Người phụ nữ “thổi hồn” vào gỗ
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán nhưng niềm yêu thích, say mê gỗ thôi thúc chị Đào Thanh Nguyên theo đuổi nghề gỗ hơn 10 năm nay. Chị là người có đam mê sưu tầm và “thổi hồn” vào gỗ để cho ra đời các loại mặt bàn trà gỗ nguyên tấm, mặt bàn lũa nghệ thuật và được nhiều người ưu ái gọi bằng cái tên chị “hồn gỗ”.
Với nhiều người, những khúc gỗ lũa mục nát kia chẳng còn mấy giá trị, nhưng dưới con mắt của chị Nguyên nó ẩn chứa một linh hồn. Từ những nguyên liệu tưởng chừng vô tri vô giác nhưng dưới bàn tay tài hoa của chị những khúc gỗ ấy đã trở thành những kiệt tác phục vụ cho đời sống, tinh thần con người.
Để có những tác phẩm thể hiện được ý nghĩa sâu sắc, chị Nguyên cảm nhận, chăm chút, nâng niu bằng cái tâm của mình. Cứ như thế, miệt mài trong suốt hơn 10 năm qua, bộ sưu tập của chị ngày một dày thêm. Chính chủ nhân của nó cũng không thể nhớ hết được mình có trong tay bao nhiêu tác phẩm bàn trà được chế tác từ gỗ.
Đam mê và tâm huyết với nghề, đến nay cơ sở của chị cũng góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động.
Sự tử tế, tận tụy với nghề
Ban đầu chỉ là những bộ bàn ghế, những tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, sau đó chị lại có ý tưởng làm bột gỗ từ những loại gỗ quý. Khi mới bắt đầu bắt tay vào làm, chị gặp không ít khó khăn bởi chưa có kinh nghiệm công thức trộn bột nên không ít lần thất bại, tiêu tốn không ít công sức, tiền của. Tuy nhiên, niềm đam mê mãnh liệt với gỗ không cho phép chị bỏ cuộc.
“Thua keo này ta bày keo khác”, chị kiên trì tìm tòi, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua mỗi lần thất bại để tích lũy cho mình những bài học. Chị Nguyên cho biết: “Ban đầu mình không biết nên trộn tất cả các loại bột gỗ với nhau, không ít những mẻ gỗ không thành công. Sau này tìm hiểu mình mới vỡ lẽ ra là phải hiểu tính chất của từng loại gỗ, ví dụ như gỗ sưa mình sẽ trộn với gỗ ngọc am vì gỗ sưa rất tơi xốp, khi trộn với ngọc am nó sẽ hút hết những tinh dầu trong gỗ ngọc am thì mới cho ra sản phẩm bột gỗ chất lượng”.
Mỗi lần trộn bột gỗ xong, chị Đào Thanh Nguyên đều tự tay kiểm tra từng bao bột, kiểm soát những khâu hoàn thiện cuối cùng để cho ra những bao bột gỗ chất lượng nhất, thơm nhất. Thế mới biết để cho ra những tác phẩm bằng gỗ đã khó, cho ra sản phẩm bột gỗ còn khó hơn gấp nhiều lần bởi không chỉ đơn giản là chọn được loại gỗ quý mà còn phải hiểu được tính chất của gỗ, kỹ thuật xay trộn như thế nào để không bị bết dính, ẩm mốc, tỷ lệ trộn ra sao để có được hương thơm đặc biệt mà trên thị trường chưa có.
Anh Phạm Thế Huân - Quản lý cơ sở Hồn Gỗ chia sẻ: “Bí quyết thành công để cho ra các loại bột gỗ quý hiếm nằm ở sự tính toán, nghiên cứu tỷ lệ các loại bột gỗ khi trộn vào nhau theo từng mục đích mà mình sử dụng chúng vào việc gì”.
“Chị Nguyên thường xuyên mang bột gỗ ra chùa để thắp cúng Phật, bột gỗ của chị Nguyên rất thơm, đi khắp chùa đều phảng phất mùi bột gỗ thơm lừng, khiến các phật tử khi đến đây ai nấy đều cảm thấy rất thanh tịnh và thoải mái”, Ni cô Thích Đàm Hậu - Trụ trì chùa Ngọc Liên (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết.
Rất nhiều khách hàng yêu thích sản phẩm của chị đã tự đến tận xưởng để đặt mua bột gỗ về dùng, tặng cho người thân bạn bè. Anh Nguyễn Văn Hoàng - một trong những “khách ruột” của chị Nguyên tâm sự: “Nhà tôi tầng nào cũng có mùi bột gỗ của chị Nguyên. Mỗi khi ngửi mùi bột gỗ bay lên, tôi có cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tâm hồn rất phiêu. Đặc biệt, những ai khó ngủ, đốt bột gỗ trong nhà rất dễ ngủ, giấc ngủ ngon và sâu giấc”.
Cùng chung cảm nhận với anh Hoàng, chị Thanh Tâm (Hưng Yên) chia sẻ: “Bột gỗ chị Nguyên đỉnh lắm, tôi chưa thấy bột gỗ nào thơm như thế, mà để được rất lâu, không hề bị ẩm hay bết”.
Sản phẩm bột gỗ thơm của chị Nguyên đã được công nhận ISO9001 2015, được Đài truyền hình Hà Nội 1 sản xuất phóng sự giới thiệu đến nhiều người về dòng sản phẩm chất lượng, đa dạng của cơ sở “Hồn Gỗ”, được vinh danh là thương hiệu - nhãn hiệu uy tín tại Chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2023.
Đó là “trái ngọt” minh chứng cho lòng yêu nghề, sự tận tụy, tử tế với nghề của chị Đào Thanh Nguyên. Chị cũng chia sẻ mong muốn không chỉ trong nước biết đến mà còn được đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài.