CCB. Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (Kỳ 7)

Kỳ 7: Chặn đứng cuộc tập kích của địch. Những ngày tháng 2-1979, bọn Pol Pôt tăng cường hoạt động, tập kích các chốt của ta. Đơn vị tôi được lệnh cũng cố lại công sự, đề phòng địch đột nhập, đánh phá cầu Toek Sab trên Quốc lộ 4 gây ách tắc giao thông.

Dùng súng AR-15 và lựu đạn Mỹ tăng cường năng lực tác chiến

Đang là mùa khô ở Campuchia nên đã lâu không thấy một giọt mưa, nhờ vậy, chúng tôi cũng đỡ khổ hơn vì hầm hào khô ráo.Ngày ngày, dưới cái nắng chói chang, rát rạt da mặt, chúng tôi thay nhau đào giao thông hào kết nối các vọng gác trên chốt và thông ra đầu cầu Toek Sab. Đất ven đường lộ rất cứng, đào quá vất vả, dụng cụ đào liên tục bị hỏng, có khi cả ngày chỉ đào được vài mét. Hồi đó kinh tế đất nước khó khăn, thiếu sắt thép để sản xuất công cụ lao động, vậy nên quân dụng cũng biếm hoi, cả khẩu đội 11 người mà chỉ có 1 đầu cuốc chim, 1 lưỡi cuốc bàn “con gà” và 1 lưỡi xẻng, tự tra cán. Nhớ trước năm 1975, tôi thấy lính Mỹ được trang bị mỗi tên một thiết bị đào công sự đa năng bằng hợp kim, trọng lượng nhẹ, lắp ráp nhanh chóng để vừa cuốc được đất cứng, đào đất mềm, vừa xúc đất, nghĩ mà thèm.

Rồi chúng tôi cũng đào xong hầm hào, bố trí lại phương án chống địch tập kích. Là một đơn vị hỏa lực nên ngoài khẩu trọng liên 12ly7, cả khẩu đội chỉ có 1 khẩu tiểu liên AK-47, nếu địch tập kích đánh cận chiến thì ta bất lợi. Chúng tôi phải nghĩ cách nâng cao khả năng phòng thủ.

a1-1651990358.jpg
Cầu Toek Sab qua sông Prek Toek Sab hiện nay ở K. Mục tiêu đơn vị tôi bảo vệ tháng 2-1979 - Phía bên trái cầu sau hàng dừa là chốt của khẩu đội 12ly7, phum Smach Deang-Ảnh Google map’

Vốn là người duy nhất trong khẩu đội trước 1975 từng tiếp xúc với lính Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn; xem họ tháo lắp, sử dụng súng, lựu đạn của Mỹ nên tôi có chút kiến thức về vũ khí của Mỹ. Tôi cùng 2 chiến sĩ đơn vị tìm đến một kho vũ khí cũ đã bị lính Pol Pôt phá hủy khi tháo chạy, súng đạn còn vương vãi. Chúng tôi lục lạo, thu được một số mìn định hướng Claymore, lựu đạn tròn sát thương và lựu đạn sáng phi sát thương (loại này khi nổ cháy sáng, giúp phát hiện mục tiêu), súng chống tăng M-72, gần chục khẩu súng AR-15 đã bị gãy báng, hư nòng, bể ốp tay, còn đạn AR-15 thì nhiều và còn mới nguyên trong thùng… Tất cả chiến lợi phẩm được khuân về chốt. Mấy anh em chưa từng thấy nó bao giờ, nhìn ngạc nhiên:

- Mấy ông ôm của nợ này về làm gì ?!.

Cả ngày hôm sau, như chơi đồ chơi, tôi bắt đầu mày mò tháo lắp, chọn các bộ phận chưa bị hỏng ráp thành 4 khẩu AR-15 hoàn chỉnh, đem bắn thử, nổ liên thanh giòn giã, cả khẩu đội sướng rơn, đúng là tiểu liên cực nhanh của Mỹ.

Cùng với việc trang bị thêm 4 khẩu AR-15 với nhiều cơ số đạn, tôi còn tự mình gài mấy quả mìn định hướng Claymore, hơn chục quả lựu đạn sáng thành 2 lớp ở các hướng trọng yếu quanh chốt, nếu địch mò vào sẽ vướng dây nổ phát sáng, ta sẽ phát hiện tiêu diệt. Với thực lực và trang bị hiện có, cả khẩu đội vững tâm hơn trong các phiên gác đêm, anh em còn nói đùa, thách cả đại đội bọn Miên (chỉ lính Pol Pôt) cũng không đánh bật nổi chốt khẩu đội mình được.

a2-1651990386.jpg
"Phum Smach Deang, Sihanoukville ngày nay, nơi khẩu đội 12ly7 của tôi đóng chốt bảo vệ cầu Toek Sab tháng 2-1879. Ảnh Google map

Chặn đứng một cuộc tập kích

Những đêm hạ tuần tháng 2-1979, trời không gợn một bóng mây, vầng trăng khuyết đã lặn từ bao giờ, chỉ còn ánh sao trời dày đặc tỏa sáng mờ mờ khung cảnh hoang vu của vạt rừng ven đường lộ nơi khẩu đội tôi đóng chốt.

Bấy giờ khẩu đội chỉ còn lại 10 người, khẩu đội trưởng Vũ Quang Cảnh bị thương đã về tuyến sau. Chúng tôi phân công nhau trực gác 3 hướng chính, hướng còn lại dựa lưng với đơn vị bạn. Thời đó, đồng hồ là thứ xa xỉ đắt tiền, cả khẩu đội không ai có. Anh em áng chừng khi ánh sao hôm chênh chếch đỉnh đầu là khoảng nửa đêm, người gác phiên đầu tiên đổi phiên cho người kế tiếp; cho đến khi ánh sao mai xuất hiện một lúc thì đổi phiên gác cuối. Đêm khuya thanh vắng, thời gian trôi chậm chạp, không thể căn thời khắc chính xác, có hôm bị “dồn toa”, người gác phiên cuối lãnh đủ, phàn nàn inh ỏi buộc cả khẩu đội phải thức cùng.

Có lẽ bọn Pol Pôt đã điều nghiên, thấy chốt chúng tôi là cái gai trong mắt chúng. Vào một đêm, khi tôi đổi gác cho Dũng (cùng xạ thủ số 1, nằm cùng lán), vừa ngã lưng trên tấm nilon rãi trên lá cây trong lán dã chiến định ngủ thì một quả mìn sáng ở hướng bên cạnh phát nổ đang cháy, soi sáng cả một góc rừng. Ánh (quê Gia Lâm, Hà Nội) trực gác hô to:

-  Miên anh em ơi!

Rồi anh ấy bắn từng loạt AR-15. Cả khẩu đội nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, nổ súng ra các hướng nghi có địch. Từng tràng tiểu liên AR-15 và AK47, nổ đanh giòn, phá tan sự tĩnh lặng của màn đêm.

a3-1651990410.jpg
Các loại vũ khí Mỹ  được khẩu đội 12ly7 tôi sử dụng. Từ trên xuống là súng AR-15, M.72, lựu đạn tròn, mìn định hướng Claymore và lựu đạn chiếu sáng (phi sát thương)

Tôi bấm kích nổ một quả mìn claymore. Bỗng 1 quả lựu đạn sáng khác ở tuyến trong cũng phát nổ. Địch đã đột nhập vào gần rồi chăng?

- Coi chừng địch đã vào gần! Anh em khầu đội hét to. Tôi rút chốt ném tiếp quả lựu đạn tròn ném ra hướng nghi có địch. Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Tiếp tục bắn một lúc thì chúng tôi ngưng, nghe ngóng. Không có tiếng súng bắn trả nên anh em chỉ dùng hỏa lực hạn chế, chưa cho nổ thêm mìn định hướng và ném thêm lựu đạn.

Cả khẩu đội chong mắt cả đêm đến sáng để đề phòng.

Trời sáng hẳn, khi những tia nắng xuyên qua tán lá rừng tái sinh lưa thưa, nhìn rõ từng gốc cây, ụ đất, tôi và Ánh (quê Gia Lâm) thận trọng bò ra xem xét hiện trường. Quả lựu đạn sáng tuyến trong có thể do ta bắn trúng gây nổ, còn quả nổ sáng vòng ngoài đích thị là do địch đột nhập vướng vào dây kẽm phát nổ, bị phát hiện nên chúng buộc phải rút lui. Chúng tôi phát hiện nhiều đám cỏ rạp xuống, dính máu chứng tỏ có tên bị thương hoặc chết đã được chúng kéo đi. Tôi bảo Ánh:

- Thôi, rút lui, không ra xa nữa, lỡ Miên bị thương nó liều chết thì sao.

Chúng tôi quay trở lại chốt báo cáo lên cấp trên. Hôm sau, đơn vị mở cuộc truy quét vào hướng địch đã tập kích nhưng không phát hiện gì thêm, có lẽ chúng đã cao chạy xa bay vào rừng sâu.

Mời đón đọc Kỳ 8: Lính bộ hành quân thủy.

CCB Nguyễn Vân Hậu, sinh năm 1959 tại Quảng Trị. Sau khi xuất ngũ, ông kinh qua các vị trí công tác tại tỉnh Lâm Đồng: Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (TP.Bảo Lộc); Ủy viên Thường trực HĐND TP Bảo Lộc; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng. Dưới các bút danh: ThS.Nguyễn Vân Hậu; Nguyễn Vân Hậu; Vân Hậu; Vân Nguyên; Nguyên Bảo; Song Ngữ, ông là tác giả của hàng trăm bài viết trên Báo Đại biểu Nhân dân, Báo Người Lao động, Báo Lâm Đồng, Báo Sài Gòn Giải phóng, Trang Thông tin HĐND tỉnh Lâm Đồng, Trang Thông tin Nội bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng…