Công trình “Cơ sở khoa học của phát triển nông nghiệp và nông thôn Đồng bằng sông Hồng”

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Cơ sở khoa học của phát triển nông nghiệp và nông thôn Đồng bằng sông Hồng”của tác giả PGS.TS. Đào Thế Anh Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong cuốn sách quý nói trên.

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là thành viên của một gia đình có truyền thống nghiên cứu khoa học hiếm có ở Việt Nam, khi có 2 bố con cùng đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN do Nhà nước trao tặng. Đây là một cụm công trình nghiên cứu khoa học thể hiện toàn bộ sự nghiệp khoa học hơn 45 năm của GS.VS. Đào Thế Tuấn với khoảng 300 cuốn sách và bài báo đã xuất bản; nhiều giống và tiến bộ kỹ thuật được phổ biến, chủ yếu gắn với quá trình phát triển của nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng.Trong 45 năm công tác ở Viện Khoa học K thuật Nông nghiệp Việt Nam, cùng với quá trình phát triển của Viện, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu cơ sở khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn ở Lưu vực sông Hồng, theo các bước tiến của nông nghiệp nước ta:

  1. Thâm canh tăng năng suất lúa, giải quyết an ninh lương thực.
  2. Đa dạng hoá nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.
  3. Phát triển kinh tế hộ nông dân, kinh tế thị trường và các thể chế nông thôn sau Đổi mới.

Cả ba thời kỳ đó đều được nghiên cứu trên quan điểm hệ thống xuyên suốt: Hệ thống ruộng lúa năng suất cao, hệ thống cây trồng, canh tác và hệ thống nông nghiệp, nông thôn. Có thể nói đây là tiếp cận nghiên cứu phát triển mới áp dụng trong nông nghiệp và nông thôn lần đầu tiên ở nước ta.

GS.VS. Đào Thế Tuấn đã tiến hành các nghiên cứu trên ở Học viện Nông lâm, Viện khoa học nông nghiệp Việt nam và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI) từ năm 1958 đến năm 2003. Trong thời gian này, GS.VS. Đào Thế Tuấn từng là Trưởng phòng Khoa học (1958-1963), Trưởng ban Trồng trọt (1963-1976), Phó Viện trưởng (1976-1982), Viện trưởng (1982-1995), Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp (1995-2003). Các công trình nghiên cứu đã được tiến hành ở các Bộ môn Sinh lý Cây trồng, Bộ môn Cây trồng mới, Bộ môn Sinh thái Canh tác và Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp thuộc VASI. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã hướng dẫn và cộng tác với các học trò - đồng nghiệp như PGS.TS. Tạ Minh Sơn, đồng tác giả chọn giống chịu bệnh (Nông nghiệp 75-10); PGS.TS. Phạm Văn Chương, đồng tác giả chọn giống chịu chua và thiếu lân (V14, V15); PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuyền, đồng tác giả nghiên cứu sinh lý giống lúa năng suất cao; PGS.TS. Đào Thế Anh, đồng tác giả nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân và TS. Vũ Trọng Bình, đồng tác giả nghiên cứu về thể chế nông thôn.

ggggg-1662561958.jpg
Cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác" 
  1. Các nội dung chính của công trình KHCN, cơ sở khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn Đồng bằng sông Hồng

Những nội dung chính của các công trình của GS.VS. Đào Thế Tuấn bao gồm các nội dung sau xếp theo thứ tự thời gian gắn với tiến trình phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSH:

Giai đoạn đầu tiên sau khi mới về viện công tác, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã tiến hành nội dung Nghiên cứu cơ sở khoa học của thâm canh tăng năng suất lúa: Nghiên cứu sinh lý của hiện tượng lốp đổ, dinh dưỡng khoáng của cây lúa đi sâu vào tác dụng của phân lân, bệnh vàng lụi, sinh lý của ruộng lúa năng suất cao, cơ sở sinh lý của việc chọn ging cây trồng; tạo giống chịu các điều kiện sinh thái khó khăn như chịu chua mặn, rét, hạn, ngập úng và chịu sâu bệnh ở nước ta. Cùng với các cộng sự, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã lai tạo được 5 giống lúa NN75-10, CN2, V14, V15 và CR203 trong giai đoạn này.

Cụ thể là, giai đoạn năm 1958-1960, sau khi hoàn thành việc hợp tác hoá nông nghiệp, nước ta bắt đầu vào việc thâm canh tăng năng suất lúa. Lúc cấy dày và bón nhiều phân cây lúa bị lốp đổ. GS.VS Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu sinh lý của hiện tượng lốp đổ để tìm biện pháp khắc phục, xây dựng quy trình kỹ thuật tăng năng suất các giống lúa cao cây.

Những năm 1963-1968, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu dinh dưỡng khoáng của cây lúa để làm cơ sở cho việc bón phân đạm, lân và kali cho lúa. Đặc biệt đi sâu vào nhu cầu lân của cây lúa, để tìm hiểu xem vì sao cây trồng của nước ta rất cần lân nhưng bón lân không có hiệu quả. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã đề xuất biện pháp bón lân cho mạ và phương pháp biến lân thành đạm, qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh. Kết quả này đã được GS.VS. Đào Thế Tuấn trình bày ở Hội nghị Khoa học Bắc Kinh năm 1963 và trong cuốn sách “Supe lân và cách sử dụng”, 1962.

Trong những năm 1963-1966, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu bệnh vàng lụi phá hoại lúa, lan tràn nhanh và làm giảm năng suất nghiêm trọng . Ông đã huy động lực lượng của nhiều bộ môn để nghiên cứu, đề xuất biện pháp tổng hợp chống bệnh vàng lụi, dập tắt được bệnh này trong thời gian ngắn. Riêng GS.VS Đào Thế Tuấn đã chọn được 2 giống lúa kháng  bệnh cao là I1 và A10. Cuốn sách “Bệnh vàng lụi và biện pháp phòng trừ” đã tổng kết vấn đề này. Kết quả nghiên cứu về bệnh vàng lụi đã giúp nước ta thanh toán được một bnh nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất lúa lúc bấy giờ.

Giai đoạn 1965-1970, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu sinh lý của ruộng lúa năng suất cao.  tìm ra quy luật tạo thành năng suất để xây dựng cơ sở khoa học của việc thâm canh tăng năng suất lúa. Công trình nghiên cứu: “Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao, 1970”, đã đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa của nước ta, phấn đấu đạt 10 tấn/ha vào những năm 70 của thế kỷ 20.

Trong giai đoạn 1970-1985, trên cơ sở nghiên cứu về cơ sở sinh lý của việc chọn giống năng suất cao. GS.VS. Đào Thế Tuấn  đã đề xuất hướng chọn giống lúa theo nguồn và sức chứa, đặt cơ sở khoa học cho việc chọn giống lúa năng suất cao ở nước ta. Nghiên cứu cơ sở sinh lý của việc chọn ging cây trồng chịu các điều kiện sinh thái khó khăn như  chua, mặn, rét, hạn, ngập úng và chịu sâu bệnh. Ông đã đi đầu trong xây dựng quan hệ với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) để thu thập nguồn thực liệu chọn giống lúa cho Viện KHKTNN, học tập các phương pháp nghiên cứu mới, đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho việc chọn giống lúa của nước ta. 

Tiếp đó là nội dung về: Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc đa dạng hoá nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nhập nội các cây ôn đới vào nước ta, xây dựng phương pháp xác định cơ cấu cây trồng cho các vùng sinh thái khác nhau, nghiên cứu quy luật khí hậu mùa Đông ở nước ta để bố trí cơ cấu cây trồng vụ Đông ở ĐBSH. Chỉ đạo việc trồng ngô vụ Đông bằng ngô bầu, cải tạo đất phèn, nhân khoai tây bằng tách mầm và nhân giống khoai tây sạch bệnh, xây dựng bản đồ canh tác, trồng đậu tương đông sau lúa không cày, nuôi lợn hướng nạc. Các nghiên cứu trên của GS.VS. Đào Thế Tuấn đã mở đầu cho các hướng nghiên cứu mới, tạo cơ sở cho công cuộc Cách mạng xanh của nước ta.

Ngay từ năm 1967, được Bộ Nông nghiệp cử đi chỉ đạo sản xuất ở Nghệ An, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã làm việc ở nhiều hợp tác xã và  phát hiện ra vấn đề không phải chỉ là thâm canh tăng năng suất lúa, mà phải có một hệ thống cây trồng hợp lý sử dụng tốt nhất nguồn lợi tự nhiên, lao động. Ông  bắt đầu nghiên cứu về hệ thống cây trồng và viết cuốn: “Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý ở hợp tác xã, 1969’’.

ta-1662562700.jpg
 PGS.TS. Đào Thế Anh Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 

Giai đoạn 1973-1985, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã lập Bộ môn Cây trồng mới và Bộ môn Sinh thái Canh tác, để nghiên cứu cơ sở khoa học của hệ thống canh tác:

- Nhập nội các cây ôn đới vào nước ta (khoai tây, lúa mì, đại mạch, các loại rau...).

- Xác định phương pháp xác định cơ cấu cây trồng cho các vùng sinh thái khác nhau.

- Nghiên cứu quy luật khí hậu mùa Đông ở nước ta và đã đề xuất việc chia cây vụ Đông ra làm hai nhóm: Nhóm cây ưa nóng gieo sớm và cây chịu lạnh gieo muộn, nhờ vậy có thể mở rộng diện tích vụ Đông.

Các công trình này đã đóng góp vào sự thúc đẩy việc phát triển cây vụ Đông ở nước ta, mở đầu cho việc đa dạng hoá sản xuất để thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu kinh tế của các vùng. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã viết sách: “Cơ sở khoa học của việc xác định cơ cấu cây trồng hợp lý, 1977” và “Hệ sinh thái nông nghiệp, 1994” để tổng kết vấn đề này. Các công việc chính ông chỉ đọa thực hiện giai đoạn này bao gồm:

- 1976-1985:  Trồng ngô vụ Đông bằng mạ ngô (ngô bầu) bằng giống S1 và ngô lai 6 (được công nhận năm 1975). Việc trồng ngô bầu được tổng kết ở Trung Thành (Vụ Bản, Nam Định); sau mở rộng ra ở Khánh Hội (Yên khánh, Ninh Bình), Thuận thành (Hà Bắc), Vĩnh Lạc (Vĩnh Phú), Hà Đông, Phú Xuyên (Hà Tây).

- 1978-1982:  Cải tạo đất phèn ở Đồ Sơn, Hải Phòng bằng các giống lúa chịu phèn.

- 1984 - 1987: Phổ biến nhân khoai tây bằng tách mầm và nhân giống khoai tây sạch bệnh, cùng Bộ môn Cây có củ.

- 1985 - 1989: Phân kiểu ruộng lúa theo chế độ nước và xây dựng bản đồ canh tác ở vùng chiêm trũng Thanh Liêm (Nam Hà).

- 1985-1987:  Trồng đậu tương đông sau lúa không cày ở Phùng Thượng (Phúc Thọ, Hà Tây) và Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Tây), Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Tây) bằng giống AK02 và AK03

- 1982-1988: Nghiên cứu hệ sinh thái chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Hồng và chỉ đạo việc nuôi lợn hướng nạc ở Đình Bảng (Bắc Ninh), Thanh Trì (Hà Nội) và Phúc Thọ (Hà Tây).

Trong thời gian này, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã giúp Ban Nông nghiệp Trung ương nghiên cứu nhiều vấn đề về cải tiến quản lý ở nông thôn. Ông đã cùng lãnh đạo của Ban đi khảo sát các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Trung Quốc; tổng kết việc khoán hộ của các hợp tác xã ở Đồ Sơn, Hải Phòng, nơi đi đầu trong việc cải cách quản lý HTX, tham gia vào việc chuẩn bị chỉ thị 100; góp ý về Đường lối Đổi mới và chuẩn bị Nghị quyết 10. Thời gian này, ông  viết các cuốn sách: “Chiến lược phát triển nông nghiệp, 1986” và cuốn “Cải cách kinh tế ở Trung Quốc, 1987” có ảnh hưởng đến việc ra đời Nghị quyết 10 về Khoán hộ. Đồng thời GS.VS Đào Thế Tuấn đã tham gia  nghiên cứu phát triển Chiến lược Phát triển Nông nghiệp do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo, hợp tác với Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nghiên cứu xây dựng các mô hình mô phỏng chiến lược phát triển kinh tế.

Sau nữa, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã tiến hành nội dung: Nghiên cứu Phát triển kinh tế hộ nông dân, kinh tế thị trường và thể chế nông thôn, nhằm phục vụ phát triển nông thôn như cải tiến quản lý nông thôn, tổng kết việc khoán hộ,. kinh tế hộ nông dân, tổ chức nông dân và hợp tác xã, kinh tế ngành hàng, sự phát triển của thị trường trong nước, kinh tế học thể chế (thể chế tổ chức nông dân và thể chế thị trường), chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Các ni dung của công trình về hệ thống nông nghiệp đặt cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn trong thời kỳ Đổi mới.

Năm 1988, khi Đảng thực hiện Khoán 10, thừa nhận vai trò của Kinh tế Hộ Nông dân trong nông nghiệp, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã thành lập Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp; nghiên cứu nông nghiệp theo quan điểm hệ thống, từ dưới lên, cùng nghiên cứu với nông dân nhằm hỗ trợ kinh tế hộ nông dân, đặt cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn. Nghiên cứu về  Hệ thống Nông nghiệp đã đạt được  các kết quả chính sau:

  • Nghiên cứu sự phát triển của Kinh tế Hộ Nông dân, đề xuất cách phân kiểu hộ nông dân theo mục tiêu sản xuất, xác định các cản trở của quá trình chuyển từ tình trạng tự cấp sang sản xuất hàng hoá. Nghiên cứu vấn đề tổ chức nông dân và hợp tác xã kiểu mới, đề xuất các chính sách thúc đẩy việc hợp tác hoá kiểu mới. Xây dựng các mô hình để mô phỏng sự phát triển của  hộ nông dân, đặt cơ sở cho việc nghiên cứu chính sách nông nghiệp. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã viết cuốn sách: “Kinh tế hộ nông dân, 1997” và trở thành cuốn sách giáo khoa cho sinh viên kinh tế nông nghiệp.
  • Nghiên cứu kinh tế ngành hàng để hiểu quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường, hoạt động của các tác nhân trong ngành hàng để giúp hộ nông dân phát triển kinh tế hàng hóa. Ông và nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu các ngành hàng lúa gạo, thịt lợn, ngô, sắn, đậu đỗ, rau, mía đường, chè, cà phê, quả... để xây dựng các thể chế thị trường. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về sự phát triển của thị trường trong nước, đề ra các chính sách giải quyết các thể chế thị trường, tạo đầu ra cho nông dân.
  • Nghiên cứu kinh tế học thể chế đầu tiên ở nước ta:

- Các thể chế Tổ chức nông dân giúp sự phát triển của hộ nông dân từ tự cấp tự túc sang nông nghiệp hàng hoá.

- Thể chế Hợp tác xã chuyên ngành kiểu mới, giúp nông dân tham gia vào thị trường.

- Thể chế Quản lý thủy nông của các trạm bơm của Nhà nước và nông dân.

- Thể chế Hiệp hội quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu (Tên gọi xuất xứ) để nâng cao chất lượng sản phẩm (lúa Tám xoan Hải Hậu, vải Thiều Thanh Hà).

- Thể chế Cụm công nghiệp chuyển đổi các làng nghề truyền thống sang các xí nghiệp vừa và nhỏ rất năng động.

- Bắt đầu nghiên cứu về Vốn xã hội, về tính năng động của nông dân, nhân tố chủ yếu thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đề ra các chính sách và thể chế thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

Từ 1999, GS.VS. Đào Thế Tuấn đã xuất bản bản tin “Phát triển nông thôn”,  ra được 51 số trong 6 năm; một tờ tin  không bán, cung cấp nhiều thông tin về các phong trào xã hội trên thế giới và kết quả nghiên cứu về kinh tế xã hội trong nước. Đây chính là nền móng của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn ra đời năm 2012.

GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng đã đào tạo nhiều cán bộ kế cận, hiện nay đã trở thành các cán bộ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học của nước ta, và một đội ngũ cán bộ nghiên cứu kinh tế xã hội của nông thôn trẻ, năng động và có trình độ để nghiên cứu giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược của nông nghiệp.

  1. Đánh giá của Hội đồng giải thưởng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về  giá trị của công trình

2.1.Về nội dung công trình

  • Xây dựng cơ sở sinh lý của việc thâm canh tăng năng suất cây trồng: Đề xuất tiếp cận nghiên cứu sinh lý quần thể (ruộng lúa) thay cho tiếp cận nghiên cứu cá thể (cây lúa) là một tiếp cận nghiên cứu mới trong sinh lý cây trồng.
  • Xây dựng cơ sở sinh lý của việc chọn giống cây trồng: Xác định kiểu cây lúa năng suất cao (thấp cây, lá thẳng, có hiệu suất quang hợp cao thời kỳ cuối, to bông). Đề xuất  phương pháp chọn giống có hiệu suất quang hợp cao, chịu chua và chịu phèn. Nghiên cứu về tính chịu phân, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu suất phân đạm.
  • Xây dựng cơ sở khoa học của việc tăng vụ, đưa vụ Đông lên thành vụ chính, giúp tăng thu nhập của nông dân. Xác định kỹ thuật làm ngô bầu và trồng đậu tương không làm đất, giúp phát triển ngô và đậu tương đông.
  • Áp dụng quan điểm hệ thống vào nghiên cứu nông nghiệp, phát triển các phương pháp toán máy tính vào nghiên cứu nông nghiệp, là công trình  đầu tiên phối hợp xây dựng các mô hình mô phỏng phát triển kinh tế.
  •  Nghiên cứu về kinh tế hộ nông dân là một công trình lý luận đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, giúp hiểu người nông dân là khách hàng của khoa học và công nghệ nông nghiệp.
  • Công trình về kinh tế học thể chế đặt cơ sở lý luận cho việc giải quyết hàng loạt thể chế phi thị trường và thị trường, giúp cho việc phát triển kinh tế hộ nông dân và kinh tế thị trường ở nước ta. Đề xuất việc xây dựng nội dung khuyến nông kinh tế - xã hội, chuyển giao cách làm ăn cho nông dân.
  •  Nghiên cứu ngành hàng là một hướng nghiên cứu mới để giúp nông dân giải quyết đầu ra, xây dựng các thể chế thị trường, hoàn thiện thị trường nông thôn. Các nghiên cứu này là các nghiên cứu đầu tiên về thị trường trong nước của nước ta.
  • Công trình nghiên cứu về chuyển đổi cơ cấu kinh tế là các nghiên cứu đầu tiên kết hợp lý luận và thực tiễn. 

Tác giả công trình và cộng sự đã chọn tạo thành công và đưa vào sản xuất hiệu quả nhiều giống lúa và cây trồng cạn:

  • Giống NN75-10 là giống lúa thấp cây đầu tiên của Việt Nam, ngắn ngày, chịu bạc lá cho phép làm vụ Đông. Giống này đã được cấp bằng sáng chế số 001 của Việt Nam.
  • Giống CR203 là giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, chịu rầy nâu có diện tích lớn nhất vào các năm 1980.
  • Giống lúa CN2 là giống lúa cực ngắn đầu tiên ở Việt Nam có thời gian sinh trưởng 75 ngày, đóng góp vào việc tăng vụ và khắc phục hậu quả thiên tai.
  • Giống V14 và V15 là các giống chịu chua phèn (chịu chua và thiếu lân) đầu tiên của Việt Nam giúp tăng năng suất ở các vùng chiêm trũng và đất phèn ở nước ta.
  • Các giống ngắn ngày đầu tiên ở nước ta: Giống ngô S2 và ngô số 6 (lai thụ phấn tự do), và giống đậu tương: AK02 và AK03;

 2.2. Đóng góp mới của công trình:

Các nghiên cứu về sinh lý cây lúa và hệ thống canh tác là các nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam, mở đầu cho các hướng nghiên cứu mới sau này được các viện nghiên cứu phát triển, tạo cơ sở cho  Cách mạng xanh của nước ta. Các công trình này được đánh giá cao ở Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, Liên Xô, và Pháp.

Các công trình về hệ thống nông nghiệp là các thành tựu đầu tiên về áp dụng quan điểm hệ thống để nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn, đặt cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn. Các công trình này đã vận dụng các quan điểm nghiên cứu hiện đại áp dụng đầu tiên ở nước ta như kinh tế hộ nông dân, kinh tế học thể chế, kinh tế học ngành hàng, tổ chức nông dân, vốn xã hội mở ra các hướng nghiên cứu mới cho khoa học xã hội của nước ta. Các công trình này được đánh giá cao ở Pháp và Australia.

Các công trình bên cạnh yếu tố mới về khoa học mang tính mở đường ở Việt Nam, thì hiệu quả kinh tế xã hội của chúng cũng hết sức có ý nghĩa.

Các công trình nghiên cứu về thâm canh lúa đã đóng góp cho việc thâm canh lúa ở Việt Nam, đạt được an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Cụ thể các giống lúa được tạo ra đã phổ biến trong sản xuất trên 10 năm: NN75-10 ước chừng 50 vạn ha, CN2 ước chừng 40-45 vạn ha, còn giống lúa CR203 khoảng 4,8 triệu ha; ngoài ra các giống V14, V15 khoảng 5 vạn ha. Với diện tích các giống lúa trên ước tính làm lợi khoảng 2,75 triệu tấn thóc (1 ha áp dụng giống mới làm tăng 500 kg thóc so với các giống cũ). Công trình đóng góp hiệu quả vào  việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vụ Đông ở miền Bắc Việt Nam. Riêng ở  Đồng bằng sông Hồng, diện tích cây vụ Đông đã lên đến 150 ngàn ha vào năm 1986.

Các kết quả nghiên cứu về thể chế trong thời kỳ Đổi mới đã đóng góp vào sự thúc đẩy kinh tế hộ nông dân và kinh tế thị trường trong thời kỳ Đổi mới của nước ta. Việc xây dựng các thể chế đã thúc đẩy  chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp. Nhiều luận điểm mà GS.VS. Đào Thế Tuấn đã nghiên cứu và kết luận đang là nền tảng cho các chính sách nông nghiệp nông dân và nông thôn (Tam nông) của Nghị quyết 26 (2008); và các chính sách cụ thể hoá của Nghị quyết như Chính sách Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình Xây dựng Nông thôn mới.

Các công trình của GS.VS. Đào Thế Tuấn cũng đã mang lại các hiệu quả về khoa học công nghệ.

Tất các công trình nói trên đều mở đầu cho rất nhiều hướng nghiên cứu khoa học mới. Các công trình này được tiến hành cùng với một đội ngũ cán bộ khoa học đã và  đang lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các Viện nghiên cứu, trường đại học nông khác cũng như của Bộ Nông nghiệp và PTNT..

  1. Một số luận điểm của công trình với vấn đề nghiên cứu nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay.

Công cuộc Đổi mới của nước ta thành công nhờ việc quay trở lại nền kinh tế hộ nông dân và kinh tế thị trường. Hiện nay, chúng ta đã chuyển sang một thời kỳ mới: Phát triển trong quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hoá. Trong giai đoạn phát triển mới này vai trò của nông dân, nông nghiệp và nông thôn giữ một vai trò quan trọng, vì nông dân là nguồn cung cấp lao động chính và là thị trường của công nghiệp. 

Vấn đề của nông nghiệp

Hiện nay có ý kiến cho rằng, nông nghiệp nước ta trong thời gian qua  phát triển tương đối tốt, đã giải quyết được an ninh lương thực;  xuất khẩu nông sản tăng. 

Trong quá trình công nghiệp hoá, đóng góp  của nông nghiệp trong tổng  sản phẩm trong nước (GDP) giảm dần, nhưng không có nghĩa là vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm. Chúng ta vẫn khen các nước Đông Á đã giải quyết vấn đề nông nghiệp trong thời gian công nghiệp hoá tốt nhất thì hiện nay đã trở thành các nước nhập khẩu lương thực và nông sản ngày càng nhiều, vì nông nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng. Đây không phải là một mô hình kiểu mẫu cho ta học theo.

Một vấn đề khác là các nước đang phát triển hiện nay có lao động nông thôn quá nhiều. Trong quá trình công nghiệp hoá, không sử dụng hết lao động đang tăng thêm ở nông thôn, nên sau khi công nghiệp hoá vẫn còn một tỷ lệ lao động nông thôn và nông nghiệp cao. Như vậy, ngay lúc đã công nghiệp hoá, vai trò của nông nghiệp ở các nước đang phát triển vẫn còn cao, về thực chất vẫn còn là nước công-nông nghiệp.

Các vấn đề lớn của nông nghiệp nước ta sau quá trình Đổi mới là chất lượng nông sản còn thấp, nên giá trị gia tăng thấp vì chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, chưa chế biến, quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành cao, năng suất lao động thấp. Muốn tăng giá trị gia tăng của nông sản cần cải thiện chất lượng sản phẩm thông qua phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế, sản phẩm hữu cơ truy xuất được nguồn gốc. Để làm được việc này cần xây dựng thể chế quản lý chất lượng đi đôi với việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Hiện nay, trên thế giới người ta phê phán nhiều chủ nghĩa năng suất (productivism), nhn mạnh việc nâng cao chất lượng của nông sản.

Thể chế thị trường nông sản nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp theo kiểu nông nghiệp hợp đồng, thì sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông, làm cho thương nghiệp không công bằng; vì giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường. Muốn giải quyết tình trạng này phải phát triển song song cả các hợp tác xã có các hoạt động chế biến và buôn bán thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nhà nước không thể trợ giúp nông dân thông qua doanh nghiệp Nhà nước vì doanh nghiệp có mục tiêu thu lợi nhuận, mà phải hỗ trợ thông qua các dịch vụ công. Hiện nay, các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu, đặc biệt các hộ nghèo ít được hưởng lợi. Các nghiên cứu của GS.VS. Đào Thế Tuấn đã xây dựng được hệ thống cung cấp dịch vụ công, do các tổ chức nông dân thực hiện cùng với nhà nước và thị trường, cho phép nâng cao hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ cho nông dân.

Phải giữ vững được an ninh lương thực và các thành tựu phát triển nông nghiệp trong 30 năm Đổi mới. Phải bảo vệ được đất nông nghiệp và thực hiện được việc chuyển dịch cơ cấu lao động một cách hợp lý. Đất nông nghiệp tốt đang bị mất dần và nạn đầu cơ ruộng đất trở thành phổ biến, tạo điều kiện cho sự tham nhũng. Theo Hiến pháp, ruộng đất của nước ta thuộc quyền sở hữu của Nhà nước tức là sở hữu công, người sử dụng chỉ có quyền sử dụng nhưng quyền ấy lại mang lợi nhiều hơn là quyền sở hữu. Cần có cơ sở pháp lý để quản lý ruộng đất chặt chẽ hơn, chống việc mất đất nông nghiệp và đầu cơ ruộng đất. Theo kinh nghiệm các nước, nếu chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị và quản lý đất chặt chẽ sẽ tăng được đất canh tác, vì dân ở đô thị cần ít đất trên đầu người hơn ở nông thôn, vì thổ cư của dân đô thị chỉ bằng 1/10 của dân nông thôn. Cần có chính sách bảo vệ và mở rộng đất nông nghiệp và quản lý đất của những người đã dời bỏ nông nghiệp, không để cho việc đầu cơ ruộng đất xảy ra như hiện nay. Đất nông nghiệp tốt đang bị mất dần và nạn đầu cơ ruộng đất trở thành phổ biến, tạo điều kiện cho sự tham nhũng.

shh-1662562758.jpg

Giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp đang tăng mạnh mà giá nông sản không theo kịp, nông dân đang chán việc sản xuất nông nghiệp, lao động nông thôn đang bỏ nông thôn ra đô thị kiếm việc, lao động nông nghiệp đang bị nữ hoá và chuyển từ thâm canh sang quảng canh, chăn nuôi và nghề phụ đang bị giảm sút,… Lao động nông nghiệp nhiều vùng đang bị thiếu nghiêm trọng và giá lao động tăng rất cao. Trong điều kiện này, chúng ta còn thiếu các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thiếu biện pháp để tăng năng suất lao động. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực và thực phẩm như các nước công nghiệp mới Đông Á và Đông Nam Á. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì trong thế kỷ 21, thế giới sẽ thiếu lương thực, đây có phải là một thời cơ để phát triển nông nghiệp không?

Giá một số nông sản như lúa mì, ngô, đậu tương đang tăng trên thị trường thế giới mà chúng ta vẫn nghĩ đến việc nhập khẩu; không nhân cơ hội này để phát triển sản xuất trong nước vì nông thôn đang có xu hướng quay trở về độc canh lúa, từ giã việc đa dạng hoá sản xuất. Trong điều kiện này, chúng ta thiếu các biện pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thiếu biện pháp để tăng năng suất lao động.

Do công nghiệp phát triển mạnh ở các châu thổ nên nông nghiệp bị dồn lên vùng đất xu, đất dốc; đây là nguy cơ cho sự mất an ninh lương thực, vấn đề cải tạo đất có vấn đề ở vùng ven là rất cấp thiết. Mun giữ vững được an ninh lương thực và phát trin xut khu nông sản, phải bảo vệ được đất nông nghiệp và thực hiện được việc chuyển dịch cơ cấu lao động một cách hợp lý.

Các vấn đề lớn của nông nghiệp nước ta sau quá trình Đổi mới là:

- Chất lượng nông sản còn thấp, nên giá trị gia tăng thấp. Muốn tăng giá trị gia tăng của nông sản, cần cải tiến chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển công nghệ sinh học và phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm quốc tế, sản phẩm hữu cơ. Để làm được việc này cần xây dựng thể chế quản lý chất lượng nông sản đi đôi với việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

- Xuất khẩu chủ yếu là nông sản thô, chưa chế biến. Để nâng cao giá trị gia tăng, cần phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản.

- Quy mô sản xuất nhỏ nên giá thành cao, năng suất lao động thấp. Muốn tăng quy mô sản xuất cần đa dạng hoá sản xuất, liên kết giữa các h nông dân trong hợp tác xã, phân công lại lao động để tăng khối lượng và chất lượng nông sản hàng hoá. 

 Phát triển nông nghiệp bền vững là sự quản lý và bảo vệ cơ sở của nguồn lợi tự nhiên, cũng như phương hướng của các sự thay đổi kỹ thuật và thể chế; bằng cách nào để bảo đảm việc đạt được và thoả mãn nhu cầu con người cho thế hệ này và mai sau. Sự phát triển như vậy (trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và nghề cá) sẽ bảo vệ được đất đai, nguồn nước, nguồn lợi di truyền thực vật và động vật, là không làm thoái hoá môi trường, thích ứng về kỹ thuật, có sức sống về kinh tế và chấp nhận được về xã hội. Một nền nông nghiệp bền vững phải đạt các chỉ tiêu sau:

  - Bảo đảm được nhu cầu dinh dưỡng cho hiện tại và tương lai  về mặt số lượng cũng như chất lượng.

- Cung cấp việc làm bền vững, thu nhập đủ, điều kiện sống và làm việc thích hợp cho những người tham gia sản xuất nông nghiệp.

 - Giữ vững, và nếu có thể tăng cường khả năn sản xuất các nguồn lợi tự nhiên; không phá hoại sự hoạt động của các chu kỳ sinh thái cơ bản và các cân bằng tự nhiên, phá hoại các thuộc tính xã hội - văn hoá của các cộng đồng nông thôn, hay tạo nên sự ô nhiễm môi trường.

 d. Làm giảm bớt sự dễ bị tổn thương của ngành nông nghiệp, do các yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội có hại và các rủi ro khác, củng cố sự tự lực cánh sinh.

Theo các nhà khoa học thì muốn thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp cần có một cuộc Cách mạng xanh thứ hai, gọi là Cách mạng xanh hai lần, nhằm xây dựng một một nền nông nghiệp năng suất cao (để đáp ứng yêu cầu tăng lên về thức ăn), nhưng có sức sống về kinh tế và sinh thái, chấp nhận được về mặt xã hội, nghĩa là quan tâm đến việc tham gia vào sự phát triển công bằng. Một hệ thống có sức sống là một hệ thống:

- Có thể tái sinh không bị suy thoái.

- Có sức bật nghĩa là có thể chịu đựng các đụng chạm, trở lại trạng thái ban đầu.

- Không gây các ngoại ứng có hại đến hệ thống.

Cuộc Cách mạng hai lần xanh này đặc biệt nhằm giải quyết việc phát triển ở các vùng khó khăn như miền núi. Đối với các vùng này không thể giải quyết vấn đề phát triển như ở các vùng thuận lợi, nghĩa là có một kỹ thuật xây dựng trong phòng hay trại thí nghiệm, sau đấy đưa xuống áp dụng ở hiện trường, mà do điều kiện phức tạp của thực địa các biện pháp phải được xây dựng ngay tại hiện trường, với sự tham gia của nông dân và sử dụng các kiến thức bản địa của nông dân.

Ngoài ra, còn có các vấn đề khác của nông nghiệp hiện đại như:

- Vấn đề nông nghiệp an toàn và nông nghiệp hữu cơ, với dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường nông sản thế giới.

- Vấn đề phòng chống hiện tượng nóng lên của khí quyển, gây các biến động khí hậu, làm cho nước biển dâng cao làm ngập các đồng bằng vựa lúa của nước ta.

- Vấn đề nông nghiệp chính xác áp dụng công nghệ định vị, công nghệ số, vấn đề nông nghiệp thẳng đứng hay không cần đất để giải quyết vấn đề thiếu đất.

- Vấn đề bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. 

Sự biến đổi khí hậu và rủi ro trong nông nghiệp ngày càng tăng, mà chúng ta chưa có các biện pháp bảo vệ nông nghiệp chống thiên tai và rủi ro. Hệ thống bảo hiểm chống thiên tai và rủi ro mặc dù khó làm nhưng không phải không có cách thực hiện được. Kinh nghiệm các nước đi trước không thể giao cho thị trường làm công việc này, mà cần huy động xã hội dân sự với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Việc di cư để rút lao động ra khỏi nông nghiệp và nông thôn phải được coi là một chính sách của nhà nước, để tăng cường giai cấp công nhân và công nghiệp hoá; đồng thời để tạo điều kiện cho việc tăng năng suất lao động ở nông thôn, và đảm bảo việc phát triển nông nghiệp. Cần có một quy hoạch rõ ràng, xây dựng các chính sách thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo nhân lực cho nông thôn, không để cho quá trình này diễn ra một cách tự phát như hiện nay.

Qua việc nghiên cứu về vấn đề nông nghiệp chúng tôi đã rút ra các kết luận sau:

1. Muốn đưa một tiến bộ kỹ thut hay công nghệ mới vào sản xuất, phải tiến hành song song việc khuyến nông với việc phổ biến các thể chế mới, nhằm đảm bảo việc tổ chức nông dân để làm chủ, bảo vệ chống việc làm giả và trục lợi riêng. Hành động tập thể là biện pháp để bảo đảm việc chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cho nông dân. Hình thức hành động tập thể rất đa dạng và phong phú, từ các nhóm tổ nông dân cung cấp dịch vụ kỹ thuật đến tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội, cụm công nghiệp và nông nghiệp. Hiện nay điểm yếu của chúng ta là ở khâu này, do thiếu các thể chế tổ chức nông dân, nên nhiều việc muốn làm không thực hiện được, chẳng hạn như việc sản xuất rau sạch, xây dựng các sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý, tổ chức hợp tác xã...

2. Vấn đề chủ yếu hiện nay hạn chế việc đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào cho nông dân, là thương nghiệp giữa thị trường và người sản xuất không công bằng. Nông dân đang bị các doanh nghiệp bóc lột nên không phấn khởỉ sản xuất. Muốn bảo đảm thương nghiệp công bằng, cần phải có các thể chế cho phép nông dân có quyền mặc cả trên thị trường, để định giá và thực hiện việc quản lý chất lượng bằng biện pháp kỹ thuật và thể chế.

3. Trong việc đưa k thuật và công nghệ vào nông thôn, mục tiêu tăng sản lượng không phải là chủ yếu. Có mục tiêu khác quan trọng hơn là tăng năng suất lao động, vì có tăng được năng suất lao động thì mới tăng được thu nhập của nông dân.

4. Hiện nay có một nguy cơ đối với nông thôn là, sinh viên tốt nghiệp đại học không muốn về nông thôn, mà tìm mọi cách để ở lại thành phố dù phải chuyển nghề. H thng đại học của ta đang giúp thanh niên rời bỏ nông thôn; để khắc phục tình trạng này, ở các nước phát triển hệ thống đại học nông dân.

Vấn đề của nông dân

Nông dân là những người khởi xướng Đổi mới, nhưng nay lại ít được hưởng lợi của Đổi mới nhất. Nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững, vẫn còn có thể tái nghèo. Nông dân nước ta đang có các khó khăn sau:

1. Không đủ điều kiện để giảm nghèo

Nông dân còn quá nghèo, việc giải quyết giảm nghèo chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn nên chưa bền vững, vẫn còn có thể tái nghèo. Giáo sư Amartya Sen, người Mỹ gốc Ấn Độ, được giải Nobel chỉ ra rằng: Cái mà người nghèo cần không phải giúp họ tiền, mà là các điều kiện để hoạt động kinh tế (đất đai, công cụ, trâu bò và kỹ năng) và quyền được hoạt động để thoát khỏi cảnh nghèo, tức là cần “cần câu” chứ không phải cần “con cá”. Theo sự quan sát của của chúng tôi, nông dân nghèo ở nhiều nơi đã vận dụng các truyền thống của cộng đồng làng xã ngày xưa như tổ vần công đổi công, chơi họ, giáp, quỹ tương tế... để xây dựng các thể chế mới trong làng xã như quỹ tín dụng, nhóm khuyến nông, tủ thuốc thú y, tổ sản xuất giống, tổ hợp tác... để cung cấp dich vụ cho các hộ nông dân, giúp họ vốn, tiếp xúc với thị trường.

2. Thương nghiệp không công bng 

Thương mại giữa nông thôn và đô thị hiện nay nói chung chưa được công bằng. Nông dân bị các doanh nghiệp và tư thương bóc lột. Chiến lược phát triển thương nghiệp của Nhà nước là xây dựng chế độ nông nghiệp hợp đồng, làm cho hộ nông dân phụ thuộc vào doanh nghiệp, trở thành người làm công cho doanh nghiệp, sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp; vì giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường. Muốn giải quyết tình trạng này phải phát triển song song cả các hợp tác xã có các hoạt động chế biến và buôn bán, thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nói chung, ở nhiều nơi nông dân không thoả mãn với thể chế này. Chiến lựợc của nông dân là thúc đẩy đa dạng hoá nông nghiệp, phát triển các thể chế của thị trường mang tính hành động tập thể, như các tổ hợp tác, các hợp tác xã, các hiệp hội nông dân bảo vệ các thương hiệu mới.

3. Thu nhập của nông dân thấp hơn thu nhập của cư dân thành thị 

Nông dân là những người khi xướng Đổi mới nhưng nay lại ít được hưởng lợi của Đổi mới nhất. Nhân khẩu nông nghiệp thừa gây ra tình trạng di cư ra thành thị để tìm thu nhập cao hơn. Để nước ta có thể trở thành một nước công nghiệp, phải rút ra khỏi nông nghiệp khoảng một nửa số lao động. Quá trình di cư này là tích cực vì sẽ giúp cho nông thôn giảm được lao động thừa, giải quyết được việc làm và tăng năng suất lao động. Tuy vậy, công nghiệp và dịch vụ đô thị sẽ không thu hút hết số lao động thừa, năm 2020 vẫn còn hơn một hơn 1/3 số lao động ở nông thôn. Mun giữ số lao động này ở nông thôn phải phát triển ngành nghề phi nông nghiệp. Việc phát triển này cũng gặp đầy khó khăn vì phải hội nhập với thị trường thế giới, phải vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm cho hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản.

4. Nạn hàng giả làm cho nông dân bị thiệt thòi nhiều

Qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, chúng ta càng thấy rõ là nạn đu cơ đang phổ biến khắp nơi. Bây giờ mới thấy giá năng lượng và lương thực tăng không phải vì thiếu hụt, mà chính là do các công ty đa quốc gia đầu cơ. Trong nước giá năng lưng, vật tư, hàng hoá, lương thực tăng rất mạnh lúc giá thế giới tăng; nhưng lúc giá thế giới giảm lại giảm rất chậm, do các doanh nghiệp đầu cơ. Hiện nay, hàng giả và gian lận thương nghiệp tràn ngập thị trường. Giá đầu vào tăng nhanh mà giá đầu ra lại giảm làm cho nông dân chịu thiệt nặng.

5. Giá đất nông nghiệp thấp hơn đất phi nông nghiệp

Việc người nông dân bảo vệ quyền sở hữu ruộng đất của họ là chính đáng. Ruộng đất là di sản của cha ông họ để lại cho họ, thiếu nó thì họ không thể sống được. Thế mà hiện nay chúng ta lại lấy của họ, đền bù cho họ với một giá không đáng kể so với giá sau khi đã chuyển mục đích sử dụng. Việc đòi Nhà nước phải tăng mức hạn điền sẽ tạo sự không công bằng. Việc tăng quy mô của hộ nông dân giúp họ trở thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến, phải cho tất cả mọi người được hưởng chứ không phải chỉ dành cho một số người giàu. Nhiều nơi nông dân đang tăng quy mô nông trại nhỏ bằng cách phát triển hợp tác xã chuyên ngành. Các hợp tác xã sẽ giúp các hộ nông dân trung bình trở thành các nông trại nhỏ nhờ dịch vụ tín dụng, mua chung đầu vào, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, bán chung sản phẩm có bảo đảm chất lượng đồng đều. Việc nghe theo lời khuyên của các nước, phát triển thị trường ruộng đất đã dẫn đến việc đầu cơ ruộng đất, làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo và mất đất nông nghiệp. Ngay ở các nước có sở hữu đất tư nhân, Nhà nước vẫn kiểm soát việc sử dụng đất một cách chặt chẽ.

6. Không được hưởng phúc lợi xã hội

Nông đân là bộ phận công dân ít được hưởng phúc lợi xã hội nhất, nhất là về giáo dục, y tế. Những vấn đề xã hội ở nông thôn chưa được giải quyết một cách cơ bản: Bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Theo kinh nghiệm của các nước, không thể chỉ giải quyết các vấn đề xã hội của nông thôn bằng các biện pháp thị trường. Ở nước ta, lực lượng lao động di cư ra đô thị không có ai quản lý, đang trở thành công dân “loại hai”  các đô thị, chẳng được hưởng một phúc lợi xã hội nào. Ở Trung Quốc, các tỉnh có lao động di cư đã tổ chức các làng mới của tỉnh mình, ở các vùng ngoại ô các đô thị hay ở các khu công nghiệp, cử cán bộ đi lo mọi việc giúp họ hội nhập vào xã hội đô thị, như các làng kinh tế mới ở nước ta trước đây.

  7. Chịu nguy hại của môi trường bị ô nhiễm và thiên tai

Môi trường nông thôn hiện nay đang bị ô nhiễm nặng, gây nhiều nguy hại cho nông dân. Trước hết là do việc sử dụng thuốc bảo vệ cây trồng, sau đến các chất phế thải của chăn nuôi và làng nghề, rồi đến các nước thải do các doanh nghiệp. Không thể chỉ giao cho cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp làm công việc này. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu giao cho cộng đồng địa phương cùng tham gia thì sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Cộng đồng địa phương có thể kết hợp với các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Nếu phát triển du lịch nông thôn do các cộng đồng phụ trách, thì nông dân sẽ có lợi ích trong việc bảo vệ di sản sinh thái và văn hoá. Phải có các công ty bảo hiểm chng thiên tai và mất mùa hoạt động với sự trợ giúp của Nhà nước nếu cần thiết.

8. Không có quyền được bảo vệ quyền lợi của mình

Quyền lợi của nông dân không được bảo vệ vì thiếu nghiệp đoàn nông dân. Nông dân là bộ phận nhân dân yếu thế nhất, mà không có ai bênh vực. Hội Nông dân có phải là nghiệp đoàn nông dân không? Sao công nhân có công đoàn mà nông dân lại không có? Công đoàn nên lo lắng và bảo vệ quyền lợi của nông dân di cư ra thành phố và khu công nghiệp, vì họ là đội hậu bị của giai cấp công nhân.

Quá trình đang diễn ra chủ yếu hiện nay trong quá trình công nghiệp hoá là chuyển “nhân khẩu và lao động nông nghiệp thừa” ra thành thị để hình thành “hậu bị quân công nghiệp”, kho lao động rẻ mạt để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính quá trình này đã tạo nên mâu thuẫn chủ yếu đang xy ra trong xã hội nước ta hiện nay, nếu không được thực hiện một cách công bằng.

Để phát triển nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả và năng suất lao động cao, không phải là xoá bỏ kinh tế hộ nông dân, phát triển trang trại; mà là tổ chức hợp tác xã kiểu mới có chế biến và buôn bán. Giúp nông dân tham gia vào thị trường để mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thương nghiệp công bằng. Hiện nay đang thiếu một hệ thống dịch vụ trợ giúp cho nông dân xây dựng các hợp tác xã kiểu mới, bắt đầu từ việc xây dựng các tổ hợp tác, như trường học để tiến lên hợp tác xã. Đây là biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân bắt đầu từ Nghị quyết 10, chuyển hộ nông dân lên thành nông trại gia đình như ở các nước tiên tiến.

Trong quá trình này ở nông thôn, nông dân sẽ trở thành doanh nhân nông nghiệp. Các chủ nông trại gia đình, doanh nhân công nghiệp và dịch vụ nông thôn thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh thực phẩm và hỗ trợ cho công nghiệp hoá. Việc chuyển nông dân ra thành thị và khu công nghiệp cần phải có một chương trình như chương trình kinh tế mới trước kia, có quy hoạch, có đào tạo trong một chương trình phát triển vốn con người, đừng có để cho lớp người này trở thành bần cùng, làm phát triển tội phạm xã hội.

Quyền lợi của nông dân không được bảo vệ vì thiếu nghiệp đoàn nông dân. Nông dân là bộ phận nhân dân yếu thế nhất, không có quyền mặc cả trên thị trường nên thương nghiệp với nông dân đang diễn ra thiếu công bằng. Nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, bị mất đất mà không có ai bênh vực. Một chính sách ruộng đất đúng đắn cần thiết cho việc thúc đẩy chuyển lao động nông thôn ra thành thị, bảo vệ và phát triển đất nông nghiệp, hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Một trong những giải pháp của vấn đề nông dân là cần phát triển các tổ chức chuyên nghiệp của nông dân.

Trong giai đoạn hiện nay một số vấn đề đang được đặt ra cho nông dân nước ta là:

1. Làm thế nào từ một nền nông nghiệp manh mún như hiện nay tiến lên một nền nông nghiệp hiện đại, với các nông trại gia đình chuyên sản xuất hàng hoá như ở các nước công nghiệp tiên tiến.

2. Làm thế nào để rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp, để có thể tăng quy mô của nông trại gia đình và tăng năng suất lao động nông nghiệp. Muốn vậy phải phát triển thị trường nông thôn với công nghiệp và dịch vụ hiện đại, thúc đẩy được sự phát triển của nông nghiệp. Muốn thực hiện được các mục tiêu trên phải đào tạo nên một thế hệ nông dân mới, có khả năng phát triển các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong các năm vừa qua, đã xuất hiện nhiều doanh nhân nông dân rất năng động, có óc kinh doanh phát triển cao, có khả năng phát triển các ngành nghề nông thôn, nhưng chưa được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ.

Các tổ chức nông dân thường có các chức năng sau:

  1. Đại diện và bảo vệ các quyền lợi của người sản xuất như các nghiệp đoàn.
  2. Chức năng kinh tế và kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ cho hội viên.
  3. Quản lý các nguồn lợi tự nhiên và tài sản, như sử dụng nước, đồng cỏ…
  4. Chức năng phát triển xã hội, phát triển địa phương.

Liên quan với các chức năng trên có ba loại tài sản sau:

  1. Các tài sản công, thường do các chương trình phát triển cung cấp, mà tất cả mọi người đều được hưởng không phải chỉ các hội viên.
  2. Các tài sản nửa công, tương ứng với chức năng bảo vệ các quyền lợi của người sản xuất, mà người sản xuất được hưởng chứ không phải là toàn dân.
  3. Các tài sản tư tập thể, của các hội nông dân, hợp tác xã.

Tổ chức nông dân bao gồm ba loại hình sau:

- Các hình thức tổ chức nông dân trước HTX: Như các nhóm nông dân cùng sở thích, tổ sản xuất giống, tổ quản lý nước, nhóm (câu lạc bộ) khuyến nông, nhóm chăn nuôi, tủ thuốc thú y, tổ tín dụng nhân dân ở các vùng hiện nay chưa có HTX.

- Các hợp tác xã kiểu mới: Nhà kinh tế học Nga Tchayanov định nghĩa HTX như sau: “Hợp tác xã là hiệp hội của các hộ nông dân, trong HTX chỉ xã hội hóa một phần sản xuất”. Hiện nay, chúng ta công nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ; vậy phải tổ chức HTX để không có mâu thuẫn giữa hộ nông dân và HTX.

- Các tổ chức chuyên nghiệp của nông dân: Là các thành phần của xã hội dân sự đã trở thành trợ thủ cho các dịch vụ nông nghiệp. Thực tế cho thấy, dịch vụ nông nghiệp do Nhà nước đảm nhiệm không thể nào đến được từng hộ nông dân, và ngân sách Nhà nước không thể chịu đựng được chi phí khổng lồ của hoạt động này.

 

Vấn đề của nông thôn

Các vấn đề xã hội lớn của phát triển nông thôn có thể tóm tắt như sau:

(1) Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng tăng

Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, chủ yếu là khoảng cách về năng suất lao động ngày càng xa nhau trong quá trình Đổi mới. Nếu không tăng được năng suất lao động nông nghiệp thì không tăng được thu nhập khiến nông dân chán bỏ nông nghiệp, tìm cách di cư ra thành thị. Nguyên nhân chủ yếu của mâu thuẫn này là do tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp thấp hơn của công nghiệp và dịch vụ. Lao động nông nghiệp quá dư thừa ở nông thôn, nên không thể tăng năng suất lao động; trong khi công nghiệp và dịch vụ muốn hội nhập được vào nền kinh tế thế giới.

Muốn giải quyết được vấn đề này phải có một chương trình phát triển nông thôn toàn diện. Trong điều kiện Toàn cầu hóa, nhà nước và doanh nghiệp chú ý việc thu hút đầu tư nước ngoài, và đầu tư ở nước ngoài lại hạn chế phương tiện để phát triển địa phương. Đô thị hóa theo hướng phát triển siêu đô thị, việc phát triển nông thôn toàn diện sẽ gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của chương trình này là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại chỗ, và nâng cao năng suất lao động cùng thu nhập của nông dân. Sự phát triển này sẽ làm giảm chiều hướng tiêu cực của toàn cầu hóa và đô thị hóa đối với nông thôn. Chương trình này phải nhằm nâng cao khả năng của cộng đồng, để tạo được các vùng nông thôn năng động tự khắc phục được các cản trở của sự phát triển. Chương trình này bao gồm:

  • Phát triển nông nghiệp hàng hóa bằng cách quản lý ruộng đất để mở rộng quy mô nông trại, đào tạo doanh nhân nông nghiệp để nâng cao sản lượng và năng suất lao động nông nghiệp.
  • Phát triển công nghiệp nông thôn bằng cách xây dựng các hệ thống đổi mới quốc gia, từ các cụm công nghiệp làng nghề.
  • Phát triển dịch vụ nông thôn bằng cách xây dựng các thể chế thị trường, du lịch nông thôn. 
  • Xây dựng khu vực doanh nghiệp mang tính xã hội gồm các nhóm hợp tác và hợp tác xã cùng hệ thống an sinh xã hội nông thôn.

Chương trình này phải bắt đầu từ vùng ven đô, là nơi đang xảy ra quá trình đô thị hóa tự phát và tiến hành phát triển nông thôn đi đôi với phát triển đô thị. Việc phát triển đô thị của nước ta hiện nay đang diễn ra không có quy hoạch, và đi đôi với việc đầu cơ ruộng đất. Nhà nước cần chấm dứt tình trạng này để cứu lấy nông dân và an ninh lương thực. Đô thị hoá như hiện nay sẽ làm cho nông thôn kiệt quệ, sẽ dẫn đến mất an ninh thực phẩm, sẽ đánh mất cơ hội biến nước ta thành một cường quốc nông nghiệp, nhất là trong tình trạng giá nông sản đang lên cao trên toàn thế giới.

Cần quy hoạch việc phát triển đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, dùng đô thị vừa để thúc đẩy việc phát triển nông thôn ở các nước đang xây dựng các quy hoạch đô thị - vùng gắn các đô thị với phát triển nông thôn.

(2) Phải xây dựng một chiến lược công nghiệp hoá phù hợp

Quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam hiện nay đang dựa vào ưu thế cạnh tranh là lao động rẻ, đất rẻ và môi trường rẻ. Nếu giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp và nông tn thì sẽ không còn các ưu thế cạnh tranh này nữa; do đấy phải tìm một chiến lược công nghiệp hoá mới dựa chủ yếu vào công nghệ mới và tiềm năng trong nước, nếu không thì việc công nghiêp hoá sẽ thất bại.

Trong chiến lược công nghiệp hoá phải bao gồm cả công nghiệp hoá nông thôn, không phải chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài mà không chú ý đến phát huy đến các tiềm năng trong nước thì sẽ không bền vững. Công nghiệp hoá nông thôn chủ yếu phải nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, năng suất lao động của nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Chiến lược công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hoá nông nghiệp phải thích hợp với điều kiện đất ít người đông, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp.

Việt Nam có một truyền thống công nghiệp nông thôn do các làng nghề phát triển nên. Hiện nay, ở nhiều nơi đang hình thành các cụm công nghiệp làng nghề rất năng động, tìm ra các hướng hội nhập với nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hoá. Việc phát triển cụm công nghiệp của Việt Nam có nguồn gốc từ mô hình Kẻ Chợ và 36 ph phường. Theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến, đây là mô hình Hậu Ford (post-fordism) với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụm công nghiệp. Italia là một nước đã công nghiệp hóa từ các làng nghề, và đã chiếm nhiều ngành công nghiệp hàng đầu thế giới. Các cụm công nghiệp của các nước đã phát triển thành các Hệ thống đổi mới quốc gia (National innovation system), với sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu và giáo dục để tìm ra các ưu thế cạnh tranh. Để có thể đuổi kịp các nước đi trước, không thể chỉ bắt chước những gì mà các nước đã làm, mà phải tạo lấy ưu thế canh tranh riêng của mình.

(3) Sự phát triển xã hội không theo kịp phát triển kinh tế

Trong cải cách, sự phát triển xã hội tách rời sự phát triển kinh tế và được thực hiện chậm hơn, nên xã hội nông thôn còn tồn tại nhiều vấn đề:

Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, phát triển kinh tế là phát triển nông nghiệp, còn phát triển nông thôn là phát triển xã hội. Phát triển kinh tế nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, còn phát triển xã hội gắn liền với nâng cao phúc lợi của nông dân. Trong phát triển kinh tế đem lại lợi ích chủ yếu cho doanh nghiệp, còn lợi ích của nông dân không được chú ý đến, dẫn đến tình trạng nông dân chán sản xuất nông nghiệp, muốn đi tìm việc ở đô thị để nâng cao nhanh thu nhập.

Ở nước ta, thiếu các doanh nhân xã hội thì không thể thực hiện được việc cải cách xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hoá công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hoá với thị trường hoá và tư nhân hoá. Xã hội hoá là huy động sự tham gia của xã hội, của quần chúng. Việc phát triển xã hội chủ yếu phải dựa vào cộng đồng nông thôn, do đấy phải phát triển các thể chế cộng đồng để tiến hành việc phát triển kinh tế và xã hội. Các mạng lưới an sinh xã hội không thể chỉ giao cho doanh nghiệp phụ trách, vì mục tiêu của doanh nghiêp là lợi nhuận.

Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải gắn liền với hoạt động tương trợ, với các tổ chức nông dân. Nhiều vấn đề như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thiên tai và rủi ro của thị trường thì doanh nghiệp đều từ chối vì không có lãi.

Mục tiêu của Nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp là xuất khẩu nông sản, nên giải pháp là chuyên môn hoá, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, trong khi đó nông dân muốn tăng thu nhập chủ yếu phải đa dạng hoá sinh kế.

 vậy, cần phải phát triển một khu vực kinh tế mang tính xã hội. Doanh nghiệp của khu vực kinh tế mang tính xã hội, dùng để chỉ các nhóm người (chứ không phải là vốn), giữ một vai trò kinh tế: Các hợp tác xã, các hội tương trợ và hội quản lý. Các tổ chức này mang tính tự nguyện, không lợi nhuận, hợp tác và đạo đức, độc lập đối với nhà nước.

Doanh nghiệp loại này nhằm cung cấp dịch vụ cho hội viên hay tập thể chứ không vì lợi nhuận, tự chủ trong quản lý, quá trình quyết định mang tính dân chủ, coi trọng con người và công việc hơn là vốn trong việc phân phối thu nhập.

Kinh tế mang tính xã hội còn được gọi là Kinh tế tương trợ, là toàn bộ các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ góp phần vào việc dân chủ hoá nền kinh tế bằng sự cam kết của công dân ở cấp địa phương cũng như toàn cầu. Kinh tế tương trợ không phải là một khu vực kinh tế, mà là một cách giải quyết toàn cầu bao gồm các sáng kiến trong tất cả các khu vực kinh tế, đặt ra một mô hình phát triển khác mô hình tư bản chủ nghĩa dựa trên chủ nghĩa tự do hoá mới.

Tác nhân của nền kinh tế mang tính xã hội là xã hội công dân và các tổ chức nông dân. Các tổ chức nông dân có nhiệm vụ phải hỗ trợ hộ nông dân thực hiện Thương nghiệp công bằng, xây dựng mối quan hệ giữa ngưới sản xuất và người tiêu dùng. Thương nghiệp công bằng chú ý hơn đến “đạo đức” kết hợp trong các dịch vụ buôn bán, là một phong trào chống lại các công ty đa quốc gia. Thể chế thị trường nông sản nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp, theo kiểu nông nghiệp hợp đồng thì sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông; và làm cho thương nghiệp không công bằng, vì giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường. Muốn giải quyết tình trạng này phải phát triển song song cả các HTX có các hoạt động chế biến và buôn bán, thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nguyên nhân chính của thương nghiệp không công bằng là do thiếu thể chế cho phép người sản xuất được tham gia vào quá trình mặc cả để xác định giá, do thiếu các thể chế để thực hiện thương nghiệp công bằng.

Tóm lại, các luận điểm trên đây của GS.VS. Đào Thế Tuấn được đúc rút qua nghiên cứu trong công trình đã đóng góp cho chính sách Tam nông: nông nghiệp-nông dân-nông thôn của Nghị quyết 26. Các luận điểm này cũng vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho hoạch định chính sách Tam nông cho giai đoạn 2021-2030 của Đảng và Nhà nước.