Công tác lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng trong năm 2023

Công tác lâm nghiệp với góc nhìn đa diện trong năm 2023 đã đánh giá, phân tích nguyên nhân cốt lõi, làm cơ sở phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt tồn tại trong phương hướng, kế hoạch năm 2024.
71417-images2466199-img-0071-1704789520.jpg

Trong năm 2023 Lâm Đồng đã tổ chức gần 690 cuộc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, thu hút 40.465 lượt người tham gia, ký 717 bản cam kết giữ rừng. Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng Lâm Đồng tăng cường hướng về cơ sở mở nhiều cuộc tuyên truyền lưu động chuyên đề quản lý, bảo vệ rừng.

Trong đó, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng triển khai phương án phòng, chống cháy rừng đối với Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững các huyện, thành phố và một số đơn vị chủ rừng Trung ương đóng trên địa bàn. Đồng thời, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 2 Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn (gần 10,2 ha) và Khu resort Lạc Hồng (2.860 m2). 

Đồng thời, toàn tỉnh có 5 phương án quản lý, bảo vệ rừng phê duyệt tại các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tiếp theo có 13 Ban Quản lý rừng, 5 Công ty Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia Bi doup - Núi Bà và Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đã hoàn thành phương án quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, đã ký 226 hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện các dự án đầu tư theo Luật Lâm nghiệp. 

Đặc biệt, ngày 15/11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn năm 2016-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 596.297 ha, chiếm gần 61% tổng diện tích tự nhiên; đất quy hoạch rừng đặc dụng 84.224 ha, đất quy hoạch rừng phòng hộ 172.766 ha, chiếm lần lượt hơn 14%, 29% và 56,9% diện tích đất lâm nghiệp. Toàn tỉnh cũng đã giao khoán bảo vệ rừng theo nguồn vốn ngân sách trên địa bàn 2 huyện Đơn Dương và Di Linh với tổng diện tích gần 57.230 ha, gần 1.280 hộ và 14 đơn vị tham gia. Và chi trả từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng trên tổng diện tích gần 400.000 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất đối với 34 tập thể, 11.162 hộ gia đình dân tộc thiểu số và 3.579 hộ gia đình dân tộc Kinh. 

Hiện các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp đều ký hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên năm 2023. Trước đó, qua phúc tra nghiệm thu đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng năm 2022 thể hiện: Diện tích quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài khu vực chi trả từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 58.772,4 ha; trong lưu vực chi trả từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng hơn 80.888,7 ha. Và tính đến giữa tháng 12/2023, toàn tỉnh đã trồng 11.139.910 cây xanh các loại, đạt 89,8% kế hoạch. Trong đó, 3 huyện dẫn đầu số lượng trồng cây xanh trong tỉnh gồm: Đơn Dương (1.348.600 cây), Đam Rông (1.148.500 cây), Bảo Lâm (1.035.840 cây)...

Đa số diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm trong năm 2023 đã giải tỏa, thu hồi và bàn giao trồng lại rừng. Số vụ vi phạm (giảm 25%), diện tích rừng bị phá (giảm 40%), so với năm 2022 giảm 5 vụ phức tạp, nổi cộm. Tuy nhiên, theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, công tác trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm còn chưa hiệu quả, còn để đối tượng canh tác trên diện tích đất vi phạm. Một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án đầu tư chậm tiến độ, không đúng hạng mục phê duyệt; để mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; chưa chấp hành nghiêm việc nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng...

Bên cạnh đó, nguyên nhân những tồn tại trong công tác lâm nghiệp năm 2023 là: Về khách quan, lực lượng còn mỏng, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng; thủ đoạn phá rừng ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý. Về chủ quan, các đơn vị chủ rừng còn bị động tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng; chưa chủ động rà soát quỹ đất trống đưa vào trồng rừng; một số doanh nghiệp không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng, hoặc có bố trí lực lượng không có chuyên môn nghiệp vụ, do đó bị động xử lý các tình huống phát sinh. Lực lượng chức năng trong một số vụ việc chưa quyết liệt điều tra, xử lý các đối tượng chủ mưu; công tác phối hợp giữa các lực lượng liên quan có lúc chưa kịp thời.

Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng nhấn mạnh các mục tiêu trọng tâm, “Trong năm 2024, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, so với năm 2023 giảm 20% trở lên về diện tích rừng và khối lượng lâm sản thiệt hại; giảm dưới 15% số vụ không phát hiện đối tượng vi phạm; đôn đốc trồng cây tăng độ phủ xanh của rừng...”.