung ứng nông sản theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp; Doanh nghiệp kiểm soát và hướng dẫn trang trại thực hiện đúng qui trình, tiêu chuẩn kĩ thuật sản xuất, cung ứng một số hay tất cả nguồn lực đầu vào và mua nông sản của trang trại theo giá thỏa thuận được ghi trong hợp đồng. Giá mua – bán nông sản theo cơ chế sản xuất theo hợp đồng không phải là thời giá khi kí hợp đồng hay giao nông sản, cũng không phải là giá trên thị trường giao sau. Giá này phản ánh sự phân chia lợi ích và rủi ro kinh doanh giữa trang trại và doanh nghiệp trong hoàn cảnh bình thường của tự nhiên và thị trường, theo nguyên tắc 2 bên cùng thắng. Trang trại hưởng lợi và chịu rủi ro trong khâu sản xuất mang tính sinh học. Doanh nghiệp hưởng lợi và chịu rủi ro trong khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ trên thị trường.
8.2. Sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản
Sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là một cơ chế liên kết các chủ thể kinh doanh các khâu, công đoạn khác nhau của cùng một quá trình làm ra một loại nông sản nào đó nhằm chia sẻ và nâng cao lợi ích của mỗi chủ thể tham gia chuỗi giá trị. Theo đó, đầu ra của chủ thể kinh doanh này là đầu vào của chủ thể kinh doanh kế tiếp của quá trình kinh doanh. Cốt lõi của cơ chế sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản là cơ chế quản lý sản xuất theo hợp đồng. Nhờ vậy, ưu thế của trang trại gia đình và trang trại không có cấp quản lý trung gian được phát huy, điểm yếu của nó lại được hạn chế, khắc phục nhờ sự phát huy ưu thế của doanh nghiệp trong việc giải quyết 03 vấn đề: (i) thị trường và thương hiệu, (ii) áp dụng công nghệ mới, (iii) vốn kinh doanh.Giải quyết được 3 vấn đề này,doanh nghiệp mua,chế biến ,bảo quản tiêu thụ nông sản trở thành chủ thể lảnh đạo chuỗi giá trị từ trang trại đén bàn ăn
Trên đây là vài ý kiến lạm bàn về một số khái niệm và thuật ngữ kinh tế nông nghiệp, mà theo tôi cần thảo luận để có được nhận thức chung giống nhau. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể thay đổi tư duy trong hoạch định chính sách nông nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.