Có những lá thư viết thay "Di chúc" của người lính trước khi ra trận

Trang 243 của Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” có một bài viết rất cảm động, mang tựa đề “Khi hòa bình, nếu có điều kiện, hãy vào Nam lấy hài cốt anh về”.

 Đó là nội dung trích trong bức thư, được xem như là bản “di chúc” thiêng liêng của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, từng là sinh viên năm thứ 4 của trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhập ngũ tháng 5/1972, viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị khốc liệt trong 81 ngày đêm khói lửa, được đồng đội và gia đình cất giữ, sau này đã trao tặng và trưng bày tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị.

dt1dvh1a-1729822176.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bức thư trên được liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết ngày 11/9/1972, trước ngày anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày (2/1/1973). Mở đầu bức thư người lính linh cảm rõ ngày mình sẽ ra đi mãi mãi, nên đã chia xẻ với người thân bằng những lời gan ruột nhất: “Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột… Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…”.

Gửi đến người mẹ hiền hậu nơi quê nhà với tình cảm của người con phương xa, anh viết: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc”.

Bên cạnh những dòng thư viết vội gửi đến người mẹ già yếu, anh cũng dành tình cảm cho người vợ mới cưới, cho người thân với những gửi gắm, dặn dò tha thiết. Tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt luôn hằn sâu trong tâm thức anh. Anh nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị khi vừa làm đám cưới với chị Đặng Thị Xơ chỉ đúng có 6 ngày. Kể từ đó, đã mấy chục năm, chị đằng đẵng thủy chung thờ chồng mà không đi bước nữa.

Anh viết: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này… Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự, thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn…”.

Điều đặc biệt, Lê Văn Huỳnh đã tiên đoán được ngày mình hy sinh cũng như cái nơi mà anh sẽ ngã xuống, địa điểm đồng đội sẽ chôn cất. Trong bức thư viết trước ngày mất, người chiến sĩ trẻ Lê Văn Huỳnh đã dự cảm chính xác về ngày 2/1/1973 anh sẽ hy sinh. Đây cũng chính là tròn 1 năm kỷ niệm ngày cưới của anh với người vợ hiền Đặng Thị Xơ ở quê nhà Thái Bình. Nhờ vậy mà gia đình đã tìm được hài cốt của anh sau 30 năm lưu lạc (1972 - 2002).

Thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh chỉ là một trong hàng trăm lá thư của những người lính viết thay “Di chúc” gửi cho người thân, trước khi ra trận và hy sinh. Đó là tình cảm thiêng liêng gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình. Nhưng trên hết, là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình” mà không chút đắn đo. Những bức thư ấy như một thông điệp gửi đến mai sau: Hãy biết “sống đẹp, sống có ích”, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau.

Hơn 20 năm trước, khi đang làm việc tại Báo “An ninh Thế giới”, tôi đã vinh dự được thay mặt Tòa soạn về thôn Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, để thăm gia đình chị Đặng Thị Xơ – Người vợ thủy chung của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và tổ chức cho chị đi TP. Hồ Chí Minh để giao lưu với các bạn đọc…

Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 80 năm truyền thống QĐND Việt Nam, ekip Thời sự của Truyền hình QPVN: Biên tập Trương Hải Yến, Quay phim Toàn Hưng vừa tới Thư phòng “Trái tim người lính” để thực hiện một phóng sự ngắn về chủ đề nêu trên. Dự kiến, phóng sự sẽ được phát trong chương trình Thời sự 20h00’, ngày 26/10/2024, trên sóng QPVN.

Hà Nội, 25/10/2024

TTNL