Trước nguy cơ "bùng nổ" diện tích sầu riêng, chanh leo sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vừa có Chỉ thị yêu cầu các địa phương, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không tự ý mở rộng diện tích trồng hai loại cây này ở những nơi không phù hợp.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau khi Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, diện tích loại cây này đã tăng chóng mặt, có những địa phương, sau vài tháng ký Nghị định thư đã có thêm 3.000ha sầu riêng được trồng mới.
Diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam tăng chóng mặt sau khi được xuất khẩu đi Trung Quốc |
Tính đến nay, cả nước có khoảng 90.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm. Trong đó, Tiền Giang, Đắk Lắk là những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất.
Bộ NN&PTNT đánh giá, trong những năm gần đây sản xuất sầu riêng, chanh leo nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Một số địa phương trọng điểm sản xuất sầu riêng, chanh leo đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân; đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao vị thế, thị phần ngành hàng rau quả nói chung và sầu riêng, chanh leo Việt Nam nói riêng trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…
Để phát triển sản xuất sầu riêng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, thực hiện kiểm tra một số bệnh virus trên cây giống cây chanh leo trước khi xuất vườn; Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường...